Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 8

CHÚA BA NGÔI–TÌNH YÊU CHÂN THẬT

Lm. Giuse. Đỗ Đức Trí

chua-ba-ngoi-trinity.jpgKính thưa quý OBACE, thường khi nói tới tình yêu, nhiều người chỉ nghĩ đến tình yêu đôi lứa mà quên không nhắc đến những tình yêu khác như tình yêu của cha mẹ hy sinh vất vả một đời cho con cái, hoặc như tình yêu thảo hiếu, kính trong mà con cái dành cho cha mẹ, người ta cũng ít nhắc đến tình yêu của anh em bạn bè dành cho nhau, dù có những tình bạn cũng đã đi vào thi ca sử sách. Cũng có không ít người còn hiểu sai về tình yêu hoặc giới hạn tình yêu vào một phạm vi nào đó, hoặc ngày nay khi yêu, người ta cân nhắc tính toán thiệt hơn, trong khi đó, bản chất của tình yêu là không giới hạn, không tính toán thiệt hơn, một khi yêu mà còn tính toán, thì đó là một thứ tình yêu giả dối, lợi dụng, tình yêu đích thật luôn đòi sự chân thật và quảng đại.

Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính một trong những màu nhiệm chính yếu trong niềm tin của chúng ta, và đồng thời mời gọi chúng ta sống theo mẫu gương yêu thương của Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương nhân loại bằng một tình yêu quảng đại chân thành.

Màu nhiện Thiên Chúa Ba Ngôi mãi mãi là một màu nhiệm vượt xa khỏi sự suy tưởng lý luận theo kiểu toán học của con người. Dù là một Màu nhiệm khó hiểu bằng trí óc, nhưng màu nhiệm này lại trở nên dễ đón nhận cho những người tiếp cận bằng trái tim, tức là bằng tình yêu, vì màu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là màu nhiệm của Tình yêu, nên chúng ta cũng chỉ có thể được màu nhiệm này bằng tần số của tình yêu mà thôi.

Trước hết, Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa yêu thương tạo dựng, Ngài đã muốn cho con người có mặt trên thế gian này, song lại không muốn cho con người sống chơ vơ ở giữa hoang mạc, nhưng Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ muôn vật muôn loài như là môi trường sống để trao tặng cho con người, và còn cho muôn loài muôn vật khác trở nên bạn hữu với con người, hơn thế nữa, Ngài đã làm tất cả mọi sự để cho con người được hạnh phúc. Giống như một người cha khi bồng ẳm đứa con, ông hạnh phúc vì nó là con của ông, là máu thịt của ông, và ông sẽ càng hạnh phúc hơn nữa khi ông nhìn thấy gương mặt của ông trên khuôn mặt đứa con của mình, và ông sẽ sẵn sành hy sinh tất cả để con mình được sống và được hạnh phúc, thì Thiên Chúa cũng vậy, khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã không ngần ngại để đặt hình ảnh của mình trên gương mặt của con người, và cho con người được nên giống như Ngài. Giống hình ảnh của Thiên Chúa, tức là con người giống không chỉ ở ngoại hình, mà con giống Thiên Chúa ở khả năng yêu thương và có một trái tim biết yêu thương. Sách Châm Ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa như người Cha hạnh phúc vui đùa với con cái, và Đức Khôn Ngoan giống như một đứa con của Thiên Chúa, giúp đỡ Thiên Chúa như một người con giúp đỡ cha mẹ, và còn tung tăng chạy nhảy trước mặt Thiên Chúa với con cái loài người.

Nếu như Chúa Cha được tôn vinh là Tinh Yêu Sáng Tạo, thì Chúa Con được tôn vinh là tình Yêu Cứu Chuộc. Trong cuộc sống nhiều người cảm thấy mủi lòng trước những cuộc tình của những đôi bạn trẻ đã dám liều sống liều chết để đến được với nhau, thế nhưng có một chuyện tình của một Thiên Chúa, một hoàng tử vua trời đã bỏ ngai vàng, địa vị quyền thế, để đeo đuổi một cuộc tình với con người, thì người ta lại ít nhắc đến. Đó chính là câu chuyện của vị Thiên Chúa làm người mang tên là Giêsu, một vị Thiên Chúa yêu con người đến độ dám chấp nhận cởi bỏ vinh quang danh dự, để mang lấy thân phận con người, để có thể yêu thương và chia sẻ cùng một nhịp sống với con người. Hơn nữa, để cứu nhân loại khỏi rơi vào cảnh chết chóc, Ngài đã chấp nhận giành cái chết về cho mình, đem thân che chở cho con người, là những kẻ Ngài yêu thương được sống, Ngài đã sống lại lên trời không phải là bỏ rơi con người, nhưng Ngài khai đường mở lối cho con người được bước vào vinh quanh nước trời với Người.

Chúa Thánh Thần được gọi là Tình Yêu Thánh Hóa, tình yêu luôn có sức mạnh biến đổi con người, là động lục giúp con người vượt qua thăng trầm của cuộc sống và vui hưởng cuộc sống. Tin Mừng cho thấy Chúa Thánh Thần đã thực hiện tất cả những điều đó trong cuộc đời của từng người và của cả Giáo Hội, dẫn Giáo Hội đi trên con đường sư thật vì Chúa Thánh Thần còn là Thần của Sự Thật: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tời sự thật toàn vẹn. Chúng ta có thể thấy sự hoạt động liên tục của chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, giúp Giáo Hội trở thành nhân chứng cho sự thật và là người bênh vực cho sự thật và chân lý. Cũng vì trở thành người nói lên sự thật và bênh vực cho sự thật mà Giáo Hội đã bị người đời và các thế lực của sự dối trá ghét bỏ và tìm cách làm hạt Giáo Hội, nhưng vì có Chúa Thánh Thần hằng hiện diện để bênh vực và gìn giữ nên Giáo Hội đã không hề chùn bước nhưng vẫn trung thành với sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó.

Thưa quý OBACE, Thư Roma còn cho thấy Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban chúng ta, để canh tân đổi mới, ban cho chúng ta tình yêu và sức sống mới, giúp chúng sống những gì Đức Giêsu đã dạy và loan truyền giáo lý của Ngài cho muôn dân. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi tôn thờ một Thiên Chúa là Cha-Con và Thánh Thần, Đấng đang hiện diện trong tâm hồn chúng ta, đồng thời nhận ra sự hoạt động của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời và tuyên xưng màu nhiệm cao trọng này trong đời sống thường ngày.

Tôn vinh Thiên Chúa Cha, chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân tạo dựng, mà Chúa đã ban cho chúng ta, Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Ngài, cho chúng ta có cha mẹ, có anh chị em, có một mái ấm gia đình, Ngài còn ban cả vũ trụ này cùng muôn vật muôn loài cho chúng ta. Các bậc làm cha mẹ hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho các vị được tham dự vào thiên chức làm cha của Chúa, được cộng tác với Ngài trong việc sinh sản và giáo dục con cái, và được ban tặng một trái tim độ lượng để có thể yêu thương và chăm sóc cho con cái.

Tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa, chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân cứu độ mà Đức Giêsu đã đem đến cho chúng ta qua cái chết của Ngài. Đức Giêsu đã yêu chúng ta đến nỗi trao ban cho chúng ta sư sống của Ngài, đã chỉ cho chúng ta con đường hạnh phúc, và vẫn tiếp tục hiện diện để nâng đỡ an ủi chúng ta trên hành trinh trần thế. Tạ ơn Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa vì Ngài đã chấp nhận trở thành bạn hữu thành người đồng hành với chúng ta và cũng chính Ngài đã dạy chúng ta bài bài học yêu thương và phục vụ, để từ đây chúng ta noi gương Ngài phục vụ và yêu thương, tha thứ và đón nhận lẫn nhau trở nên anh em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa.

Tôn vinh Chúa Thánh Thần là Tình Yêu là Thần Chân lý, xin Ngài dạy chúng ta biết sống tình yêu thương trong thế giới hận thù gian ác này, xin Ngài dẫn chúng ta trên con đường của sự thật, dám sống và bênh vực cho sự thật, sự thật về Thiên Chúa yêu thương nhân loại, sự thật về con người đã được Thiên Chúa tạo dựng, cứu độ và thánh hóa. Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa, xin Ngài biến đổi và thánh hóa chúng ta để chúng ta sống thánh ngay trong gia đình, trong xóm ngõ và trong môi trường làm việc, để qua đời sống tốt lành, qua việc sống ngay thẳng và sống sự thật, chúng ta trở thành nhân chứng về Thiên Chúa là Đấng tốt lành và chân thật vô cùng.

Xin Chúa giúp cho mỗi người khi làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta làm một cách nghiêm trang sốt sắng, vì mỗi khi làm dấu là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi đang hiện diện và làm chủ cuộc đời chúng ta. Amen

 

SỐNG MẦU NHIỆM BA NGÔI

Lm. Nguyễn Nguyên

Chúng ta vừa trải qua một mùa đại lễ phục sinh. Hôm nay, phụng vụ giáo hội đưa chúng ta về lại với nhịp sống bình thường của mùa thường niên. Khởi đầu mùa thường niên, giáo hội mời gọi chúng ta mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi. Khi nói đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi có lẽ mỗi người trong chúng ta thường nhớ lại bài học giáo lý ngày xa xưa, ở đó, Chúa Ba Ngôi thường được ví như một hình tam giác đều, có ba góc bằng nhau. Hay được so sánh Chúa Ba Ngôi với nước ở ba thể: khí, lỏng và rắn. Nhưng, tất cả những lối so sánh ấy dường như quá khô khan, vì không phản ánh một cách trung thực và sống động hình ảnh thật sự của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy làm sao hiểu được Thiên Chúa Ba ngôi? Làm sao hiểu được chỉ một Chúa duy nhất, nhưng lại có Ba Ngôi phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Câu trả lời đúng nhất chỉ có thể là: nhờ qua Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu.

Thật vậy, qua Chúa Giêsu, Ngài đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm ấy khi Ngài gọi Thiên Chúa là Cha của mình, nhưng đồng thời Ngài cũng cho biết: “Ta và Cha Ta là một”. Và điều làm cho Ta và Cha Ta là một lại là chính Chúa Thánh Thần. Như vậy, qua Chúa Giêsu, dung mạo của Ba Ngôi Thiên Chúa, mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa không còn là một bức tường thành kiên cố bất khả xâm phạm, nhưng đã được tỏ hiện. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa cao vời đã trở thành gần gũi, thân quen, thành một bác thợ nghèo nơi làng quê Nazareth, thành một người anh em giữa cộng đồng nhân loại. Ngài đến với con người bằng đôi chân không mỏi mệt trên mọi lối nẻo đường để loan báo Tin mừng, bằng đôi tay ân cần sẻ chia và trao tặng, bằng ánh mắt cảm thông nâng dậy những gì là yếu đuối của phận người đầy giới hạn. Và khi giang rộng đôi tay trên đồi cao thập tự, Ngài trở thành cánh cửa dẫn đưa cộng đồng nhân loại đi vào gia đình Thiên Chúa.

Như vậy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề để con người có thể nghiên cứu, đo đếm và xác định bằng trí tuệ vốn bất toàn, giới hạn, mà là để chúng ta sống. Vì nếu chỉ học về Ngài để làm giàu kiến thức, Thiên Chúa vẫn mãi là một vị thần xa lạ. Nếu kiếm tìm Thiên Chúa trong kinh nguyện như một thói quen máy móc và hình thức, chúng ta sẽ mãi xa Ngài. Và niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ mãi chỉ là một công thức khô khan xa lạ, bao lâu niềm tin ấy chỉ dừng lại ở cử chỉ làm dấu thánh giá như một thứ bùa hộ thân. Niềm tin ấy cũng sẽ chỉ là một thứ lý thuyết vô hồn, bao lâu việc giữ đạo chỉ co cụm lại trong 4 bức vách nhà thờ, chứ chưa đâm chồi kết nụ thành một cung cách sống điều mình tin giữa đời thường cuộc sống.

Thế cho nên, khi tỏ bày cho con người mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Giêsu không phải thách thức trí khôn con người mà Ngài muốn mời gọi mỗi người chúng ta sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài mời gọi chúng ta bước vào gia đình Ba ngôi để sống hiệp thông như Ba ngôi Thiên Chúa. Nơi đó, con người không chỉ gọi Thiên Chúa là Cha, mà còn biết nhận ra nhau như anh em một nhà, biết chấp nhận những khác biệt của người khác bằng tấm lòng bao dung, nhân ái, để không còn làm khổ nhau vì ích kỷ, tham lam. Nơi đó, con người sẵn lòng bỏ qua hiềm khích, loại trừ chia rẽ, đố kỵ để dựng xây tình huynh đệ, khi biết nắm tay nhau trong cảm thông, tha thứ. Nơi đó, con người sống bằng sức sống của Thiên Chúa sáng tạo và đổi mới. Lối sống không dựa cậy, không lượng giá nhau trên tiền tài danh vọng, không đánh đồng phẩm giá con người bằng những con số, nhưng sống với nhau bằng tấm lòng và trái tim Thiên Chúa.

Có như thế, chúng ta mới làm chứng cho mọi người thấy tấm lòng của Đấng là Ba, nhưng đồng thời cũng là Một, là chúng ta đang làm chứng về một vị Thiên Chúa không chỉ có trong quá khứ hay trong chuyện cổ tích thần tiên, nhưng là một Thiên Chúa luôn ở bên cạnh con người.

Vì thế, dâng thánh lễ hôm nay, mỗi người chúng ta hãy xin Chúa cho tình yêu của Ba Ngôi liên kết chúng ta nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin Thánh Thần của Chúa Giêsu–Đấng nhờ Ngài mà chúng ta mới có thể gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi”, dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Để cuộc đời tuy còn lắm chông gai thách đố nhưng sẽ rạng ngời niềm vui và hy vọng, khi chúng ta biết xích lại gần và thương yêu nhau như lòng mong ước của Đấng chúng ta mừng kính hôm nay. Amen.

 

MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG VÀ CHIA SẺ

LM ĐAN VINH-HHTM

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 16,12-15

(12) “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. (13) Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. (14) Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (15) Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng của thánh Gio-an hôm nay trích từ bài diễn từ giã biệt, trong đó, Đức Giê-su trăn trối tất cả những chân lý mặc khải cho các môn đệ, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Như một ông Thầy hiểu biết mức độ lãnh hội giới hạn của các môn đệ, Đức Giê-Su đã hứa ban Thần Khí Sự Thật đến để soi sáng cho các ông và dẫn đưa các ông đến sự thật toàn vẹn. Thần Khí Sự Thật đó chính là Chúa Thánh Thần.

3.CHÚ THÍCH:           

-C 12-13: + Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi: Chân lý đức tin đã được Đức Giêsu mặc khải, nhưng các môn đệ lại chưa có khả năng lãnh hội được, vì các ông chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm về một Đấng Thiên Sai trần tục của dân Do thái thời bấy giờ. + Khi nào Thần Khí Sự Thật đến. Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Vào lễ Ngũ Tuần, nhờ Chúa Thánh Thần tác động nên các ông đã hiểu biết toàn vẹn các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vai trò của Chúa Thánh Thần là hướng dẫn, soi lòng mở trí các môn đệ nhận biết sự thật. + Tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói những gì khác với Đức Giêsu. Do đó, tất cả những điều người ta nghĩ về Thiên Chúa mà khác với lời dạy của Đức Giê-su như các Tông đồ rao giảng, thì đều sai lầm như Tin mừng của Gio-an có đọan viết như sau: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có... Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,14.17-18).

-C 14-15: + Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy: Mọi sự đều bắt nguồn từ Chúa Cha, thể hiện nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa. + Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em: Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục soi lòng các Đức Giáo hoàng kế vị Tông đồ Phê-rô và các Giám mục kế vị các Tông đồ khác khi họp Công Đồng Chung. Do đó, giáo huấn của các ngài về đức tin và luân lý đều được Thánh Thần soi dẫn hợp với Lời dạy của Chúa Giê-su, nên tuyệt đối không sai lầm được.

4.CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ lại không thể hiểu hết những Lời Đức Giê-su rao giảng trong thời gian Người giảng đạo? 2) Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt đối với các môn đệ của Đức Giê-su? 3) Ngày nay giáo huấn của các Đức Giáo Hòang và Công đồng chung về đức tin và luân lý có thể sai lầm được không? Tại sao?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2.CÂU CHUYỆN: CHÍNH TÔI ĐÃ GẶP THẤY NGƯỜi.

Hồi ấy AN-RÊ PHỐT-SA (André Foissard) là một sinh viên thuộc một gia đình vô tín ngưỡng. Thân phụ ông là người vô thần, cố tình để trên bàn học của con các sách báo có nội dung bài bác đạo Công giáo để con cũng đi heo sự vô tín của mình. Nhưng dù sống trong môi trường vô tín như thế, Phốt-sa vẫn đạt tới đức tin nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Một hôm, anh đi vào nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri để tìm một người bạn. Cặp mắt của anh tình cờ nhìn thấy tượng Chúa Giê su đang chịu đóng đanh trên cây thập giá. Lập tức anh đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Anh đã đứng dưới chân cây thập giá ấy một hồi lâu và những giọt nứơc mắt cứ tự nhiện lăn dài trên má. Bấy giờ anh cảm thấy mình như một đứa con đi lạc trong một thời gian dài, vừa tìm thấy người cha thân yêu. Sau này anh đã thuật lại biến cố ấy trong một tác phẩm thời danh là “Quả thật có Thiên Chúa. Chính tôi đã gặp Ngài”.

3.SUY NIỆM:

- NHẬN BIẾT CÓ THIÊN CHÚA: Với trí khôn suy luận theo nguyên lý nhân quả, người ta có thể biết có Đấng Tạo Hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp, người ta còn cảm nhận được sự hiện hữu của Người, như trong câu chuyện của ông An-rê Phốt-sa nói trên.

- HIỂU BIẾT VỀ THIÊN CHÚA: Chính nhờ Đức Giê su, loài người mới hiểu biết rõ ràng về Thiên Chúa. Chẳng hạn Thiên Chúa chỉ là Một nhưng Ngài lại có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha yêu Chúa Con từ trước muôn đời và đã sai Chúa Con xuống trần gian làm người gọi là Đấng Thiên Sai. Chúa Thánh Thần là Chúa Ngôi Ba, là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa con. Như vậy Thiên Chúa không những là Đấng Độc Nhất (x. Xh 20,2-3), mà Ngài còn là Ba Ngôi. Như các thành viên trong một gia đình, Ba Ngôi luôn hiệp thông mật thiết với nhau và chia sẻ cho nhau mọi sự mình có (x Ga 16,15).

- CÁC BẰNG CHỨNG VỀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG TÂN ƯỚC:

+ Trong cuộc Thần hiện tại sông Gio-đan: Tin mừng Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khi Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự xuống trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).

+ Khi nói chuyên với ông Ni-cô-dê-mô: Đức Giêsu đã mặc khải về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cho ông như sau: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những Lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào Con thì được sống đời đời” (Ga 3,34-36a).

+ Khi trao sứ mệnh truyền giáo cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

+ Trong bài giảng của Phê-rô vào lễ Ngũ Tuần: sau khi được Chúa Thánh Thần hiện Xuống Phê-rô đã giảng như sau: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy và đang nghe” (Cv 2,33).

+ Thánh Phao lô cầu chúc cho các tín hữu trong thư Cô-rin-tô: “Cầu chúc toàn thể anh em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Trong thu Ga-lát: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em... Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác, làm ngôi nhà Thiên Chúa” (Ep 2,18.22).

- SỐNG MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

+ Mỗi ngày, khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng đức tin về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Làm dấu Thánh giá là ta ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể và trên mọi hoạt động của ta. Do đó ta cần phải làm mọi việc cách nghiêm túc đẹp lòng Thiên Chúa.

+ Như “Thiên Chúa vừa là Một theo Bản Tính, vừa là Ba theo Ngôi Vị”, Hội thánh cũng phải vừa thống nhất vừa đa dạng. Hội thánh có mười hai Tông đồ, bốn sách Tin mừng, hai kinh Lạy Cha... Tuy nhiên, để sự thống nhất mà không trở nên khép kín nghèo nàn, để sự đa dạng đừng biến thành cớ gây chia rẽ, thì cần phải có sự hiệp thông sâu xa giữa mọi thành phần trong Hội thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của loài người.

+ Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi nơi chúng ta như Đức Giê-su đã dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Ngòai ra Thiên Chúa siêu việt cũng ở với chúng ta và nhắc nhở chúng ta qua tiếng lương tâm. Chúng ta chỉ cần hướng vào nội tâm là sẽ gặp Người. Chúng ta cần ý thức và tôn kính sự hiện diện ấy và để cho tình yêu của Chúa Ba Ngôi tự do hoạt động nơi chúng ta, và qua chúng ta đến với các dân tộc trên thế giới.

4.THẢO LUẬN: 1) Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Vậy mỗi tín hữu phải có bổn phận thế nào đối với Chúa Ba Ngôi? 2) “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vậy bạn cần sống tinh thần hiệp thông, chia sẻ yêu thương nơi gia đình, đoàn thể và trong xứ đạo của bạn thế nào để nên giống như tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa?

5.NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA CHA ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG. Xin cho chúng con biết thực thi bác ái trong cuộc sống hằng ngày để xứng đáng trở thành con cái của Cha: Giữa một thế giới đang tôn thờ quyền lực và đề cao lợi lộc vật chất, xin dạy chúng con biết phục vụ tha nhân trong sự âm thầm vô vụ lợi. Giữa một thế giới muốn thống trị chiếm đoạt, xin dạy chúng con biết nhận ra mọi người là anh em để khiêm nhường phục vụ cho nhau.

- LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Chúa là mẫu mực của một tình yêu tinh tuyền. Xin cho các tín hữu chúng con trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa lòng xã hội. Xin dạy chúng con biết yêu người như Chúa đã yêu con, biết sống với và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường đón nhận. Lạy Ba Ngôi chí thánh. Xin cho chúng con vững tin vào sự hiện diện của Chúa đang ở trong con và ở trong những người đang đi tìm Chúa.

 


 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HHTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro_LM ĐAN VINH- HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG. Minh Thùy
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ ELIZABETH. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN B. Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI SAU LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Nữ Tỳ Thánh Thể
     MÙ MẮT THỂ XÁC NHƯNG SÁNG MẮT TÂM HỒN. Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc.
     SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM A.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM A- LẠC QUAN. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM A- CÓ TIN, CÓ KHÁC. Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa