Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 2

CHỦ NHẬT 2 VỌNG A

Hãy dọn đường cho Chúa!

giangsinh.jpgQuyền năng của Đấng Messia hệ tại ở việc phục vụ. Trong khi ai cũng mơ ước chế ngự người khác, thì Ngài trở nên bé nhỏ và khiêm tốn để phục vụ mọi người. Điều mà Ngài đòi hỏi nơi các môn đệ, đó là một khả năng tiếp nhận bắt đầu từ một cuộc trở về với Ngài và thay đổi tận căn cách sống và con người.

Sách Tiên tri Isaia 11,1-10

Vua Akhaz theo đuổi một kiểu chính trị phàm tục mà không hề nghĩ đến hậu quả. Tiên tri Isaia đến loan báo Đấng sẽ là hậu duệ đích thực của Vua Đa vít, Đấng Messia sẽ được tràn đầy Thần khí của Chúa, sẽ mở ra một Vương quốc bình an và biến Giê ru sa lem thành nơi tập trung toàn nhân loại.

Thánh Vịnh 71

Thánh vịnh nầy cho thấy niềm khao khát của dân Israen chờ đợi một Đấng Messia sứ giả của công chính, bình an và thịnh vượng giải thoát những người bé nhỏ và nghèo hèn khỏi sự sách nhiễu bóc lột của người giàu.

Thư Rôma 15,4-9

Chính qua lịch sử của dân tộc mình mà Thánh Phao lô nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa sống theo Tình yêu thương xót. Vậy ngài đòi các tín hữu Rô  ma phải đáp trả lời mời gọi ấy bằng cách tiếp nhận nhau như Thiên Chúa đã tiếp nhận họ cả khi họ vẫn còn ở xa Người.

Tin Mừng: Mt 3,1-12

NGỮ CẢNH

Sau phần Tin mừng thời niên thiếu, đoạn nầy cùng với hai đoạn văn kế tiếp tạo thành một đơn vị văn chương (3,1- 4,16), làm bản lề dẫn vào phần thứ nhất của sách Tin Mừng Mt (4,17. x. 16,13-20 dẫn vào phần thứ hai 16,21).

Ý định của tác giả Mt là muốn làm nổi bật sự chuyển tiếp từ những lời tiên tri loan báo đến sự hoàn tất nơi Chúa Giê su. Giống như các tác giả Mc và Lc, Mt tìm cách nêu bật sự nối tiếp giữa hai vị đến độ giống hệt nhau, đồng thời cũng đề cao sự mới mẻ khác biệt nơi lời rao giảng của Chúa Giê su.

TÌM HIỂU

Hồi ấy: trong khi Lc dùng những cách nói chính xác để tìm cách nối kết lịch sử cứu độ vào trong lịch sử thế gian, thì Mt dùng một kiểu diễn tả thông thường trong CƯ để loan báo việc Thiên Chúa can thiệp, đặc biệt vào lúc cuối thời gian (x. Gr 3,17-18; Ge 3,2).

Đến (= Xuất hiện): động từ nầy cũng được dùng ở 3,13 để nói về Chúa Giê su. Trong cả hai trường hợp, động từ ở thì hiện tại trong Hy ngữ để chỉ: thời đại cuối cùng đã khởi sự. Mt và độc giả đang sống trong thời đại đó.

Rao giảng: Mt cũng dùng động từ nầy để mô tả hoạt động của Chúa Giê su ở 4,17. Đây là động từ chuyên biệt chỉ lời rao giảng Ki tô giáo, của người đi loan báo một tin mừng. Từ động từ Hy ngữ nầy, phát xuất danh từ “lời rao giảng ban đầu (=kerygma).

Anh em hãy sám hối: Mt đặt trong miệng Gioan Tẩy giả lời mời gọi sám hối một cách rõ ràng dứt khoát trong khi Mc và Lc chỉ nói đến phép rửa của Gioan như một phép rửa sám hối để tha tội. Sự kiện Chúa Giê su muốn lãnh nhận phép rửa nầy chắc chắc làm cho Mt bối rối (x.3,14-15). Và có lẽ vì lí do đó nên Mt tránh nói đến phép rửa của Gioan như một phép rửa sám hối để tha tội?

Việc sám hối nầy, trong viễn tượng của Mt, được liên kết mật thiết với việc sinh hoa trái (3,8-10), trong khi Mc thì lại nghĩa đến việc thay đổi tâm thức đối với Thiên Chúa và Đấng Người sai đến.

Nước Trời: trong Mt, Nước Trời khi thì được hiểu theo nghĩa không gian, khi thì quan trọng hơn theo nghĩa quyền cai trị của vua, như Nước Trời được thiết lập trên trần gian. Chỉ có Mt dùng từ “trời” có nghĩa “của Thiên Chúa”. Bởi đó, ta không được coi “Nước Trời” như ở trên trời, nhưng là Nước của Thiên Chúa, nghĩa là thuộc quyền thống trị của Người được hình thành trên trần gian. Có nên đồng hoá với Hội thánh không? Chắc chắn là không, ngay cả khi có liên hệ mật thiết! Đức Ki tô hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh đang chuẩn bị và thậm chí đã khai mào Nước Thiên Chúa.

Đã đến gần: động từ trong Hi ngữ có thể mang ý nghĩa: “đã hiện diện ở đây rồi” hoặc “rất gần, ở sát bên”, nghĩa là sẽ thực hiện ngay trong sự chết và phục sinh của Chúa Giê su, hoặc ngay trong khi phán xét chung. Không cần thiết phải chọn một trong các kiểu cắt nghĩa trên bởi vì đây là một thực tại đang hình thành, đã hiện diện với Chúa Giê su Ki tô, và sẽ đạt tới mức độ hoàn hảo vào lúc cuối thời gian mà thôi.

Phái Pharisêu và Xađốc: trong Lc thì Gioan Tẩy giả nói với đám đông (3,7), còn ở Mt thì ông nhắm tới các lãnh đạo. Những người nầy sẽ là những đối thủ lớn của Chúa Giê su trong suốt đời hoạt động của Ngài.

Lửa: câu nầy song song với Mc 1,7-8, nhằm nêu bật sự vượt trộimới mẻ của Chúa Giê su đối với Gioan. Mt dùng câu nói quan trọng ấy để trình bày Chúa Giê su như là đấng sẽ làm phép rửa “trong Thánh Thần và lửa” (x. Lc 3,16; còn Mc thì chỉ nói “trong Thánh Thần”, 1,8). Có lẽ Lc hiểu đó là lửa của ngày Hiện Xuống (Cv 2,3-4) còn Mt thì đúng hơn đó là lửa thanh tẩy thiêu huỷ tất cả những gì là không trong sạch (3,12).

SỨ ĐIỆP

Nói đến Lễ Giáng sinh người ta thường liên tưởng đến hài nhi Giê su mới sinh bé bỏng dễ thương nằm trong máng cỏ

Thế nhưng hôm nay, Gioan Tẩy giả mạnh mẽ đề ra cho chúng ta chân dung khác hẳn của một Đấng đang ngự đến.

Vào thời của ông, Pa lết ti na bị quân La mã chiếm đóng từ năm 90. Vua Hê rô đê cai trị đất nước nầy bị mọi người khinh ghét. Các phe phái tôn giáo thì chia rẽ: có những người cộng tác và những người chống đối; nên vừa nghe có một nhân vật nào đứng lên hứa hẹn mang lại giải thoát, cứu độ, thì tai họa ập đến.

Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó mà Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Ngài trải qua thời niên thiếu trong sa mạc Giu đê. Thật ra, vùng nầy không hoàn toàn là sa mạc, nhưng tác giả Tin mừng muốn mượn cảnh trí ấy để nói với chúng ta về sa mạc thiêng liêng. Khi Thiên Chúa dẫn con người vào sa mạc, chính là để mời gọi họ tạo nên khoảng trống trong tâm hồn và lập lại trật tự trong cuộc sống. Như thời ông Mô sê trên núi Si nai, Người muốn lập giao ước với mỗi người chúng ta. Chính vì thế, cần thiết phải tránh xa sự huyên náo của lễ Giáng sinh, để trong thinh lặng và suy niệm, chúng ta mới có thể thực sự lắng nghe Lời Thiên Chúa.

Hôm nay, sứ điệp của Gioan Tẩy giả trực tiếp nói với chúng ta. Ông dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng để khuyến khích những người khiêm nhu, nhưng lớn tiếng cảnh cáo những kẻ kiêu căng. Thật ra, ông không để lòng ghen ghét ai cả, nhưng giận dữ trước những cách hành xử và cách sống của họ. Mục đích của ông là nhằm trấn an những người thấp cổ bé miệng, đặc biệt thức tỉnh những người tự cho mình là hoàn thiện. Ông chỉ cho mọi người thấy những gì cần phải thay đổi. “Nòi rắn độc” là kiểu nói mạnh mẽ, ám chỉ đến tên cám dỗ ở vườn địa đàng trần gian. Bảo ai là “nòi rắn độc” có nghĩa là tố cáo người đó sai phạm, là nói rằng họ thuộc về cùng một dòng dõi ma quỉ.

Nếu Gioan Tẩy giả phản ứng quyết liệt như thế, chính là để cảnh giác mọi người: ông loan báo cuộc phán xử nghiêm minh của Thiên Chúa bên trong từng người chúng ta. Tất cả những gì tiêu cực trong chúng ta sẽ bị thiêu đốt. Giống như người làm vườn chọn lựa những cành tốt, và cắt tỉa, loại bỏ những cành xấu, để toàn thân cây được lớn mạnh. Điều tích cực trong mỗi người chúng ta sẽ được giữ lại, đặc biệt tình yêu thương, chia sẻ, liên đới. Đó là những điều làm cho cuộc sống nên tốt đẹp và sẽ giữ được giá trị muôn đời. Ngược lại, có những cách hành xử và cách sống không thể làm cho chúng ta hãnh diện. Mùa Vọng chính  là thời điểm thuận tiện để tiếp nhận tình yêu thanh tẩy của Thiên Chúa và mở rộng tâm hồn để đón nhận niềm hi vọng.

Nhưng tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu như chúng ta chấp nhận thay đổi thực sự bản thân mình, chấp nhận canh tân cuộc sống. Hoán cải, không chỉ là cảm nhận một đà sống mới, nhưng còn phải sinh hoa trái nữa. Chúng ta phải làm sao để cuộc đời chúng ta ăn khớp với lời nói cũng như suy nghĩ của chúng ta. Khi chỉ có những lời nói suông, mà không thể hiện đức tin của mình trong cuộc sống, chúng ta là chỉ một cây cằn cỗi, không sinh hoa trái. Người ta có thể có một khám phá sâu xa về tin mừng, người ta có thể ngạc nhiên  khi được hiểu biết rõ hơn về Chúa Giê su và thấy sự thật nơi sứ điệp của Ngài; nhưng nếu chỉ có thế, chúng ta bỏ quên điều cốt yếu nhất.

Sau nầy Chúa Giê su sẽ nói với chúng ta: chỉ nói không thôi thì chưa đủ, cần phải thực hiện nữa. Nếu không như thế, thì những gì chúng ta tin chỉ là vô ích mà thôi. Gioan Tẩy giả chế nhạo người do thái tưởng rằng mình được cứu độ chỉ vì mình thuộc về dân ưu tuyển. Và đó là mối nguy cơ mà Gioan Tẩy giả muốn cảnh giác chúng ta.

Hoán cải, tức là yêu thương như Chúa Giê su và cùng với Ngài. Lễ Giáng sinh gần kề khiến cho nhiều người có những cử chỉ liên đới và trợ giúp những người bất hạnh. Người ta cố gắng mang lại nềm vui cho những người cô đơn, những người đau yếu, những kẻ tù đày, những kẻ bị xã hội lọai trừ. Ngang qua những người bất hạnh đó, họ đã gặp chính Chúa, Ngài hiện diện ở giữa cuộc sống của chúng ta. Ngài là đường, sự thật và là sự sống.

Hóan cải tức là quay trở lại, và đi đúng hướng theo sau Đức Ki tô; là trở về với Cha đang chờ đợi chúng ta; là rời khỏi chính mình để có cùng một cái nhìn của Đức Ki tô về người khác. Sự hoán cải ấy, chúng ta phải bắt đầu mỗi ngày, vì nó không bao giờ là hoàn toàn xong cả. Rất thường, chúng ta tổ chức cuộc sống của chúng ta mà không có Đức Ki tô và ở ngòai Ngài.

Nhưng Chúa không ngừng tìm kiếm chúng ta và mời gọi chúng ta bởi vì Ngài mang đến cho chúng ta một tin mừng: “Nước Thiên Chúa đang đến”. Nếu chúng ta được mời gọi hóan cải chính là để tiếp nhận ơn ban ấy của Thiên Chúa. Trong mùa Vọng nầy chúng ta được mời gọi giải thoát chính mình khỏi những vướng bận ngăn cản không cho chúng ta sẵn sàng chào đón Chúa ngự đến.

Nước Thiên Chúa đang  hiện diện”. Chỉ qua Chúa Giê su chúng ta mới được ban cho Hồng phúc Nước Trời. Nhờ Ngài, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Và khi chúng ta cử hành Thánh lễ, cũng chính Chúa Giê su đến gần chúng ta. Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Nhất là Ngài trở nên lưong thực; Ngài trở thành nguồn suối phát sinh sự sống, niềm vui và tin tưởng cho chúng ta”.

Hóan cải để tiếp nhận trong niềm vui ơn ban tuyệt vời ấy của Thiên Chúa. Và chỉ như thế,chúng ta mới thực sự cử hành Lễ Giáng sinh.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một nói về gốc tổ Giê sê, cha của vua Đa vít. Năm câu đầu cho biết ai là chồi non mọc lên từ gốc tổ ấy, và công trình của Ngài. Năm câu sau nói về thành quả của công trình ấy: một thế giới mới được mô tả bằng những hình ảnh rất cụ thể. Một đấng Cứu thế sẽ xuất hiện, Ngài là hậu duệ của Vua Đa vít, thiết lập triều đại công chính và bình an.

2. HỎI: Tại sao tiên tri Isaia lại quay về gốc tổ Giê-sê?

THƯA: Tiên tri Isaia đã rất thất vọng bởi hậu duệ của David (A-kha, Ê-giê-kia), đã nhiều lần liên minh mạo hiểm với Ai Cập chống lại Assyria. Do đó các tiên tri hy vọng sự xuất hiện của Đa vít mới không ở hàng con cháu, nhưng trở về gốc Giê-sê, cha của David (con đẻ mọc từ gốc rễ của nó ) , tức là trở về nguồn cội của vương quyền.

3. HỎI: Tại sao tiên tri Isaia nói đến ‘gốc tổ Giê-sê’?

THƯA: Nói đến ‘gốc tổ Giê-sê’ tiên tri Isaia muốn đề cập đến triều đại Đa Vít. Giê-sê có tám người con. Thiên Chúa sai tiên tri Sa-mu-ên đến chọn một vị vua trong số 8 người con ấy. Điều lạ lùng là Sa-mu-ên vâng lệnh Thiên Chúa không chọn đứa lớn nhất, đứa to nhất hay khỏe nhất, mà lại chọn đứa nhỏ nhất đang chăn chiên ngoài đồng. Chính đứa bé Đa vít ấy đã trở thành Vua vĩ đại của Ít ra ên. Giê-sê nhờ vậy mà trở nên nổi tiếng: ông là cha của Vua Đa vít, là tổ của một dòng dõi được so sánh như một cây hứa hẹn một tương lai huy hoàng, một cây không bao giờ tàn tạ.

4. HỎI: Tại sao triều đại Đa vít không bao giờ tàn tạ?

THƯA: Vì qua miệng tiên tri Na than, Thiên Chúa đã húa dòng dõi Đa vít sẽ cai trị đời đời và dân tộc của ông cuối cũng sẽ được thống nhất và hòa bình. 

5. HỎI: Các vua triều đại Đa vít có xứng đáng với lời hứa tốt đẹp ấy không?

THƯA:  Không. Hoa trái cây ấy làm cho người ta thất vọng: không một vua nào trong triều đại Đa vít thực hiện hoàn toàn những lời hứa ấy. Thế là người ta lại tiếp tục hi vọng, vì Thiên Chúa đã hứa thì sớm muôn gì rồi Ngài sẽ thực hiện.

6. HỎI: Như thế ý nghĩa tên gọi ‘Đấng Messia’ đã thay đổi?

THƯA: Đúng vậy. Lúc đầu, Messia là tên gọi tất cả các vua vì có nghĩa là ‘Đấng được xức dầu’. Nhưng về sau, Messia có nghĩa là ‘Vua lí tưởng’, đấng mang lại hạnh phúc và công chính cho trần gian.

7. HỎI: Tiên tri Isaia có ý gì khi nói ‘sẽ đâm ra một nhánh nhỏ’?

THƯA: Tiên tri muốn loan báo cho người đương thời rằng: tạm thời, anh em có cảm tưởng như tất cả các lời hứa đều không thực hiện, và cây gia phả nhà Đa vít không sinh điều gì tốt. Nhưng dù là một cây đã chết, Thiên Chúa cũng sẽ cho nó đâm ra một mầm nhỏ. Hãy vững tin rằng sớm muộn gì đấng Messia sẽ xuất hiện.

8. HỎI: Tiên tri Isaia nói về đấng Messia đó như thế nào?

THƯA: Tiên tri dành phần đầu (11,1-5) mô tả Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị nầy, cùng với các ơn ban của Người; ơn khôn ngoan, minh mẫn, mưu lược và dũng mãnh, hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa. Đặc biệt, Isaia nhấn mạnh đến sự công chính mà Ngài sẽ coi như mẫu mực cho sự cai trị để đem lại hòa bình trên đất nước.

9. HỎI: Phần thứ hai bài đọc một nói gì?

THƯA: Phần thứ hai bài đọc một (11,6-10) có thể được gọi là dụ ngôn về các con vật, một hình ảnh tuyệt vời để nói về sự hòa hợp trong vũ trụ. Cảnh tượng đó không phải là trở về khung cảnh Vườn địa đàng lúc ban đầu, mà là kết thúc tốt đẹp công trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho toàn thể tạo thành.

10. HỎI: Đấng Cội rễ Giê-sê ấy là ai?

THƯA: Là chính Đức Giê su, đấng đã nói: “Khi ta được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi sự đến với ta” (Ga 12,32). Ngài đã thực hiện lời sấm Isaia: “Đến ngày đó, cội rễ Giê sê đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang” (11,10).

11. HỎI: Bối cảnh lịch sử bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Khi Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng thì ách đô hộ của người La mã đã kéo dài gần 90 năm: vua Hê rô đê vẫn được người La mã cho tại vị, nhưng bị  mọi người thù ghét; các phe phái tôn giáo chia rẽ nhau và người ta không còn biết tin vào ai. Có những người cộng tác và cũng có kẻ chống đối. Cũng có người đứng lên, hứa hẹn cứu độ, nhưng rồi lại thất bại.

12. HỎI: Sa mạc Giu đa có nghĩa gì?

THƯA: Sa mạc Giu đa nằm giữa sông Giọc-đa-nô và Giê-ru-sa-lem. Vùng nầy không hoàn toàn là vùng sa mạc, nhưng điều quan trọng đối với Mát thêu không phải là chốn hoang vu, mà là ý nghĩa thiêng liêng của sa mạc: ông nghĩ đến kinh nghiệm của Ít ra ên trong sa mạc qua biến cố xuất hành và suy tư của các tiên tri về Giao Ước và về tình yêu mà tiên tri Hô sê gọi là đám cưới giữa Thiên Chúa và dân Người.

13. HỎI: Diện mạo Gioan Tẩy giả giống ai?

THƯA: Diện mạo Gioan Tẩy giả từ y phục, thức ăn, đều giống các tiên tri lớn trong thời Cựu ước. Lời rao giảng cũng theo truyền thống các tiên tri: ông cũng có ngôn ngữ giống như họ: dịu dàng để khuyến khích những người khiêm nhu, và nghiêm khắc để hăm dọa những kẻ kiêu căng. Mục đích vừa trấn an những kẻ bé nhỏ, thức tỉnh những người tự phụ, nói chung lôi kéo mọi người chú ý đến cách sống của mình.

14. HỎI: Ai sẽ là quan án xét xử?

THƯA: Chính Chúa Giê su: “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúc trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tất mà đốt đi”. Lời trên cho thấy Chúa Giêsu là Thiên Chúa, vì trong Cựu Ước, Thiên Chúa được giới thiêu như là quan án duy nhất, đấng thấu suốt lòng dạ con người, và biết rõ con người theo sự thật.

15. HỎI: Gioan còn cách nói nào khác cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai không?

THƯA: Gioan còn có một cách khác rất gợi hình để nói cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, và tôi không xứng đáng xách dép cho Người”. Chúng ta thử hình dung cảnh tượng nầy: để lội xuống dòng sông Gioc-đa-nô, người ta phải cởi giày ra. Khi một nhân vật quan trọng có người hầu đi theo, thì chính người đầy tớ nầy phải cởi giày cho ông. Còn nếu ông có một người môn đệ, thì người môn đệ vì nghĩ rằng mình cao hơn người đầy tớ, nên không phải cúi xuống cởi dép cho thầy mình. Thế mà ông Gioan lại cho mình không xứng đáng làm môn đệ, cũng như làm đầy tớ của Chúa Giêsu.

15. HỎI: Tại sao Gioan lại tự hạ mình như vậy?

THƯA: Vì Chúa Giêsu là đấng sẽ thanh tẩy, sẽ dìm nhân loại vào trong lửa của Chúa Thánh Thần. Nếu tiên tri Gio ên có mặt ở trên bờ sông Giọc-đa-nô lúc ấy, có thể ông nói: Nầy, chính tôi đã báo trước rằng cuối cùng sẽ đến ngày mà Thiên Chúa ban tràn Thần khí của Người trên mọi xác phàm.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng - Nt. M. Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN II THƯỜNG NIÊN NĂM C. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Thứ 2 sau Chúa Nhật thứ II Thường Niên Năm C: CHÚA KITÔ NGUYÊN LÝ SỰ HIỆP NHẤT. Minh Thùy
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG.Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, Đaminh Thánh Tâm.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG.Lm. Phaolô Nguyễn Nguyên
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG. Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG – C. Nt. Maria Chinh Anh. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG NĂM C: ƠN THA THỨ và NIỀM TIN CỘNG ĐỒNG
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C. Nhiều Tác Giả
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B- GIOAN ĐÃ ĐẾN RỒI. Nt Anh Thư. op