CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C
TIỆC CƯỚI Ở CANA
LỜI CHÚA : Tin Mừng thánh LUCA chương 2, câu 2-11.
(1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. (2) Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". (4) Ðức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến". (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".
(6) Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Ðức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ". (11) Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
SUY NIỆM:
Qua phép lạ đầu tiên này, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết căn tính của Người: Ngài là Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (Ga 1,14) để ai tin vào Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Kể từ đây, các môn đệ bắt đầu tin vào Chúa. Tin là theo Chúa với trọn tấm thân, cả con tim, tâm hồn và cuộc sống. Nói cách khác, tin Chúa là đi theo ý định, chương trình và làm theo ước muốn của Ngài. Nhờ tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu, chúng ta không những trở nên tốt lành, mà còn nên một với Chúa trong sứ vụ là loan báo Tin Mừng cho mọi người để họ tin và chịu Phép Rửa hầu được cứu độ (Mc 16,15-16).
Mời Bạn: Tin là ra đi khỏi những tính toán an toàn của bản thân, phó thác đời mình cho Chúa, khởi đầu bằng việc hoán cải, đổi mới cái nhìn, suy nghĩ; kế tiếp là sẵn sàng vâng theo giáo huấn của Chúa Giêsu, đồng thời quyết tâm dấn thân phục vụ Người và tha nhân. Mời bạn tích cực loan báo Tin Mừng, thông truyền đức tin cho người chưa biết Chúa qua việc sống những giá trị Tin Mừng Nước Trời, thực thi bác ái trong Năm Đức Tin này.
Sống Lời Chúa: Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi quyết tâm thực hiện ba việc này:
Việc thứ nhất: Tôi luôn tin tưởng và phó thác con người và cuộc sống của tôi cho Chúa Giê-su Ki-tô. Nhất là trong những lúc khó khăn, thử thách, trước những nhu cầu chính đáng, tôi chỉ chạy đến với Chúa Giê-su mà không tìm đến hay cậy dựa vào bất cứ một quyền lực hay thần linh nào khác (tử vi, bói toán, bùa ngải, cầu cơ, tướng số…).
Việc thứ hai: Tôi luôn cảm tạ ngợi khen Chúa Giê-su Ki-tô vì Chúa đã khai mở một Triều Đại Mới, và thiết lập một Vương Quốc Mới của Thiên Chúa trong trần gian và đã đưa tôi vào trong Triều Đại và Vương Quốc Mới ấy. Được sống trong hân hoan, tôi sẽ tích cực đóng góp công sức của mình vào việc mở rộng Nước Chúa trong các tâm hồn, gia đình và môi trường chung quanh.
Việc thứ ba: Tôi luôn cảm tạ ngọi khen Chúa Giê-su Ki-tô vì Chúa đã chúc lành, thánh hóa, nâng cấp cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi và mọi thực tại của đời sống gia đình tôi. Để đáp lại lòng yêu thương và sự chăm sóc của Chúa Giê-su, tôi luôn trân trọng lời cam kết trong thánh lễ hôn phối và xây dựng gia đình tôi thành một “Hội Thánh nhỏ”, một “Hội Thánh tại gia” sáng ngời đức tin và đức ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nguyện tin và theo Chúa suốt cuộc đời. Dù bão tố thét gào quanh con, hay những tai ương bất ngờ xảy đến, xin cho con luôn tin tưởng và an lòng bước theo Chúa, xác tín Chúa mãi đồng hành với con trên đường đời. Amen.
ĐỨC GIÊSU LÀ NIỀM VUI VÀ HÂN HOAN
NHÂN LOẠI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Kính thưa quý OBACE, cuộc sống con người hầu như càng ngày càng nhiều lo âu phiền muộn, cuộc sống gia đình đáng lẽ phải là một cuộc sống ngập tràn yêu thương và hạnh phúc, nhưng thực tế cho thấy con người cứ bị đeo bám, bị ám ảnh bởi lo toan và nỗi buồn từ bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn, làm cho cuộc sống các gia đình lại càng ảm đạm hơn. Nhiều gia đình ngày nay đã không còn niềm vui mà thay vào đó là sự rạn nứt đỗ vỡ, bất hòa bất an, và bất hạnh, mặc dù gia đình ngày nay có nhiều của cải vật chất hơn, nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhưng tâm hồn của các thành viên đã bị trống rỗng vơi cạn vì họ đang thiếu cái gì đó! cái thiếu ấy chính là thiếu rượu tình yêu và hạnh phúc, là một thứ rượu làm cho mọi người hân hoan.
Tin Mừng hôm nay muốn giới thiệu cho chúng ta thấy Đức Giêsu chính là Đấng giải tỏa những khó khăn bế tắc của cuộc sống và đem đến cho nhân loại niềm vui và sự hân hoan trong tâm hồn qua câu chuyện xảy ra tại tiệc cưới tại Cana.
