CHÚA NHẬT
II MV B:
MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚA VÀ MỞ ĐƯỜNG CHO NHAU
Kính
thưa quý OBACE,
Hàng
năm, số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam khoảng hơn 10 ngàn người
và cũng có hàng chục ngàn người bị thương tật do tai nạn giao thông. Vào ngày
9/11 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông đã đến xin Hội Đồng Giám Mục cùng hợp tác
kêu gọi mọi người nâng cao văn hóa giao thông và an toàn giao thông. Trước đó,
ngày 7/11, Đức Giám mục Xuân Lộc cũng có thư kêu gọi mọi người thực hiện một
cách cụ thể tâm tình “tạ ơn Thiên Chúa bằng việc thực hiện văn hóa giao thông
và bảo vệ môi trường”. Hiện nay, nhiều
con đường lớn được mở ra giúp cho việc giao thông thuận lợi hơn thì cũng cần phải
có những con người ý thức, tự giác hơn khi tham gia giao thông mới có thể đem lại
sự an toàn cho mình và cho người khác.
Nếu
việc mở những con đường giao thông nối liền giữa các vùng miền là cần thiết,
thì đối với đời sống đạo cũng cần phải mở những con đường để Thiên Chúa có thể
đến với con người, để con người có thể đến với Thiên Chúa và đến được với nhau.
Đã nói đến mở đường thì phải nói đến những giải tỏa, uốn nắn cho con đường thật
ngay thẳng, thông thoáng. Khi mở con đường trong tâm hồn cũng phải mạnh tay giải
tỏa và uốn nắn lại như vậy.
Bài
đọc một, tiên tri Isaia kêu gọi chúng ta: Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, để
cho Thiên Chúa có thể đến gặp gỡ, an ủi dân Người. Lời kêu gọi này được đưa ra
như một lời an ủi cho dân Israel lúc đó đang phải lưu đày bên Babylon, phải chịu
cảnh ức hiếp, khổ cực bởi dân ngoại. Qua vị tiên tri, Thiên Chúa khích lệ, an ủi
họ và Thiên Chúa hứa sẽ đến viếng thăm, giải thoát dân khỏi cảnh nhục nhằn đói
khổ. Để được như thế, mỗi người cần phải mở cho Chúa một con đường như đã chép:
Có tiếng hô trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang,
hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.
Để
có được con đường thẳng và phẳng cho Chúa đến, đòi phải: Mọi thung lũng sẽ được
lấp đầy, núi đồi sẽ phải bạt xuống, chỗ gồ ghề sẽ san cho bằng. Chỉ khi mọi gồ
ghề đã được san lấp, mọi quanh co được uốn cho ngay, thì Thiên Chúa mới có thể
đến và mọi người mới có thể đón nhận được niềm vui và ơn cứu độ của Ngài. Khi
nói những điều này, vị tiên tri không nhắm đến con đường địa lý băng qua sa mạc,
nhưng muốn nói đến những sa mạc khô khan và những quanh co, gập ghềnh trong tâm
hồn mỗi người. Vì Thiên Chúa không thể đến khi chúng ta không muốn đón tiếp Ngài
và Ngài không thể vào nhà tâm hồn chúng ta khi chúng ta để trong đó ngổn ngang
gạch đá, hoặc quá quanh co, dối trá, gập ghềnh, gian tham.
Bài
Tin Mừng Thánh Maccô đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia và cho thấy rằng Chúa Giêsu
đã đến, Ngài chính là Tin Mừng của Thiên Chúa, là Đấng cứu độ đã đến để viếng
thăm, giải thoát dân người. Mặc dù với thời điểm xuất hiện của Chúa Giêsu, dân
Do Thái không còn bị lưu đày ở Babylon, nhưng họ vẫn đang bị nô lệ bở tội lỗi,
bị lệ thuộc của cải vật chất, bị cuốn hút vào thế gian. Vì thế, Thiên Chúa
không chỉ kêu gọi, mà Ngài đã cho một sứ giả đi trước dọn đường cho Đấng Cứu thế.
Vị
sứ giả ấy chính là Gioan. Ông xuất hiện với lời rao giảng mạnh mẽ kêu gọi mọi
người sám hối trở về với Thiên Chúa, phải chấp nhận sự quay đầu, sự thay đổi,
làm mới lại hoàn toàn. Lời kêu gọi của ông đã lay động được tâm hồn nhiều người
và họ đã tuốn đến với Gioan. Họ thú tội trước mặt ông và xin ông thanh tẩy họ.
Việc thanh tẩy của Gioan không thể tha tội, nhưng việc cúi xuống để dìm mình dưới
dòng nước thể hiện sự thành tâm, khiêm tốn nhận ra thân phận tội lỗi của mình
và quyết tâm hoán cải.
Việc
dân chúng tuốn đến với Gioan không những vì lời rao giảng dứt khoát, mạnh mẽ,
mà còn vì chính đời sống nhiệm nhặt của ông. Trong lúc mọi người đang chạy theo
lối sống hưởng thụ tiêu dùng, thì Gioan lại sống một cuộc sống nhiệm nhặt, tiết
chế. Ông mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu, uống
mật ong rừng. Ông sống một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và cũng là cuộc sống
gần gũi, gắn bó với Chúa trong sự thanh vắng của hoang địa. Tức là, chính Gioan
đã chuẩn bị một con đường để Chúa đến với ông và để ông đến gặp được Thiên
Chúa. Con đường ấy không bị cản lối bởi tham lam tiền bạc của cải, không bị gập
ghềnh bởi sự giả dối, mà là một con đường thẳng tắp bởi việc sẵn sàng thực thi
sứ mạng Chúa trao.
Gioan
không hề ảo tưởng về sự thành công của mình. Nhiều người dân lúc đó tôn kính
ông, nhiều người khác coi ông như một vị ngôn sứ và có những người còn coi ông
như là chính Đấng Cứu Thế. Thế nhưng Gioan luôn ý thức về sứ mạng của mình,
không để mình che mờ Đấng Cứu Thế. Ông nhận mình chỉ là người dọn đường, nên
ông đã trả lời cho mọi người: Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi
không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi rửa anh em bằng nước, còn Người,
Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.
Đức
Giêsu, Đấng cứu thế đã đến. Ngài đã thực hiện chương trình cứu độ mà Thiên Chúa
muốn qua cái chết trên thập giá và sự sống lại của Ngài, để mở ra cho con người
một con đường sống, con đường hy vọng. Nếu như trước đây, các vị tiên tri và
Gioan được sai đi trước để dọn đường, thì nay với Đức Giêsu, Ngài chính là Đấng
mở đường cho chúng ta về với Thiên Chúa. Chỉ những ai đi theo con đường của
Ngài thì mới có thể về tới đích là nhà của mình, nơi đó, Thiên Chúa là cha đang
đợi chờ chúng ta. Chúa Giêsu là Đấng mở ra con đường về trời và cũng là Đấng sẽ
trở lại để đem chúng ta về với Ngài.
Tuy
nhiên trong thời gian chờ đợi Chúa Giêsu trở lại, chúng ta phải đi trên con đường
của Ngài và phải thực hành những gì Ngài đã dạy thì chúng ta mới gặp được Ngài.
Thánh Phêrô quả quyết rằng, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ trở lại như lời Người đã hứa.
Việc chúng ta có phải chờ đợi lâu, không phải vì Thiên Chúa thất hứa, mà là vì
Thiên Chúa muốn cho chúng ta có thêm thời gian, thêm cơ hội để điều chỉnh bản
thân, ăn năn hối cải trước khi quá muộn. Ngày của Chúa sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm.
Ngày đó, mọi của cải, danh vọng, quyền lực sẽ tiêu tan cùng với vũ trụ này, chỉ
có những người đạo đức mới có thể đứng vững và chỉ có việc lành, việc tốt và
tình yêu thương mới không bị thiêu hủy.
Thưa
quý OBACE, Chúa đã mở một con đường để Ngài đến với con người, thì chúng ta
cũng phải mở một con đường thật tốt, thật thẳng để chúng ta có thể đến được với
Chúa. Không chỉ mở lòng, mở đường đến với Chúa mà chúng ta còn phải mở thêm những
con đường để có thể dễ dàng đến với anh em và để người khác cũng có thể đến với
chúng ta.
Con
đường trong tâm hồn của nhiều người hiện nay đã bị lấn chiếm bởi những hàng
quán là thói quen, là sự buông thả. Nó sẽ lấn dần đường đời của chúng ta nếu
chúng ta chiều theo nó. Lối sống lười biếng, nghi kỵ, dửng dưng đang thành rào
cản khiến chúng ta không thể đến với Chúa và không thể đến với anh em. Hãy can
đảm nhổ bỏ những bụi gai tội lỗi, hãy uốn lại những thói quen, hãy san phẳng khỏi
tâm hồn sự bất công, gian dối, kiêu ngạo, tự mãn để tâm hồn chúng ta thực sư là
một con đường ngay thẳng, sạch đẹp để Chúa đến.
Các
bậc cha mẹ hãy dỡ bõ những tảng đá giận dỗi, hãy san bằng những khác biệt và bất
đồng, hãy khai thông thêm nhiều con đường để vợ chồng, cha mẹ, con cái có thể dễ
dàng đến với Chúa, và để Chúa đên với gia đình qua con đường của giờ kinh tối. Giờ
kinh tối gia đình có thể ví như vòng xoay giao thông, giúp cho các thành viên
hòa hợp với nhau, cùng nhau đi một hướng, thông cảm và hiểu biết nhau hơn, nhất
là giờ kinh tối sẽ giải tỏa những ách tắc và rối loạn trong nhịp sống thường
ngày của gia đình.
Các
bạn trẻ đừng chỉ lên kế hoạch vui chơi cho mùa Giáng Sinh, nhưng trước hết cần
có những kế hoạch để Chúa có thể đến với mình, thì niềm vui Giáng Sinh mới là
niềm vui đích thật. Niềm vui từ bên ngoài đi vào sẽ là niềm vui mau qua, chỉ có
niềm vui phát xuất từ trong tâm hồn trào ra mới là miềm vui còn mãi. Vì thế,
hãy để cho Chúa bước vào tâm hồn mình ngay từ hôm nay. Chúa sẽ là Đấng chỉ cho
chúng ta con đường để có thể đạt được niềm vui và hạnh phúc bền lâu. Hãy mạnh dạn
đến với Bí tich Giải tội và Thánh lễ thường xuyên, các bạn sẽ cảm nhận được niềm
vui của sự tha thứ và niềm vui của sự gặp gỡ với Chúa.
Xin
Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trên trên con đường theo Chúa và tìm gặp Chúa mỗi
ngày. Amen.
Lm.Giuse
Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc