Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

SÁM HỐI CỤ THỂ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

caunguyen.jpgKính thưa OBACE, vào đầu Mùa Chay năm 2000, Đức Chân Phước Giáo Hoàng JPII đã làm một hành động rất anh dũng, đó là lần đầu tiên, Ngài nhân danh Giáo hội để xin lỗi mọi người, mọi thành phần và cả thế giới với một tâm tình sám hối chân thành về quá khứ của Giáo Hội. Ngài xin lỗi anh em Do Thái vì những đau khổ mà con cái Giáo hội đã gây ra cho họ, xin lỗi cảc nhà khoa học vì sự nhầm lẫn của nhiều người trong Giáo Hội đã gây ra những hiểu lầm và nghi kỵ, xin lỗi các chị em phụ nữ vì giáo hội đã không đủ mạnh dạn để bênh vực chị em… Tuy nhiên việc làm của Đức Thánh Cha lúc ấy không dễ gì được chấp nhận, nhiều vị hồng y cho rằng ĐTC làm như thế là hạ thấp uy tín của giáo Hội, song ngược lại trong cái nhìn của nhiều người trên thế giới lại cho rằng, hành động của ĐTC là một hành động hết sức can đảm đáng khâm phục và chưa có tiền lệ. Giải thích cho việc làm của mình, ĐTC cho biết tất cả mỗi chúng ta và cả Giáo Hội đều có những sai lầm trong quá khứ, chỉ khi chúng ta nhìn thấy sự sai lỗi của mình và thức tâm sửa chữa thì chúng ta mới có thể đến gần Chúa và đến gần với nhau được.

Thưa quý OBACE, nhìn nhận sai lầm thiếu sót của mình, để nói lời xin lỗi và quyết tâm sửa sai, không làm suy giảm phẩm giá của con người, nhưng ngược lại nó lại làm tăng thêm giá trị cho con người. Tuy nhiên, dám nhìn nhận sai lầm thuộc về mình đã là điều khó, sám hối và sửa chữa sai lầm lại là điều khó hơn, nhất là khi người đó là người lớn hoặc có một địa vị nào đó trong xã hội; chúng ta có thể thấy điều đó quanh chúng ta, đã có những người biết mình sai lầm mà không dám nhận lỗi, hoặc nếu phải nhận lỗi thì cũng tìm cách chống chữa cách này cách khác, hoặc miễn cưỡng nhận khuyết điểm để cho được việc lớn hơn.  Không dám nhận sai lỗi của mình, nhưng ngược lại, người ta lại rất dễ dàng nhìn thấy và tìm kiếm sai lỗi của anh em, và dễ dàng lên án kết tội anh em khi anh em có những sai lầm, họ làm như thế cốt ý để che lấp cái sai của mình.

Những người do Thái trong Tin Mừng hôm nay cũng có thái độ như vậy, họ đến với Chúa Giêsu và kể cho Ngài nghe câu chuyện về những người bị Philatô giết khi đang dâng của lễ, với ý muốn nói rằng: những người bị giết kia hẳn phải là người tội lỗi lắm thì mới chết thảm như vậy. Chúa Giêsu đã không đồng ý với cái suy nghĩ của những người này, và Ngài còn cho biết những người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết cũng thế, không phải họ là những người tội lỗi theo cách nghĩ của người Do Thái, họ cho rằng tất cả những người bị tai nạn ấy là những người tội lỗi bị Chúa trừng phạt. Nhưng Chúa cảnh báo cho những người này biết các biến cố ấy xảy ra là cơ hội là tiếng nói để nhắc nhở mỗi người hãy sám hối, và nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ phải chết thảm như thế.

