Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

CHÚA NHẬT IV TN B :

LỜI GIẢNG DẠY UY QUYỀN

ch.jpg

Trong những năm qua, nhiều người đã tin vào những lời tiên báo của một phụ nữ được coi là tiên tri của thế giới tên là Vanga, người Bulgary. Người ta cho rằng, nhiều lần bà đã tiên báo rất chính xác về những biến cố xảy ra trên thế giới, chẳng hạn những cuộc chiến tranh lớn hoặc những tai họa xảy ra cho thế giới. Tuy nhiên cũng rất nhiều lần, lời tiên đoán của bà đã không xảy ra. Vậy mà, có rất nhiều người vẫn tin theo.

Người ta cũng thấy rằng, ngày nay, những lời tuyên bố của một số các vị lãnh tụ các quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới. Nếu như có những lời tuyên bố làm thay đổi tình hình của một đất nước, đem đến giải pháp hòa bình (Mỹ và Cuba) thì ngược lại cũng có những lời tuyên bố đem đến chiến tranh và giết chóc. Nếu đã có những lờ4i tuyên bố đem lại cuộc sống kinh tế dễ chịu, thì cũng đã có lời tuyên bố đem lại sự suy xụp về kinh tế cho một quốc gia khác.

Tuy nhiên, dù là lời tiên báo của bà Vanga hay là lời tuyên bố của lãnh tụ các quốc gia gây ảnh hưởng đến thế giới, thì không ai cho rằng những tuyên bố đó có uy quyền. Thế nhưng hôm nay, những người Do Thái khi nghe những lời giảng dạy và thấy những việc Chúa Giêsu làm thì họ đã nói với nhau : Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.

Khác với các lãnh tụ của thế gian, khác với các luật sĩ và các nhà giảng thuyết khác, Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền của một vị Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, mang thân phận con người như chúng ta, song đồng thời nơi Ngài, mọi hành động, mọi lời nói vẫn là lời nói và hành động của một vị Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và điều khiển vũ trụ, Đấng có quyền phán xét và thưởng phạt mọi người. Tuy nhiên, uy quyền nơi lời giảng của Chúa Giêsu không phải là lời uy quyền của một vị quan tòa khiến người ta khiếp sợ, cũng không phải là lời của kẻ giàu sang quyền lực, nhưng lời của Chúa là lời mang sức mạnh của tình yêu.

Chúa Giêsu đến thế gian để công bố thời đại của Thiên Chúa, mở ra một mùa hồng ân cứu độ. Sứ mạng của Chúa Giêsu là chữa lành, là cứu vớt chứ không phải để trừng phạt. Ngài loan báo tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương giập nát. Như thế, những người Do Thái đã nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu vì lời nói và hành động của Ngài phát xuất thực sự từ trái tim yêu thương, từ tấm lòng trắc ẩn của Ngài đối với mọi người, chứ không phải là những lời nói, việc làm hời hợt bên ngoài, vì hành động phát xuất từ trái tim yêu thương sẽ dễ dàng đụng chạm đến những trái tim bị tổn thương.

Khi thấy những người bệnh tật, nghèo khổ thì các luật sĩ và biệt phải tỏ ra dửng dưng, coi như chuyện bình thường. Họ để cho trái tim khô cứng đến độ trở thành vô cảm trước nỗi đau của anh em. Họ còn nại vào luật ngày Sabát để từ chối việc giúp đỡ người nghèo khổ, và còn ngăn cản Chúa Giêsu khi thấy Ngài chữa bệnh cho những người này. Chúa Giêsu thì không như thế, Ngài nhìn thấy nỗi đau từ trong ánh mắt, từ trong tâm hồn của những người nghèo khổ bệnh tật. Họ đang cần tình yêu thương, cần sự cảm thông, an ủi và Chúa đã làm việc đó bất kể đó là ngày nào.

Hơn thế nữa, theo quan niệm của người Do Thái, tất cả bệnh tật, đau khổ là do tội lỗi và ma quỷ gây nên. Chúa Giêsu không chỉ an ủi những người đau khổ, chữa lành những bệnh tật thể xác, nhưng Ngài còn dùng quyền năng của Thiên Chúa để xua trừ và tiêu diệt nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người, đó là ma quỷ và tội lỗi. Vì thế hôm nay, khi bước vào hội đường Caphácnaum, một người bị quỷ ô uế ám đã la lên rằng : Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi có can gì đến ông mà ông đến để tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai, là Đấng thánh của Thiên Chúa !

Chúa Giêsu không chấp nhận lời tuyên xưng của ma quỷ, không làm ngơ bắt tay hợp tác với nó, nhưng Ngài đã dứt khoát buộc nó: Câm miệng và ra khỏi người này ! Thần ô uế buộc phải xuất ra khỏi anh ta. Việc làm này của Chúa Giêsu tỏ cho thấy một khía cạnh khác về uy quyền của Ngài. Đối với con người, Ngài dùng uy quyền của trái tim; còn đối với ma quỷ, Ngài dùng uy quyền của một vị Thiên Chúa quyền năng, Đấng làm chủ mọi vật mọi loài. Ma quỷ có thể gây hại cho con người, thế nhưng khi đối diện với Thiên Chúa, nó chỉ như một con thú hèn nhát bỏ chạy bởi một lời ra lệnh của Ngài.

Những gì Chúa Giêsu đã giảng và đã làm khiến cho những người Do Thái nhận thấy Ngài khác hẳn với các luật sĩ và thượng tế của họ, vì những người này không có được uy quyền trong lời nói và việc làm của một vị Thiên Chúa và cũng không có uy quyền, sức mạnh từ trái tim. Họ cũng nhận thấy nơi Đức Giêsu lời tiên báo của Môsê đã được ứng nghiệm. Đối với dân Israel, Môsê thực sự là một “người của Thiên Chúa”. Ông đã từng được gặp Thiên Chúa mặt đối mặt và ông đã nhân danh Thiên Chúa để thực hiện một cuộc giải thoát vĩ đại cho dân Chúa ra khỏi Ai- cập. Trước khi qua đời, Môsê cũng đã trối lại cho Israel rằng : Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện ở trong anh em một ngôn sứ như tôi để giúp anh em. Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng người ấy và người ấy sẽ nói với dân tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.

Sứ mạnh và uy quyền của Thiên Chúa có thể đụng chạm đến trái tim, có thể chữa lành mọi vết thương của thể xác và tâm hồn, chỉ có điều là chúng ta có dám để cho tình yêu và quyền năng của Ngài chạm đến chúng ta hay không mà thôi. Thiên Chúa chỉ có thể chạm đến tâm hồn chúng ta khi chúng ta đồng ý mở rộng cánh cửa trái tim để cho Ngài bước vào, khiêm tốn cúi xuống để cho quyền năng Thiên Chúa thể hiện trên cuộc đời và tâm hồn mình. Hãy để cho trái tim của Chúa gặp gỡ trái tim của chúng ta, hãy để cho bàn tay của Ngài đụng chạm đến vết thương trong tâm hồn và để cho lời Ngài xoa dịu, chữa lành, an ủi chúng ta.

Chúa vẫn đang thể hiện uy quyền qua lời của Ngài, lời ấy có sức chữa lành, an ủi và soi dẫn cuộc đời chúng ta. Nơi Bí tích giải tội, chúng ta sẽ được đụng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa và qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ đón nhận được quyền năng biến đổi của Ngài.

Được làm con của Thiên Chúa và đồng thời cũng là cộng tác viên của Chúa, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp tục thực thi uy quyền của Thiên Chúa với những người chung quanh. Hãy dùng uy quyền của những lời nói chân thật, ngay thẳng để nói với nhau. Hãy dùng những lời yêu thương, thông cảm để chia sẻ với nhau thay vì những lời cộc cằn khó nghe. Hãy dùng sức mạnh và uy quyền của tình yêu từ trái tim chân thành để có thể cùng cảm thông và an ủi anh em đồng loại.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Fancis đến Scrilan và Philippines vừa qua đã để lại ấn tượng rất sâu đậm cho hai quốc gia này, là nơi những người nghèo và những bất công xã hội đang lan tràn. Giải thích cho sự kiện hàng 6-7 triệu người thức đêm để chờ đợi chỉ một giây được nhìn thấy Đức Giáo Hoàng, hoặc là phải đứng dưới trời mưa nhiều giờ để được nghe tiếng nói của Ngài, những người được hỏi cho rằng : Vì Giáo Hoàng Fancis là vị Giáo Hoàng của người nghèo. Ngài đến với chúng tôi với cả trái tim và lòng thương cảm. Ngài đến để an ủi và để lắng nghe chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy Ngài ôm chúng tôi vào lòng.

Trong cuộc nói chuyện với các thanh thiếu niên, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ các bạn trẻ : Đau khổ là dịp để Thiên Chúa mời gọi mỗi người biết sống cảm thông và học cho biết sống quan tâm đến người khác. Đau khổ, bệnh tật của nhân loại còn là để mỗi người có cơ hội phục vụ lẫn nhau. Phục vụ không chỉ bằng một vài lần thăm viếng, tặng quà, nhưng bằng việc đón nhận nhau trong yêu thương và xoa dịu nỗi đau của anh chị em bằng cảm thông, đó là điều họ cần hơn những thứ khác. Ngài nói : "Chỉ khi nào một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó, chúng ta mới có thể hiểu được đau khổ”.

 Đức Thánh Cha cũng kêu gọi người trẻ cần phải học cách để khóc : “Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây, hãy tự hỏi mình rằng, tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào ? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa ? Tôi đã khóc cho một ai đó đang nghiện ngập chưa ? Tôi đã khóc cho một ai đó bị bạo hành chưa ? Đây là điều trên hết mà Cha muốn nói với chúng con : Hãy học để khóc... hãy học, học thực sự để mà khóc, vì ngay cả Chúa Giêsu cũng đã khóc”.

Xin Chúa cho chúng ta có một đôi mắt thật sáng để có thể nhìn thấy những đau khổ của anh chị em, một trái tim nhạy bén và bao dung, một đôi tai thật tốt để lắng nghe và thông cảm, một đôi tay thật dài, thật rộng để có thể xoa dịu nỗi đau của anh em và một tâm hồn nhạy cảm để dễ dàng khóc với anh em. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN IV THƯỜNG NIÊN. Lm. Duy Khang
     Thứ Năm Tuần IV Thường Niên Năm A: MỜI GỌI, TUYỂN CHỌN, HUẤN LUYỆN VÀ SAI ĐI.Lm. Antôn Nguyễn Chân Hồng. OH
     Thứ Tư Tuần IV Thường Niên Năm A: BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG. M. Tố Quyên
     Thứ Ba Tuần IV Thường Niên Năm A: “LÒNG TIN CỦA CON ĐÃ CỨU CON”. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Thứ Hai Tuần IV Thường Niên Năm A: THIỆN VÀ ÁC. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật IV Thường Niên: Chúa Giê su công bố các mối phúc thật. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     TẬP SUY NIỆM LỜI CHÚA TẾT GIÁP NGỌ 2014. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ
     MÙNG BA TẾT GIÁP NGỌ 2014: THÁNH HÓA CÔNG VIỆC. Nhiều tác giả
     THÁNH LỄ GIAO THỪA QUÝ TỴ 2013: CẦU XIN PHÚC- LỘC-THỌ. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN IV THƯỜNG NIÊN: HÀNH TRANG NGƯỜI TÔNG ĐỒ