Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 2

ĐỔI MỚI

Lm. Paul Nguyễn Nguyên

47f52246_image001.jpgCó thể nói, cuộc đời của mỗi người chúng ta được ví như một con đường. Và trên con đường ấy, mỗi người phải tiến về cùng đích của mình. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta biết chọn cho mình đường đi đúng đắn. Cho nên, cuộc sống mỗi người cũng là quyết định của một sự chọn lựa tự do. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta hãy tự quyết định phần rỗi cho chính mình. Ngài là Người Cha đầy yêu thương và cũng ban đủ mọi phương thế để giúp chúng ta chọn lựa con đường đúng đắn nhất để chúng ta có thể trở về với Ngài. Cũng có những chọn lựa thật đúng đắn, khôn ngoan ; nhưng cũng có những chọn lựa lệch lạc, chủ quan dẫn tới những sai lầm, khiến chúng ta ngày càng xa Thiên Chúa, lắm khi trở thành kẻ đối nghịch với Ngài. Vì thế, mỗi năm vào mùa vọng chúng ta luôn được nghe lại lời kêu mời của Thánh Gioan Tẩy Giả là “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” để nhắc nhở chúng ta hãy uốn nắn con đường tâm hồn, cách sống cho thích hợp, để sẵn sàng đón chào ngày Chúa đến.

Chúa muốn chúng ta “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, bởi Ngài không thích và không muốn chúng ta đi trong sự quanh co, sống trong sự lừa đảo và lệch lạc. Thiên Chúa, Ngài muốn con cái của mình luôn sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường dẫn đến sự sống. Gioan Tẩy giả đã dùng lời tiên tri  Isaia mà kêu gọi “hãy lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi, nắn lại con đường cong queo, san bằng con đường gồ ghề”. Chúa muốn chúng ta hãy sống trong sự công chính, trong sự thánh thiện và cũng đừng chậm trễ thi hành những giới luật của Chúa, vì “ngày của Chúa đến như kẻ trộm”. Chúa muốn ta sống trong sự trung thực, thẳng thắn.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Chúa đang đến gần và thực sự Ngài đang bên cạnh, ngày đêm chờ đợi sự sám hối, ăn năn của mỗi người chúng ta. Chúa không muốn chúng ta đánh mất cuộc đời mình bằng “sự thiếu hiểu biết”. Chính Ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chỉ mong chúng ta sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường sự thật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết nắn lại cho thẳng những gì đang quanh co của gian dối, lừa đảo; lấp đi mọi hố sâu đam mê, ích kỷ, tham vọng; bạt đi mọi gò nổng kiêu ngạo, tự mãn, để tâm hồn chúng ta thật xứng đáng và bình an đón nhận tin mừng cứu rỗi của Chúa.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” Chúa muốn đến với tất cả chúng ta bằng con đường thẳng, ngắn nhất, bởi con đường mà Ngài giới thiệu và sống chính là con đường của tình yêu, của tha thứ và cứu độ. Chính bản thân Ngài đã không chọn lựa con đường nào ngoài con đường của thí mạng, để làm gương cho tất cả chúng ta. Chính khi yêu thương là lúc chúng ta đang đi đúng con đường của Chúa. Chính khi yêu thương và tha thứ cho anh em, là chúng ta đang đến gần hồng ân cứu rỗi và thuộc trọn về Ngài.

Lời mời gọi “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” đang đặt ra cho chúng ta sự lựa chọn : ưu tiên cho những gì thuộc về Chúa, loại trừ ra khỏi tâm hồn chúng ta sự dối trá, quanh co. Uốn nắn những gì lệch lạc, điều đó luôn đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực hằng ngày để cải thiện cuộc sống, đổi mới cách sống để xứng đáng hơn với tình thương của Chúa. Chúa đã và đang đến thật gần với từng người chúng ta, đừng chậm trễ, đừng ươn hèn trong chính những lẫm lỗi của mình, nhưng can đảm và quảng đại để ngày càng xứng đáng hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Dọn đường cho Chúa bằng cách lấp đầy những thung lũng, bạt những núi cao ấy và sửa lại những con đường quanh co hiện đang ở trong tâm hồn từng người chúng ta. Đó là những trở ngại khiến cho Chúa không đến được với ta. Những trở ngại ấy ở từng người không ai giống ai. Nhưng chắc chắn có chung một điểm : để chuẩn bị một con đường cho Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta không gì khác hơn là chúng ta phải luôn ý thức được tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình để sám hối và thay đổi. Thay đổi cuộc sống, thay đổi lối nhìn, thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta thường nhìn người khác bằng những định kiến, những nhãn hiệu do chính chúng ta tạo nên. Những định kiến đó là những lũng sâu tăm tối, nơi thiếu vắng ánh sáng tình yêu làm chúng ta không thể đến với  tha nhân.

Chúng ta thường vô cảm trước những nhu cầu của người khác, nhưng chỉ lo toan tính tìm lợi ích cho bản thân mình. Những toan tính ích kỷ đó, là những khúc quanh co, những mấp mô, lồi lõm của tâm hồn khiến chúng ta không thể mở rộng cõi lòng để cảm nhận và chia sẻ những nhu cầu của người khác.

Chúng ta thường tự mãn về những khả năng và thành quả mình thủ đắc được. Chúng ta luôn xem mình là “trung tâm”, luôn muốn áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình trên người khác nhằm thỏa mãn khát vọng thống trị của bản thân. Những khát vọng đó, là những núi đồi ngạo nghễ của tự cao, tự mãn làm chúng ta không thể khiêm nhường đến với người khác.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Đổi nơi sinh sống thì dễ, nhưng thật khó mà thay đổi lối sống. Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức rằng: con đường sám hối và thay đổi bản thân mỗi ngày chính là con đường xứng đáng để Chúa ngự vào tâm hồn mỗi người chúng ta, để từ đó chúng ta biết từ bỏ những ham muốn ích kỷ của bản thân để có thể nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của người khác và khiêm nhường mở rộng tâm hồn chia sẻ với tha nhân. Amen.

DỌN TÂM HỒN ĐÓN MỪNG CHÚA ĐẾN

Lm.Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA:

1. TIN MỪNG: Lc 3,1-6

(1) Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-kho-nít; Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên; (2) Khan-na và Cai-pha làm thượng tế. Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. (3) Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, (4) như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (5) Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. (6) Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

2. Ý CHÍNH: “MỌI NGƯỜI PHÀM SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ” (Lc 3,6).

Bài Tin mừng hôm nay mô tả khung cảnh thời gian và không gian, khi Gio-an, con ông Da-ca-ri-a bắt đầu thi hành ơn gọi làm tiền sứ của Đấng Thiên Sai.. Lời sấm ngôn của I-sai-a về việc dọn đường cho Đức Chúa đến để cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi cảnh lưu đầy, giờ đây được ứng nghiệm nơi Gio-an Tiền sứ. Ông tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, đi trước loan báo Đấng Thiên Sai sắp đến. Ong cũng kêu gọi mọi người hãy chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến bằng việc ăn năn sám hối tội lỗi, và chịu phép rửa do ông thực hiện trong dòng nước sông Gio-đan.

3) CHÚ GIẢI:

- HỎI 1: TIN MỪNG CHO BIẾT GÌ VỀ THÂN THẾ, SỨ MỆNH VÀ CUỘC ĐỜI CỦA VỊ TIỀN SỨ GIO-AN TẨY GIẢ?

ĐÁP: Gio-an là con của hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét (hay I-sa-ve), và đã được hòai thai cách khác thường (x. Lc 1,57-68). Từ nhỏ, ông đã sống khắc khổ chay tịnh trong hoang địa như ngôn sứ Ê-li-a (x. Mc 1,6). Sau đó ông được kêu gọi làm ngôn sứ để loan báo tin mừng Đấng Thiên Sai (x. Lc 1,76). Ông thi hành sứ mệnh tại vùng sông Gio-đan. Chính ông đã làm phép rửa cho Đức Giê-su và đã được chứng kiến cuộc Thần hiện xảy ra sau khi Người chịu phép rửa (x. Mt 3,16-17). Sau đó ông bắt đầu giới thiệu Người là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1,29), và khuyến khích hai đồ đệ bỏ mình đi theo làm môn đệ Người (x. Ga 1,35-37.43). Ông cũng loan báo về Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mc 1,7-8) và khiêm tốn nói rằng: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người... Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,28.30). Cuối cùng Gio-an đã kết thúc cuộc đời tiền sứ bằng cái “chết vì lẽ công chính” ở trong nhà ngục (x. Mt 14,3-12), vì đã dám khiển trách tội loạn luân của vua Hê-rô-đê (x. Lc 3,19). Đức Giê-su đã khen Gio-an: “Trong số các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không ai cao trọng hơn Gio-an” (Lc 7,28).

- HỎI 2: KỶ NGUYÊN CHUNG HAY CÔNG NGUYÊN LÀ GÌ? CÔNG NGUYÊN CÓ TỪ KHI NÀO VÀ DO AI SÁNG LẬP? KỶ NGUYÊN CHUNG DỰA TRÊN MỐC THỜI GIAN LÀ NGÀY SINH CỦA AI? VIỆC TÍNH TOÁN THỜI ĐIỂM ẤY ĐÚNG SAI THẾ NÀO?

ĐÁP:

Công Nguyên, Anno Domini, viết tắt AD, nghĩa là K nguyên Ki-. bắt đầu bằng năm sinh của Chúa Giê-su. Các năm trước đó được gọi là trước Công Nguyên (TCN).

Từ xa xưa, mỗi nước đều sử dụng lịch riêng của nước mình, không có sự thống nhất nên rất khó giao thương với nhau. Do đó các nhà lãnh đạo đều mong muốn có một lịch chung, một kỷ nguyên chung hay cũng gọi là công nguyên cho toàn thế giới.

Vào thế kỷ thứ VI, một tu sĩ tên là DI-O-NY-SI-US E-XI-GU-US đặt ra vào thế kỷ 6 khi ông tính lịch cho ngày lễ Phục Sinh. Ông đã chọn Đức Giê-su làm nhân vật trung tâm của lịch sử nhân lọai. Dựa vào các thông tin về cuộc đời của Đức Giê-su trong các sách Tin mừng như: sinh ra dưới thời Hê-rô-đê Đại vương (x. Mt 2,1); trong lúc Rô-ma đang làm sổ kiểm tra dân số và Qui-ri-nô làm toàn quyền xứ Sy-ri-a (x. Lc 2,2); Khi ra giảng đạo, Đức Giê-su trạc độ 30 tuổi (x. Lc 3,23); Gio-an Tẩy giả thi hành sứ mệnh tiền sứ vào năm thứ 15 triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô (x. Lc 3,1)... Tu sĩ Di-o-ny-si-us đã so sánh các chi tiết trên với lịch sử của đế quốc Rô-ma để tìm ra năm sinh của Đức Giê-su tương ứng với lịch Rô-ma tính từ ngày thành lập thành Rô-ma, và chọn năm này là năm thứ nhất của Kỷ Nguyên Chung. Từ đó mọi nước trên thế giới đều thống nhất dùng lịch chung này. Như vậy năm 2012 nghĩa là năm thứ 2012 tính từ năm Chúa Giê-su giáng sinh.

Tuy nhiên, ngày nay người ta đã khám phá ra có sự sai sót trong cách tính của Di-o-ny-si-us. Hầu hết các học giả Kinh Thánh hiện nay cho rằng Di-o-ny-si-us đã tính sai, và rằng trên thực tế Chúa Giê-su sinh trong khoảng từ năm 8 TCN tới năm 4 TCN (tức vào khoảng năm 748-750 tính từ ngày thành lập thành Rô-ma). Có như vậy sự giáng sinh của Chúa Giê-su mới trùng hợp với cái chết của Hê-ro-đê Đại Đế (x Mt 2,15) vào năm 4 TCN.

Nhưng sai sót này không quan trọng và không ảnh hưởng đến lịch chung đang được sử dụng trên thế giới hiện nay.

- HỎI 3: CÓ MẤY THỨ PHÉP RỬA VÀ PHÂN BIỆT VỚI NHAU THẾ NÀO?:

ĐÁP: Tin mừng Gio-an cho thấy có hai thứ phép rửa: Một là “phép rửa trong nước” của Gio-an Tiền Sứ (x Ga 1,26.31), và hai là “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” của Đức Giê-su (x Ga 1,.32-34).

Phép rửa của Gio-an chỉ là một nghi lễ, giúp người ta tỏ lòng sám hối để cầu xin Chúa xá tội. Còn phép rửa do Đức Giê-su thiết lập đem lại ơn cứu độ cho người lãnh nhận như sau: Một là được ơn tha tội tổ tông truyền và các tội đã phạm từ khi có trí khôn, nhờ công nghiệp chết và sống lại của Chúa Giê-su. Hai là được tái sinh làm con Thiên Chúa nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Hãy sửa lối cho thẳng để Người đi”(Lc 3,4b).

2. CÂU CHUYỆN: GIẢI NÔ-BEN HÒA BÌNH

AN-PHỚT NÔ-BEN (ALFRED NOBEL) sinh ngày 21 tháng 10 năm 1833 tại SÌ-TỐC-KHÔM (Stockholm) Thụy Điển, là con trai thứ ba của nhà khoa học Imanuel Nobel. Từ nhỏ Nobel đã theo gia đình đến sinh sống tại Le-nin-grad nước Nga.

Nobel đặc biệt thích văn học, nhưng vâng lời cha, ông theo học ngành khoa học kỹ thuật và nghiên cứu về thuốc súng và thuỷ, địa lôi. Ông đã phát minh ra chất nổ và cũng nhờ bán đi bằng sáng chế này mà ông đã trở thành một nhân vật nổi tiếng giàu có nhất thế giới thời bấy giờ.

Vào ngày 3 tháng 9 năm 1864, nhà máy Nobel phát nổ, rất nhiều công nhân bị thiệt mạng, trong đó có cả Emil Nobel là em út của Nobel. No-ben bàng hoàng khi ngay từ sáng sớm hầu hết các tờ báo phát hành đều loan tin sai lạc về cái chết của chính ông, người mà họ mô tả là kẻ đã sáng chế ra cốt mìn, một thứ vũ khí giết người hàng loạt. Các bài viết mang những tựa đề lớn như: “Nhà buôn cái chết đã chết” – hoặc: "Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua". Thực ra báo chí đã hiểu lầm về bản chất con người ông. Việc phát minh ra chất nổ của No-ben ban đầu chỉ là công trình khoa học nhằm phục vụ cho nhân lọai. Chẳng hạn: Phá đá làm đường hầm xuyên qua núi, hoặc lấy đá làm nguyên liệu xi măng xây dựng đường xá, cầu cống, nhà cửa và các công trình phục vụ công ích. Nhưng về sau khi chiến tranh nổ ra, chính quyền đã lạm dụng phát minh của No-ben chế tạo mìn sát thương trái với ý muốn nhân đạo của ông.

Ngay sáng hôm đó, Nô-ben đã quyết định nhờ luật sư làm di chúc để tình nguyện hiến toàn bộ tài sản to lớn phục vụ nhân lọai. Đó là nguồn gốc của giải thưởng Nô-ben được công bố hằng năm ngày nay. Mỗi năm, số tiền lời phát sinh từ tài sản kếch xù ban đầu của No-ben đã được sử dụng làm giải thưởng có giá trị cao cho bất cứ ai, không phân biệt quốc tịch, có công sáng chế phục vụ nhân lọai về năm lãnh vực: vật lý, hoá học, y học, văn học và đấu tranh cho hòa bình.

3. SUY NIỆM:

- BÀI HỌC TỪ NÔ-BEN: Chính nhờ có cái tâm bác ái quảng đại, sẵn sàng hy sinh toàn bộ tài sản phục vụ công ích, cũng như nhờ biết ứng xử khôn ngoan, mà No-ben đang từ một kẻ bị người đời nguyền rủa là tác nhân gây ra chết chóc... trở thành một nhân vật được cả thế giới ngưỡng mộ, và được công nhận là ân nhân của nhân lọai, vì đã cổ võ hòa bình, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các dân tộc trên thế giới. Còn bạn, bạn sẽ làm gì trong những ngày này để phục vụ công ích và gây hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình, khu xóm và nơi làm việc của bạn?

- “HÃY SỬA ĐƯỜNG CHÚA CHO NGAY THẲNG”: Trong Mùa Vọng này Giáo Hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh bằng việc thực hành theo lời thánh Gio-an Tiền Sứ: “Sửa đường cho ngay thẳng đón Chúa đến” như sau:

* Mọi thung lũng phải lấp cho đầy: Cần lấp đầy tâm hồn bằng sự tha thứ, hoà giải trong tình huynh đệ yêu thương thay cho chia rẽ, thù ghét lẫn nhau...

* Mọi núi đồi phải bạt cho phẳng: Cần tránh khoe khoang thành tích, làm việc để tìm tiếng khen. Cần tỏ lòng kính trọng tha nhân bằng cách xưng hô xứng hợp với địa vị mỗi người. Tránh tự cao khi nghĩ mình hơn kẻ khác và khinh thường những ai không bằng mình về trình độ, địa vị, tiền bạc, tài năng….

* Đường quanh co phải uốn cho ngay: Cần tránh những lời nói thiếu trung thực, dối trá, chua cay hay tục tĩu.

* Đường lồi lõm phải san cho bằng: Phải tránh tính nóng giận bằng sự làm chủ bản thân, thay nét mặt cau có bằng nụ cười thân ái. Tránh tranh cãi to tiếng. Tránh thói ganh tị nhỏ nhen, gàn dở cố chấp và ích kỷ hại nhân...

- HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI: Nội dung chính trong lời kêu gọi của Gio-an Tiền sứ là “Hãy sám hối”. Sám hối bao gồm sự nhìn nhận tội lỗi của mình, hối tiếc vì tội đã phạm tội, và quyết tâm chừa cải để quay về xin lỗi làm hòa với Chúa. Thiếu một trong ba yếu tố trên thì không còn là sám hối. Giu-đa biết tội của mình, hối tiếc vì tội đã phạm và lẽ ra phải quay về xin Chúa tha thứ, thì ông ta lại đi treo cổ tự tử! (x. Mt 27,5) nên ông đã bị Chúa trách: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (x. Mc 14,21). Còn thánh Phê-rô sau khi ý thức tội chối Thầy của mình, đã hồi tâm sám hối (x. Mt 26,75) và trông cậy vào lòng khoan dung của Chúa, nên đã được Chúa tha tội. Cũng nhờ  đã yêu mến Chúa nhiều, nên ông còn được trao quyền chăn dắt đòan chiên (x. Ga 21,15-17).

4. THẢO LUẬN: 1) Mỗi người chúng ta đều có tính kiêu căng tự mãn. Thói xấu ấy thường được thể hiện qua những thái độ, lời nói và hành động nào? 2) Ta phải làm gì để chừa bỏ thói tự cao tự đại trong mùa Vọng này?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sám hối không phải là điều dễ thực hiện, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận ra lầm lỗi của mình. Xin cho chúng con học tập nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúa là Đấng trong sạch thánh thiện, thế mà lại tình nguyện đến xếp hàng, đứng chung với các tội nhân để xin Gio-an làm phép rửa. Tuy vô tội, nhưng Chúa đã muốn trở nên bạn đồng hành của lòai người chúng con khi mang lấy thân phận mỏng dòn yếu đuối của chúng con.

- LẠY CHÚA. Xin cho chúng con biết điều chỉnh cách suy nghĩ và lối sống của chúng con: Luôn tỉnh thức để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để không tự dối mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con được ơn sám hối thực sự trong mùa Vọng này. Cho chúng con quyết tâm làm những việc lành cụ thể, và can đảm chấp nhận những lời phê bình của tha nhân để ngày một nên tốt hơn, như người đời thường nói: “Thuốc đắng dã tật”.

ĐƯỜNG GỒ GHỀ HÃY SAN CHO BẰNG

Lm. Giuse Đỗ Đức trí

Thưa quý OBACE

Trong những kỳ họp Quốc Hội vừa qua, một trong những vấn đề được đưa ra và chất vấn nhiều đó là vấn đề liên quan đến Bộ Giao Thông, ngoài những vấn đề liên quan đến tài chánh, người dân cũng muốn người có trách nhiệm giải trình về những vấn đề trước mắt, chẳng hạn những con đường chưa khánh thành thì đã thấy đào lên để sửa chữa, tình trạng chặn đường bằng những lô cốt, chuyện vá đường, kẹt xe, ngập nước…đang là những vấn đề dường như chưa giải quyết được, thì gần đây lại có những con đường đen vì thường xuyên xảy ra tại nạn, những con đường nguy hiểm có nguy cơ bị cướp bóc vì ít người qua lại; con đường cao tốc vừa mới đưa vào hoạt động được một vài năm, đã bắt đầu thấy xuất hiện ổ gà ổ voi…

Những con đường thực tế trong xã hội có lẽ là hình ảnh tốt để chúng ta hình dung và hiểu sứ mạng của Gioan và những điều mà Gioan Tiên Hô kêu gọi: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Trước hết Tin Mừng cho thấy sự xuất hiện của Gioan, đã được ghi nhận bằng những cột mốc lịch sử quan trọng của thế giới, Gioan xuất hiện và thi hành sứ mạng cùng với thời Tiberio là hoàng đế La mã, Philatô làm tổng trấn vùng Giuda, Hêrôdê làm quận vương và Caipha làm thượng tế ở Giêrusalem, tất cả những nhân vật lịch sử này đã ít nhiều được Tin Mừng nhắc tới sau này trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Điều đó chứng tỏ rằng sứ mạng của Gioan Tiền hô và của Đấng Cứu Thế sau này là sứ mạng đã được ghi dấu trong một thời đại của con người, của thế giới và có ảnh hưởng trên lịch sử thế giới.

Sứ mạng của Gioan bắt đầu từ vùng sông Giodan, ông kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế bằng việc điều chỉnh cuộc sống, lãnh nhận phép rửa để bày tỏ lòng sám hối, thực hành bác ái để được ơn tha tội. Nói đến Gioan, người ta hình dung đến một con người khắc khổ, sống nhiệm nhặt ăn châu chấu và uống mật ong rừng, trong khi những người khác trong xã hội đang chạy theo sự giàu sang hưởng thụ. Cuộc sống của ông càng làm cho lời giảng của ông thêm sức mạnh và thu hút nhiều người, vì chính ông đã sống chuẩn bị cho chính mình trước rồi ông mới kêu gọi mọi người.

Lời giảng của Gioan mạnh mẽ và dứt khoát: Nơi cao hãy bạt xuống, thung lũng hãy lấp cho đầy, con đường quanh co hãy uốn lại cho ngay thẳng… Gioan vừa là một vị tiền hô của Đấng Cứu thế, ông vừa là một “nhà thiết kế”, đã phác họa nên những con đường rộng rãi thẳng tắp để đón Đấng Cứu thế. Tuy nhiên việc giải tỏa mở đường trong xã hội đã là một việc không dễ, có những con đường phải bỏ dở dang vì không thể giải tỏa, thì việc giải tỏa mở đường trong tâm hồn còn khó hơn như thế nữa, vì con đường trong tâm hồn thì không thể sử dụng xe ủi hay cưỡng chế, mà phải là một sự tự nguyện chấp nhận của bản thân, và mỗi người vừa là người cắm mốc giải tỏa, vừa là người ủi đường của tâm hồn mình, và cũng là người thi công để làm nên một con đường mới cho Đấng Cứu Thế có thể dễ dàng đến với tâm hồn mình.

Tiên tri Baruc trong bài đọc một đã kêu gọi dân thành Giêrusalem làm một con đường mới, một cuộc đời mới, bằng việc cởi bỏ sự tang chế khóc lóc khổ nhục để mặc lấy vinh quang và niềm vui hân hoan, hãy giũ bỏ khỏi mình sự gian ác bất công để mang lấy sự công chính thánh thiện của Thiên Chúa và vinh quang của Ngài. Cũng theo tiên tri Barúc thì việc làm mới lại cuộc đời như thế, không chỉ là những hình thức bên ngoài mà phải là một quyết tâm từ bên trong giũ bỏ quá khứ để bắt đầu cuộc đời mới, và khi đó Bình an và Vinh quang của Thiên Chúa sẽ bừng lên trong tâm hồn. Vị tiên tri cũng nói đến một thời Thiên Chúa sẽ ban niềm vui hân hoan ngập tràn cho cả xứ sở, như ngày họ được trở về quê hương sau những năm dài sống trong nô lệ nhục nhã, ngày đó chính Thiên Chúa sẽ ra tay sẽ dẫn đưa dân Chúa trở về, vì vậy mà mọi người đều phải góp phần vào việc làm nên những con đường ngay thẳng bằng phẳng cho chính mình và cho anh em khỏi vấp té.

Thánh Phaolô đã tỏ ra hân hoan vui mừng vì dân thành Philipphê đã tích cực trong việc dọn tâm hồn đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu mà Phaolô đã rao giảng, và Thánh Phaolô đã khuyến khích họ hãy tiếp tục sống tốt lành thánh thiện để cho hạt giống Tin Mừng được tiếp tục bén rễ sâu và sinh hoa trái trong cuộc đời của họ và hãy làm cho lòng mến trổ sinh và lan rộng trong cuộc đời mỗi người tín hữu: Anh em hãy nên tinh tuyền và đừng làm điều gì đáng trách cho đến ngày Chúa Kitô trở lại.

Cuộc sống đạo đức thánh thiện và đầy lòng bác ái của cộng đoàn Philipphê đã là tấm gương cho chúng ta ngày hôm nay noi theo để sống tâm tình của mùa vọng, cụ thể qua những lời kêu gọi của Gioan: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, mở lối cho thẳng để Người đi, mọi núi đồi phải bạt cho thấo, chỗ gồ ghề phải san cho bằng.

Thưa quý OBACE, như đã chia sẻ ở trên, để mở một con đường trong tâm hồn, khó hơn là mở con đường bên ngoài. Có thể vì con đường trong linh hồn và lối sống của chúng ta đã lâu ngày không được dọn dẹp, nên cỏ gai là tội lỗi và những thói quen xấu nó đã lấn chiếm um tùm và làm cho đời sống đạo của chúng ta trì trệ, chỉ còn là một đường mòn nhỏ hẹp lại đầy gai góc khiến cho Chúa không thể đến với chúng ta, và chúng ta cũng không thể đến với Chúa, và không thể đến với anh em; và vì con đường đã bỏ hoang lâu ngày sẽ gây nguy hiểm cho những người qua lại. Con đường như thế trong tâm hồn cần được phát quang, dọn cỏ, và mở rộng, hãy đến với bí tích Giải tội và bí Tích Thánh Thể, là những thứ thuốc diệt cỏ, diệt mọi gai góc trong tâm hồn, và giúp cho tâm hồn quang đãng sạch sẽ và đẹp đẽ hơn.

Con đường trong tâm hồn của chúng ta cũng có thể còn quá gập ghềnh, lồi lõm quanh co vì bóng tối của sự gian dối còn ẩn nấp trong tâm hồn, những gian dối quanh co trong làm ăn, trong cuộc sống đối với Chúa và đối với anh em, hoặc là những đồi cao của sự kiêu ngạo ích kỷ, nó che lấp tầm nhìn khiến chúng ta không nhìn thấy quyền năng và tình yêu của Thiên chúa đang thực hiện trên cuộc đời mình, và cũng không nhìn thấy sự hiện diện của anh em bên cạnh mình Những con đường như thế cần phải mạnh dạn san lấp, ủi cho phẳng, dùng Lời của Chúa làm thước đo, chuẩn mực và là người duy tu thường xuyên những gập ghềnh trong cách sống của chúng ta.

Có những con đường của các gia đình đã trở nên tối tăm, buồn bã và trở nên nguy hiểm cho con cái, vì sự lười biếng của cha mẹ, vì sự lơ là trong việc giáo dục con cái; những con đường tối tăm bởi thiếu ánh sáng của gương tốt nơi cha mẹ, con đường hoang vắng bởi thiếu những giờ kinh những giờ cầu nguyện, con đường buồn bã vì thiếu niềm vui và nụ cười, thiếu những bữa cơm gia đình đầm ấm, nên đã làm cho gia đình nên lạnh lẽo như hoang mạc, khiến cho con cái không muốn ở trong nhà, mà chỉ muốn ra đường, và điều đó trở thành nguy hiểm cho gia đình, cho con cái và cho những người chung quanh.

Trong mắt của nhiều bạn trẻ, con đường của họ đang đi được trải bằng nhiều hy vọng và dự dịnh cho tương lai, song con đường đó lại có quá nhiều cạm bẫy và cám dỗ, nó giống như những hố tử thần giữa đường, có thể nuốt chửng cuộc đời của nhiều bạn trẻ nhắm mắt mà chạy và quên theo dõi những bản chỉ dẫn trên đường. Có những bạn đang đi trên những con đường tưởng rằng rất đẹp, nhưng thực ra con đường ấy có đầy rác rưởi bởi xã hội quăng ra, hoặc bởi chính họ tạo ra nó… mỗi người chúng ta cần xem lại con đường chúng ta đang đi sẽ đưa ta đến đâu, có đem chúng ta đến hạnh phúc đích thực hay không? đó có phải là một con đường sạch và xanh hay là một cung đường nguy hiểm quanh co gập ghềnh và rác rưởi? Hãy dùng Lời Chúa làm nón an toàn, và tiếng nói của Giáo Hội là bảng chỉ đường an tòan cho chúng ta

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết tận dụng cơ hội mùa vọng này để kiểm tra lại con đường đời của mình và can đảm điều chỉnh sửa chữa cho thật tốt để chúng ta có thể đón tiếp Chúa đến với chúng ta mỗi ngày và cũng có thể dễ dàng đến với Chúa và đến với anh em, và tim được niềm vui thực sự trong mùa Giáng sinh sắp tới. Amen.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng - Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng C - Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng - Nt. M. Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B- GIOAN ĐÃ ĐẾN RỒI. Nt Anh Thư. op
     LỄ ĐỨC MARIA- VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. An tôn Lương Văn Liêm
     ƠN CỨU CHUỘC VÀ ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
     ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B-ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ VÀ LÀ THẦY. Đaminh Monteils
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B. Minh Tứ
     ĐÔI DÒNG SUY TƯ VỀ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B. Lương Liêm
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG NĂM B- NIỀM TIN CỘNG ĐOÀN. Huỳnh Thị Oanh