Thứ Năm Tuần IV Thường Niên Năm A
MỜI GỌI, TUYỂN CHỌN, HUẤN LUYỆN VÀ SAI ĐI
Lời Chúa: Mc 6, 7-13
(7) Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. (8) Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; (9) được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (10) Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. (11) Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." (12) Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (13) Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Suy niệm
Có một lớp tu sĩ của Hội Dòng nọ, sau khi kết thúc thời gian huấn luyện, được Hội Dòng cho tuyên khấn trọn đời. Vị bề trên tập họp cả lớp lại và thông báo sẽ thuyên chuyển các tu sĩ đến những cộng đoàn mới. Dĩ nhiên là tùy nhu cầu mục vụ của từng nơi cũng như khả năng của từng người nhằm đáp ứng nhu cầu ở mỗi cộng đoàn đó. Một trong các tu sĩ khi hay biết mình được bề trên thuyên chuyển đến một cộng đoàn thuộc vùng sâu vùng xa, liền mua sắm rất nhiều đồ đạc cũng như phương tiện: nào là quần áo, dày dép, vi tính, điện thoại xe máy…
Đến ngày người tu sĩ ấy lên đường, vị bề trên ra tiễn chân thấy đồ đạc và phương tiện quá nhiều, vị bề trên liền hỏi tu sĩ: “Sao con mang theo quá nhiều phương tiện và đồ đạc như thế?” Người tu sĩ ấy trả lời: “Dạ vì con được sai đến cộng đoàn thuộc vùng sâu vùng xa, nên cần có phương tiện đầy đủ để công việc tông đồ ở nơi đó được hiệu quả hơn”. Vị bề trên tỏ vẻ không hài lòng và nói: “Tất cả những phương tiện con cần, Hội Dòng đã trang bị cho con trong suốt thời gian đào tạo là đã đầy đủ rồi, con hãy mở ra mà sử dụng nó trong mọi hoàn cảnh”.
Thưa quý ông bà và anh chị em! Việc mời gọi tuyển chọn huấnluyện và sai đi là những giai đoạn rất sư phạm mà Đức Giêsu đã thực hiện trong môi trường đào tạo các môn đệ cách đây đã hơn hai ngàn năm. Mô hình ấy vẫn được Giáo Hội duy trì và áp dụng cho việc đào tạo tại các Chủng viện, Học viện, Dòng tu sau này. Trong bốn tiêu chuẩn cơ bản của việc huấn luyện người môn đệ. Đó là Nhân bản, Thiêng liêng, Tri thức và Mục vụ. Những tiêu chuẩn đó được xem như hành trang giúp cho người tông đồ dấn thân và thi hành sứ mạng một cách hiệu quả nhất.
Việc Đức Giêsu “sai từng hai người một” phải chăng đây là thói quen của người Do thái? Vì theo luật Môsê ít nhất phải có hai nhân chứng, thì lời chứng mới được nhìn nhận (Đnl 19, 15). Mặt khác, con số hai cũng nói lên tinh thần tập thể, người tông đồ ra đi rao giảng Tin mừng không bị đơn độc, nhưng phải làm việc theo tập thể. Nghĩa là người tông đồ được sai đi thi hành sứ mạng không phải nhân danh bản thân mà là nhân danh cộng đoàn vì đã được cộng đoàn sai đi. Hơn nữa, khi thi hành sứ vụ, hai người sẽ bổ túc cho nhau. Điều này cũng đã được cộng đoàn tiên khởi tuân giữ một cách chặt chẽ. Sách Công vụ tông đồ cho biết các nhà truyền giáo thuộc cộng đoàn tiên khởi cũng đã từng khởi đi từng hai người một. Điển hình như Phêrô và Gioan (Cv 3, 1; 4,13). Phaolô và Barnabê (13, 2); Giuđa và Silas (15, 22b) Đức Giêsu chia sẻ một phần quyền hành của Người cho những kẻ được sai đi như trừ quỷ, xức dầu cho bệnh nhân, và chữa bệnh, đó là dấu chứng cho thấy Nước Thiên Chúa đã gần đến. Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu chỉ thị cho họ không được mang theo gì cả ngoại trừ cây gậy. Vì đi tới đâu thì sống nhờ vào sự chăm sóc của dân chúng ở nơi đó. Điều này không phải Chúa quá khắt khe với các môn đệ, nhưng Chúa đòi hỏi nơi các ông một tinh thần nghèo khó và phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, khi để cho lòng thảnh thơi không bị chi phối bởi của cải vật chất. Hơn nữa người môn đệ không ỷ lại vào sức riêng mình mà luôn cậy dựa vào sức mạnh từ Thiên Chúa. Có như vậy mới bền tâm chu toàn sứ mạng được trao phó.
Trong thực tế của đời sống hiện nay, người môn đệ cũng rất dễ mắc phải những cám dỗ bởi tiền tài danh vọng và hưởng thụ lôi cuốn. Chính điều này đã làm cản trở cho công việc truyền giáo, một phần vì chính người môn đệ chưa thật sự dấn thân triệt để cho sứ mạng. Thậm chí còn “miễn cưỡng” khi được sai đến với những cộng đoàn xa xôi hẻo lánh, nơi dân cư nghèo nàn thiếu thốn phương tiện vật chất lẫn tinh thần. Phần khác, khi chưa là chứng nhân thì chắc chắn sẽ không thể thuyết phục người khác đón nhận Tin Mừng được. Điều này đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI cảnh báo: “Thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy”.
Lạy Chúa Giêsu, ngày xưa khi sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ truyền giáo, Chúa đã mời gọi họ phải sống nghèo khó và thanh thoát, để không bị vướng mắc bởi bất cứ thứ gì, ngay cả những thứ cần thiết nhất như: tiền bạc, cơm bánh, bao bị để họ hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Chúa, “*vì thợ thì đáng được nuôi ăn*” (Mt 10,10). Xin cho mỗi người chúng con khi thi hành sứ vụ truyền giáo trong vai trò và trách nhiệm của mình, biết hăng say nhiệt thành và quảng đại dấn thân, cho dẫu thuận lợi hay khó khăn. Miễn là Đức Kitô được rao giảng.
Lm. Antôn Nguyễn Chân Hồng. OH