SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN B
Mc 7, 24-30 : Chó con cũng được ăn chứ!
(24) Ðức Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. (25) Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. (26) Bà là người Hylạp, gốc Phênixi thuộc xứ Xyria. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (27) Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con." (28) Bà ấy đáp: Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con." (29) Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi. (30) Về đến nhà, bà thấy đứa bé nằm trên giường và quỷ đã xuất.
SUY NIỆM
‘Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó’ như một gáo nước lạnh tạt vào mặt người mẹ tội nghiệp có đứa con gái bị thần ô uế ám. ‘Có bệnh thì vái tứ phương’, bà biết người Do thái không tiếp xúc với dân ngoại như bà; nhưng hằng ngày chứng kiến cảnh quỷ dữ hành hạ con gái thì bà cũng không đành lòng! Có lẽ bà đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi rồi nhưng tiền mất mà tật vẫn mang. Vì thế, tuy Chúa Giêsu đã lánh ra Nước ngoài, đến vùng đất Tyrô và Siđon là nơi chưa ai biết đến Người, thế mà bà này đã biết, đã tìm đến gặp Người. Bà phục lạy Người, một thái độ chỉ dành cho thần minh, thế mà bà cũng chẳng ngại dành cho Người. Ngược lại, thái độ của Chúa Giêsu lại làm cho chúng ta bị ‘sốc’: ‘Hãy để con cái ăn no trước đã,…’.
Lời nói thật xúc phạm! Phân biệt đối xử nặng nề, một bên là con mình, bên kia là con của người. Con mình thì gọi là con, còn con của người thì ví như chó! Có người cắt nghĩa chữ ‘chó’ ở đây dễ thương như một con vật quí, được trọng như câu ví: ‘nhất trẻ con, nhì con chó và thứ ba mới tới đàn ông’. Thế nhưng đó chỉ là những quan niệm của chủng người này hay của xã hội kia chứ không phải là chân lý. Vì thế, có cắt nghĩa cách nào đi nữa thì cũng khó làm giảm tình tiết xúc phạm đến nỗi đau của người mẹ khốn khổ này. Cứ dựa vào câu chữ để cho nỗi đau của bà cũng làn sang cả chúng ta đi; để chúng ta xin Chúa Giêsu phục sinh và đang hiện diện với mỗi người lúc này, giải thích cho ta hiểu ‘tại sao, lúc đó Chúa đã chạm vào nỗi đau như vậy của bà’?
‘Suy bụng ta ra bụng người’, nếu ta phải giữ đồ ăn lại cho con của mình vì không thể bắt con mình nhịn để cho con của người, thì ta từ chối như các cô khôn ngoan: ‘e không đủ cho chúng em và các chị đâu, vậy các chị ra hàng mà mua thì hơn’; thì có lẽ người mẹ này không bị xúc phạm! Chứ từ chối thẳng thừng: ‘thóc đâu mà đãi gà rừng’ thì ‘cạn tầu ráo máng quá’. Nhất nữa lại ở nơi cửa miệng của Thầy Chí Thánh Giêsu, Đấng đã từng mời gọi chúng ta: ‘hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng’. Đấng nhìn thấy dân chúng thôi thì cũng đã chạnh lòng thương rồi: ‘Ta thương họ bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt’. Đấng tự xưng: ‘Ta là mục tử nhân lành’, người mục tử để chín mươi chín con chiên vào nơi trú ẩn an toàn để đi tìm cho bằng được con chiên thất lạc, người mục tử luôn thao thức: ‘Ta còn những con chiên khác không thuộc ràn này, Ta cũng phải đưa chúng về’… vậy mà hôm nay chẳng lẽ Người lại buông ra một lời kỳ thị chủng tộc như vậy sao? Thánh sử Marcô có ghi chú: ‘Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrôphênixi’, nhưng đó đâu phải là một tội để bị cư xử như vậy; và nếu có là một tội, thì cỡ như Lêvi người thu thuế, cỡ như Gia-Kêu trưởng ban thu thuế còn được Chúa ưu ái hơn hết, và Người còn biện minh: ‘người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu, Ta đến để cứu chữa những người tội lỗi chứ không phải là người công chính’. Thế sao hôm nay Chúa lại cư xử nặng nề với người mẹ đau khổ này như thế? Quanh con hôm nay cũng có nhiều phận người đau khổ, trong khi Chúa là Cha nhân từ, quyền phép vô biên, mà chẳng lẽ Chúa cũng từ chối họ? Trong riêng tư, trong thân mật, xin Chúa giúp con hiểu biết Chúa hơn để con yêu mến Chúa hơn, chứ Chúa chẳng phải như con nghĩ đâu!
Ngược lại với những cảm xúc mâu thuẫn ở trên thì lời chấp nhận: ‘thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái’, nơi người mẹ đau khổ này hóa giải tất cả. Bà không bộc lộ cay cú của sự xúc phạm, nhưng là chấp nhận sự thật. Sự thật nơi miệng Đức Giêsu là Chân Lý. Với tư cách là thụ tạo trước Đấng Tạo Hóa mới thốt ra được lời lẽ như bà. Chúa Giêsu đã chả từng nói: ‘các ngươi sẽ chỉ được giải thoát bởi Sự Thật’ là gì, và đối với bà này: ‘vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi’.
Lm Giuse Phạm Đình Hiền