Suy niệm thứ bẩy Tuần 3 Phục sinh năm C
Ga 6, 60-69
Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh từ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn mà còn dư lại mười hai thúng đầy, dân chúng bị choáng ngợp, họ muốn tôn Chúa lên làm vua. Họ phản ứng như thế do sự phấn khích và cũng là để mong được Chúa đáp ứng những nhu cầu thường ngày. Chúa Giêsu biết điều đó, và để tránh những hiểu lầm, Chúa đã lánh đi một nơi khác. Tin Mừng Thánh Gioan thuật lại : “họ lên thuyền đi Capharnaum tìm Ngài”. Họ gặp lại Chúa trong bầu khí thanh thản hơn, Chúa muốn hướng họ đến một điều gì mới mẻ hơn chứ không phải chỉ dừng lại ở những thứ họ đang tìm kiếm. Chúa giải thích cho họ, không phải là : con người phải làm gì để Thiên Chúa ban cho mình những thứ vật chất thường ngày, mà là : Thiên Chúa đang làm gì trong đời sống con người, những công việc Thiên Chúa làm là để đưa con người đến được với ơn cứu độ. Chúa muốn hướng họ, từ Manna trong hành trình về đất hứa, đến Bánh Hằng Sống là chính Thịt và Máu Chúa trên hành trình về Nước Trời, từ lương thực thiết yếu nuôi thân xác đời này đến lương thực thần linh cho sự sống đời đời; từ vật chất sang tinh thần, từ trần thế sang thiêng liêng, từ thực nghiệm sang lãnh vực đức tin luôn là một thách thức mà con người phải vượt qua nếu muốn gặp được Thiên Chúa.
Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay cho thấy, nhiều môn đệ Chúa Giêsu không thể đón nhận được những lời Chúa dạy khi Chúa nói với họ : “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”. Họ chưa thực sự mở lòng mình ra để có thể đón nhận được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện để cứu độ con người, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.(x.Lc 1,37).
Đời sống của Kitô hữu đặt căn bản trên niềm tin Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong cuộc sống con người, đang hiện diện trong Giáo hội, đang tác động trên các Bí Tích và Ngài hiện diện cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh thể. Quyền năng Thánh Thần Chúa đã biến đổi bánh thành Thịt Chúa và rượu thành Máu Chúa, nhiệm tích này Chúa Giêsu đã thực hiện trong bữa tiệc sau hết với các môn đệ và đã truyền phải cử hành để nhớ đến Ngài. Niềm tin vào Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta mỗi ngày gắn bó hơn với Đức Kitô, Ngài chính là hiện thân của Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Sự gắn bó này không chỉ là sự gần gũi, liên kết bên ngoài mà là sự kết hợp trọn vẹn, nên một giữa ta với Chúa, thực hiện điều chúa mong ước : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Chúa ở trong mỗi người chúng ta và trong Bí tích Thánh Thể để người môn đệ được biến đổi nên giống Thầy mình như Thánh Phaolô nói : “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 8,39).
Niềm tin vào Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là nền tảng cho đời sống đạo của kitô hữu trong Giáo hội, vì nếu như chúng ta, một khi không tin Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể, thì khi đó chúng ta cũng không tin vào tình yêu, quyền năng và sự hiện diện của Người nơi Giáo hội là Thân Thể mầu nhiệm mà Chúa Giêsu là Đầu. Vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và Giáo Hội lúc đó, chỉ còn được nhìn như là một cơ chế mang tính con người với những hệ luỵ “không thể nuốt nổi”, nhưng trái lại, Giáo hội phải là Giáo hội của Chúa Kitô: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ .
Nhờ đức tin, chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để Ngài củng cố đời sống đức tin của mỗi người chúng ta ngày càng vững mạnh hơn, hiệp thông trong Giáo hội mỗi ngày một bền chặt hơn, thúc đẩy chúng ta hăng hái ra đi loan Tin Mừng Cứu Độ.
“Đẹp thay trên các núi non
Chân người sứ giả, kẻ loan Tin mừng”
Lm. Đa-minh Đỗ Hữu Nam