CHỦ NHẬT 2 TN
Lời chứng của ông Gioan
Gioan Tẩy giả nhận ra nơi Chúa Giê su là người Tôi tớ đích thật thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn để cho Thánh Thần thấm nhập vào đời sống mình. Vì thế, để phục vụ thế giới mới, cần phải mặc lấy Đức Ki tô, nghĩa là để cho Thần Khí Ngài hướng dẫn chúng ta.
Sách Tiên tri Isaia 49, 3.5-6
Một vị Tiên tri tiếp nối sự nghiệp Isaia loan báo ngày chấm dứt cuộc lưu đày ở Ba bi lon. Ông đã thấy điều ấy thành sự thật, không qua trung gian một vị Đại vương nhưng qua một người Tôi tớ mà ông cố gắng xác định những nét nổi bật. Đó sẽ là một nhân vật hoàn toàn để cho Thiên Chúa ngự trị nhằm mang đến cho toàn thể vũ trụ ơn Cứu độ.
Thánh vịnh 39
Thánh vịnh nầy là lời kinh của một người công chính vô danh, không một ai biết đến, bị quân thù chà đạp. Nhưng Thiên Chúa sẽ ban lại cho tôi tớ của Người sức mạnh, để từ nay ông tận tâm phục vụ Thiên Chúa và hoàn tất hi tế duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa.
Thư thứ 1 Côrintô 1, 1-3
Chúng ta đang ở vào năm 57, 20 năm sau cái chết của Chúa Giê su. Thánh Phao lô tự giới thiệu mình là tông đồ của Chúa Giê su Ki tô. Đó là tước hiệu duy nhất Ngài sữ dụng để can thiệp trong một Cộng đòan đã gắn bó với Chúa khi đón nhận tin mừng Ngài là đấng Cứu độ. Trọn vẹn cuộc sống của Giáo Hội tập trung vào Chúa Giê su Ki tô, vì chính Ngài đưa con người đến với Thiên Chúa Cha.
Tin Mừng: Ga 1,29-34
NGỮ CẢNH
Sau lời tựa long trọng suy niệm về Ngôi Lời (1,1-28), Gioan tiếp tục nói về lời chứng của Gioan Tẩy giả, mà ông đã giới thiệu trước (6-8; 19-28). Tác giả cho biết Gioan đã thấy Chúa Giê su và làm chứng cho Ngài, trước khi giới thiệu Ngài cho các môn đệ (35-42).
Có thể đọc bài tin mừng theo bố cục sau đây:
1. Lời chứng của Gioan: Chúa Giê su là Chiên Thiên Chúa: (29)
2. Sự vượt trội của Chúa Giê su đối với Gioan Tẩy giả: Phép rửa của Gioan bằng nước, còn phép Rửa của Chúa Giê su trong Thánh Thần (30-33)
3. Lời chứng của Gioan: Chúa Giê su là Con Thiên Chúa (34).
TÌM HIỂU
Đây là: được lặp lại ở câu 1,36. Gioan Tẩy giả không chỉ là người loan báo đức Ki tô như các tiên tri; ông còn là người chỉ cho người khác biết Ngài.
Chiên Thiên Chúa: tước hiệu mới của Chúa Giê su biến Ngài thành một nhân vật độc nhất trong lịch sử. Làm sao để hiểu được kiểu nói trong câu 1,29 (được lặp lại ở câu 1,36) nếu không có thêm chi tiết “đấng xoá bỏ tội trần gian”? Có nhiều cách hiểu kiểu nói ấy:
a. Con Chiên Vượt qua. Trong trình thuật Khổ nạn, Ga đưa ra nhiều ám chỉ đến việc hiến tế con chiên trong đền thờ song song với cuộc xử án Chúa Giê su (18, 28-19, 37). Do đó, nói rằng Chúa Giê su là Chiên Thiên Chúa có nghĩa là máu của Chúa Giê su khử trừ sự dữ, tiêu diệt tội lỗi (x. 1Ga 3,5).
b. Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, được Is 53,7 so sánh với «một con chiên được dẫn tới lò sát sinh ». Các ám chỉ đến người Tôi tớ không thiếu trong tin mừng thứ tư, bắt đầu trong việc nhắc tới phép Rửa của Chúa Giê su (1,32-33) : «Đấng mà Thánh Thần ngự trong »; trong câu 12,38 Ga trích dẫn Is 63,1. Do đó kiểu nói « Chiên Thiên Chúa » khiến người ta nghĩ đến Người Tôi tớ đau khổ, nhưng như vậy thì phải dịch là : « đấng mang tội trần gian », như « tế vật đền tội » (1Ga 2,2).
c. Cách hiểu thứ ba có lẽ phù hợp nhất với lối suy nghĩ của Gioan Tẩy giả, như chúng ta có thể thấy trong các Tin Mừng Nhất Lãm: ông loan báo sẽ đến đấng “cầm nia trong tay” (Mt 3,12). Như thế ý tưởng của ông trùng hợp với quan niệm khải huyền, được diễn tả trong nhiều bản văn thời đó, về một Con Chiên Hoàng vương chiến đấu chống lại các thú dữ và tiêu diệt thế giới gian tà (x. Kh 14,10 ;17,14). Tuy nhiên ở đây hình ảnh Híp pri đã được đức tin Ki tô hoạ lại: trong Kh, cuộc chiến của Con chiên là sự chết của Ngài và trên môi miệng của vị Tẩy giả, đối tượng bị đánh bại không còn phải là các tội nhân nữa, mà là tội lỗi trần gian bị Con Chiên Thiên Chúa xoá đi.
Sau tôi: theo thời gian thì Chúa Giê su đến sau vị Tẩy giả. Nhưng “sau tôi” còn có nghĩa là “đi theo sau tôi”; đó là chỗ mà người môn đệ bước theo sau vị thầy của mình. Thực tế thì Chúa Giê su đi trước như vị Thầy, hoặc như vị mục tử (10,4). Gioan còn nhìn xa hơn: Chúa Giê su đã có “trước ông”. Ngôi Lời hiện hữu “ngay từ khởi nguyên nơi cung lòng Thiên Chúa” (1,1-2). Chi tiết thứ hai làm phong phú cho hình ảnh Chúa Giê su.
Tôi đã không biết Người: x.c. 26. Lời nầy được lặp lại ở câu 1,33, sẽ khiến người ta ngạc nhiên khi nhớ đến câu Lc 1,41. Do đó, phải hiểu về mầu nhiệm của Chúa Giê su như sau: không ai, cả ông Gioan Tẩy Giả có thể tự mình mà biết Ngài. Cần phải có sự mạc khải của Cha (x. 6,44).
Làm chứng: cuộc thần hiển trong phép rửa Chúa Giê su còn được các tin mừng nhất lãm kể lại. Theo tin mừng thứ tư, vị Tẩy Giả làm chứng rõ ràng, là người duy nhất, dường như thấy “Thánh Thần từ trời ngự xuống” sau khi cũng chỉ mình ngài đã nghe tiếng nói của “đấng đã đưa ngài đi chịu phép rửa”.
Tuy nhiên cả bốn trình thuật đều cho biết ý nghĩa của những gì xảy ra ở sông Giorđanô. Đấng Messia được chờ đợi là chính Chúa Giê su, bởi vì Ngài được chính Thánh Thần xức dầu.
Chim bồ câu: chim bồ câu được nói tới ở đây chỉ có tính cách so sánh (tựa như). Khác với các tin mừng nhất lãm, Ga ít nhấn mạnh đến chi tiết nầy.
Thần Khí: xác định cuối cùng về Chúa Giê su: Ngài là đấng mà Thần Khí ngự xuống và lưu lại một cách sung mãn : “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị nầy” (Is 11,2).
Chúa phán “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ […] Ta cho thần khí Ta ngự trên Người” (Is 42,1). Đối với Gioan Tẩy giả, Chúa Giê su là một người có liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa.
Làm phép rửa trong Thánh Thần: vì có Thần Khí, nên Chúa Giê su có thể ban phát Thần Khí (3,34). Phép rửa trong Thần Khí chỉ có sau khi Ngài sống lại (20,22), khi các môn đệ bắt đầu tin. Bấy giờ Thần Khí không ngừng tuôn đổ xuống.
Tôi đã thấy: so sánh với Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22.
Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (= Con Thiên Chúa): chỗ nầy một vài thủ bản cổ ghi “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (x. Is 42,1). Còn “Con Thiên Chúa” thì hợp với lời của Cha được các Tin mừng nhất lãm thuật lại (x. Mc 1,11). Ngoài ra, kiểu nói ấy còn là tước hiệu dành cho các vua, nhất là đấng Messia được loan báo (x.1,49). “Ta sẽ là Cha nó, và nó sẽ là con Ta” (2 Sm 7,14).
Trong tin mừng Ga, tước hiệu ấy vừa giữ lại ý nghĩa đã có trong truyền thống thánh Kinh, vừa có thêm ý nghĩa mới mà niềm tin ki tô gán cho.
Thần khí đã tỏ hiện. Đối với Thiên Chúa, Chúa Giê su là Con đối với Cha mình. Ngay từ khung cảnh đầu tiên, tác giả tin mừng đặt trên miệng của vị Tẩy giả điều cốt yếu trong mạc khải mà Ngài sẽ dạy về chính mình.
SỨ ĐIỆP
Tất cả ba bài đọc hôm nay đều gửi đến chúng ta một sứ điệp hi vọng.
Thật vậy, bài đọc thứ nhất Isaia nói: “Tôi được Đức Chúa trân trọng và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”. Lời nói trên một lần nữa giúp dân Israen xác tin rằng Thiên Chúa yêu thương và trân trọng họ như thế nào, và Người không bao giờ bỏ rơi dân của Ngài.
Thế nhưng, khi Isaia viết bản văn nầy, tất cả dường như đi ngươc lại. Dân Israên đang phải gánh chịu nhiều nỗi tai ương. Thành thánh Giêrusalem bi phá hủy. Dân cư bị lưu đày đến đất ngọai bang. Phẩm giá, đức tin và văn hóa của họ không còn đươc các lân bang nhìn nhận nữa Xa quê hương họ tự nhủ không biết có ngày nào được trở về cố hương không. Nhưng chính lúc ấy, lúc mà tất cả coi như đã bị mất, thì vị Tiên tri đã gửi đến sứ điệp hy vọng nầy.
“Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng”. Nói cách khác, mọi người có thể khinh dễ, nhạo báng anh em, nhưng không gì có thể ngăn cản Thiên Chúa yêu mến anh em. Làm tiên tri khi tình thế cỏ vẻ tuyệt vọng, tức là tiếp tục cậy dựa vào Chúa là sức mạnh của chúng ta, dù phải đối đầu với những lời chế nhạo và bất tín của người đời.
Trong bài đọc thứ hai, thánh tông đồ Phao lô nói với những người trở lại cũng đang sống trong một tình thế đầy khó khăn. Trong số họ, có những người bị người khác khinh dễ, vì họ đến từ một môi trường lây nhiễm văn hóa ngọai đạo. Thế nhưng đó lại là nơi mà Thiên Chúa chọn lựa để Tin mừng đã được rao giảng. Thánh Phao lô nói với họ rằng: “Anh em đã được thánh hóa trong Đức Ki tô Giê su. Anh em là một dân thánh”. Đó là một cách khác nói với họ rằng: “Anh em được trân trọng trước mặt Chúa”.
Bài tin mừng hôm nay cũng đi theo chiều hướng ấy, Gioan Tẩy giả đã nhận ra Đấng Messia. Thiên Chúa Cha đã gọi Ngài là Con yêu dấu. Đức Giê su người Na gia rét mà bề ngoài không gì khác biệt với mọi người đã đến Gioan để lãnh nhận phép rửa do ông thực hiện. Ông nầy đã nhận ra Ngài là Chiên Thiên Chúa. Đó là một cách cho thấy Con Thiên Chúa được Thiên Chúa Cha trân trọng và yêu mến.
Cả ba bài đọc gặp nhau vì cả ba đều mang đến tin mừng. Chúng nói với chúng ta về tình yêu và tất cả những trân trọng mà Chúa dành cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều có giá trước mắt Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không thể tuyệt vọng về chính mình: “Tôi có đáng gì đâu”. Chúng ta cũng không được nói về người khác rằng họ không là gì cả. Xét đoán một ai đó là một cách tiêu diệt người khác. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại tình yêu Thiên Chúa luôn coi chúng ta tất cả như là của quí giá nhất của Ngài. Chính vì từng người và tất cả mọi người mà Ngài đã chết trên thập giá.
Dĩ nhiên trong đời, chúng ta vẫn còn phạm những sai lầm, vẫn còn nhiều khuyết điểm, vẫn còn chịu nhiều nỗi bất hạnh. Nhưng Chúa yêu thương chúng ta như chúng ta đang là. Người gắn bó với từng người đến nỗi Người có thể đến tìm chúng ta từ rất xa và từ rất thấp. Vì thế, chúng ta phải rút ra các kết luận: Nếu Thiên Chúa đánh giá cao chúng ta, thì chúng ta không có quyền thất vọng về chính mình cũng như về người khác. Đức Ki tô là đấng đến nâng chúng ta chỗi dậy. Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.
Ba bài đọc muốn mời gọi chúng ta tìm gặp tất cả những người mà cuộc đời bạc đãi và đối xử một cách cay đắng: đó là các nạn nhân của những bất công và bị khinh bỉ, nên khó tin rằng họ được mọi người quan tâm. Những người đau khổ vì bệnh tật thường cảm nhận mình bị gạt bên lề. Những người khác đầy mặc cảm bởi vì khả năng của họ không được người khác công nhận hoặc đánh giá đúng mức.
Nhưng lòng yêu thương của Thiên Chúa thì vô giới hạn. Không một ai bị lọai trừ. Đặc biệt những người thuộc thành phần hèn kém nhất trong xã hội, nhưng có chỗ nhất trong tình yêu của Thiên Chúa. Chính giá trị ban cho mỗi người đã làm cho họ sống, thế nên, số phận một người thường được quyết định trong cái nhìn mà chúng ta có về họ. Cái nhìn đó có thể là độc ác hay nhân từ, tàn nhẫn hay đón tiếp, dững dưng hay chú ý. Điều quan trọng là lời nói của mỗi người phải được lắng nghe và đánh giá. Một ngày nọ, có một chị nữ tu đã ngồi lắng nghe một bệnh nhân nói trong suốt một giờ đồng hồ. Cuối cùng, người nầy đã nói với chị: “Chị đã giúp đỡ tôi rất nhiều”. Sự thật thì chị nữ tu ấy có làm gì ngoài việc chú ý lắng nghe những gì anh ta nói. Đối với chị đó là một cách tỏ ra cho người kia biết rằng họ là người quan trọng.
Đức Ki tô nhìn chúng ta bằng một cái nhìn đầy yêu thương. Ơn cứu độ của Ngài ban cho tất cả mọi người. Đó là tin mừng mà chúng ta phải mang đến cho tất cả mọi người chưa nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta để có một cái nhìn như Ngài về chúng ta và về tất cả những người chung quanh, một cái nhìn đầy yêu thương và quí mến.
Hiệp với nhau chúng ta cùng hướng về đấng yêu thương chúng ta như là của quí giá nhất của Ngài. Ngài là Đường là Sự thật và là Sự sống, đấng duy nhất có thể dẫn chúng ta đến với Cha.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Có mấy bài ca về người Tôi tớ trong Isaia?
THƯA: Có bốn: Bài 1 trong Is 42,1-9, bài 2 trong Is 49, 1-7; bài 3 trong Is 50, 4-9; và bài 4 trong Is 52,13-53,12. Tuy cả bốn đều phát họa diện mạo đấng mà tiên tri gọi là “Người Tôi tớ của Thiên Chúa”, nhưng mỗi bài nhấn mạnh những đường nét riêng biệt.
2. HỎI: Bài ca thứ nhất có những điểm chính yếu nào”
THƯA: Bài ca thứ nhất (42,1-9) có ba điểm quan trọng sau đây: thứ nhất, người Tôi tớ được Thiên Chúa chọn lựa cho một sứ mạng rõ ràng; thứ hai, sứ mạng ấy nhằm xét xử loài người theo nghĩa cứu độ, là cứu thoát những người bất hạnh thuộc mọi lãnh vực, và thứ tư sứ mạng ấy bao trùm toàn thể nhân loại.
3. HỎI: Đấng Cứu độ là ai?
THƯA: Trong bài ca thứ nhất (Is 42), người ta chưa thấy rõ diện mạo của đấng cứu độ nhưng trong bài ca thứ hai (Is 49), đó là người tôi trung của Thiên Chúa, là dân Ít-ra-en.
4. HỎI: Câu: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang” (Is 49,3) có nghĩa là gì?
THƯA: Nghĩa là nơi dân Ít-ra-en, tôi trung của Thiên Chúa, Người sẽ được tỏ hiện, được nhận biết, và được mạc khải trong vinh quang nghĩa là trong công trình cứu độ của Người.
5. HỎI: “Dân Ít-ra-en là tôi tớ Thiên Chúa” có nghĩa gì?
THƯA: Tước hiệu tôi tớ mà Ít-ra-en nhận được trong cuộc lưu đày có hai nghĩa: một là được Thiên Chúa bảo đảm và nâng đỡ, hai là có sứ mạng tin vào ơn cứu độ và làm chứng để thế gian tin nhận Ngài là đấng Cứu độ.
6. HỎI: Thế nào là ‘Ánh sáng muôn dân’?
THƯA: Ơn gọi của Đấng Cứu thế là trở thành phương tiện Thiên Chúa sử dụng để mang ơn cứu độ đến với toàn thể mọi người.