Bữa tiệc là dịp mọi người gặp gỡ nhau trong niềm vui, và tiệc cưới là hình ảnh nói lên niềm vui của sự xum họp hạnh phúc của gia đình và của xóm làng, thì đối với người Do Thái cũng thế lễ cưới như là một lễ hội cho đôi tân hôn, gia đình và còn là niềm vui cho cả làng. Ngày nay đi dự đám cưới, thường không ai đãi bằng rượu đế, nhưng thay vào đó là các loại bia, từ loại phổ thông đến bia cao cấp, và chắc chắn đám cưới nào cũng đãi thực khách uống đến dư thừa, say sưa, tuy nhiên hôm nay Thánh Gioan kể lại bữa tiệc cưới tại Cana có nguy cơ trở thành nỗi buồn và sự nhục nhã cho đôi tân hôn và gia đình, vì họ thiếu một yếu tố vô cùng quan trọng của bữa tiệc đó là thiếu rượu. Trong hoàn cảnh đó, Đức Maria đã hết sức nhạy bén khi thấy sự lúng túng khó xử của nhà đám, Mẹ đã can thiệp với Chúa: Họ hết rượu rồi! Mẹ đã báo cho Chúa biết hoàn cảnh của gia đình đám cưới và để cho Chúa hoàn toàn quyết định .
Mặc dù chưa tới giờ Chúa bày tỏ quyền năng của mình, nhưng vì lời đề nghị của thân mẫu, và vì không muốn đề cho gia đình này rơi vào sự nhục nhã xấu hổ nên Chúa đã ra lệnh cho các người giúp việc: các anh hãy đổ nước đầy các chum, và họ đã đổ đầy tới miệng. Hãy múc đem lên cho người quản tiệc tiếp khách, và họ đã đem đi, khi người quản tiệc nếm thử nước thì đã hóa thành rượu ngon, khiến cho người quản tiệc và mọi người ngỡ ngàng, vì không biết từ đâu ra. Chi tiết này Tin Mừng cho thấy rượu của Thiên Chúa ban tặng và thiết đãi nhân loại thì vượt hẳn tất cả những thứ rượu của trần gian, vì rượu của Thiên Chúa còn là chính Thánh Thần của Ngài được ban tặng cho nhân loại qua Chúa Giêsu, chính Thánh Thần sẽ là Đấng đem đến niềm vui hân hoan từ trong tâm hồn của con người. Hình ảnh mười hai chum rượu đầy tràn, là hình ảnh niềm vui mà Thiên Chúa ban tặng sẽ không bị giới hạn, nhưng được ban một cách đầy tràn và dư thừa cho tất cả mọi người. Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa sẽ cất đi mọi lo âu phiền muộn của con người, cũng chính Ngài là niềm vui và là Đấng ban niềm vui và hạnh phúc đích thật cho nhân loại, và chỉ những ai tin và làm theo sự hướng dẫn của Ngài, cộng tác với Ngài như những người giúp việc đã làm thì mới có thể đón nhận được rượu mới của Ngài.
Tin Mừng cho thấy để phép lạ đầu tiên được thực hiện, đã có sự can thiệp khéo léo của Đức Maria và sự vâng phục làm theo Lời Chúa của các đầy tớ, một đàng Mẹ thưa với Chúa về hoàn cảnh của gia đình đám cưới, một đàng mẹ căn dặn và khích lệ những người giúp việc: hễ Người bảo gì các anh cứ làm theo. Như thế Tin Mừng cho thấy vai trò trung gian bầu cử của Đức Maria trong việc kêu cầu cùng Chúa can thiệp cho cho gia đình và cho nhân loại, đồng thời cần phải có một thái độ ngoan ngoãn làm theo Lời Chúa dạy như các người giúp việc đã làm, không hồ nghi thắc mắc, không đặt vấn đề hay điều kiện, chỉ việc ngoan ngoãn làm tròn nhiệm vụ, đổ đầy tâm hồn bằng sự cố gắng nỗ lực hết mình, phần còn lại Chúa sẽ làm, và khi ấy phép lạ sẽ xảy ra, quyền năng của Thiên Chúa sẽ thể hiện.
Tiên tri Isai đã thấy được quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi dân Người, và thời đại Đấng Cứu Thế đem đến là thời đại hân hoan vui mừng, sẽ không còn đau khổ buồn tui khóc than, vì chính Ngài là vị Cứu Tinh của nhân loại sẽ đen lại sự giải thoát và nâng con người lên khỏi sự ruồng bỏ, hơn thế nữa, Thiên Chúa sẽ kết ước cùng dân Người và thề nguyền gắn bó thủy chung mãi mãi với con người như chàng trái sánh duyên cùng cô gái, và Ngài sẽ làm cho dân Ngài được tràn ngập niềm vui tươi hạnh phúc như cô dâu cùng chú rể hân hoan trong ngày thành hôn.
Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã giải thích cho cộng đoàn Corintô về hoạt động và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong gia đình Hội Thánh, nếu như Thánh Gioan đã nhìn thấy qua việc Chúa Giêsu làm phép lạ tại Cana một thứ rượu mới, rượu ngon hảo hạng là chính Thánh Thần của Ngài được ban cho nhân loại để biến đổi sầu khổ thành hạnh phúc nỗi buồn thành hy vọng, thì thánh Phaolô đã thấy Thánh Thần được ban tặng cho từng người trong Hội Thánh và Thánh Thần hoạt động trong từng người để làm cho gia đình Hội Thánh ngày càng trở nên phong phú, và biến mỗi người trở thành men nồng rượu ngon cho thế giới hôm nay.
Thưa quý OBACE, có dịp đi tham dự dám cưới, chúng ta có thể nhận thấy gia đình nào cũng muốn tổ chức thật tốt, thật vui, thế nhưng niềm vui của ngày cưới dường như cũng kết thúc cùng với bữa tiệc mà không kéo dài trong đời sống gia đình, gia đình ngày nay dường như vẫn cứ bị thiếu hụt tình yêu và hạnh phúc, phải chăng gia đình chúng ta đang thiếu thứ rượu mà Thánh Gioan hôm nay nói đến đó là rượu Thánh Thần của Thiên Chúa?
Để có được rượu của Thiên Chúa, rượu Thánh Thần, rượu niềm vui và hạnh phúc trong gia đình, trước hết từ cha mẹ đến con cái, mỗi người cần súc rửa chiếc bình tâm hồn của mình cho thật sạch, chà rửa hết những mảng rêu bám là những tội lỗi và những thói quen xấu lâu ngày để tâm hồn mình thực sự trở nên sạch sẽ, kế đến là làm rỗng chiếc bình tâm hồn, tức là kiêm nhường dốc sạch khỏi mình sự kiêu căng, tự mãn và tự ái, và để mình trong tư thế sẵn sàng làm theo Lời Chúa dạy.
Người bảo gì thì hãy làm theo, đó là lời Đức Maria nói với các gia nhân và cũng là nói với chúng ta làm theo Lời Chúa dạy. Cố gắng của con người chỉ giống như nước lã nhạt, thế nhưng làm theo Lời Chúa dạy và với quyền năng của Thiên Chúa Ngài có thể biến những cố gắng thường ngày của chúng ta trở thành niềm vui và hân hoan cho tâm hồn và cho gia đình. Chúa dạy những người chồng người cha hãy bỏ đi sự say sưa ăn uống, để trở nên thánh thiện đạo đức siêng năng, trở thành trụ cột đời sống đức tin cho gia đình, những người mẹ hãy là những người hiền hòa, đảm đang, nhân ái, biết vun đắp cho gia đình mình bằng những giờ kinh những giờ cầu nguyện, và các người con hãy góp phần mình bằng sự thảo hiếu và kính trọng cha mẹ của mình, và chia sẻ với cha mẹ gánh nặng của gia đình; Khi mỗi người đổ đầy tâm hồn mình bằng việc làm như thế, Chúa sẽ biến nó thành rượu ngon hảo hạng đem lại niềm vui cho gia đình.
Khi chứng kiến các phép lạ, các môn đệ đã tin vào Chúa - Tin vào Đức Giêsu và quyền năng của Ngài, tức là tin Ngài là đấng cứu độ và chỉ mình Ngài mới có thể thể cứu độ và đem hạnh phúc đến cho con người mà thôi, và tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể biến đổi cuộc đời mỗi chúng ta. Tin vào Chúa để chúng ta không còn cậy dựa vào sức mình, mà biết cậy trông vào Thiên Chúa sẵn sàng làn theo lời Chúa.
Các bạn trẻ ngày nay, dường như càng lao vào các cuộc vui lại càng cảm thấy buồn chán thất vọng, càng lấp đầy thời giờ của mình bằng thú vui, bằng khoa học, công nghệ, lại càng thấy tâm hồn mình trống rỗng, cái trống rỗng bởi vì nhiều người đã đánh mất Thiên Chúa trong tâm hồn, đã không còn lý tưởng và mục đích sống, đã không còn quan tâm đến việc phục vụ và cống hiến…, khi các bạn dám làm theo Lời Chúa dạy, Chúa sẽ lấp đầy tâm hồn các bạn khỏi sự trống rỗng buồn chán, và Ngài sẽ biến chúng đổi chúng ta trở nên đầy tràn và ý nghĩa. Chắc chắn Chúa không đòi các bạn làm những việc vượt quá khả năng, Chúa chỉ cần thái độ các bạn làm và làm tốt công việc bổn phận hàng ngày như người đầy tớ đổ nước đầy chum, phần còn lại Chúa sẽ làm.
Đức Maria xưa đã bầu cử cho gia đình đám cưới tại Cana, xin Mẹ cũng bầu cử cùng Chúa cho mỗi gia đình chúng ta. Amen
ĐIỀU KỲ DIỆU CHÚA LÀM.
Nt. Maria Lương Thị Phương Trâm
Hội Dòng Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi - Phú Cường
Tiệc tùng, lễ hội… thường là những cơ hội biểu lộ niềm vui, đó là khoảng thời gian con người cảm thấy thoải mái, thân thiện, gần gũi nhau và cũng là dịp để mọi người chia sẻ với nhau những nỗi niềm trong cuộc sống. Đức Giêsu tới tham dự tiệc cưới cũng là để chia sẻ niềm vui với tân lang và tân nương cũng như với gia chủ trong những biến cố của gia đình. Sự hiện diện của Đức Giêsu trong bữa tiệc này lại vượt xa niềm mong đợi của gia chủ, một sự hiện diện thông thường, nhưng ở đó Đức Giêsu đã bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người.
TRÁI TIM HIỀN MẪU.
Theo tập tục của người Do Thái thời Đức Giêsu, để niềm vui được nên trọn vẹn, đám cưới thường được kéo dài tới bảy ngày. Trong bảy ngày đó, thực khách tham dự tiệc cưới được no say với thịt rượu ê chề. Tiệc cưới Cana mà Đức Giêsu và các môn đệ tham dự hôm nay cũng không thoát ra khỏi quy luật đó, nhưng điều đáng tiếc là tiệc cưới mới diễn ra được ba ngày thì gia chủ lại hết rượu. Quả là một điều khó xử cho gia chủ. Hiểu được những băn khoăn và bối rối của chủ nhà, với sự tinh tế của người phụ nữ, Đức Maria đã “bỏ nhỏ” với Đức Giêsu:“Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Nói với Đức Giêsu điều này, hơn ai hết Mẹ biết Đức Giêsu là ai? Và chắc chắn Ngài sẽ làm được điều mà gia chủ đang cần và hơn nữa là điều mà Mẹ xin. Lúc này, Mẹ Maria đã nói với đám gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo như vậy” (Ga 2,5). Theo lời cầu xin của Mẹ, Đức Giêsu đã bảo đám gia nhân đổ nước đầy vào các chum và nước lã đó đã biến thành thứ rượu hảo hạng.
Phép lạ đầu tiên trong cuộc đời rao giảng công khai của Đức Giêsu đã được thực hiện qua lời cầu xin của Mẹ Maria. Với sự nhạy bén, tinh tế của Mẹ, Mẹ đã biết nhu cầu cấp thiết của gia chủ trong khi tổ chức tiệc cưới và Mẹ cũng biết chỉ Đức Giêsu mới có thể đáp ứng nhu cầu đó lúc này và nhất là Ngài không thể từ chối lời cầu xin của Mẹ. Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi biến cố của nhân loại nói chung và của mỗi người chúng ta nói riêng, Mẹ luôn luôn nhạy bén trước mọi nhu cầu của con người và Mẹ cầu bầu cho chúng ta khi chúng ta đến với Mẹ. Mẹ luôn can thiệp đúng lúc khi có một biến cố nào đó xảy đến với chúng ta, dẫn dắt chúng ta đến với Đức Giêsu con Mẹ và kịp thời giải gỡ những khó khăn trong cuộc sống của mỗi người.
KHỞI ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH.
Phép lạ xảy ra nơi tiệc cưới Cana là một sự thật hiển nhiên: nước lã biến thành rượu ngon. Nhưng có lẽ hiện diện trong bữa tiệc hôm ấy, mỗi người có những cảm nhận khác nhau: chủ nhân thì ngỡ ngàng, không biết rượu đâu mà có; người quản tiệc thì có ý trách móc: giờ này mới đưa rượu ngon ra. Chỉ những người trực tiếp làm theo ý Đức Giêsu, các gia nhân, họ biết chắc chắn rằng: đó là nước lã mà họ đã đổ đầy vào sáu chum. Họ cũng là người làm theo lời Đức Giêsu: lấy nước ở sáu chum đó đưa lên cho người quản tiệc thử. Hiện diện cùng Đức Giêsu trong bữa tiệc ngày hôm đó, các môn đệ cũng âm thầm quan sát việc làm của Thầy mình. Những ngày đầu tập tễnh theo Thầy, họ chưa biết, chưa hiểu, chưa thấy, chưa nghe về con người Giêsu một cách thấu đáo. Đây là lần đầu tiên, các môn đệ chứng kiến một phép lạ, chứng kiến việc làm của Thầy mình, và Thánh Gioan đã thuật lại: “Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11).
Đó là khởi đầu của một hành trình theo Chúa, đặt nền móng cho một đức tin kiên vững sau này của các môn đệ. Khi làm phép lạ đầu tiên này tại Cana, Đức Giêsu đã bày tỏ vinh quang của mình cho các môn đệ như lời tường thuật của Thánh Gioan: “Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana miền Galile để bày tỏ vinh quang của Người” (Ga 2,11) để từ đó đức tin của các môn đệ không những được củng cố mà còn được triển nở vững mạnh sau này. Đây cũng chính là kinh nghiệm sống động của các môn đệ về Thầy của mình khi chính mình trực tiếp tham dự vào phép lạ. Với kinh nghiệm đó, các môn đệ hoàn toàn tin tưởng và theo Đức Giêsu đến dám chết vì Thầy mình.
Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình để đức tin của chúng ta được củng cố ngày thêm vững chắc như các môn đệ xưa khi chứng kiến phép lạ tại tiệc cưới Cana. Kết hợp với Chúa, sống gắn bó với Chúa, chúng ta có những kinh nghiệm cụ thể sống động trong đời sống đức tin của mình. Để có được đức tin vững mạnh đó, chúng ta có nhiều phương thế đón nhận và thể hiện đức tin của mình như: Chia sẻ Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích, nhận ra ý Chúa nơi các biến cố trong tự nhiên, trong cuộc sống hàng ngày… nhờ đó, chúng ta có thể nhận ra dung mạo của Chúa một cách tiệm tiến và cùng với sự trợ giúp của Mẹ Maria, chúng ta tín thác vào tình thương của Thiên Chúa, để từng ngày Chúa biến cuộc đời nhạt nhẽo vô vị của chúng ta thành thứ rượu ngon hảo hạng.
HÃY MỞ CỬA ĐÓN CHÚA ĐẾN NHÀ
LM ĐAN VINH
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 2,1-11
(1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới, có thân mẫu Đức Giê-su. (2) Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi”. (4) Đức Giê-su đáp : “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Con? Giờ của Con chưa đến. (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. (6) Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Đức Giê-su bảo họ : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ : “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói : “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. (11) Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
2.Ý CHÍNH:
Đức Giê-su và các môn đệ đã cùng với Mẹ Ma-ri-a đến tham dự một bữa tiệc cưới tại thành Ca-na miền Ga-li-lê. Bữa tiệc mới được nửa chừng thì rượu sắp hết. Mặc dù chưa tới Giờ hành động, nhưng do lời Mẹ Ma-ri-a cầu bầu mà Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên biến nước lã thành rượu ngon. Qua dấu lạ này Đức Giê-su biểu lộ quyền năng hầu giúp các môn đệ mới đi theo tin Người là Đấng Thiên Sai.
3.CHÚ THÍCH:
-C 1-2: +Có thân mẫu Đức Giê-su: Tin mừng Gio-an 2 lần nhắc đến Đức Ma-ri-a trong thời gian Đức Giê-su ra giảng đạo: Lần đầu khi Đức Giê-su bắt đầu đi thi hành sứ mệnh Thiên Sai, Đức Ma-ri-a đã hiện diện trong bữa tiệc cưới tại thành Ca-na và đã can thiệp khiến Đức Giê-su làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon, dù chưa đến Giờ của Người. Lần hai nhắc đến việc Đức Ma-ri-a đứng dưới chân thập giá trong cuộc tử nạn của Đức Giê-su, để hiệp công cứu độ loài người.
-C 3-5: +Thiếu rượu: Người Do thái vẫn thường ăn uống tiết độ. Nhưng trong dịp cưới xin, họ lại hay uống quá chén. Vì thế bữa tiệc cưới này mới nửa chừng thì đã hết rượu. +Thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi”: Đức Ma-ri-a tỏ ra nhạy cảm trước nhu cầu của đôi tân hôn, nên đã nói với Đức Giê-su rằng: “Họ hết rượu rồi” với hy vọng Người sẽ giúp đỡ đôi tân hôn. +Thưa Bà: Ở đây và trên cây thập giá (x Ga 19,26), Đức Giê-su đều dùng từ “Bà” (gune) để gọi thân mẫu của Người, giống như bà E-và xưa cũng đã được gọi là “Bà” (x. St 3,15.20). Điều này ngầm ám chỉ Đức Ma-ri-a là “E-và Mới” của thời Tân ước, là Mẹ của một “nhân loại mới” được ơn cứu độ. +Chuyện đó can gì đến Bà và Con?: Đây là một kiểu nói Do thái nhằm từ chối một sự can thiệp không đúng lúc (x. 2 Sm 16,10). +Giờ của Con chưa đến: Đức Giê-su không làm gì trước Giờ của Người (x. Ga 7,30). Ở đây có ý nói rằng: tuy Giờ được tôn vinh chưa đến, vì Người chưa trải qua cuộc tử nạn và phục sinh, nhưng ngay bây giờ Người muốn biểu lộ Giờ ấy cho các môn đệ thấy hầu tin vào Người, qua dấu lạ Người sắp thực hiện. +“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”: Trực giác khiến Đức Ma-ri-a tin cậy chắc chắn Đức Giê-su sẽ can thiệp, nên đã căn dặn gia nhân hãy làm theo lệnh Người truyền. Câu này nhắc lại lời Pha-ra-on vua Ai Cập vào thời tổ phụ Gia-cóp và Giu-se xưa: “Cứ đến với Giu-se. Ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo” (St 41,55).
-C 6-8: +Sáu cái chum đá dùng vào việc thanh tẩy: Theo phong tục Do thái, người ta thường để những cái chum đựng nước trong sân trước hay sân sau nhà mỗi khi có đám tiệc, để khách mới đến có thể rửa tay rửa mặt theo tục lệ thanh tẩy trước khi dùng bữa (x. Mt 15,2). Ở đây có 6 chum đá, mỗi chum chứa được hai hay ba thùng 40 lít, tức vào khỏang từ 80 đến 120 lít nước ! +“Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” và họ đổ đầy tới miệng: Đức Giê-su ra lệnh cho gia nhân đổ đầy nước vào sáu cái chum đá. “Đổ đầy tới miệng” cho thấy ơn Chúa được ban cho đôi tân hôn cách dư đầy. Với khoảng 600 lít rượu thì cả làng sẽ được uống no nê thỏa thích!
-C 9-11: +Dấu lạ đầu tiên: Dấu lạ là một việc làm khác thường, diễn tả một điều thiêng liêng đang ẩn dấu. Dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na này để tỏ bày vinh quang và quyền năng của Đức Giê-su trước các môn đệ (c 11b), giúp các ông vững tin vào Người là Đấng Thiên Sai (x. Ga 2,11c).
4.CÂU HỎI: 1) Qua việc nhắc đến Đức Ma-ri-a vào lúc đầu và cuối thời gian rao giảng Tin mừng của Đức Giê-su, thánh Gio-an muốn nói gì về vai trò của Đức Giê-su và thân mẫu Người trong công trình cứu độ? 2) Tại sao Đức Giê-su lại dùng tiếng “Bà” khi thưa chuyện với Đức Ma-ri-a? 3) Qua câu “Giờ Con chưa đến”, Đức Giê-su muốn nói gì về sứ mệnh Thiên Sai của Người? 4) Tại sao Đức Ma-ri-a lại dạy gia nhân làm theo lệnh truyền của Đức Giê-su? 5) Đức Giê-su làm phép lạ đầu tiên này tại tiệc cưới Ca-na nhằm mục đích gì?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5)
2.CÂU CHUYỆN: MỜI CHÚA ĐẾN NHÀ.
Cách đây ít lâu, có một phụ nữ đã kể lại câu chuyện xảy ra trong gia đình bà như sau : “Từ trước đến nay hai vợ chồng tôi luôn nhất trí trong việc mua sắm và trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, gần đây, chồng tôi tự nhiên mang về một khung ảnh Thánh Tâm Chúa Giê-su bằng kiếng, có kích thước 40x50 cm, bên trong có thiết kế ánh sáng đèn điện. Mỗi khi đèn sáng thì hình Thánh Tâm Chúa lại sáng lên trông rất đẹp mắt. Ông chồng tôi đòi treo bức ảnh này ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách. Theo ý tôi thì không nên treo tại phòng khách vì nhà chúng tôi có nhiều khách lạ thường lui tới. Nhưng lần này chồng tôi quyết tâm bảo thủ ý muốn của mình. Trong lúc tranh cãi, tự nhiên lời Chúa xuất hiện trong tâm trí tôi : “Ai nhìn nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Cuối cùng tôi đã bằng lòng theo ý của chồng tôi. Giờ đây, sau mấy năm, tôi thực sự không hối tiếc gì về việc đã chiều theo ý muốn của chồng. Vì bức ảnh Thánh Tâm Chúa đã phát sinh hiệu quả tốt trên gia đình tôi và các khách đến thăm ngôi nhà của chúng tôi. Ngày nọ, có một ông khách sau khi chăm chú nhìn vào bức hình, đã phát biểu như sau: “Bà biết không? Khi nhìn vào khuôn mặt Đức Giê-su trên bức hình này, tôi có cảm tưởng như Người đang nhìn thấu qua tâm hồn tôi !”. Rồi vào một buổi tối kia, một bà bạn sau khi ngồi ngắm bức hình khá lâu cũng đã thốt lên : “Mỗi lần đến đây, lúc nào tôi cũng có cảm giác trong nhà chị chan hòa sự bình an”... Nói chung, khi nhìn vào hình Chúa Giê-su, thì tâm hồn của các người khách đều được nâng cao ! Có thể mọi người sẽ cười nhạo những nhận xét này của tôi, nhưng tôi không quan tâm. Theo thiển ý của tôi: Một khi bạn mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được ơn biến đổi nên tốt hơn, không giống như lúc trước nữa !”.
3.SUY NIỆM:
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay thuật lại câu chuyện Đức Giê-su dù chưa tới Giờ bày tỏ quyền năng, nhưng nhờ lời Đức Ma-ria cầu bầu, Người đã làm dấu lạ biến nước lã thành rượu ngon, để bày tỏ quyền năng giúp các môn đệ mới theo nhận biết, tin Người là Đấng Thiên Sai như Tin Mừng Gio-an đã kết luận: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Ngoài ra, phép lạ đầu tiên này cũng cho thấy ơn cứu độ do Đức Giê-su thực hiện có Mẹ Ma-ri-a hiệp công và bắt đầu từ việc xây dựng hạnh phúc của gia đình tín hữu.
