Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 2

CHỦ NHẬT 2 VỌNG C

1282251506.jpgĐối với đa số người thì điều đáng quan tâm trong cuộc sống là quyền lực. Người Ki tô hữu được mời gọi nhìn mọi sự một cách khác. Tức là phải nhìn nhận sức mạnh hoạt động của Chúa Thánh Thần đang qui tụ các cá nhân rải rác khắp nơi thành một dân tộc nối kết bằng Tình yêu, khởi đầu cho một Nhân lọai được đổi mới. Giữa Sức mạnh nầy và các quyền lực của trần gian không có điểm chung.

Sách tiên tri Ba rúc:

Sách Ba rúc diễn tả tình trạng thiêng liêng của những người Do thái phân tán ở xa quê hương của họ. Mới nhìn thì dường như họ mất tất cả mọi sức mạnh, nhưng thực ra, họ vẫn giữ được niềm xác tín rằng tương lai thuộc về họ. Một ngày không xa, Thiên Chúa sẽ qui tụ lại Dân của Người và tất cả những ai chống lại Người sẽ phải sụp đổ. Một vũ trụ đổi mới sẽ xuất hiện.

Thánh Vịnh 125:

Thánh vịnh nầy ca ngợi Niềm Hi vọng. Is ra ên đã bị phân tán trong cảnh lưu đày. Một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ dẫn họ trở về quê hương. Cuộc Trở về kì diệu nầy sẽ khởi đầu cho kỉ nguyên Thiên sai. Niềm vui sẽ tiếp nối tuyệt vọng.

Thư gửi tín hữu Phi líp phê:

Các tín hữu Phi líp từ ngọai giáo trở lại họp thành một Cộng đoàn nhiệt thành. Nhiều lần họ đã chứng tỏ lòng biết ơn của họ đối với vị Tông đồ đã mang đến cho họ TIN MỪNG. Khi viết cho họ, Phao lô vui mừng xác nhận lòng quảng đại đã thúc đẩy họ. Ngài cầu chúc cho Hội Thánh trẻ trung nầy còn tiến bộ hơn nữa trong sự sáng suốt và trên đường công chính. Nhờ đó, họ có thể vững vàng tiến về “Ngày của Chúa” và tiếp cận Sự Sống sung mãn.

Tin mừng: Lc 3,1-6

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin Mừng nầy là trình thuật thứ nhất trong bộ ba trình thuật mà các tác giả Mát thêu, Mác cô và Luca dùng để dẫn nhập vào cuộc đời công khai của Chúa Giê su: hoạt động rao giảng của Gioan Tẩy giả (1); phép Rửa của Chúa Giê su (2); các cám dỗ Chúa Giê su phải chịu trong sa mạc (3).

Trình thuật thứ nhất nói về hoạt động của Gioan Tẩy Giả bao gồm: khung cảnh lịch sử (3,1-2); lời loan báo của vị tiền hô theo sách Tiên Tri Isaia (3,3-6); lược tóm lời rao giảng cho tất cả mọi người (3,7-9) và cho nhiều tầng lớp giai cấp xã hội (3,10-14); lời tuyên bố về sự thấp kém của ông so với đấng Messia (3,15-18), sau cùng là thông tin về việc ông bị bỏ tù (3,19-20).

TÌM HIỂU

Năm thứ mười lăm: như trong 1,5 và 2,1-3, Luca đưa trình thuật tin mừng của mình vào dòng lịch sử thế tục. Chúng ta đang ở vào năm 782 từ lúc Rôma được thiết lập, tức vào khoảng năm 26 của thiên niên kỉ trước. Tác giả nêu tên các nhà lãnh tụ chính trị trong vùng đó và quyền bính tôn giáo ở Giêrusalem. Vùng Iturêa, Tracônitiđia và Abilênê là những vùng đất dân ngoại thuộc tỉnh Syria thuộc quyền cai trị của Hoàng đế La mã là Tibêriô Cesarê. Vùng đất nầy đang bị người La mã đô hộ, và dân chúng đang trông chờ giải phóng.

Lời Thiên Chúa: sau khi đã khơi dậy nhiều vị Tiên Tri (1Sm 3; Gr 1,2; Ed 1,3; vv), lời Thiên Chúa dường như đã lịm tắt. Thế rồi giờ đây lời Chúa lại vang lên nơi miệng ông Gioan, ẩn dật trong sa mạc (1,80), nơi cô tịch, nhưng cũng là nơi gặp gở với Thiên Chúa. Chính từ nơi khô cằn vắng bóng sự sống nầy sẽ phát sinh ra một thế giới mới.

Sông Gio đan: gần sông Gio đan là địa bàn hoạt động của ông Gioan. Dường như ông làm phép Rửa ở vùng cao Giêricô. Đó là nơi ông Giô suê (hình bóng và có cùng tên với Chúa Giê su) ngày xưa dẫn dân ưu tuyển vào đất hứa.

Rao giảng: động từ nầy chỉ lời rao giảng ban đầu loan báo biến cố cứu độ ngay từ lúc khởi thủy của Giáo Hội. Nó gợi lại một lời loan báo chính thức, công khai, của một sứ giả (kerux), phát ngôn nhân của một uy quyền (Cv 8,5; 9.20; vv..). Ông Gioan là sứ giả của Thiên Chúa (x. 9,2).

Tỏ lòng sám hối: trong hy ngữ, từ nầy chỉ “sự thay đổi tận trong tâm hồn”. Sám hối có nghĩa là quay trở lại với Thiên chúa, ý thức rằng Người là ân sủng và chỉ có ân sủng của Người mới giúp người ta hiệp thông với Người. Nghi thức do Gioan đề nghị để tỏ lòng sám hối là một “phép rửa”, đó là sự dìm thụ nhân xuống nước, hình ảnh nói lên sự từ bỏ (x. Mc1,4). Chúa Giê su dùng cụm từ nầy để chỉ sự Thương Khó của Người (Lc 12,50).

Để được tha tội: như các tiên tri trong Cựu Ước, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân Chúa “trở về” với Thiên Chúa của mình bằng cách đoạn tuyệt với tội lỗi. Điều mới lạ mà Gioan mang lại là đánh dấu cuộc trở về nầy bằng một phép rửa, và chỉ ban có một lần mà thôi, vì án xử đã gần kề (Lc 3,7-9.17). Phép Rửa nầy (trong nước) không phải là phép rửa Ki tô giáo (trong lửa, Thánh Thần) có năng lực tha tội (Cv 2,38; 22,16).

Hoang địa: trong đoạn Is 40,3 bằng nguyên ngữ Hipri viết: “Trong sa mạc, các ngươi hãy dọn…”. Nhưng “kêu trong hoang địa” không có nghĩa là một lời công bố vô hiệu. Thực ra các tác giả tin mừng có ý ám chỉ đến sa mạc Giu đê tràn ngập khách thập phương lui tới (x.cc 7.10.15.18.21): “Mọi người từ khắp miền Giu đê và thành Giê ru sa lem kéo đến với ông” (Mc 1,5).

Thung lũng: câu trích dẫn trong Mc và Mt ngừng lại ở câu: “hãy sửa cho ngay các lối đi cong queo” (Is 40,3). Còn Luca thì trích dẫn cách khác (Is 40,4-5), gợi lại lối đi thênh thang rộng rãi mà Đức Chúa sẽ tiến qua, và mở rộng dành cho tất cả mọi người (= phổ quát) (“mọi người”; dịch sát chữ: “mọi xác phàm”). X.24,48; Cv 1,8 và 28,28 cũng dùng những từ như thế để chỉ “ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Ở đây Luca bỏ bớt phần đầu của lời loan báo trong câu trích dẫn: “Lúc đó vinh quang của Chúa sẽ tỏ hiện”. Đối với ông, việc loan báo vinh quang đó không phải là sứ vụ của Gioan, nó sẽ chỉ tỏ hiện trong ngày phục sinh và chỉ được thực hiện bởi Chúa Giê su mà thôi.

SỨ ĐIỆP

“Rồi mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6)

 Thánh Gioan Tẩy giả nằm ở trung tâm của phụng vụ chủ nhật thứ hai và thứ ba Mùa Vọng. Tuần tới, chúng ta sẽ nghe sứ điệp Ngài mời gọi hoán cải, còn hôm nay Luca nói về sứ mạng tiên tri của Ngài, bằng cách trích dẫn lời tiên tri Isaia: “Mọi lũng sâu phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, đường quanh co phải uốn lại cho ngay, đường gồ ghề phải san cho bằng, rồi mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu rỗi của Thiên Chúa”( Lc 3, 5-6).

Lời sấm trên cho thấy các hố sâu phân chia giữa con người, giữa các tầng lớp xã hội, giữa các dân tộc sẽ được lấp đầy, một thế giới nơi mà tất cả mọi người đều bình đẳng trước mặtThiên Chúa và sẽ được tôn trọng. Một thế giới khác hẳn thế giới của Ti-bê-ri-ô, Phi-la-tô, Hê-rô-đê, Phi-lip, Ly-sa-ni-a, An-na và Cai-pha. Thế giới ấy nằm dưới gót giày chinh phục, áp bức và bất công. Còn trong Vương quốc của Thiên Chúa, tất cả những lạm dụng quyền lực sẽ biến mất, vì: “Tất cả mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Giống như tất cả các sách Tin Mừng khác, Tin mừng Luca không phải là một cuốn sách lịch sử, nhưng là một chứng nhân đức tin. Tuy nhiên, sự kiện Ngài cẩn thận đặt hoạt động của Gioan Tẩy Giả vào khung cảnh lịch sử thế giới đã gán cho câu chuyện một đặc tính nhập thể, rất sát thực tế trong thời gian và không gian. Trên sân khấu thế giới thời ấy, những nhân vật lớn được long trọng giới thiệu: Hoàng đế Ti-bê-ri-ô, Tổng trấn Phi-la-tô, các Tiểu Vương, Thượng tế  An-na và Cai-pha.  Bên cạnh những bậc quyền quí ấy, Gioan Tẩy Giả chỉ là một dung mạo mờ nhạt. Tuy nhiên, giờ đây, sau 2000 năm, Gioan Tẩy giả luôn luôn được lắng nghe, được bắt chước, được cử hành, trong khi những người kia bị bụi thời gian phủ lấp. Ti-bê-ri-ô, hoàng đế đầy quyền uy thuở nào, giờ chỉ còn là bức tượng tàn phai với thời gian trước sự thờ ơ của mọi người. Tương tự như thế, một trăm năm nữa, các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay sẽ trở nên như thế nào? Họ có được vị trí nào trong tâm hồn con người?

Sau khi nhấn mạnh khía cạnh phù du của các nhà lãnh đạo thế giới, Luca đề cao sự kiện Lời của Thiên Chúa được lắng nghe, không phải bởi hoàng đế La Mã, các Tiểu Vương hay các thượng tế, nhưng bởi Gioan Tẩy Giả. Lời Chúa “đến với” con trai của Dacaria nơi sa mạc. Rồi ngang qua Ngài, Lời ấy sẽ đến với chúng ta qua bao thế kỷ. Và cho đến ngày nay, Lời vẫn tiếp tục đến qua những người rất bình thường: họ là những người hi sinh đi thăm viếng các bệnh nhân, những người con hiếu thảo lo lắng chăm sóc cha mẹ già yếu của mình, những người quảng đại chia sẻ những gì mình có cho những người nghèo khổ, những người chịu đựng bách hại để sống trọn vẹn niềm tin của mình, vv..!

Sa mạc nơi Gioan Tẩy giả ở là một nơi mà mọi tước hiệu và đặc quyền không còn ý nghĩa nào cả, nơi mọi người khám phá ra chính mình và tìm kiếm bản sắc riêng cho mình. Trong môi trường ấy, Lời của Thiên Chúa “đến với Gioan”.  Ý nghĩa thời gian dài Mùa Vọng nằm trong cụm từ: “tiếp nhận Lời Thiên Chúa”, lắng nghe Lời có sức biến đổi, biến chúng ta thành những người mới. Với những lời này, Chúa Kitô trở thành “Đường, sự Thật và sự Sống” cho chúng ta.  Tin Mừng hôm nay xác nhận những gì Phaolô nói với tín hữu Cô rin tô: “Các thức mà Thiên Chúa dùng để dạy dỗ chúng ta là chọn những gì thấp hèn nhất để làm điêu đứng những gì mạnh mẽ nhất”.

Theo cách sự phạm ấy, hôm qua cũng như hôm nay, lịch sử tiến bước được là nhờ những con người đặc sủng đã tiếp nhận lời Chúa đến với mình:

- Thế kỷ thứ sáu, Thánh Bê-nê-đi-tô, thông qua các tu viện của mình, rao giảng Tin Mừng cho châu Âu;

- Vào thế kỷ 13, thánh Phan-xi-cô As-si-si, sống chỉ có 26 năm mà đã thay đổi triệt để Giáo Hội thời đại của mình;

- Thế kỷ 14, Thánh nữ Ca-ta-ri-na thành Sie-na đưa Đức Giáo hoàng Grê-gô-ri-ô XI từ A-vi-gnon trở lại Ro ma;

- Vào thế kỷ 16, Tê-rê-xa A-vi-la và I-nha-xi-ô Lô-yô-la đổi mới đời sống tôn giáo;

- Thế kỷ 20, Thầy An-rê phục hồi đức tin và niềm hy vọng của quần chúng;

- Và gần đây hơn cả, Mẹ Tê-rê-xa mang lại cho thế giới một khuôn mặt mới của lòng nhân lành của Thiên Chúa.

Lời của Thiên Chúa đã ngự xuống trên các bậc anh hùng ấy, và thế giới đã được biến đổi. Hôm nay, lời của Thiên Chúa cũng “ngự xuống trên mỗi người chúng ta”.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Tác giả sách Ba rúc là ai?

THƯA: Bài đọc một trích từ quyển sách mạo xưng là sách Ba-rúc, thư kí của tiên tri Giêrêmia. Thực ra đây là công trình biên soạn của một tiên tri vào thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên, hết lòng ngưỡng mộ Thầy mình là Tiên tri Giêrêmia.

2. HỎI: Bài đọc một nói gì?

THƯA: Dù trích từ sách Ba rúc được viết vào thế kỉ thứ 2, nhưng bài đọc một mang nhiều âm hưởng hi vọng của tiên tri Isaia trước đó nhiều thế kỉ. Đó là lời sấm loan báo cho dân Lưu đày tin vui: sắp chấm dứt thời khổ nhục, vì Thiên Chúa sẽ đưa họ trở về cố hương. Một thời kì mới bắt đầu, mọi nơi trên khắp trái đất sẽ nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa ở với họ.

3. HỎI: Sách Ba rúc đã dùng hình ảnh nào để loan báo tin vui cứu độ ấy?

THƯA: Để loan báo tin vui cứu độ, Ba rúc đã dùng những hình ảnh nầy:

- Sa mạc nằm giữa Ba by lon và Giê ru sa lem sẽ trở thành một xa lộ đưa dân trở về.

- Sa mạc đồng khô cỏ cháy sẽ rực rỡ trổ bông, nước sẽ vọt lên và tuôn ra từ các khe suối.

- Mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, người què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.

- Sẽ không còn sư tử, thú dữ ăn thịt sẽ không vãng lai.

4. HỎI: Diện mạo của Gioan Tẩy giả tiêu biểu điều gì  và có thể được coi là một tiên tri lớn theo kiểu các tiên tri lớn trong Cựu ước không?

THƯA: Gioan Tẩy giả là gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước, và được coi là tiên tri lớn cuối cùng của Cựu Ước, được Thiên Chúa sai đến để loan báo Ơn Cứu độ Người sẽ ban cho toàn thể loài người chứ không riêng cho người Do thái. Ngoài ra, ngài còn chứng thực bằng hành động và lời rao giảng rằng những gì Isaia (Is 40) đã báo trước nay được hoàn thành.

5. HỎI: Chủ ý của Luca là gì khi trích dẫn Isaia?

THƯA: Chủ ý của Luca trong đoạn Tin mừng nầy cũng như trong toàn sách tin mừng của Ngài là cho thấy tầm mức phổ quát của ơn Cứu độ mà Đức Ki tô mang lại.

6. HỎI: Năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô là năm thứ mấy?

THƯA: Dường như là vào khoảng năm 27 hoặc 28 sau Công Nguyên.

7. HỎI: Những địa danh mà Luca nói đến là những vùng đất nào?

THƯA: Luca nói đến hai tỉnh do thái là Galilê và Giuđê, và ba tỉnh ngoại giáo ở phía Bắc là I-tu-rê, Tra-khô-nít và A-bi-lên. Qua các địa danh trên, dù chưa bao quát toàn vùng, Luca muốn gợi ý là ơn cứu độ đang đến dành cho cả người Do thái và dân ngoại. Đặc biệt, Luca lưu ý đến việc các dân ngoại được tiếp nhận ơn cứu độ từ Thiên Chúa.

8. HỎI: Các nhân vật lãnh đạo tôn giáo được Luca nói đến là ai?

THƯA: Các nhân vật được Luca nói đến là các Thượng tế An-na và Cai-pha. Theo Luật thì chỉ có một Thượng tế duy nhất đương nhiệm:  An-na từ năm 6 đếnnăm 15 và con rể của ông là Cai-pha từ năm 18 đến năm 36. Sở dĩ Thánh Luca nói tới hai vị cùng một trật có lẽ vì ngài muốn cho thấy Anna có một ảnh hưởng sâu rộng đến con rể của mình. Ngoài ra, cả hai đóng vai trò quan trọng trong việc xử án Chúa Giê su (Ga 18,13).

9. HỎI: “Có Lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan” có nghĩa gì?

THƯA: Kinh Thánh Cựu Ước cũng có kiểu nói tương tự như thế cho trường hợp của tiên tri Giê-rê-mi-a (Gr 11,1) và Hô-sê (Hs 1,1). Vậy qua kiểu nói trên, Thánh Luca muốn nói rằng Gioan Tẩy giả được Thiên Chúa kêu gọi thi hành sứ mạng của một vị tiên tri đích thực.

10. HỎI: Sứ mạng tiên tri của Gioan bao gồm những gì?

THƯA: Cũng như các tiên tri khác mời gọi người đương thời hoán cải trở về với Thiên Chúa của giao ước, Gioan Tẩy giả cũng đi khắp nơi,  “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Ngài còn mời gọi người do thái vào sa mạc để tìm lại lòng nhiệt thành của Gio-su-ê và dân Híp pri khi vượt sông Gio-đan.

11. HỎI: Tiên tri I-sai-a loan báo cho người bị lưu đày điều gì?

THƯA: Với những người bị lưu đày tưởng rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, tiên tri Isaia loan báo rằng Thiên Chủa sẽ dẫn họ lên đường trở về cố hương. Họ không còn phải cực khổ mở đường trong sa mạc để kính thần ngoại bang nữa. Nhưng Thiên Chúa sẽ mở một con đường băng qua sa mạc, và Ngài sẽ dẫn đầu đám rước đoàn người lưu đày hân hoan trở về cố hương.

12. HỎI: Gioan Tẩy giả có ý gì khi nói: “rồi mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa?

THƯA: Gioan Tẩy giả mượn lời sấm Tiên tri Isaia để công bố cho người đương thời của ông biết ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa: giờ đây không phải những người lưu đày ở Ba-by-lon, mà tất cả mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ ban ơn Cứu độ cho tất cả những ai biết trông đợi và tiếp nhận Ngài.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng - Nt. M. Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B- GIOAN ĐÃ ĐẾN RỒI. Nt Anh Thư. op
     LỄ ĐỨC MARIA- VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. An tôn Lương Văn Liêm
     ƠN CỨU CHUỘC VÀ ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
     ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B-ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ VÀ LÀ THẦY. Đaminh Monteils
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B. Minh Tứ
     ĐÔI DÒNG SUY TƯ VỀ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B. Lương Liêm
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B- NIỀM TIN CỘNG ĐOÀN. Huỳnh Thị Oanh
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B-MỞ ĐƯỜNG ĐỂ LÀM GÌ? ĐƯỜNG DẪN TỚI ĐÂU?. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí