SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN IV THƯỜNG NIÊN C
LỜI CHÚA: Mc 5, 21 - 43
(21) Ðức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. (22) Có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Ðức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, (23) và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống." (24) Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
(25) Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, (26) bao phen khổ sở vì chạy thầy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. (27) Ðược nghe đồn về Ðức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. (28) Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu." (29) Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. (30) Ngay lúc đó, Ðức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi?" (31) Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: "Ai đã sờ vào tôi ?" (32) Ðức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. (33) Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. (34) Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."
(35) Ðức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" (36) Nhưng Ðức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." (37) Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. (38) Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Ðức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. (39) Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ? Ðứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" (40) Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. (41) Người cầm lấy tay nó và nói: "Talithakum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!" (42) Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. (43) Ðức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
SUY NIỆM
Đức Giê-su là Đấng cứu độ Chúa Cha ban cho trần gian để giải thoát họ khỏi xiềng xích của tử thần. Ai tin vào ngài sẽ được ơn cứu thoát khỏi tội lỗi, sự chết, được thông ban sự sống và sống dồi dào. Trình thuật Tin mừng hôm nay là bằng chứng cho thấy sức mạnh của lòng tin vào Đức Giê-su – một sức mạnh có thể làm cho kẻ chết chỗi dậy và sự sống được phục hồi. Hay nói như Đức Giê-su: chỉ cần có đức tin bằng hạt cải thôi, anh em có thể chuyển núi dời non (x. Mt 21,21). Suy gẫm đoạn Tin mừng, chúng ta hãy tự cật vấn lòng tin của mình vào Đức Giê-su Ki-tô, xét lại thái độ sống đức tin của mình, đồng thời xin ơn đức tin để có thể đứng vững trong một thế giới hướng chiều về vật chất và đang chịu sự kiềm tỏa của bóng tối tử thần.
Tin mừng hôm nay nói đến hai người nữ được Chúa Giê-su chữa lành và cứu sống: một là người phụ nữ bị băng huyết 12 năm, một là cô bé đã chết 12 tuổi. Người phụ nữ xuất huyết 12 năm được ơn chữa lành do lòng tin mãnh liệt của bà; cô bé đã chết 12 tuổi được Chúa cứu sống do sự vững tin của người cha. Có một mối liên kết giữa những người nữ được nói tới ở đây với Israel – con số 12 chẳng phải là biểu tượng cho 12 chi tộc Israel đó sao. Mở đầu đoạn tin mừng là việc người cha đến xin Đức Giê-su cứu chữa cho cô con gái 12 tuổi sắp chết của ông; đoạn giữa là sự kiện người bà bị xuất huyết đã 12 năm tìm cách đến gần sờ đụng vào Đức Giê-su để được cứu chữa: Đối với người Do-thái, máu huyết là chất thiêng, biểu hiện cho sự sống - người đàn bà bị xuất huyết lâu dài tức là sự sống đang rời bỏ bà và bà lâm vào tình trạng rất nguy kịch (vì các thầy lang đã bó tay mà bà thì cũng đã tán gia bại sản bởi căn bệnh) - tuy nhiên nhờ lòng tin mãnh liệt vào Chúa Giê-su mà bà đã được chữa lành; đoạn cuối là việc Chúa Giê-su cứu sống cô bé 12 tuổi nhờ lòng tin của người cha. Mặt khác, để quyền năng Chúa được thể hiện và phép lạ xảy ra, chúng ta thấy tất cả những nhân vật chính trong trình thuật đều vượt qua những rào cản của luật lệ: Người đàn bà loạn huyết theo luật Do-thái không được đến gần tiếp xúc với ai vì có thể làm cho đối tượng mình tiếp xúc ra nhơ uế (x. Lv 15, 19 – 27), vậy mà bà lại dám cả gan chen chúc vào giữa đám đông theo Đức Giê-su để động chạm vào áo của Người – bà đã vi phạm luật. Còn ông Gia-ia khi chứng kiến và biết Đức Giê-su đã bị nhơ uế do người phụ nữ kia mà vẫn để cho Người đến nhà mình để cứu chữa cho con gái thì ông cũng là kẻ vi phạm luật lệ và nhà ông bị nhơ uế. Về phía Đức Giê-su, Ngài dường như không quan tâm đến việc mình bị mắc uế hay không mắc uế, Ngài chỉ quan tâm đến con người và những nỗi thống khổ của họ. Cho nên, bất chấp những luật lệ khô cứng, phép lạ sống động đã xảy ra. Như vậy, đoạn Tin mừng cho thấy Đức Giê-su là nguồn mạch sự sống và mời gọi con người tin vào Ngài để có được sự sống đích thực và khỏi chết muôn đời. Qua đó, trình thuật cũng diễn tả cho thấy Israel đang trong tình trạng nguy khốn; sự sống niềm tin của họ đã bị xơ cứng và đang chết dần mòn bởi những vỏ bọc luật lệ vô hồn, lắm khi trở thành bất nhân. Họ cần tin vào Đức Giê-su để được giải thoát khỏi ách nặng nề của lề luật và có được cách thế sống niềm tin tràn đầy niềm vui và tình yêu như Thiên Chúa mong muốn.
Năm đức tin này, Giáo hội mời gọi con cái mình, những Ki-tô hữu xét lại niềm tin cũng như cách thế sống đức tin của mình một cách tích cực và cấp thiết hơn trong một thế giới mà các giá trị sự sống thánh thiêng dần bị đánh mất và các giá trị luân lý đang bị suy đồi, đồng thời chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy lợi nhuận vật chất đang được đề cao và tôn vinh lên thành ‘thượng đế’. Vì vậy, nếu khi phải lựa chọn, bạn đặt quan trọng một dịch vụ làm ăn hơn là Thánh lễ, một đám tiệc hơn là Thánh Thể, một cuộc vui chơi hơn là những việc tông đồ bác ái, công ích…là bạn đang sống theo chủ nghĩa duy vật chất - bạn đang đánh mất niềm tin của mình. Khi đời sống bạn lâm vào tình trạng khổ đau thử thách (nghèo đói, tật bệnh, gia đình có nguy cơ tan vỡ…) hoặc có những vấn đề nan giải, bạn suy sụp tuyệt vọng, chạy tìm sự khôn ngoan thế tục hơn là các giá trị giá trị tin mừng, cậy dựa vào các thế lực tăm tối của sa tan (tiền bạc, bói toán, đồng bóng…) hơn là cậy trông vào Chúa thì đó là dấu hiệu niềm tin của bạn đã chết. Thiên Chúa là Đấng có thể cứu bạn, bạn hãy tha thiết chạy đến với Người để xin ơn đức tin, xin Người cứu chữa khỏi tình trạng khốn khổ của mình.
“Đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” (c.36) lời của Đức Giê-su nói với ông Giai-rô cũng là thông điệp Người nhắn gửi mỗi người chúng ta. Sống trong một thế giới đa tạp, niềm tin đang dãy chết, các giá trị giả - thật, thật – giả nhiễu nhương khó phân biệt, chúng ta cần cầu nguyện rất nhiều, cần cắm neo cuộc đời mình trong lòng bàn tay Chúa, trong tình thương xót của Chúa. Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho những ai khao khát kêu xin Người. Do đó, bạn đừng ngần ngại xin ơn đức tin và hãy kiên trì, kiên vững trong lòng tin. Bởi vì trong cuộc sống chúng ta chỉ cần tin Chúa, can đảm bước đi theo lời chỉ bảo, hướng dẫn của Người, chúng ta sẽ không bao giờ sợ lầm đường lạc lối, và Chúa sẽ thực hiện những điều lạ lùng, diệu kỳ trên cuộc đời của chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, con cậy trông nơi Người.
Lạy Chúa Giê-su con yêu mến Chúa.
Xin Ngài hãy làm chủ cuộc đời con, tăng thêm đức tin cho con và giúp con luôn kiên vững trong lòng tin vào Chúa. Amen
Nt. Maria Chinh Anh