Sám hối không chỉ là nhìn nhận sai lầm rồi nói lời xin lỗi, mà phải là một quyết tâm sửa sai, thay đổi từ suy nghĩ đến hành động (metanoia), vì chỉ khi chúng ta chấp nhận thay đổi quan điểm, suy nghĩ của mình theo chiều hướng tốt thì chúng ta mới có thể đi đến những hành động tốt được. Dụ ngôn cây vả trong Tin Mừng Chúa Giêsu muốn nói đến điều đó: Người kia có một cây vả trồng trong vườn, đã ba năm ông chủ đến tìm trái, mà chỉ thấy toàn những cành lá xun xuê, ông ra lệnh cho đầy tớ chặt nó đi không để nó choán đất làm gì. Nhưng người làm vườn đã xin gia hạn cho nó một năm nữa hy vọng nó sẽ ra trái, nếu không, ông sẽ chặt nó đi. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sinh những hoa trái tốt lành trong đời sống, Thiên Chúa không muốn thấy chúng ta giống như cây vả xum xuê cành lá, mà Ngài muốn nhìn thấy hoa trái trong đời sống đạo, đời sống đức tin của chúng ta, chứ không chỉ là những hình thức xum xuê bên ngoài. Thiên Chúa cũng cho con người nhiều cơ hội để sám hối và sinh hoa trái, giống như ông chủ chờ đợi hoa trái ở cây vả đã ba năm. Tuy nhiên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa cũng có giới hạn, nếu mỗi người không biết nắm bắt cơ hội Chúa cho để sinh trái thì Thiên Chúa là ông chủ sẽ loại bỏ chúng ta, sẽ chặt đi và ném vào lò lửa.

Tại sao chúng ta phải sám hối? Chúng ta được mời gọi sám hối, thay đổi đời sống và sinh hoa trái vì Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài không thể làm ngơ khi thấy chúng ta đang bị sự trói buộc của tội lỗi và làm nô lệ cho ma quỷ, và Ngài muốn ra tay cứu độ chúng ta, với một điều kiện là chúng ta phải nắm lấy tay Ngài. Giống như ngày xưa, Thiên Chúa đã nhìn thấy cảnh nô lệ nhục nhằn của dân Do Thái bên Ai Cập, Thiên Chúa hiện ra với ông Mose trong bụi gai cháy lửa, và đã gọi ông, sai ông đến với vua Pharao và xin nhà vua để đưa dân ra khỏi Aicập: Ta đã thấu rõ cảnh khổ cực của dân ta, ta đã nghe tiếng chúng kêu than. Cũng từ nơi bụi gai, lần đầu tiên Thiên Chúa tỏ cho ông Mose Danh Thánh của Ngài, và Danh của Ngài chính là quyền năng là sức mạnh của Thiên Chúa và là Danh, để cho mọi người kêu cầu qua muôn thế hệ.

Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô đã nhắc lại cho dân Côrintô về những sự kiện quyền năng lạ lùng Thiên Chúa đã dùng để cứu dân Người ra khỏi Ai Câp, tuy nhiên trước lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì dân Israen lại là một dân hay thay lòng đổi dạ, họ đã nhiều lần thử thách Thiên Chúa và chọc cơn giận của Người bằng việc thất trung với những lời cam kết, mà chạy theo lối sống của người dân ngoại, bởi vì dân này đã chiều theo lối sống của bản năng, đã buông theo những đòi hỏi của vật chất xác thịt, mà thử thách Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã rút ra kết luận rằng; tất cả những biến cố xảy ra trong lịch sử là bài học răn dậy chúng ta, đừng bao giờ chiều chuộng thân xác và dục vọng trong con người của mình, đừng để nó chỗi dậy làm chủ và điều khiển con người chúng ta, vì khi nó làm chủ chúng ta nó sẽ không nâng chúng ta lên nhưng nó sẽ dìm con người chúng ta xuống và chìm sâu trong sư lệ thuộc vào nó. Và vì dục vọng, xác thịt, cùng với những tật xấu, nó là những kẻ nội thù, nó nằm rình chờ trong chúng ta và sẽ tấn công chúng ta khi chúng ta mất cảnh giác bởi sự tự mãn kiêu căng.

Thưa quý OBACE như thế Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người dám nhìn nhận những sai lầm thiếu sót của mình, can đảm để xin lỗi Chúa và làm hòa với anh chị em và cố gắng lợi dụng cơ hội mùa chay này để trổ sinh những hoa trái phúc đức là những việc làm tốt, những việc bác ái. Hãy hàn gắn lại mối tương quan của chúng ta với Chúa qua Bí Tích giải tội, để nơi tòa giải tội, chúng ta cảm nhận được sư nhân từ, lòng yêu thương và cả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa nữa, và qua Bí tích Giải tội, chúng ta không chỉ được tẩy rửa những tội lỗi, mà còn được ban ơn trợ giúp để chúng ta trổ sinh hoa trái trong tâm hồn và trong cuộc sống. Hãy quyết tâm trở về với Chúa một cách thật lòng và quyết tâm chân thành trở lại làm hòa với anh chị em, nối lại mối quan hệ tốt đẹp, hãy can đảm đi bước trước để gỡ bõ những bất hòa, bất đồng, hãy manh dạn đưa tay ra để bắt lấy tay nhau, xóa bỏ những giận hơn thù oán, đừng để những sự nóng nảy làm đổ vỡ tình anh em, đừng để những lời nói hoặc hành động làm tổn thương anh em mình.

Hãy bắt đầu sám hối từ trong gia đình, từ nơi cha mẹ, nhìn lại trách nhiệm và bổn phận làm vợ làm chồng của mình, từ cách ăn ở cư xử với nhau, những chỗ nào chưa tốt, cần khắc phục và làm cho tốt hơn, gạt bỏ sự cãi vã chửi bới tục tĩu ngay trong gia đình. Các bậc làm cha mẹ hãy dám nói lời xin lỗi đối với nhau và kể cả nói lời xin lỗi con cái khi mình làm sai. Con cái và anh em trong gia đình hãy sám hối và quyết tâm xây dựng bầu khí gia đình ấm cúng thuận hòa hơn, kính trên nhường dưới tha thứ và thông cảm cho nhau, hãy quyết tâm để sống thảo hiếu kính trọng vâng lời cha mẹ, đó là những việc làm sám hối cụ thể, và cả gia đình hãy sinh những hoa trái thánh thiện bằng những giờ kinh những giờ cầu nguyện chung sớm tối, bằng những việc bác ái chia sẻ trong gia đình và với những người hành xóm bên cạnh.

Nói đến sám hối nhiều bạn trẻ vẫn coi đó là việc xa lạ hay là việc của ai khác chứ không phải việc của mình. Trong Năm Đức Tin này, các bạn được mời gọi hãy sám hối vì lối sống của nhiều người trẻ đã đi ngược lại với đức tin Công giáo, hoặc nhiều người đã để cho đức tin của mình chỉ còn như một ánh lửa leo lét vàng vọt không bùng cháy lên được, và cũng không chiếu tỏa soi sáng cho người khác được. Hãy nhận ra những sai lầm trong cách sống của mình, vì nhiều người đã để cuộc đời mình trôi nổi như cánh bèo vô định, không cố gắng học hỏi và trau dồi thêm giáo lý đức tin cho mình và vì thế đã không đứng vững được trước sư tấn cống của ma quỷ và của xã hội hôm nay. Các bạn trẻ cũng cần sám hối vì lối sống ngông cuồng kiêu ngạo của mình, đã đặt những thú vui, khoa học công danh lên trên cả Thiên Chúa và vì thế cuộc đời của nhiều người mỗi ngày lại trở nên tăm tối hơn.

Cầu chúc cho mỗi người biết tin vào lòng nhân từ thương xót của Chúa để điều chỉnh bản thân và trổ sinh nhiều hoa trái bác ái yêu thương cho chính cuộc đời mình và cho thế giới hôm nay.Amen

 

SÁM HỐI BẰNG CÁC VIỆC LÀNH

LM ĐAN VINH

 I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 13,1-9

(1) Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng, (2) Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? (3) Tôi nói cho các ông biết: “Không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. (4) Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? (5) Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.(6) Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, (7) nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? (8) Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. (9) May ra sang năm nó có trái. Nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay gồm hai tư tưởng chính như sau:

- Nếu không sám hối thì sẽ phải chết: Khi ấy liên tiếp xảy ra hai sự kiện: một số người Ga-li-lê đã bị quân Rô-ma giết chết khi đang dâng lễ trong Đền thờ, và mười tám người khác ở Giê-ru-sa-lem đã bị tháp Si-lô-a đổ sập đè chết. Nhiều người cho rằng những kẻ đó là người xấu nên đã bị Chúa trừng phạt. Nhưng theo Đức Giê-su đây là lời cảnh cáo chung cho mọi người: Bất cứ ai không mau mắn sám hối tội lỗi thì cũng đều phải chết như thế!

- Sám hối đồng nghĩa với việc phát sinh hoa trái: Tội của cây vả trong bài dụ ngôn không phải là sinh ra trái chua độc hại, nhưng là tình trạng bị già cỗi không sinh hoa trái. Sở dĩ cây chưa bị chặt là nhờ người làm vườn đứng ra xin chủ vườn khoan dung gia hạn thêm một năm. Nếu sau đó cây vẫn không phát sinh hoa trái thì sẽ bị chặt đi. Cũng vậy, mỗi người chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt nếu không biết hồi tâm sám hối bằng các việc lành bác ái phục vụ tha nhân.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Người Ga-li-lê: Là những người Do thái sống tại miền Ga-li-lê có lòng ái quốc, đã đứng lên chống lại đế quốc Rô-ma đang cai trị. + Khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng: Câu chuyện xảy ra ngay trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi chiên bò bị giết làm lễ vật dâng tiến Đức Chúa. Có lẽ những người Ga-li-lê này hành hương về Giê-ru-sa-lem và lợi dụng nơi tôn nghiêm để khích động dân chúng chống lại nhà cầm quyền Rô-ma. Nhưng họ đã bị tổng trấn Phi-la-tô phát hiện, sai quân đến vây bắt và giết chết cả bọn ngay trong Đền thờ, làm cho máu họ đổ ra hòa lẫn với máu các con vật mà họ vừa sát tế. + Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ chịu đau khổ như vậy sao?: Có lẽ người thuật lại câu chuyện muốn biết Đức Giê-su có phải là Đấng Thiên Sai ái quốc mà họ đang mong đợi hay không. Nhưng sứ mệnh của Người không phải làm Vua Mê-si-a trần tục theo ý họ. Nên Người đã tránh cho biết quan điểm chính trị, mà lái vấn đề sang phạm vi tôn giáo. + “Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”: Người ta thường cho rằng: đau khổ, bệnh tật và sự chết là hậu quả của tội lỗi. Nhưng Đức Giê-su lại phủ nhận điều ấy. Theo Người những người bị giết kia không phạm tội nhiều hơn những người khác ở Ga-li-lê, nhưng đây là dịp để mỗi người suy nghĩ và hồi tâm sám hối, hầu tránh khỏi bị tiêu diệt giống như vậy (x. Ga 9,2-3).

- C 4-5: + Tháp Si-lô-a: Là ngọn tháp cao được xây trên đỉnh đồi phía Tây Nam thành Giê-ru-sa-lem. + Mười tám người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết...”: Đau khổ và chết chóc không phải luôn do Thiên Chúa trừng phạt tội của con người, nhưng là cơ hội để mọi người hồi tâm duyệt xét bản thân và sám hối sửa đổi để tránh khỏi bị tiêu diệt sau này như lời Đức Giê-su tuyên bố: “Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

- C 6-9: + Một cây vả trồng trong vườn nho: Theo Cựu ước, cây vả tượng trưng cho dân Ít-ra-en (x. Gr 24,2-10), và vườn nho cũng ám chỉ dân này (x. Is 5,1-7).- Đã ba năm nay tôi ra cây vả tìm trái mà không thấy: Ba năm tương ứng với thời gian giảng đạo của Đức Giê-su. Dân Ít-ra-en được Người ưu tiên rao giảng Tin mừng Nước Trời, nhưng họ lại từ chối vì không tin Người là Đấng Mê-si-a do Thiên Chúa sai đến. + Người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái. Nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”: Khác với Tin mừng Mát-thêu (x. Mt 21,19) và Mác-cô (x. Mc 11,21), Tin mừng Lu-ca cho thấy số phận của cây vả không trái được xử khoan dung hơn. Do lòng kiên nhẫn của chủ vườn là Thiên Chúa, và nhờ lời cầu bầu của người làm vườn là Đức Giê-su, mà cây vả không sinh trái là các tội nhân có thêm thời gian sám hối. Nếu họ vẫn cứng lòng không hoán cải thì mới bị tiêu diệt.

4. CÂU HỎI: 1) Người Ga-li-lê trong Tin Mừng gồm những người nào? 2) Tại sao mấy người Ga-li-lê lại bị quân Rô-ma giết chết trong Đền thờ? Tại sao Thiên Chúa quyền năng lại không can thiệp để cứu họ thóat khỏi bàn tay độc ác của quân thù? 3) Theo Đức Giê-su thì các tai ương họan nạn người ta gặp phải trong cuộc đời, phải chăng đều là hình phạt nhãn tiền của Thiên Chúa đối với tội của họ? 4) So sánh Tin mừng Lu-ca hôm nay với hai Tin mừng Mát-thêu và Mác-cô thì số phận của cây vả trong Tin mừng nào được chủ vườn đối xử khoan dung hơn? Tại sao? 5) Phải chăng tội nhân có thể lợi dụng sự khoan dung ấy của Thiên Chúa để trì hõan sám hối?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,3).

2. CÂU CHUYỆN: ĐIỀU GÌ LÀM TĂNG GIÁ TRỊ CỦA CÂY VĨ CẦM ?

Trong một buổi bán đấu giá, người điều khiển chương trình cầm một cây vĩ cầm xấu xí nứt nẻ. Ông ta nghĩ chẳng cần phí thời giờ sửa sọan cho cây đàn này làm chi. Ông giơ cây vĩ cầm lên và rao bán như sau: “Thưa quý vị, ai sẽ bắt đầu trả giá cho cây đàn này đây? Một đồng, hai đồng... Ai sẽ trả giá 3 đồng? À, một người đã trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng. Không còn ai nữa ư?”. Bỗng từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm từ từ bước tới gần bục và cầm lấy cây đàn đang rao bán. Ông ta lau sơ bụi bặm bám trên chiếc đàn cũ kỹ rồi siết lại các sợi dây đã bị lỏng. Sau đó, ông tấu lên một khúc nhạc du dương êm dịu. Tiếng đàn nghe thánh thót giống như bài ca của các thiên thần trên trời. Sau khi ngưng đàn, mọi người hiện diện đều nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng. Sau đó, người bán đấu giá tiếp tục hỏi: “Bây giờ tôi phải định giá lại cây vĩ cầm có âm thanh rất tuyệt này bao nhiêu tiền cho xứng đây? Một ngàn... hai ngàn... Có ai chịu tăng lên ba ngàn không? À, một người chịu giá ba ngàn rồi. Hai người chịu giá ba ngàn. Và còn ai nữa không? Thôi dứt giá cây đàn là ba ngàn đô-la! Lúc đó một bé gái ghé sát bên tai mẹ và hỏi: “Sao lạ vậy hả mẹ? Tại sao cây đàn kia đột nhiên lại tăng giá lên gấp cả ngàn lần như thế hả mẹ?” Bấy giờ bà mẹ đã giải thích cho con gái cưng như sau: “Chính nhờ đôi tay tài hoa của vị nhạc sĩ kia mà cây đàn đã tăng giá trị lên gấp ngàn lần đấy con ạ!”.

3. SUY NIỆM:

1. Phạm tội sẽ bị phạt và sám hối sẽ được tha: Ngôn sứ Gio-na được Đức Chúa sai đến với dân Ni-ni-vê, một thành phố giàu có và cực kỳ rộng lớn để công bố lệnh trừng phạt vì tội lỗi của họ: “Còn bốn mươi ngày nữa Ni-ni-vê sẽ bị phá hủy”. Nghe tin ấy, vua thành Ni-ni-vê đã lập tức ra sắc chỉ nhuj7 sau: “Truyền cho người và súc vật, bò bê và chiên dê không được ăn uống, phải mặc quần áo vải thô, phải từ bỏ lối sống gian ác và những hành vi hung bạo… để nài xin Đức Chúa nguôi cơn thịnh nộ và bỏ ý định giáng phạt hầu chúng ta khỏi phải chết”. Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà quay trở lại. Người đã không giáng phạt họ nữa. Ngôn sứ Giô-na đã tức giận trước tình thương tha thứ của Đức Chúa. Ông xin Chúa cất mạng sống của ông, vì ông thà chết còn hơn sống khi thấy lời tuyên sấm của mình không ứng nghiệm. Chúa muốn cho Gio-na thấy lý do tình thương của Người nên khi Gio-na ra ngòai thành dựng một cái lều để chờ xem sự thể diễn tiến ra sao. Đức Chúa cho một cây thầu dầu mọc nhanh làm bóng che mát khiến ông rất vui. Nhưng sáng hôm sau Chúa lại khiến một con sâu cắn cây thầu dầu bị khô héo khiến Gio-na bị nắng chíếu nổi giận xin được chết đi cho xong. Đức Chúa đã hỏi Gio-na: “Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên. Trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương dân Ni-ni-vê, một thành phố lớn trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật vô tội hay sao?” (Gn 3,1-4,11).

2. Không sám hối sẽ bị chết: Trong Tin Mừng hôm nay, nhân dịp mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng, Người liền nói với họ rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết: “Không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”

3) Chỉ có thể sám hối nhờ ơn Chúa: Con người chúng ta thường dễ hướng chiều về đàng tội : Chỉ cần một ly rượu mạnh, một tép Hê-rô-in, một số tiền bất chính... cũng đủ làm cho nhiều người sa ngã và ngày càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi, tự đánh mất phẩm giá cao quý của mình. Tuy nhiên nếu chúng ta biết tin cậy vào lòng từ bi thương xót của Đức Giê-su, biết chạy đến với Người và xin Người ban ơn tha thứ thì chắc chúng ta sẽ được Người ban ơn biến đổi nên con người mới của Thiên Chúa, xứng đáng được hưởng gia nghiệp là hạnh phúc Nước Trời đời đời.

4) Về dụ ngôn “cây vả không sinh trái”: Đức Giê-su kể dụ ngôn về một cây vả không sinh hoa trái. Tuy không cho trái quả độc, cũng không gây thiệt hại cho chủ vườn... Nhưng tội của cây vả không trái là đã không sinh lợi cho chủ vườn lẽ ra phải có. Cũng vậy, nhiều người tuy không phạm tội cướp của giết người, không tà dâm ngoại tình, không dối trá lừa gạt tha nhân... Nhưng đã làm ngơ không giúp đỡ tha nhân gặp nạn… Họ đã được trao cho một nén bạc, thay vì phải làm lợi gấp đôi cho chủ, lại đem chôn giấu đi (x. Mt 25,18), thể hiện qua thái độ không quan tâm thăm viếng và chia sẻ cơm áo cho những người đói khát bệnh tật (x. Mt 25,42), để mặc cho sự gian ác hoành hành trong xã hội… Người tín hữu sống đạo hôm nay là phải tránh thái độ thờ ơ giống như cây vả không sinh trái, qua thái độ không dấn thân phục vụ những người nghèo khổ tàn tật bệnh họan…

5) “Gieo gió gặt bão.- Phạm tội sẽ bị phạt: Đây là quy luật muôn đời của nhân lọai. Nhưng có người thắc mắc: Tại sao nhiều kẻ gian ác phạm nhiều tội ác mà vẫn ngày càng giàu có sung túc mà không hề bị trừng phạt? Lời Chúa hôm nay trả lời cho vấn nạn ấy: Chính là nhờ có Chúa Giê-su, giống như người làm vườn trong bài dụ ngôn, đã đứng ra cầu thay nguyện giúp cho các tội nhân có thêm thời gian hồi tâm sám hối. Mùa Chay chính là thời gian để chúng ta tĩnh tâm cầu nguyện và quyết tâm đổi mới bằng việc thực thi công bình bác ái. Nếu chúng ta tiếp tục trì hõan thì chắc chắn sẽ bị án phạt vào giờ chết của mỗi người hay trong ngày tận thế chung tòan nhân lọai sẽ đến bất ngờ.

4. THẢO LUẬN: 1) Hãy cho biết: Tội “những điều thiếu sót” trong kinh “Tôi thú nhận” cụ thể là những tội gì? 2) Hiện nay bạn có trong tình trạng khô khan biểu lộ qua thái độ lười biếng đọc kinh dự lễ và bỏ qua các việc thăm viếng chia sẻ cơm áo giúp đỡ những người đau khổ bệnh tật thể xác tinh thần như cây vả không ra trái trong Tin Mừng hôm nay hay không?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con thuờng hay đổ lỗi cho Thiên Chúa khi gặp phải thất bại đau khổ: Khi bị mất mùa, con đổ lỗi tại Trời không ban mưa thuận gió hòa. Khi thấy một người gặp tai ương hoạn nạn, con nghĩ họ đã bị Chúa phạt xứng với tội lỗi đã phạm!... Nhưng hôm nay nhờ Lời Chúa soi dẫn, con sẽ không còn hiểu sai lạc một chiều như vậy. Vì trong thực tế, có nhiều người tốt và đạo đức mà vẫn gặp phải rủi ro. Ngay chính Chúa vốn là Con Thiên Chúa thánh thiện và vô tội, mà cũng từng chịu bao đau thương và cuối cùng còn chịu chết nhục nhã bất công trên cây thập giá.

- LẠY CHÚA. Xin cho con luôn nhận ra tình thương của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của cuộc đời con. Con biết rằng: Sở dĩ Chúa để con phải đau khổ là để con có dịp sám hối và lập công đền tội, hầu mỗi ngày biến đổi nên tốt hơn. Xin cho con dù gặp những điều trái ý, vẫn luôn nhẫn nại chịu đựng để được cộng tác với Chúa đền tội cho con và nhiều người. Xin cho con luôn phó thác cuộc đời trong tay Chúa quan phòng, vì biết rằng: Tất cả những điều may lành hay rủi ro xảy đến cho con, đều không ngoài thánh ý Chúa quan phòng và giúp con ngày một nên hòan thiện hơn.

 

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Lm. Paul Nguyễn Nguyên

Có hai bé trai, một công giáo, một em không công giáo nhặt được một quả lựu đạn. Mang về ra sau vườn, em công giáo đi tìm cưa để cưa trái lựu đạn. Em không công giáo ngồi ngắm nghía, không biết táy máy thế nào, quả lựu đạn nổ chết banh xác. Người ta vỗ tay kêu Chúa phạt thằng không có đạo phá phách. Có một chị kia, muốn cho có vòng eo thon thả, sáng sáng người ta đi lễ thì chị đi đánh cầu lông, chạy bộ để thể dục thể thao..chẳng may ngày kia đi sớm trời đang tối gặp anh chàng chạy xe không có đèn, tông một phát chết ngay tại chổ, người ta bảo Chúa phạt cái tội đỏng đảnh không chịu đi lễ mà chỉ biết lo cho thân xác. Hai bà ngoài chợ cải nhau chuyện mua bán, một bà bỏ về, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi rủa băng qua đường quên không nhìn xe, một chiếc xe tải lao tới không kịp thắng, tông dẹp lép đầu. Bà ngồi trong chợ vỗ tay kêu: “Đấy, Chúa phạt cái tội ăn gian mà còn cải”. Cách đây đã hơn 2000 năm, những người đồng thời với Chúa Giêsu cũng suy nghĩ như thế khi họ nghĩ những người Galilê bị quan Philatô giết chết. Và mười tám người khác bị tháp Silôê đổ xuống đè chết chắc đã ăn ở thất đức, tội lỗi nên mới bị Chúa trừng phạt như vậy, đồng thời họ vui mừng vì thấy mình không rơi vào tình trạng của những người cùng khốn đó.

Thế nhưng, quan niệm của Chúa Giêsu thì khác, Ngài đã đánh đổ quan niệm cũ sai lầm trong Do thái giáo, coi những người chết vì bệnh tật, tai nạn, bị đàn áp… là những người tội lỗi – Rồi Ngài khẳng định rằng nếu không sám hối và sinh hoa kết quả – mà cứ chai lì ra, thì sẽ chịu hậu quả khốc liệt hơn những người chết trong hai biến cố trên.

Như vậy, sám hối trở về với Chúa không chỉ là hành vi đấm ngực ăn năn về tội đã phạm, sám hối không chỉ là xa tránh sự dữ, không chỉ là từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi, trái lại sám hối cũng còn có nghĩa là không được như cũ mà phải tốt hơn, nhân đức hơn và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. Sám hối là hãy lo chuyện mình bằng cách ăn năn và cải thiện đời sống của mình, đừng mất giờ lo chuyện suy diễn xấu cho người khác, kẻo gây khổ thêm cho họ và cho những người thuộc về họ, đồng thời cũng gây thêm tội và thêm hậu quả xấu cho chính bản thân mình.

Như cây vả trong bài tin mừng hôm nay, cây vả không sinh trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan, nhưng tội của nó là làm hại đất, sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái, thì cũng tương tự, có thể chúng ta không làm điều xấu, chẳng làm hại ai, nhưng cây vả đời ta, cuộc sống của mỗi người chúng ta không chỉ có lo sao cho to cành xanh lá, trơn tru, nhẳn nhụi là đủ, nhưng còn phải sinh hoa kết trái. Đạo Kytô không chỉ là lo tránh tội, nhưng còn là tích cực phát huy điều thiện, điều tốt. Sống đạo không chỉ là đừng kết án người khác, mà còn là cố gắng cho đời mình đơm hoa kết trái. Sống đạo không phải chỉ đến ngồi lê la bên ngoài nhà thờ, cố chờ cho xong một ván lễ như để trả nợ đời, sợ mắc tội trọng, bị Chúa phạt, nhưng sẽ làm cho mỗi thánh lễ Chúa nhật trở thành giây phút tràn trào niềm vui. Niềm vui của hội ngộ, niềm vui của bàn tiệc ân phúc, niềm vui của những người được ơn đổi mới vì được diện kiến Thiên Chúa yêu thương.

Thế nên, hành trình Mùa Chay không chỉ nhằm dẫn chúng ta quay trở lại quá khứ để ăn năn khóc lóc tội lỗi mình hay đến toà giải tội xưng thú tội lỗi mình… mà còn dẫn chúng ta đến cuộc sống mới dồi dào hơn. Mùa Chay phải trở thành mùa đổi mới con người và xã hội, mùa nở hoa kết trái tình thương, mùa thực thi việc lành phúc đức… nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt y như vậy hoặc có thể “năm tới sẽ bị chặt đi”. Thời gian gần đây, không hiểu tại sao người ta chết bất đắc kỳ tử, chết không kịp ngáp… nhiều quá. Quả thực, không ai biết mình sẽ còn sống bao lâu, và cũng không ai biết được khi nào mình hết sống. Trong một năm qua bao nhiêu bạn bè người thân của ta giờ này đã ra người thiên cổ. Nhưng chúng ta còn được sống bình an tới giờ này, thì đó là do tình yêu của Thiên Chúa, bởi thế chúng ta hãy biết tri ân Ngài vì lòng thương xót ấy, đồng thời chúng ta cũng phải biết tận dụng tối đa thời gian được gia hạn, đặc biệt thời gian của Mùa Chay thánh này để hoán cải làm phát sinh nhiều hoa trái đạo đức thánh thiện hơn. Amen.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN II MÙA CHAY C. Lm D.Nam
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU II MÙA CHAY NĂM C. Minh Tứ
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN II MÙA CHAY NĂM C: Người Làm đầu là người phục vụ
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BA CHÚA NHẬT II MC. Nt. Maria Chinh Anh, OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C. Lm Phaolô Nguyễn văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C. Nhiều tác giả
     SUY NIỆM PHÚC ÂM THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY- LỄ KÍNH TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ. Linh Mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc.
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY: YÊU MẾN THÙ ĐỊCH. Lm.GioanB Lại Anh Tuấn
     Thứ Sáu tuần I Mùa Chay: SỐNG CÔNG CHÍNH THỜI @. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT