CHỦ NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B
Chúa Giê su đi vào trần gian đã là một biến cố gây sửng sốt
cho người đương thời. Ngài là người thợ mộc vô danh, nhưng lại có một cách nói
năng đầy quyền uy như chưa từng có ai nói được như thế. Ngài hoàn thành những
điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng thực hiện, thế nhưng chỉ có những
kẻ bé mọn và nghèo hèn mới có thể đến gần Ngài. Họ mạnh dạn đi theo Ngài, và
trở nên gương mẫu cho chúng ta.
Sách Thứ Luật 18,15-20
Sách nầy là một cố gắng đọc lại các biến cố xảy ra thời Xuất
hành. Người ta học biết cách phân biệt những tiên tri thật và những tiên tri
giả. Mô sê là Vị Tiên tri tuyệt vời và chính ông loan báo một vị Tiên tri đích
thực khác sẽ đến, một Mô sê mới. Đọc lại Lịch sử Dân Thiên Chúa sẽ cho chúng ta
biết rằng chỉ có mình Chúa Giê su mới có thể thực hiện lời loan báo của Mô sê.
Ngài tự mặc khải là Con Thiên Chúa.
Thánh vịnh 94
Thánh vịnh nầy được Giáo Hội hát lên mỗi ngày, giống như dân
Do thái ngày xưa, là một lời ca tụng Chúa và mời gọi lắng nghe và thờ phượng
Ngài. Chúng ta đừng đóng kín tâm hồn nhưng hãy lắng nghe Lời Ngài, vì đó là kho
tàng không bao giờ vơi cạn.
Thư thứ 1 Côrintô 7, 32-35
Thánh Phao lô muốn rằng mọi người phải tự do phụng sự Chúa.
Ngài sợ rằng người ta cảm thấy bị phân tán giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và
trách nhiệm của mỗi người. Ngài khuyến khích sống độc thân, nhưng không can
ngăn hay chê bai bậc hôn nhân.
Tin Mừng Mc 1, 21-28
NGỮ CẢNH
Đoạn tin mừng nầy nằm trong phân đoạn 1,21-2,12, trong
đó Mác cô mô tả những bước đầu hoạt động công khai của Chúa Giê su. Chắc chắn Mác
cô muốn nêu bật tiến trình đi lên: trừ quỉ và chữa bệnh không thôi chưa đủ; còn
phải thực hiện những điều khác nữa: đến tận chính tâm hồn con người, để biến
đổi và tha thứ tội lỗi.
Có thể đọc phân đoạn nầy theo bố cục sau đây:
1. 1,21-28: Ngày sa bát, Chúa Giê su chữa cho một người bị
quỉ ám trong hội đường Caphácnaum.
2. 1,29-31: Chúa Giê su tiếp tục chữa cho bà mẹ vợ ông Phê
rô cũng trong ngày ấy.
3. 1,32-34: Ngày tiếp theo, Ngài chữa lành nhiều bệnh nhân.
4. 1,35-39: Chúa Giê su ra đi cầu nguyện ở nơi hoang địa
vắng vẻ.
5. 1,40-45: Chúa Giê su chữa cho một người phung cùi.
6. 2,1-12: Chúa Giê su chữa cho một người bất
toại.
Có thể đọc đoạn đầu tiên (1,21-28) theo bố cục sau:
1,21-22: Chúa Giê su giảng dạy và phản ứng của thính giả:
ngạc nhiên thích thú.
1,23-24: Người quỉ ám đi vào, và tấn công Chúa Giê su.
1,25-26: Chúa Giê su ra lệnh cho quỉ xuất khỏi người ấy.
1,27-28: Phản ứng sợ hãi của dân, và tin đồn ra khắp nơi.
GIẢI THÍCH
Đi vào: Một điều nên chú ý là trong tin mừng Mác cô, Chúa
Giê su không bao giờ đi một mình mà luôn luôn có các đồ đệ đi theo. Thí dụ x.
1,29;3,14;5,18.
Có uy quyền: Việc Mác cô liên kết giáo huấn đầy uy quyền và
câu chuyện trừ quỉ đem lại cho trình thuật nầy một ý nghĩa đặc biệt: giáo huấn
được cô động trong lệnh truyền của Chúa Giê su: “Hãy xuất ra khỏi người nầy!”.
Qua đó, dường như Mác cô có ý cho thấy đó là lời đầy uy quyền của Chúa Giê su.
Thật vậy, uy quyền không hạn hẹp trong uy tín của lời giảng
dạy hay một cách biểu hiện thuyết phục lòng người. Uy quyền nầy còn vượt trên
cách biểu hiện trong diễn từ các mối phúc trong Mát thêu, nơi Chúa Giê su nói:
“Anh em đã nghe người xưa dạy rằng. Còn Ta, Ta dạy rằng” (Mt 5,21.27.33.38.43).
Nó cho thấy ý thức về một uy quyền cá nhân vượt xa uy tín của các thầy kí lục
và người xưa (Mt 7,28-39). Ở đây uy quyền đối với Mác cô chủ yếu bao gồm trong
một lời nói đầy hiệu năng thực hiện điều được nói đến.
Một điểm nữa cũng không kém phần quan trọng là sự việc xảy
ra trong một hội đường và Mác cô muốn đối lập uy quyền của Chúa Giê su và uy
quyền của các kí lục (1,22). Bản văn gợi ý cho thấy sự đối kháng giữa lề luật
vô hiệu và lời đầy hiệu quả của Đức Ki tô (1,44;2,10;3,15;6,7).
Thần ô uế: vào thời ấy, người ta thường gán bệnh tật, đặc
biệt các xáo trôn về tâm lí và những hình thức co giật khác nhau cho hành động
của Sa tan hoặc một quyền bính thiêng liêng nào đó. Thí dụ, x. Lc 13,11-16. Ở
đây khó lòng mà xác định bản văn muốn nói một đến điều gì cụ thể.
Đấng Thánh của Thiên Chúa: sau khi được gọi bằng những tên
gọi như Messia (1,1) và Con Thiên Chúa (1,1.11), Chúa Giê su giờ nhận thêm tước
hiệu mới nhấn mạnh đến sự liên kết hoàn hảo với Thiên Chúa ba lần thánh. Tước
hiệu nầy trong Giáo hội tiên khỏi là một trong những công thức cổ xưa được dùng
để chỉ thần tính Chúa Giê su. Xem Lc 1,35; Cv 3,14; 4,27.30; Ga 6,69. Các thần
dữ biết Chúa Giê su đích thực là ai và chỉ có chúng mới công bố một cách công
khai. Xem 3,11.
Giáo huấn mới mẻ:sự mới mẻ nầy không phát xuất từ tính cách
chưa bao giờ công bố, nhưng từ sự kiện đặt nền tảng trên một uy quyền hết sức
lạ lùng nơi một người. Xem 1,22; 2,18-22.
SỨ ĐIỆP
Bài tin
mừng chủ nhật hôm nay đưa chúng ta về đầu đời sứ vụ công khai của Chúa Giê su.
Ngài đến kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên nơi bờ hồ Tibêríat, rồi cùng với họ, Ngài
đến Ca-phác-na-um để công bố tin mừng.
Thành phố ấy được coi như là một nơi nhiều tai tiếng, nên việc Ngài bắt đầu sứ
vụ cứu thế từ nơi ấy cho thấy rằng Ngài đến trần gian là để tìm và cứu vớt
những người đã hư mất.
Cũng chính Ngài đến Ca-phác-na-um của chúng ta ngày nay. Chúng
ta hiện đang sống trong một thế giới đau khổ vì nhiều thứ mất trật tự. Hãy nghĩ
đến tất cả những bất công càng lúc càng to lớn mà chúng ta đang chứng kiến và
lắm khi là đồng lõa. Tham nhũng, bạo lực, loại trừ đang hoành hành khắp nơi
càng lúc càng công khai. Khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng lúc càng gia
tăng. Thế lực sự dữ vẫn thắng thế và luôn sẵn sàng vô nhân hóa xã hội chúng ta.
Nhưng
chính đó là nơi mà Chúa Giê su gặp gỡ chúng ta. Sứ điệp của Ngài không phải là
một bài học luân lí. Lời Ngài dạy không giống với lời của các kí lục và pha ri
sêu. Họ huênh hoang đủ thứ để rồi cuối cùng ru ngủ người nghe phải chịu đựng họ
vì họ chỉ lặp lại những gì mà chính họ đã học được.
Thế rồi
một ngày kia, người ta nghe một lời nói đầy uy lực lay động thức tỉnh khiến họ
ngạc nhiên. Họ thấy mình đứng trước một người nói năng không như những người
khác. Ngài nói những lời mà họ chưa bao giờ nghe; nhưng họ hiểu và họ quan tâm
đến điều Ngài nói. Ngài nói như một người biết rõ con người là ai và cho thấy
rõ vương quyền của Thiên Chúa là gì. Lời Ngài là lời mang đến tin mừng giải
thoát. Cái nhìn của Ngài chạm đến nơi sâu kín trong tâm hồn con người. Ngài đọc
được những khúc mắc trong tâm hồn. Ngài hiện diện trong mỗi người, không phải
để làm cho họ âu lo, nhưng để giúp họ an tâm, cứu chữa họ, giải thoát họ khỏi
tất cả những gì có thể tha hóa họ. Ngài đến để khơi gợi lên trong mỗi người ước
muốn hòa bình và chân lí.
Bài tin
mừng hôm nay không kể cho chúng ta nghe những gì Chúa Giê su đã nói, nhưng nhấn
mạnh sự kiện là Ngài nói một cách đầy uy quyền. Không những lời ấy khiến mọi
người phải ngạc nhiên nhưng nó còn giải thoát một người bị ma quỉ ám. Do vậy,
đó là một lời làm cho sống.
Người ta
kể rằng một nhà vua kia muốn làm một cuộc thử nghiệm để biết xem đâu là ngôn ngữ
cổ nhất mà con người xử dụng. Nhà vua truyền đem một đứa bé giam vào trong một
cái phòng kín, không thiếu một sự chăm sóc nào, nhưng cấm hẳn mọi âm thanh và
lời nói. Và chờ xem nó sẽ nói ngôn ngữ nào khi lớn khôn. Điều đã xảy ra là đứa
bé đã chết sau một vài tháng.
Câu
chuyện đó muốn nói với chúng ta rằng không ai trong chúng ta có thể sống nếu
không có lời yêu thương của cha mẹ ngay từ lúc sinh ra và trong suốt những ngày
tháng sau đó. Đó là cái mà chúng ta gọi là một lời tạo dựng hoặc một lời tái
tạo. Trong cuộc sống vợ chồng cũng giống như thế. Một tình yêu không lời nói,
đó là điều không thể có. Lời tình yêu làm cho sống, đem lại cho đời một ý
nghĩa. Lời sáng tạo sư sống.
Đó là
điều đã xảy ra cho người bị quỉ ám mà tin mừng hôm nay nói với chúng ta. Một
lời quyền năng của Đức Ki tô là đủ tái tạo người ấy trong sự tự do của con
người. Lời Ngài xua đuổi ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám. Tin mừng của Thiên
Chúa được Chúa Giê su công bố chính là sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta.
Sự hiện diện ấy hãy còn kín nhiệm nhưng tiếp tục dạy dỗ và chữa lành khỏi mọi
nguy khốn. Chúa Giê su đã không gặp người bị quỉ ám trên đường hay nơi công
trường, nhưng trong hội đường, ở giữa cộng đoàn họp nhau cầu nguyện. Ngay trong
chính các cộng đoàn của chúng ta, có thể vẫn có những đồng lỏa với sự xấu. Cả
chúng ta cũng có thể là nô lệ cho các đam mê của mình, tiền bạc và nhiều điều
khác nữa. Thế mà chỉ cần một lời nói là có thể giải thoát chúng ta, nhưng với
điều kiện là không đồng lỏa với sự dữ trong chúng ta. Rất thường chúng ta để
mình bị lôi cuốn theo thế giới tuyên truyền bằng những lời vô bổ, và ngăn cản
chúng ta tiếp nhận Lời giải thoát trong thinh lặng.
Vậy
chúng ta hãy để cho Lời ấy thấm nhập và tra vấn chúng ta, để biến chúng ta
thành những con người mới, những con người tự do. Như thế lời của chúng ta cũng
sẽ có thể là lời giải thoát. Lời chúng ta nói, cách hành động của chúng ta sẽ
mang lại niềm tin; nó sẽ giúp chúng ta muốn đứng lên, và hành động như những
tiên tri cho con người thời nay.
Qua bí
tích Thánh Thể, chính Chúa Giê su đến gặp chúng ta đang qui tụ trong danh của
Ngài. Trước mặt Ngài, chúng ta là một dân tội lỗi, nhưng được Ngài giải thoát
và cứu chữa, để làm nẩy sinh một dân tộc mới, một thế giới mới.
ĐÀO SÂU
1. HỎI:
Sách Đệ Nhị luật là sách gì?
THƯA: Đệ nhị luật là quyển sách ghi chép lại các diễn từ của Môsê. Trước khi
chết, ông nói với dân những điều luật và những lời căn dặn cuối cùng về cách
phải sống trong xứ mà Thiên Chúa sắp ban cho và họ sắp chiếm
được.
2. HỎI:
Bối cảnh lịch sử của bài đọc một?
THƯA: Bài
đọc một kể lại một giai thoại xảy ra tại núi Sinai vào thời ông Mô sê.Toàn dân tập họp dưới chân núi đã nghe tiếng Thiên Chúa phán với
ông Mô sê. Họ vừa ngưỡng mộ lại vừa sợ.
Ngưỡng mộ trước sự kiện lạ lùng chính Thiên Chúa ngỏ lời với đám dân nghèo hèn
nhỏ bé, nhưng vừa sợ vì con người có thể nghe tiếng Thiên Chúa mà không phải
chết?
3. HỎI:
Thiên Chúa đã hứa cho dân điều gì?
THƯA: Thiên
Chúa nhờ ông Mô sê chuyển đến dân lời Ngài hứa ban cho họ một tiên tri vĩ đại
như ông.
4. HỎI: Lời hứa ấy nhấn mạnh đến các yêu
cầu nào?
THƯA: Bốn yêu cầu nầy: Một là vị tiên tri ấy phải được
chính Thiên Chúa chọn để dẫn dắt dân Ngài. Hai là, vị ấy phải xuất thân từ dân
Giao ước; ba là ông phải trung thành chuyển lại Lời
Thiên Chúa cho dân và bốn là dân phải vâng nghe lời ông để được sống.
5. HỎI:
Tại sao lại phải là vị tiên tri được chính Thiên Chúa chọn?
THƯA: Vì đó là bằng chứng rõ ràng nhất chống lại các tiên tri giả hiệu như đã
từng xảy ra vào thời tiên tri Giê-rê-mi-a, đương thời với Đệ nhị luật. Tiên tri
đã vạch mặt một tiên tri tự xưng: ‘Ông Kha-nan-gia,
hãy nghe đây, ĐỨC CHÚA chẳng hề sai ông, thế mà ông lại làm cho dân này tin vào
điều dối trá’ (Gr 28,
15).
6. HỎI:
Yêu cầu thứ hai có ý nghĩa gì?
THƯA: Một
vị tiên tri đích thực phải phát xuất từ dân Giao Ước. Thời đó, các dân ngoại
cũng có các tiên tri, nhưng thường lôi cuốn dân vào con đường lầm lạc thờ lạy
bụt thần. Như 400 tiên tri thờ thần Ba an mà bà hoàng Isabên đưa vào Sa ma ria
đã bị tiên tri Ê lia chống đối và triệt hạ trên núi Các-mên.
7. HỎI:
Yêu cầu thứ ba có nghĩa gì?
THƯA: Yêu
cầu thứ ba là vị tiên tri đích thực ấy phải
trung thành truyền lại Lời Thiên Chúa cho dân: ‘Ta sẽ đặt vào miệng người những
lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho ngươi’
(Đnl 18,18).
8. HỎI:
Và yêu cầu thứ bốn?
THƯA: Dân phải vâng
nghe lời tiên tri được Thiên Chúa sai đến để được sống: ‘Nếu kẻ nào không nghe
lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó’ (Đnl 18,19; x.
11,3).
9. HỎI:
Tại sao bài đọc một lại nhấn mạnh đến các yêu cầu của vi tiên tri đến như thế?
THƯA: Vì
lời của vị tiên tri nói đích thực là lời
của Thiên Chúa phán dạy, phải vâng nghe thì mới được sống, như lời thánh Phê
rô: ‘Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú
tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến
khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. Nhất là anh em
phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong
Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng
chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên
Chúa.’ (2 Pr 1,19-21).
10. HỎI:
Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Sau
khi chọn môn đệ đầu tiên là
Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan (1,16-20), Chúa Giê su dẫn họ vào hội đường
Ca-phác-na-umvào một ngày sa bát. Ở đó, Ngài đã chữa lành một người bị quỉ ám,
khiến mọi người kinh ngạc và đồn tin tức ra khắp nơi.
11. HỎI:
Các chi tiết nào cho thấy sinh hoạt Chúa Giê su cắm rễ sâu trong truyền thống
Do thái?
THƯA: Khởi
đầu công cuộc rao giảng, Chúa Giê su công bố: ‘Thời gian đã mãn, Nước Trời đang
đến gần’ (Mc 1,15). Điều ấy chứng tỏ Ngài chia sẻ niềm trông đợi Đấng Messia
của toàn dân, trong sự tiếp nối chương trình của Thiên Chúa về Ít ra ên. Rồi
cũng như mọi người Do thái sùng đạo khác, ngày sa bát Chúa Giê su vào trong
hội đường để nghe và chia sẻ Lời
Chúa.
12. HỎI:
Nhưng đâu là điểm mà Mác cô muốn làm nổi bật trong bài tin mừng?
THƯA: Đó
là giáo huấn và sự giảng dạy của Chúa Giê su, được Mác cô nhắc đến bốn lần
trong đoạn tin mừng. Ngài không cho biết Chúa Giê su dạy những gì, chỉ chú ý
đến cung cách giảng dạy đầy quyền uy và đầy hiệu quả nơi dân chúng.
13. HỎI:
Có gì khác biệt giữa cách giảng dạy của Chúa Giê su và của các thầy dạy Do thái
giáo?
THƯA: Thánh
Mác cô cho thấy có sự đoạn tuyệt và sự đổi mới giữa
trong sự giảng dạy của Chúa Giê su so với các thầy Do thái.
Cách giảng dạy của Chúa Giê su không nối tiếp cách giảng dạy các thầy Do thái
giáo, nhưng hoàn toàn khác biệt. Thầy Giê su giảng dạy một có có uy quyền, dựa
vào chính uy tín của mình chứ không dựa vào Mô sê như các thầy khác. Đó
chính là sự mới mẻ khiến người nghe phải sửng sốt.
14. HỎI:
Điều gì đã minh chứng cho sự mới mẻ ấy?
THƯA: Điều
chứng minh cho sự mới mẻ nơi cung cách giáo huấn của Chúa Giê su chính là phép
lạ trừ quỉ mà Ngài thực hiện liền sau khi giảng dạy. Qua đó, thánh Mác cô cho
thấy công cuộc cứu thế của Chúa Giê su gồm hai khía cạnh đi đôi với nhau đó là
giảng dạy và trừ quỉ. Như thế, giáo huấn tuyệt vời nhất là hành động giải thoát
con người khỏi mọi sự Dữ.
15. HỎI:
Chúa Giê su trừ quỉ vào ngày sa bát mang ý nghĩa nào?
THƯA: Đối
với người Do thái, ngày sa bát là ngày đặc biệt dành để để tôn vinh hành động
của Thiên Chúa tạo dựng và giải thoát. Trong Chúa Giê su, Mác cô chỉ cho chúng
ta thấy Thiên Chúa Cha giải thoát con người khỏi ách thống trị ma quỉ áp đặt
trên con người. Thời gian đã mãn, thời đại mới bắt đầu khi Sự Ác đã bị khuất
phục.
16. HỎI:
Tại sao thần ô uế tỏ vẻ bối rối trước mặt Chúa Giê su?
THƯA: Bởi
vì khác với con người, nó biết Chúa Giê su là ai. Ngài chính là Thiên Chúa, là
đấng đến để cứu thoát con người khỏi mọi sự dữ, khỏi ách nô lệ mà chúng dùng để
thống trị loài người. Vì thế trước mặt Ngài chúng hiện nguyên hình là kẻ thua
cuộc và chấp nhận uy quyền của Chúa Giê su.
17. HỎI:
Tại sao Chúa Giê su bảo thần ô uế: ‘Hãy im đi! Và ra khỏi người nầy’?
THƯA: Vì
Ngài không muốn ma quỉ tỏ lộ căn tính của Ngài quá sớm, trước khi các môn đệ có
thể hiểuđược. Đàng khác, những lời nói hoa mỹ mà ma quỉ thường dùng không phải
là những lời tuyên xưng đức tin chân chính. Chúa Giê su không chờ đợi những lời
như thế.
18. HỎI:
Qua đoạn tin mừng nầy, thánh Mác cô muốn nói gì với các độc giả?
THƯA: Thánh
Mác cô muốn các độc giả của Ngài chiêm ngắm Chúa Giê su đầy quyền uy trong lời
giảng dạy cũng như trên quỉ dữ để khuyến khích họ giữ vững niềm tin của mình.
Giống như các môn đệ được đi theo Chúa Giê su ngay từ đầu sứ vụ, họ cũng được
mời gọi từ nay loan báo Tin mừng cho cả nhân loại. Họ là Hội Thánh tách ra từ
Do thái giáo, họ phải tin tưởng vào Đấng Phục sinh, đấng đã chiến thắng sự Dữ.
19. HỎI:
Ngày xưa, đám đông nghe giáo huấn và thấy và phép lạ Chúa Giê su đã sửng sốt và
tự hỏi: “Ông nầy là?” Ngày hôm nay, chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi đó
không?
THƯA: Chúa
Giê su là một người đã vượt trên mọi mẫu mực, không giống với bất cứ ai khác.
Diện mạo của Ngài không thể lẫn lộn với một nhân vật vĩ đại nào trong suốt dòng
lịch sử. Nơi Chúa Giê su chúng ta tìm thấy con người và sứ điệp là một: Ngài
chính là sứ điệp Ngài loan báo.
20. HỎI:
Vậy thì ta có thể có một bức chân dung đích thực về Chúa Giê su không?
THƯA: Không,
bởi vì các tông đồ và môn đệ lúc đầu tiên không nói về việc làm và giáo huấn
của Chúa Giê su mà chỉ quan tâm đến việc loan báo cái chết và sự phục sinh của
Ngài. Đàng khác vào thời đó, lề luật nghiêm cấm tạc tượng, vẽ hình của bất cứ
một người nào, vì đó là tội thờ bụt thần.
21. HỎI:
Các sách tin mừng cũng không để lại cho chúng ta một dấu chỉ nào hết về vấn đề
nầy sao?
THƯA: Có
một vài chỉ dẫn nhỏ về chiều cao của Ngài. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng Chúa
Giê su có vóc dáng to cao cường tráng, nhờ đó mà Ngài dễ dàng xua đuổi những kẻ
buôn bán ra khỏi đền thờ. Ngoài ra, trong câu truyện về Giu đa hôn Chúa Giê su,
sách Tin mừng dùng một động từ trong tiếng hi lạp nói về một hành động được
thực hiện từ dưới lên cao; trong trường hợp đó, phải dịch cho đúng là:
« Anh ta đã nhón chân lên để hôn Ngài ».
22. HỎI:
Căn cứ theo Cựu ước, chúng ta có thể hình dung diện mạo của đấng
Messia không?
THƯA: Theo
một nghĩa nào đó, có thể. Tuy nhiên, chúng ta phải để lưu ý rằng đó là những
hình ảnh thiêng liêng về đấng Messia và về sứ mạng của Ngài. Thí dụ như Isaia
mô tả Ngài như là người đau khổ, có gương mặt rách nát, trông rất khủng khiếp,
vì bị tra tấn và hành hạ (X. Is 52, 14-53,2-3). Trái lại tác giả Thánh vịnh 44
mô tả Ngài như là người xinh đẹp nhất trong nhân loại, ăn nói dịu dàng và duyên
đáng, được Thiên Chúa chúc phúc, tâm hồn cao cả, công chính hiền từ và là thầy
dạy chân lí.
23. HỎI:
Diện mạo bên ngoài của Ngài cũng thu hút người khác chứ?
THƯA: Không
chỉ như thế, Chúa Giê su còn thu hút bởi cử chỉ và thái độ rất quân bình của
Ngài. Ai đã thấy Ngài bẻ bánh sẽ không bao giờ quên được những cử chỉ long
trọng đó. Đặc biệt Ngài thu hút bởi cung cách đặc biệt trong việc chăm sóc bệnh
nhân, cũng như thái độ nghiêm trang nhưng không bao giờ khe khắt đến độ giận
dữ.
24. HỎI:
Nhưng điều gì nơi Chúa Giê su đã gây ấn tượng mạnh nhất cho các tác giả tin
mừng?
THƯA: Một
cách trực tiếp hay gián tiếp, họ bị ấn tượng mạnh nhất bởi ánh mắt và giọng nói
của Chúa Giê su. Điều ấy được chứng minh trong các tin mừng bởi sự kiện là tất
cả những chi tiết liên quan đến Chúa Giê su đều được mô tả một cách đặc biệt
trân trọng: Ngài “đầy lòng thương xót, đầy cảm thông, đầy yêu thương, đậm tình
thân hữu”