7. HỎI: Như vậy với các bài ca về ‘Người Tôi tớ Thiên Chúa’ niềm mong đợi thiên sai đã thay đổi?
THƯA: Đúng thế. Với những mô tả trong các bài ca, diện mạo đấng Cứu thế không còn là Đấng Messia-Vua, mà trở thành Đấng Messia-Tôi tớ.
8. HỎI: ‘Người Tôi tớ Thiên Chúa’ là một tập thể hay một cá nhân?
THƯA: ‘Người Tôi tớ Thiên Chúa’ là một tập thể, là dân Ít ra ên, là số Sót gồm những người kiên trì trong đức tin giữa cuộc lưu đày. Chính họ là những người mà Thiên Chúa giao phó sứ mạng nâng đỡ đức tin anh em mình, qui tụ họ để dẫn họ về lại quê hương.
9. HỎI: ‘Con Thiên Chúa’ có nghĩa gì?
THƯA: Ở đây, tước hiệu ‘Con Thiên Chúa’ có nghĩa là Đấng Messia. Đối với Gioan Tẩy giả, đó là cách nói rằng Chúa Giê su thật là Đấng Messia mà người ta trông đợi, đấng phải đến để mang lại hạnh phúc hoàn hảo cho trần gian.
10. HỎI: Tại sao tước hiệu Messia và Con Thiên Chúa tương đương với nhau?
THƯA: Vì khi được tấn phong lên ngôi, vua Ít ra ên nhận được hai tước hiệu ấy. Nghi thức xức dầu biến ngài thành một người được hiến thánh, một đấng messia (= Đấng được xức dầu). Còn tước hiệu Con Thiên Chúa xuất phát từ việc Ngài là Vua và từ nay, Thiên Chúa sẽ hướng dẫn và gìn giữ Ngài trong mọi lúc.
11. HỎI: Điều gì đã khiến Gioan Tẩy giả khẳng định một cách chắc chắn rằng Chúa Giê su chính là Đấng Messia của Ít ra ên?
THƯA: Vì chính ông đã tận mắt nhìn thấy Thánh Thần ngự xuống và ở với Ngài. Từ nay mọi hành động của Ngài làm cũng là hành động của Chúa Thánh Thần.
12. HỎI: Thời ấy, dân Do thái chờ đợi đấng Messia nào?
THƯA: Thời ấy, phần lớn dân Do thái chờ đợi một Đấng Messia-Vua: Vị Vua nầy sẽ ngự trị ở Giê ru sa lem sau khi đã giải thoát toàn dân khỏi ách nô lệ La mã. Chính Ngài sẽ mang lại an ninh, hòa bình và hạnh phúc cho mọi người.
13. HỎI: Chúa Giê su có đáp ứng lòng mong đợi đó không?
THƯA: Không. Ngài không phải là Đấng cứu độ trần thế như lòng mong đợi của người Do thái, nhưng là Đấng Cứu độ giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi làm băng hoại con người.
14. HỎI: ‘Chiên Thiên Chúa’ có nghĩa gì?
THƯA: ‘Chiên Thiên Chúa’ có nghĩa là Con Chiên do chính Thiên Chúa ban tặng. Khi Isaac hỏi cha: “Còn con chiến tế hiến ở đâu?”. Abraham trả lời: “Chính Thiên Chúa sẽ cung cấp cho chúng ta, con à”. Ở đây, chiên Thiên Chúa ám chỉ đến Người Tôi tớ của Thiên Chúa mà bài ca Isaia đã nói tới: Ngài được ví như con chiên vô tội mang lấy tội lỗi của muôn người.
15. HỎI: Khi Gioan Tẩy giả nói rằng Chúa Giê su là Chiên Thiên Chúa, ông muốn nói gì?
THƯA: Ông muốn giới thiệu Ngài như là đấng cứu độ loài người, là Chiên Vượt qua. Ngài được Thiên Chúa lựa chọn và sai đến trần gian để thực hiện việc cứu độ loài người. Ngài là đấng vô tội hiến mạng sống mình để cứu thoát tất cả mọi người.
16. HỎI: Việc nhắc đến người tôi tớ trong Isaia có giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm không?
THƯA: Có. Isaia đã loan báo rằng công việc cứu độ nhân loại không phải là công việc của một người đơn độc, nhưng là của cả một dân tộc. Ngời Ki tô hữu trên toàn thế giới họp thành một dân tộc mà Thánh Phao lô gọi là “Thân Thể Đức Ki tô”. Thân thể mầu nhiệm ấy tăng trưởng mạnh mẽ nếu để cho Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động và hướng dẫn.