THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG
Gioan đã đến rồi
Mt 17, 10-13
Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước ?” Người đáp: “Ông Êlia phải đến chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho an hem biết : ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”. Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.
Suy niệm
Xưa nay, Do Thái vẫn được coi là dân tộc có trí thông minh vượt bậc, dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Họ thuộc nằm lòng lời các ngôn sứ tiên báo về một Đấng Messia sẽ đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ.
Trước khi Đấng Messia đến, Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến để nhắc nhở dọn đường chuẩn bị nhưng tiếc thay bao nhiêu ngôn sứ đến người Do Thái đều không nhận ra. Gioan Tẩy Giả được coi là vị ngôn sứ sau cùng đã đến nhưng họ cũng không nhận ra. Trong tâm trí họ luôn là hoài nghi ngờ vực, một dấu hỏi lớn còn đó: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?”
Theo truyền thống tại Palestine thời Chúa Giêsu thì ngôn sứ Êlia đã được xe lửa rước về trời nhưng sẽ trở lại chỉnh đốn mọi sự. Vì đang lúc đất nước bị đế quốc Rôma chiếm đóng, thế lực ngoại giáo nói bảo hộ nhưng thực là để chế ngự lòng yêu nước yêu dân tộc. Trong khi đó những người có thế giá trong dân toàn là hạng xu thời mua quan bán tước. Các ngôn sứ bị vắng tiếng và bị chính quyền Do Thái khai trừ. Vì thế người dân càng mong vị ngôn sứ Êlia trở lại. Họ thấy lời nói và việc làm của Đức Giêsu nên đã nhầm tưởng Ngài là ngôn sứ Êlia đã trở lại. Chúa Giêsu khẳng định cho rõ về các ngôn sứ dù vị nào tiếng tăm lừng lẫy bao nhiêu cũng chỉ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.
Một lần nữa Chúa Giêsu muốn cho người ta hiểu, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế hiện nay là Gioan Tẩy Giả, một con người thánh thiện sống khắc khổ. Những lời rao giảng của ông đã khơi dậy lòng sám hối nơi dân chúng nên Chúa nói Êlia đã đến rồi mà người ta không nhận ra còn đối xử thậm tệ. Nhưng chính điều gì Gioan chịu thì Con Người cũng bị đối xử như thế.
Do Thái là một dân tộc thích lý luận, họ đòi hỏi mọi cái phải rõ ràng minh bạch chính xác. Họ rất giỏi về khoa học, đặc biệt thiên văn. Niềm tin của họ phải được chứng nghiệm, được xem tận mắt, sờ tận tay...Họ cẩn thận ghi chép và thuộc lòng những lời các ngôn sứ từ hàng ngàn năm thế nhưng một thực tại lớn lao hiện diện trước mặt họ lại không thấy. Họ không thấy hay cố tình không chấp nhận.
Tư tưởng và thái độ của người Do Thái cũng là tư tưởng của mỗi người chúng ta. Giống như một thanh niên Ấn Độ, anh đang đứng bên bờ sông Hằng mênh mông giữa một buổi trưa hè nắng cháy nhưng anh luôn thắc mắc “Đây là nước hay là sông, đây là sông hay là nước” và anh đã chết khát bên dòng nước mát ngọt ấy. Anh đã đến bên bờ sông nhưng anh không chịu uống nước, anh đã chết cùng với mớ lý luận ngu xuẩn ấy như thi sĩ Goethe đã từng nói : “Mọi lý thuyết thì xám xịt, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Ngôn sứ Êlia, Gioan và Đấng Messia đã đến nhưng người Do Thái vẫn tiếp tục ước mơ và kiên trì đợi chờ. Quả thật Chúa không đến trong vinh hoa phú quý, giữa tiếng trống kèn, cờ hoa lộng lẫy. Chúa đến trong âm thầm nơi thinh lặng, trong những con người với dáng vẻ nghèo hèn, những người bị xã hội khinh chê ruồng bỏ. Chúa đến trong yêu thương và tha thứ, trong chữa lành và kiếm tìm. Để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải có thái độ khiêm tốn, lắng nghe, phải từ bỏ lối suy nghĩ, cái nhìn hạn hẹp, cục bộ... bỏ những ảo ảnh vinh hoa phú quý của hưởng thụ vật chất.
Lạy Chúa, giống như người Do Thái xưa, chúng con cũng không dễ nhận ra Chúa trong nếp sống khó nghèo của Gioan Tẩy Giả, trong thái độ sám hối ăn năn. Xin cho chúng con biết từ bỏ đam mê tội lỗi đang trói buộc khiến chúng con không nhận ra Chúa. Xin cho chúng con khiêm tốn lắng nghe lời Chúa mời gọi sống sám hối và cầu nguyện luôn mãi để chúng con lãnh được ân sủng của Chúa trong mùa vọng hồng ân này. Amen.
Nt Anh Thư. op