Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 7

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN  VII THƯỜNG NIÊN A

LỜI CHÚA: Mc 9, 38 – 40

imagesCA0I4865.jpg38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giê-su bảo : "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

SUY NIỆM

Câu chuyện

Ông Hai Kền sống ở góc một khu phố thuộc phường Thanh Đa. Ông không có gia đình và sinh sống bằng nghề sửa xe 2 bánh. Thấm thoát từ ngày ông bỏ đất Nghệ An (mảnh đất đã chôn nhau cắt rốn ông) đến nay đã hơn ba mươi năm. Ngày ấy, ông còn là chàng trai mới đôi mươi xuân xanh với biết bao hoài bão ôm ấp trong lòng, nhưng chỉ vì quê ông quá nghèo, ông phải bỏ vào Nam để tìm cách tiến thân. Tuy nhiên cuộc sống đấu tranh sinh tồn thật khắc nghiệt, đã có biết bao sóng gió, bão táp vùi dập đời ông – chàng thư sinh kiêu hãnh –  khiến ông chỉ còn cách sinh kế qua ngày bằng nghề sửa xe. Do nặng óc địa phương, tự tôn về truyền thống quê hương đất văn vật nên ông chỉ kết bạn với những người cùng quê. Đối với ông, Nghệ An là đất sinh những hiền tài, những con người thông minh xuất chúng, còn những người khác ông chỉ nhìn bằng nửa con mắt. Vì vậy, mỗi khi sửa xe mà gặp người cùng quê, ông tỏ ra rất vui vẻ thân thiện, ông sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên cùng quê khi họ khó khăn và nhiều khi sẵn sàng cho họ trọ ở nhà ông miễn phí không lấy tiền. Đối với ông tiếng nói Nghệ An sao mà dễ thương, còn những chất giọng khác nghe có vẻ kỳ kỳ thế nào ấy, nhất là giọng Bắc Bùi Chu thì sao ông thấy ghét quá. Vì thế mà ông có ít bạn bè. Rồi một hôm, ông bị tai nạn xe đụng khi băng qua bên kia đường mua tô bánh canh cho bữa trưa, món bánh canh cá lóc nóng hổi của chị Năm Thu mà ông rất thích. Ông không biết gì sau khi chiếc Honđa phân khối lớn do hai thanh niên điều khiển đụng vào ông. Tỉnh dậy trên giường bệnh, khuôn mặt đầu tiên ông nhìn thấy là một khuôn mặt lạ hoắc của một chàng trai trẻ nhìn ông với vẻ mừng rỡ hiện rõ trên mặt: “A, Ông chú mình tỉnh dậy rồi Khoa ơi!” “Thật sao!” chàng thanh niên tên Khoa từ hành lang bệnh viện chạy vào cùng một vẻ vui mừng như thế. “Chú ơi chú tỉnh rồi à.” “Đã bớt đau chưa chú?” “Chú thấy trong người thế nào rồi?” Ôi! Cái giọng Bắc Bùi Chu dễ ghét! Có lẽ đây là hai tên nghịch tặc tông mình, khi nào khỏi mình phải kiện cho chúng biết tay mới được… - ông thầm nghĩ trong đầu. Tuy nhiên, ông vẫn còn đau lắm và mọi việc cũng chưa rõ ràng, nên ông chỉ ậm ừ rồi nhắm nghiền mắt lại như muốn ‘tuyệt giao’ với thế giới. Hai chàng thanh niên thì thầm: “Chắc chú ấy còn mệt, thôi mình để chú nghỉ đi!” “Ừ!” “Khoa này, chiều nay cậu xin phép cho tớ nghỉ học. Tớ phải ở lại để theo dõi, chăm sóc ông chú xem sao. Chứ cái kiểu này thì hình như chẳng có ai là người thân của ông ở đây!” “Ừ!” “Chiều đến gọi thêm mấy bạn trong đội sinh viên thiện nguyện nữa để có gì thay phiên giúp đỡ cho chú!” “Ừ, yên tâm đi, sao cậu giống má tớ ở nhà thế! Thôi Vũ ở lại nhé, mình đi học đây, kẻo trễ giờ rồi!” “Ừ! Thôi by nhé.” Có lẽ đây là các cậu sinh viên thiện nguyện giúp đỡ ông. Ông cảm thấy hơi hối hận vì đã nghĩ xấu cho họ. Rồi tiếp theo hai tuần sau đó, các sinh viên thiện nguyện đã thay phiên nhau đến chăm sóc ông. Họ là những người có gốc gác thuộc các miền khác nhau nhưng lại có cùng chung chí hướng là phục vụ trong đội sinh viên thiện nguyện. Đặc biệt hai cậu sinh viên Vũ và Khoa dường như ngày nào cũng có mặt hỏi han chăm sóc ông. Khi biết ông cô đơn không người thân, họ còn quyên tiền để giúp đỡ ông. Tấm chân tình của họ khiến ông rất cảm động. Qua những mẩu chuyện trò, ông còn biết họ là những sinh viên rất xuất sắc ở trường. Dần dần ông thấy ‘nhớ’ cái ‘giọng Bắc Bùi chu’ của chàng thanh niên tên Vũ, nhưng sao bây giờ nó không còn dễ ghét nữa, thậm chí ông còn thấy nó hay hay và dễ thương nữa. Từ sau biến cố đó, ông gỡ bỏ được óc cục bộ địa phương, sống cởi mở hơn với mọi người, do đó ông có nhiều bạn hơn và được nhiều người yêu quí hơn.

Óc cục bộ, phe nhóm thường không có tác dụng tích cực. Có những Giáo xứ có nhiều giáo họ mà mỗi giáo họ là gồm những người cùng quê hương xứ sở. Vì mỗi giáo họ có những phong tục, tập quán khác nhau, đã không biết đoàn kết lại còn thường xuyên tranh chấp, lục đục chia rẽ và xung đột, kết quả là đời sống sinh hoạt của giáo xứ khô cứng chết mòn nên không phát triển được. Tuy nhiên cũng có những xứ đạo tương tự, được cha xứ động viên khích lệ đoàn kết, hợp tác nên Giáo xứ phát triển phong phú với nhiều nét đẹp truyền thống và được mọi người khen ngợi. Danh ngôn có câu: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.” Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu sự đoàn kết theo nghĩa kết phe nhóm; sự cấu kết phe nhóm luôn ngầm chứa sự chia rẽ trong thâm tâm con người. Ngày nay người ta thường thích họp lớp, hội đồng hương. Những sinh hoạt này mang tính tích cực và rất đáng khích lệ nếu nó giúp người ta xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn, động viên nhau sống tốt hơn. Tuy nhiên, nếu người ta chỉ họp nhau để nhậu nhẹt, phô trương, khoe mẽ khẳng định mình mà loại trừ kẻ khác và không đi đến một hướng hoạt động tích cực nào thì thật không nên duy trì. Cũng thế nếu không sống tinh thần Tin mừng thì các Hội đoàn, nhóm Đạo đức sẽ trở thành cái ‘mác’ để người ta tôn vinh mình và hạ bệ lẫn nhau. Thời Giáo hội sơ khai cũng đã xảy ra tình trạng lục đục phe nhóm. Vì thế, Thánh Phao-lô trong thư gửi Giáo đoàn Cô-rin-tô nói: “Khi người này nói: “Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô”, và người khác: “Tôi, tôi thuộc về ông A-pô-lô” thì anh em chẳng phải là người phàm tục sao?...Tôi trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1Cr. 3,4.6)

Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã không muốn có những đầu óc phe nhóm, cục bộ nơi những con người phục vụ Thiên Chúa, hoặc nhân danh Ngài để đả kích lẫn nhau. Ngài đã dạy cho các môn đệ biết: Khi người ta nhân danh Ngài để trừ quỉ thì ngầm cho thấy họ đã tin tưởng nơi Ngài, phó thác và kêu cầu Ngài. Do đó không thể lại nói xấu Ngài. Vì như thế khác nào mâu thuẫn với chính mình. Các môn đệ không thể dành Ngài cho riêng họ; nhưng cần biết cởi mở tấm lòng để đón nhận những điều tốt lành nơi người khác. Và bao giờ cũng thế, óc phe nhóm, địa phương, cục bộ làm cho cuộc sống thêm phần khó chịu. Chỉ có tấm lòng bao dung độ lượng với tình yêu thương cởi mở chân thành mới làm cho cuộc sống trở nên phóng khoáng, không gian môi trường nên lành mạnh đem đến hạnh phúc cho con người.

Lạy Chúa Giê-su!

Chúa đã đến để cứu độ, giải phóng chúng con khỏi tội lỗi là hậu quả của sự hẹp hòi, tham lam, đố kỵ, ganh ghét, hận thù, ích kỷ do ma quỉ gây ra. Xin cho mỗi người chúng con có được tấm lòng của Chúa, luôn biết sống bao dung, độ lượng, cởi mở, vị tha, yêu thương chân thành, đặc biệt và trước tiên trong gia đình chúng con; để nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình chúng con trở thành những cộng sự viên luôn biết sẵn sàng cộng tác với nhau trong công cuộc xây dựng, phục vụ nước tình thương của Chúa. Chúng con cũng cầu xin Chúa ban ơn hiệp nhất cho các Giáo hội Ki-tô, và cho mọi thành phần của Giáo hội biết cộng tác với nhau để xây dựng nước Chúa mỗi ngày phát triển và lớn mạnh. Amen.      

Nt. Maria Chinh Anh


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Thường Niên_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Thường Niên_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Thứ baTuần VII Thường Niên A: Đức Giê-su và em bé. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Thứ Hai tuần VII Mùa Thường Niên: ĐỆ NHẤT THẦN LỰC. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên A: NHƯ CHA TRÊN TRỜI. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Thứ Sáu tuần VII thường niên: SỰ THẬT CỦA TÌNH YÊU.Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     Suy niệm thứ Năm tuần VII Thường Niên: GIÁ TRỊ CỦA HY SINH. Dòng Mến Thánh Giá XL
     Suy niệm Thứ Tư Tuần VII Thường niên: KHÔNG LOẠI TRỪ. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Thứ Ba Tuần VII Thường Niên: PHỤC VỤ KHIÊM TỐN. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Thứ 2 tuần VII Thường Niên: “Vấn đề đức tin ?” Nt. Teresa Minh Thùy
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Chinh Anh, OP.