-Hãy mời Chúa Giê-su đến nhà: Trong Tin mừng, những ai đón nhận Đức Giê-su đến nhà đều nhận được những ơn lành hồn xác. Chẳng hạn: Đức Giê-su đến thăm gia đình ông Si-mon và đã chữa cho bà nhạc mẫu của ông khỏi cơn sốt nặng (x. Mt 1,29.31); Người cũng đến nhà ông Gia-ia để phục sinh con gái của ông vừa chết nằm trên giường (x. Mc 5,22.38-43); Người đến dự tiệc tại nhà viên thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu và đã chữa lành cho một người mắc bệnh phù thủng (x. Lc 14,1-4); Người đến ở trọ nhà viên trưởng thu thuế Gia-kêu để biến ông từ một kẻ tham lam trở thành người lương thiện, là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham. (x. Lc 19,8-10); Người vào ở trọ nhà hai môn đệ làng Em-mau để mở lòng hai ông tin vào Người đã từ cõi chết sống lại qua nghi thức “bẻ bánh” (x. Lc 24,13-32)... Tin mừng hôm nay cũng cho thấy đôi tân hôn đã mời Đức Giê-su và Mẹ Ma-ri-a đến nhà dự tiệc cưới và nhờ lời Mẹ cầu bầu, Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên biến nước lã thành rượu ngon giúp đỡ đôi tân hôn.
-“Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”: Cuộc sống của mỗi người cũng như của gia đình chúng ta không thiếu những bất trắc và sự cố bất ngờ. Tuy nhiên, nếu biết mời Chúa đến nhà, Người sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, với điều kiện là chúng ta phải làm theo lời dạy của Mẹ Ma-ri-a: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Mỗi gia đình tín hữu có thể mời Chúa Giê-su đến nhà qua việc thiết lập bàn thờ Chúa trong gia đình và tổ chức giờ kinh tối hằng ngày. Trong giờ kinh tối, các thành viên gia đình cùng nhau nghe Lời Chúa phán và cầu nguyện cho nhau, động viên nhau thực hành lời Chúa bằng cách ứng xử lịch sự tế nhị với tha nhân. Mỗi sáng khi vừa thức dậy, mỗi người chúng ta hãy dành một giây phút dâng lên Chúa một lời cầu nguyện để xin giúp thực thi ý Chúa trong ngáy.
-“Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ”: Ngày nay Chúa Giê-su vẫn đang đứng ngòai gõ cửa. Những ai mở cửa đón Chúa, thì Người sẽ vào nhà kẻ ấy, sẽ dùng bữa tối với kẻ ấy, và kẻ ấy sẽ dùng bữa chung với Người (x Kh 3:20). Vậy ngay hôm nay chúng ta có sẵn sàng mở cửa lòng đón Chúa vào nhà linh hồn hầu nhận được ơn cứu độ của Chúa hay không?
4.THẢO LUẬN: Một người kia có dịp nghỉ hè tại nhà một bạn thân. Sau kỳ nghỉ đã viết thư cám ơn bạn ấy. Trong thư có đoạn nhận xét về gia đình của bạn mình như sau : “Tôi cảm thấy gia đình bạn là một gia đình công giáo đạo đức thực sự : Cách bài trí trong nhà bạn thật ấn tượng với những tranh ảnh đạo được treo trên tường thay vì những tranh lịch người mẫu ăn mặc hở hang. Tôi không quên được những lời cầu nguyện sốt sắng của từng thành viên trong gia đình bạn trước các bữa ăn. Tôi cảm thấy một bầu khí đầm ấm yêu thương và bình an ở trong ngôi nhà của bạn: Các thành viên đều quan tâm săn sóc lẫn nhau. Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng tranh cãi to tiếng, những lời tục tĩu hay những lời chỉ trích nói hành người vắng mặt trong ngôi nhà của bạn”... Còn gia đình của chúng ta hiện nay có những phẩm chất đạo đức như gia đình trong câu chuyện trên hay không?
5.NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy đến chúc phúc cho gia đình chúng con. Ước chi cánh cửa nhà chúng con luôn rộng mở để tiếp đón những kẻ ngay thật không nhà. Xin chúc lành cho ngôi nhà của chúng con luôn có sự hiện diện của Chúa, thể hiện qua việc trưng bày bàn thờ và các tranh ảnh đạo trong nhà, nhất là qua cách ứng xử lịch sự tế nhị giữa các thành viên gia đình. Xin cho gia đình chúng con luôn biết nghe lời Mẹ Ma-ri-a để thực hành Lời Chúa trong cuộc sống.
- LẠY CHÚA. Xin cho đôi tay chúng con luôn rộng mở để sẵn sàng chia sẻ cơm áo cho những kẻ đói nghèo bất hạnh. Xin cho trái tim chúng con luôn hướng về Chúa là nguồn sống và là hạnh phúc của chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ có khả năng chu toàn sứ mệnh làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay.
CÓ MẸ CHỞ CHE
Lm.Paul. Nguyễn Nguyên
Có lẽ chưa bao giờ cuộc sống gia đình lại bị khủng hoảng trầm trọng như trong thế giới chúng ta đang sống hiện nay. Người ta tính trung bình hiện nay trên thế giới, cứ mỗi một tiếng đồng hồ lại có tới cả trăm đôi vợ chồng lôi nhau ra tòa để ly dị. Con số ly tị tăng nhanh và lên tới 50% tại các nước phương tây, nghĩa là cứ hai cặp vợ chồng thành hôn, thì lại có một cặp thất bại, phải ly dị nhau.
Với bối cảnh đó, tin mừng hôm nay mời gọi mỗi người kitô hữu chúng ta hãy tái khám phá giá trị và ý nghĩa thiêng liêng cao quý của đời sống hôn nhân, qua việc Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Và qua đó, cho chúng ta một bài học quá rõ ràng: ở đâu có sự hiện diện của Chúa và Mẹ thì niềm vui và hạnh phúc ở đó tràn đầy.
Thật vậy, câu chuyện Tin mừng hôm nay nói đến sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria tại một gia đình có đám cưới ở Cana. Và sự hiện diện của các Ngài không những đã mang lại niềm vui cho nhà đám, mà còn cứu cho gia đình này khỏi một bàn thua trông thấy. Nhờ các Ngài mà rượu đã hết lại trở nên dư dật. Nhờ các Ngài mà cô dâu chú rể và gia đình nhà đám khỏi bẽ mặt trước các thực khách. Nhờ các Ngài mà niềm vui của ngày cưới được tiếp tục và trọn vẹn.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana là hình ảnh sự hiện diện của các Ngài trong gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Các Ngài hiện diện để thi ân giáng phúc cho chúng ta, bởi các Ngài là Cha, là Mẹ của chúng ta. Các Ngài hiểu rõ mọi nhu cầu của đời sống chúng ta, dù chúng ta chưa trình bày với các Ngài. Các Ngài sẽ bao bọc, sẽ chở che, sẽ yêu thương, sẽ dẫn dắt chúng ta qua mọi nẻo đường và trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.
Nếu trong đám cưới ngày xưa đã từng hết rượu, thì sống trong đời hôm nay, có biết bao nhiêu lần chén hạnh phúc của chúng ta đã vơi đi, hay đã cạn hết rồi. Men của tình yêu, của niềm vui, của sự thành công, của sung túc không còn. Ngay cả khi tất cả những điều ấy phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương, bằng máu mới có được… Vậy mà chỉ sau một biến cố nào đó, đã mất hết, đã cướp hết, mình hoàn toàn trắng tay, chỉ để lại trong lòng nỗi cô đơn dằn xé, nỗi chán chường đến mức bạt nhược… Những lúc như thế, mỗi người chúng ta cần lắm một lời van xin của Mẹ đến với Chúa “Họ hết rượu rồi”, để Chúa an ủi và ban nghị lực, ban đức tin giúp ta có thể vượt qua những đắng cay cồn cào ấy.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria không bao giờ là một tai họa, nhưng luôn mang lại ân phúc. Vấn đề là chúng ta có cho các Ngài nhập hộ khẩu vào trong gia đình và trong cuộc đời của mình hay không?
Hôm nay, chúng ta đã thấy rõ rồi đó, dù bảo rằng “Giờ của con chưa tới” và đám tiệc còn hay hết rượu thì chẳng có liên quan gì đến chúng ta cả Mẹ ơi, thế nhưng, phép lạ vẫn cứ xảy ra thật. Chúa đã biến nước thành rượu thật. Không chỉ thành rượu, mà còn là rượu ngon. Và đám cưới không chỉ cứ tiếp tục vui, mà còn vui hơn.
Vì thế, chúng ta có thể xác quyết rằng: Lời cầu nguyện của Đức Mẹ là lời hiệu nghiệm và có uy lực. Lời đó mang lại giá trị cho đời sống chúng ta. Nó cho thấy Đức Mẹ có quyền năng trong lời chuyển cầu của mình. Lời chuyển cầu hiệu nghiệm và uy lực ấy rất cần cho chúng ta, vì nó mang lại giá trị cho đời sống, mang lại hạnh phúc cho con người, mang lại những phép lạ lớn lao tưởng chừng như không thể xảy ra. Vì thế, khi tôn thờ Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy yêu mến Đức Mẹ. Hãy tâm sự với Đức Mẹ, hãy bày tỏ cuộc đời mình với Đức Mẹ. Vì chúng ta thâm tín rằng, chính trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã trối Mẹ cho Gioan, và Gioan cho Mẹ. Đấy là lúc chúng ta trở thành con cái Mẹ, lẽ nào Mẹ lại không nhận biết những nhu cầu để giúp đỡ chúng ta sao?. Ngày xưa khi còn tại thế, lời cầu của mẹ đã hiệu nghiệm đến thế, huống chi bây giờ Mẹ đang tột cùng vinh hiển bên cạnh Con Mẹ. Mẹ đang vinh hiển, tràn đầy uy quyền, nắm giữ kho báu ân sủng của Con Mẹ, Mẹ lại tiếc với chúng ta sao?. Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta luôn bình an và ngập tràn niềm vui trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen