ƠN CỨU CHUỘC VÀ ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Tín điều Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội có quan hệ mật thiết với chương trình Ngôi Hai nhập thể. Tổng quát hơn, nhà thần học H. Urs von Balthasar nói rằng “Toàn bộ Thánh Mẫu học phải được giải thích theo Kitô học, và chính điều này làm nên sự cao cả của Đức Maria”. Thiên Chúa đã chọn Đức Maria cùng hiệp thông cho chương trình cứu rỗi và ban cho Mẹ sự tinh tuyền ban đầu. Trong sự khiêm hạ, Mẹ đã nhận với vai nữ tì trong chương trình hồng ân này. Điều đó gợi ý cho chúng ta, những người đang chuẩn bị chào đón Chúa Hài Đồng giáng thế lần thứ 2011, cũng cần chuẩn bị một hang đá đơn sơ, trong sạch, như Ngài đã ban cho Đức Maria - hang đá ấy chính là tâm hồn của mỗi người.
Ngày lễ mừng Vô Nhiễm Nguyên Tội (08 tháng 12) và lễ Sinh nhật của Đức Maria (08 tháng 9) có quan hệ về mặt thời gian và sự kiện. Nghĩa là lễ mừng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tiến hành trước 09 tháng so với lễ Sinh Nhật Đức Maria. Yếu tố thời gian và tính chặt chẽ của các sự kiện, còn liên quan đến một số thánh lễ khác của đạo Công giáo. Lễ mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả - ngày 24 tháng 6, trước ngày lễ Giáng sinh sáu tháng, còn lễ Thiên thần Truyền Tin ngày 25 tháng 3 thì trước Giáng sinh tròn chín tháng.
Ngày 08 tháng 12, chính là thời điểm Đức Maria được thụ thai, theo một phương thức đặc biệt, vì đã được Thánh Thần nhào nặn trong cung lòng thánh nữ Anna. Người được hình thành như là một tạo vật mới (Hiến chế tín lí Lumen Gentium).
Tín điều Vô Nhiễm nguyên Tội của Đức Maria được khẳng định trong giáo lý Công giáo. Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi tì ố của tội nguyên tổ vào lúc Mẹ được thụ thai. Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho ân sủng tràn đầy, mà chúng ta tìm thấy trong đọan Tin Mừng về lời chào của Thiên thần Gabriel khi đối thoại với Mẹ Maria “Hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Chúa ở cùng Người” Lc (1, 28).
Một thời gian dài, ơn Vô nhiễm nguyên tội dành cho Đức Maria trở thành đề tài tranh luận và chúng ta xác tín sự cần thiết tuyệt đối ơn cứu chuộc nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô. Chân phước Gioan Duns Scot đề xuất một giải pháp dung hòa về sự Vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria và giáo lý về sự cứu chuộc của Đức Kitô bằng cách phân rõ 2 trường hợp của ơn cứu chuộc: ơn cứu chuộc bằng cách gìn giữ và ơn cứu chuộc bằng cách chữa trị. Thiên Chúa đã dùng phương cách thứ nhất cho Đức Maria và cách thứ hai cho chúng ta. Và như thế, nếu mọi người đều phạm tội trong Adam, thì Đức Maria lại được gìn giữ để trở thành một ngoại lệ. Chính Mẹ đã nhận được ân sủng lớn lao này, khi Thiên Chúa lập trình cho chương trình cứu chuộc con người từ muôn đời. Còn chúng ta chỉ được thụ hưởng ơn này sau ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.
Một vấn đề được đặt ra, tại sao tước hiệu Vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria được công bố muộn màng, năm 1854 do Giáo hoàng Piô IX mới long trọng tuyên bố? Thật ra không phải chỉ có tước hiệu trên, mà các tước hiệu còn lại của Đức Maria cũng được công bố chậm. Đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời, đến năm 1950 mới được Giáo hoang Piô XII công bố. Điều này chứng tỏ 2 ý sau:
1. Thần học là môn khoa học, con đường tiếp cận chân lý của nó thông thường theo phương pháp tiệm tiến. Nghĩa là cần có thời gian và sự đóng góp đa dạng từ nhiều phía khác nhau của nhiều thần học gia.
2. Chúng ta thừa nhận rằng, Tin Mừng ít đề cập đến Đức Maria, và tất nhiên việc đề cập đến yếu tố Vô nhiễm nguyên tội càng ít tường minh. Lí do chính yếu, vì Chúa Giêsu là nhân vật chính trong Tin Mừng - Thiên Chúa muốn con người tập trung chú ý vào Đức Kitô. Trong Tin Mừng, thì cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Ngài lại là trọng tâm. Chúng ta dễ thấy, nội dung Tin Mừng có bố cục tập trung vào quảng đời ba năm họat động của Ngài, dù Ngài trải qua 33 năm trên trần thế.
Khoảng năm 60 thuộc thế kỉ thứ nhất, Tin Mừng đầu tiên của thánh Mác-cô xuất hiện. Mác-cô lại bắt đầu Tin Mừng của mình bằng việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, nghĩa là xem nhẹ tuổi trẻ Chúa Giêsu và vai trò Đức Maria. Tiếp theo về thời gian, là sự xuất hiện Tin Mừng thánh Mat-thêu, Lu-ca, Gio-an. Người ta chỉ bắt gặp sự xuất hiện của Đức Maria được diễn tả rõ ràng trong Lu-ca, sau đó là Gio-an.
Việc khám phá chậm các tín điều này của giáo hội Công giáo, vừa mang tính khoa học, vừa nằm trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc dành cho loài người.
Lạy Đức Maria, sau khi được sạch nhờ phép thanh tẩy, chúng con vẫn tiếp tục chọn đi trên con đường tội lỗi vì sự yếu đuối và đức tin yếu kém. Xin hãy cầm tay dẫn dắt vì chúng con chỉ là những đứa trẻ muốn đi đúng đường và bình yên trên con đường ấy trong sự che chở của Mẹ, cho dù đó là đường Thập Giá.
G. Tuấn Anh