LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI
Sau lễ Hiện xuống, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm và cử hành Mầu nhiệm Ba Ngôi. Thiên Chúa không phải là một đấng trừu tượng, nhưng là Sự Sống, Nhân ái, Khôn Ngoan, và Hiện Diện. Hôm nay trong sự hiệp thông tuyệt vời của Ba Ngôi Thiên Chúa là CHA, CON, THÁNH THẦN, chúng ta cử hành Lịch sử Cứu độ mà Người hoàn tất với chúng ta, cho chúng ta và trong chúng ta.
Sách Châm Ngôn 8,22-31
Trong suốt hành trình Thánh Kinh, trước tiên Thiên Chúa tự mặc khải như là Đấng Siêu việt uy quyền ban truyền Lời cho con người. Sách Châm Ngôn diễn tả sự Khôn ngoan ẩn kín trong Lời được thiết lập trong Người.
Thánh Vịnh 8
Trước nhan Thiên Chúa quyền năng, con người bé nhỏ có thể cảm thấy bị nghiền nát. Thế thì làm sao Người có thể cho họ trở nên ngang hàng với Người được? Trước câu hỏi đó của Tác giả Thánh vịnh, người ki tô hữu trả lời bằng cách qui chiếu đến Chúa Giê su, vừa là người vừa là Thiên Chúa Con ngang hàng với Thiên Chúa Cha.
Thư Rôma 5,1-5
Bản văn nầy diễn tả một trong những ý tưởng nồng cốt của thánh Phao lô liên quan đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Sau khi cảnh báo về sự cám dỗ của con người muốn mặc cả với Thiên Chúa, thánh Phao lô giúp chúng ta khám phá Thiên Chúa như một người Cha yêu thương vô điều kiện và thúc đẩy chúng ta lấy Đức tin tiếp nhận Người. Đó là năng động biến đổi ưu tư thành niềm Hi vọng và mở ra cho Thánh Thần, nguồn suối Tình yêu đích thật.
Tin mừng Ga 16,12-15
NGỮ CẢNH
Đọan văn nầy nằm trong diễn từ Chúa Giê su ban cho các môn đệ sau bữa Tiệc li. Sau khi loan báo Ngài sẽ ra đi, Chúa Giê su hứa gửi Thánh Thần đến với các Môn đệ như Đấng Bào chữa (16,5-7). Người sẽ tố cáo sự lầm lạc của thế gian (16, 8-11). Và chính Người cũng sẽ dẫn các môn đệ đi vào một giai đoạn mới, trong đó họ sẽ hiểu rõ hơn mầu nhiệm về Chúa Giê su (16,12-15).
TÌM HIỂU
Anh em không có sức chịu nỗi: trước khi Chúa Giê su được tôn vinh, các môn đệ không thể nào hiểu được mầu nhiệm về Ngài (x. 16,4).
Sự thật toàn vẹn: nghĩa là mạc khải toàn vẹn về Thiên Chúa được diễn tả trong mầu nhiệm Phục sinh. Chúa Thánh Thần phục vụ Thiên Chúa và Con (16,15) sẽ hướng dẫn suy tư của Hội Thánh qua nhiều thế kỉ suy niệm đào sâu về những biến cố ấy. Người sẽ đưa Hội Thánh càng ngày càng vào trong sự hiểu biết chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Con.
Những điều sẽ xảy đến: Chúa Thánh Thần sẽ giúp các môn đệ đi sâu vào mầu nhiệm Phục sinh. Càng lúc Thánh Thần càng giúp cho các môn đệ có khả năng đọc các biến cố dưới ánh sáng đức tin. Nhờ Người, mọi ki tô hữu là “tiên tri” (x. Cv 2,17-18 trích dẫn Ge 3,1-5).
Người sẽ tôn vinh Thầy: Thông thường, Gioan nói rằng Cha tôn vinh Con. Ở đây, ngược lại tác giả nói về Thánh Thần rằng Người sẽ hoàn tất sứ mạng phục hồi cho Ngài khi kết thúc cuộc âm mưu chống lại Chúa Giê su. Ba lần, tác giả lặp lại rằng Thánh Thần “sẽ loan báo cho các con”, có nghĩa là “sẽ giúp cho các con biết”. Thánh Phao lô diễn tả cùng một ý tưởng đó một cách khác: “Không ai có thể nói: Chúa Giê su là Chúa nếu không có Thánh Thần gợi hứng” (1 Cr 12,3). Niềm tin vào Chúa Giê su sống động là một ơn của Thánh Thần.
Người sẽ lấy những gì là của Thầy: đây là đọan văn duy nhất trong Tân Ước nói rằng Thánh Thần được diễn tả là ở trong sự lệ thuộc vào Con (x. 14,26). Người sẽ không nói gì thêm về điều mà Chúa Giê su đã công bố, như thế Con không làm gì khác hơn là diễn tả Cha (x. 14,10).
Cha: tất cả những gì mà Thánh Thần lấy từ Con cũng từ Cha mà ra cả.
SỨ ĐIỆP
Trong ngày lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mừng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, Thiên Chúa là Tình yêu. Có người nghĩ đến những gì mà ngày xưa họ đã học biết trong các lớp giáo lí. Có người nhớ lại những câu trả lời mà họ thuộc lòng. Người ta đã cố gắng diễn tả mầu nhiệm nầy dưới hình thức ba vòng tròn giao nhau. Nhưng thực tại của Thiên Chúa luôn luôn vượt qua tất cả những gì mà chúng ta có thể nói về Người cũng như những hình ảnh nghèo nàn mà chúng ta có thể vẽ ra. Chính từ ngữ “Ba Ngôi” không có trong Kinh Thánh. Chúng ta dùng từ đó vì không có từ nào đúng hơn để chỉ mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta muốn biết Thiên Chúa là ai, trước tiên cần phải gặp Người và lắng nghe lời Người phán dạy. Tòan bộ Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa đến gần chúng ta. Người không chỉ phán dạy chúng ta biết Người là ai. Người còn đến gặp chúng ta qua Chúa Giê su là Con của Người. Ngài đã mang lấy thân phận con người ngọai trừ tội lỗi. Toàn bộ sách Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giê su đã được thu hút bởi Đấng mà Ngài gọi là Cha Ngài. Ngài thường lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện lâu giờ. Ngài cầu nguyện ở vườn Cây dầu như sau: “Lạy Cha, đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha!”. Một ngày nọ, Ngài nói: “Lương thực của Thầy là làm theo thánh ý của Cha Thầy”. Cuộc sống của Đức Ki tô tràn đầy tình yêu đối với Cha và trong tình yêu đó Ngài được hạnh phúc.
Rồi chúng ta có chứng từ của các Tông đồ. Họ sẽ thấy Ngài có những hành vi của một vì Thiên Chúa, có những thái độ của Thiên Chúa. Chắc chắn, họ sẽ là chứng nhân cho sự thánh thiện của Ngài và tri thức về Thánh Kinh của Ngài. Nhưng điều làm họ ngạc nhiên hơn cả, đó là thấy Ngài tha tội, điều khiển gió bão và biển. Chứng kiến những sự việc ấy, các tông đồ đã phải thốt lên: “Ngài là Thiên Chúa. Ngài là đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở giữa chúng ta”. Sau phục sinh. Đức tin của họ lại càng rõ rệt hơn. Họ nhận ra Thầy Giê su mà họ đã đi theo là Chính Con Thiên Chúa.
Ngày Thăng Thiên, Ngài tỏ mình ra cho họ lần cuối cùng, rồi Ngài biến mất trước cặp mắt đăm đăm nhìn Ngài. Vài ngày trước đó, Ngài đã hứa với họ rằng Ngài sẽ không để họ mồ côi: “Ta sẽ sai Thánh Thần hướng dẫn anh em vào chân lý vẹn tòan”. Đó là ơn ban Thánh Thần mà chúng ta đã mừng vào ngày Hiện Xuống. Ngài đã hướng dẫn các tông đồ đến với chân lí ấy, nhắc cho họ nhớ và giúp cho họ hiểu tất cả những gì mà Chúa Giê su đã nói và đã dạy. Ngài là sức mạnh cho những người được rửa tội và các chứng nhân tử đạo. Bấy giờ họ hiểu rằng Thánh Thần là một ngôi, một Đấng sống động, giống y như Cha và Con.
Cũng như Chúa Giê su, chúng ta đựoc mời gọi làm cuộc vượt qua từ cõi chết để đi vào vinh quang phục sinh của Ngài. Nếu chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, chúng ta phải đi theo Ngài trên đường mà Ngài đã chỉ cho chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta được mời gọi thông phần hạnh phúc với Ngài. Đức Ki tô phục sinh tiếp tục trở thành người lân cận của mỗi người chúng ta. Ngài đến để hướng dẫn chúng ta trên con đường về với Cha. Ngài đã hứa ở với tất cả chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một lời đáp trả xứng đáng với tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta.
Chính nhờ vậy mà dần dần chúng ta khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa độc nhất trong Ba ngôi. Lời nói bập bẹ vụng về của chúng ta không đủ sức để nói lên mầu nhiệm ấy. Đối với người Ki tô hữu, tin vào Đức Ki tô, chính là khẳng định rằng Ngài là Thiên Chúa, ngang bằng với Chúa Cha trong mọi sự. Đó là Thánh Thần, ngang bằng với Cha và Con trong mọi sự. Con đã tỏ cho chúng ta biết Thanh Thần ngang qua hành động của Người trong chúng ta và trong Giáo Hội. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một đấng xa xôi. Người là Đấng đến gặp gỡ chúng ta để nói với chúng ta tình yêu điên dại của Người.
Ngày hôm nay, tất cả chúng ta được sai đi làm chứng cho những kì công của Thiên Chúa. Sứ mạng của chúng ta, đó là tiếp tục những gì mà Chúa Giê su đã làm, và để được vậy, Người đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, để Người hướng dẫn chúng ta đến Chân lí vẹn toàn. Để loan báo tin mừng, điều quan trọng không phải là có những khả năng trí thức; mà là được đầy tràn tình yêu của Thiên Chúa và muốn thông truyền cho người khác. Tất cả khởi đầu ngay lúc mà chúng ta đến tái kín múc tận nguồn ơn thánh, trong kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa và nhất là Thánh Thể. Chính bằng cách ấy chúng ta mới có thể trở thành một Giáo hội hiện xuống.
Lạy Chúa, xin Thánh Thần Chúa ở với chúng con để giúp đỡ chúng con lãnh nhận tình yêu đến từ Chúa; xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh và can đảm để chúng con là nhân chứng trong suốt cuộc đời chúng con!
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Bài đọc một nói về sự gì?
THƯA: Bài đọc một nói về sự Khôn ngoan của Thiên Chúa hiện diện ngay từ đầu như một nhân vật mầu nhiệm: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người” (8,22).
2. HỎI: Giữa Thiên Chúa và Khôn ngoan có một tương quan nào không?
THƯA: Giữa Thiên Chúa và Khôn Ngoan có một tương quan rất mật thiết. Do thái giáo tin vào một Thiên Chúa độc nhất nên không bao giờ nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng dường như ở đây đức tin cảm nhận rằng ngay trong lòng Thiên Chúa là Một, có một mầu nhiệm đối thoại và hiệp thông.
3. HỎI: Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì nơi sự Khôn Ngoan?
THƯA: Trong đoạn sách Khôn ngoan nầy, từ “Trước khi” được lặp đi lặp lại nhiều lần, cho thấy tác giả muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên của Khôn Ngoan đối với toàn thể tạo thành: “ Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất” (8,22).
4. HỎI: Khôn ngoan có vai trò nào trong tạo thành không?
THƯA: Có. Khôn ngoan có một vai trò trong việc tạo thành: “Đã có Ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời.. Ta hiện diện bên Người như tay Thợ cả” (8,25,30).
5. HỎI: Bài sách Khôn Ngoan nầy dạy ta điều gì?
THƯA: Bài sách Khôn Ngoan dạy ta ba điều: một là, từ khi bắt đầu hiện diện, nhân loại và vũ trụ được gìn giữ trong sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Hai là, vũ trụ được tạo thành không hỗn độn vì sự Khôn Ngoan là Người Thợ cả. Ba là nếu Thiên Chúa không ngừng tiếp tục đề nghị Giao Ước tình yêu của Người, chính là vì “Người tìm được niềm vui với con cái loài người” (8,31).
6. HỎI: Tại sao đoạn sách Khôn ngoan nầy được đề nghị đọc trong lễ Ba Ngôi Thiên Chúa?
THƯA: Dù không có một từ nào nói về Ba Ngôi nhưng được chọn đọc trong lễ Mừng Ba Ngôi Thiên Chúa, là vì đoạn sách Khôn ngoan ấy đã cho các Tác giả Tân Ước thấy hình ảnh của Ngôi Hai ngang qua Sự Khôn Ngoan hiện diện trước khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ. Nhờ đó mà sau nầy Thánh Gioan đã viết: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
7. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Chúng ta đang ở trong bầu khí bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giê su và các môn đệ: Ngài nói lời từ biệt và chuẩn bị các ông đón nhận các biến cố sắp xảy ra. Ngài mạc khải tất cả về mầu nhiệm của Ngài, nhưng có nhiều điều mà các ông vẫn chưa hiểu được, vì lúc bấy giờ họ chưa có sức mang nỗi.
8. HỎI: Chân lí là gì?
THƯA: Chân lí là mục tiêu phải đạt tới chứ không phải là điều đã sở đắc được. Vì thế không ai trong chúng ta có thể tự hào mình sở hữu toàn bộ chân lí. Đàng khác, chân lí không thuộc bình diện tri thức, nó không phải là một kiến thức, mà thuộc bình diện kinh nghiệm cuộc sống, vì chính Chúa Giê su nói: “Ta là Sự thật”.
9. HỎI: Tại sao ở câu Ga 15, 15 Chúa Giê su nói: “Tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”, còn ở đây, Ngài lại nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”?
THƯA: Chắc chắn Chúa Giê su đã nói hết mọi sự cho các môn đệ, vì Ngài là Lời của Cha (Ga 1,1.14), là mạc khải hoàn hảo của Cha, và không gì mới để Chúa Thánh Thần mạc khải thêm. Nhưng để họ có thể hiểu được, thì Ngài phải nhờ Thánh Thần nói lại, cắt nghĩa thêm, giúp họ dần dần hiểu rõ tất cả những gì Ngài đã nói.
10. HỎI: Tại sao Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Chân lí?
THƯA: Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài sẽ hướng dẫn các môn đệ khám phá toàn bộ chân lí. Đó là chân lí cứu độ, là con đường sống, là qui tắc hướng dẫn cuộc đời của họ, giúp họ xứng đáng nhận lãnh ơn Cứu độ Thiên Chúa ban. Chúa Thánh Thần không dạy điều gì mới, nhưng chỉ lặp lại và giải thích giáo huấn mà Chúa Giê su đã truyền dạy.
11. HỎI: Chúa Thánh Thần còn có vai trò gì nữa không?
THƯA: Ngoài việc nhắc lại và giải thích giáo huấn của Chúa Giê su, Chúa Thánh Thần còn soi sáng những biến cố tương lai, bằng cách giúp các môn đệ áp dụng giáo huấn đã biết vào những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
12. HỎI: Chúng ta tìm thấy học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi ở đâu?
THƯA: Trong Kinh Thánh và đã được diễn tả trong Kinh Tin Kính từ những thế kỷ Kitô hữu tiên khởi.
13. HỎI: Có thể trích dẫn một số Kinh Tin Kính của đức tin Kitô giáo không?
THƯA: Vâng, Kinh Tin kính Athanasiô dạy rằng: “Chúng ta tin và thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi ... Tuy nhiên, không phải là ba Thiên Chúa”. Đức Giám Mục Athanasiô được kể vào số các giáo phụ của Giáo Hội. Ngài sinh ra ở Alexandria năm 295, nhờ được hấp thụ nền văn chương cổ điễn và thần học Ngài đã trở thành một người bảo vệ không mệt mỏi cho đức tin Kitô giáo đích thực. Vì nhiệt thành chống lại các dân ngoại và lạc giáo nên cuối cùng Ngài đã bị lưu dày hai mươi năm.
14. HỎI: Nhưng "Đức Chúa Trời Ba ngôi" là một từ không có trong Kinh Thánh?
THƯA: Đúng. Dù vậy, Kinh Thánh có các yếu tố cấu thành đức tin Thiên Chúa Ba Ngôi được tất cả các Kitô hữu chân thật tuyên xưng và bị các bè rối Kitô giáo từ chối.
15. HỎI: Đâu là các yếu tố tạo thành ấy?
THƯA: Đó là một Thiên Chúa độc nhất đã tỏ mình ra cho chúng ta nhận biết trong Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.
16. HỎI: Chúng tôi có thể tìm thấy giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi ở đâu trong Kinh Thánh?
THƯA: Trong khoảng 40 văn bản. Một trong số ấy là đoạn kết thúc Tin Mừng Thánh Mát thêu: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19). Khi nói: “... rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” Chúa Giêsu gán các hiệu quả của Bí tích Rửa tội cho Ba Ngôi Thiên Chúa.
17. HỎI: Thánh Phaolô dạy giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi trong các thư của ngài?
THƯA: Đúng, trong khoảng ba mươi văn bản. Trong thư 1 Cr 12,4-5 Ngài viết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”. Trong đoạn văn này, ngài dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa độc nhất. Thật vậy, công việc cứu chuộc chúng ta được gán cho Cha như nguồn phát sinh, nhưng được thực hiện qua các ơn ban của Chúa Thánh Thần và quyền thống trị của Con, đấng điều khiển mọi sự.
18. HỎI: Kế hoạch cứu rỗi là công việc của mỗi Ngôi?
THƯA: Toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa là công việc chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật vậy, Ba Ngôi vì có một bản tính duy nhất và như nhau, do đó cũng có một công việc duy nhất và như nhau. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên tắc sáng tạo, nhưng một nguyên tắc duy nhất. Tuy nhiên, mỗi ngôi Thiên Chúa hoàn thành công việc chung theo đặc tính riêng của mình. Việc Chúa Con Nhập thể và Chúa Thánh Thần ơn ban là những nhiệm vụ thần linh đặc biệt cho thấy các thuộc tính của các ngôi Thiên Chúa. Mục tiêu tối hậu của toàn bộ Nhiệm cục Thiên Chúa là làm sao tất cả các tạo vật được vào trong sự độc nhất hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi.