CHỦ NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B
Dân Thiên Chúa đang hạnh phúc tiến về Sự Sống. Tòan thể Tạo thành như đang thai nghén, đau đớn chờ đợi ngày được chung hưởng Sự Sống với con cái Thiên Chúa. Đó là Điệp khúc muôn đời của Lịch sử Cứu rỗi. Là thành phần Dân Thiên Chúa trước tiên có nghĩa là mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Hứa và sống trong niềm Hi vọng.
Sách tiên tri I sai a :
Tiên tri mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình ngày LỄ. TIN MỪNG, chính là Thiên Chúa ở với chúng ta, ở giữa chúng ta. Người biến đổi cuộc sống con người khi cho những người điếc như chúng ta được nghe tin mừng, trả lại bước chân thanh thoát cho những kẻ què quặt và lời CHÚC TỤNG cho người không còn hơi thở để ca hát niềm vui của mình.
Thánh vịnh 145:
Đây là một Thánh Thi ca ngợi Thiên Chúa đến cứu thoát những người nghèo khổ. Đó là những người nghèo khó trong tâm hồn nhưng có thể làm giàu trần gian bằng chính NIỀM VUI của họ. Đức Ki tô đã được sai đến để mang TIN MỪNG cho những người nghèo.
Thư Gia cô bê:
Rõ ràng đây là một dạng xã hội chủ nghĩa: Đại lễ mở ra cho những người nghèo. Công hội những người ki tô hữu phải là ưu tiên dành cho tất cả mọi người cảm nhận mình thực sự được niềm nở tiếp đón. Tất cả chúng ta đảm nhận vai trò tiên tri loan báo Đại lễ Vĩnh cửu như thế. Đừng quên rằng, Phép Rửa biến chúng ta thành TƯ TẾ, TIÊN TRI và VUA. Một người ki tô hữu đó chính là một TIÊN TRI làm chứng cho cuộc sống đời đời.
Tin mừng : Mc : 7,31-37
NGỮ CẢNH
Sau khi vào vùng đất dân ngọai và giải thoát con gái một người phụ nữ gốc Phê ni xi khỏi quỉ dữ, Chúa Giê su chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng (7,31-37) và hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (8,1-10). Sau đó, Ngài chữa lành một người mù (8,22-26). Phép lạ nầy của riêng Mác cô.
Có thể đọc đoạn văn nầy theo bố cục sau đây:
Hoàn cảnh đưa đến phép lạ: 7,31
Phép lạ chữa lành: 7,32-35
Lệnh cấm nói và phản ứng của dân chúng 7,36-37.
TÌM HIỂU
Thập tỉnh: Chúa Giê su tiếp tục sứ mạng trong vùng đất dân ngoại. Ngài lui về vùng Thập tỉnh là nơi mà Ngài đã bị trục xuất sau khi chữa lành một người quỉ ám (5,1-20).
Người đặt tay trên anh: cử chỉ chữa bệnh như ở câu 6,5.
Kéo riêng anh ra khỏi đám đông: một lần nữa Chúa Giê su tránh xa đám đông. Ngài chỉ hành động để đáp lại đức tin của một vài người ngoại, ngay cả khi đức tin nầy hãy còn thô sơ. Trình thuật mô tả nhiều cử chỉ của Chúa Giê su dùng để thực hiện phép lạ: đặt ngón tay vào lỗ tai, bôi nước miếng trên miệng, rên một tiếng (7,34) cho thấy các phép lạ của Chúa Giê su không có chút tương quan nào với các việc chữa bệnh mà các thuật sĩ thực hiện nhằm để gây ấn tượng. Chúa Giê su hành động chỉ là để cứu vớt người bệnh mà thôi.
Rên một tiếng: x. 8,12
Ép pha ta: từ A ra mây, như cụm từ “Talitha kum”(5,41), được giữ nguyên trong ngôn ngữ gốc, như thể muốn giữ lại một điều gì đó thuộc quyền năng trong lời Chúa Giê su nói. Nhưng rõ ràng sự hiện diện đầy hiệu năng của Chúa Giê su khiến cho lời Ngài còn gìn giữ được nguyên vẹn như thế, và vẫn còn được dùng trong nghi thức phép rửa người lớn.
Không được kể chuyện đó với ai cả: vẫn là lệnh truyền phải im lặng và giữ kín (x.1,34).
Họ lại càng đồn ra: có lẽ nên dịch sát chữ là: họ đã công bố như trường hợp người bị quỉ ám được chữa lành trong câu 5,20.
Làm cho kẻ điếc nghe được: như thế Chúa Giê su đã thực hiện lời sấm Isaia 35,5, như Mt 11,5 nói rõ. Người ngoại nhận thấy đây là dấu chỉ tiên tri mà Isaia đã loan báo và đã mở rộng tâm hồn để đón nhận ánh sáng đức tin. Họ là biểu tượng cho đám đông những người bị điếc và câm. Được Chúa Giê su thương chữa lành nên giờ đây, họ mới có thể đón nhận lời mời gọi mà Thiên Chúa ngỏ với họ và công bố Tin Mừng.
SỨ ĐIỆP
Một phép lạ chữa lành nữa gần bờ hồ Galilê. Bấy giờ Chúa Giê su từ miền Tyrô trở về. Ngài không ngần ngại vượt qua lãnh thổ Ít ra ên và du hành dài ngày trên vùng đất dân ngoại. Đó là cách Ngài nói rằng những hàng rào mà người ta dựng lên không có chỗ đứng trong thế giới của Thiên Chúa. Điều mà Thiên Chúa muốn là tất cả mọi người dừng tay lại, thôi chém giết nhau và xây dựng những mối dây thân hữu và liên đới với nhau. Chương trình vĩ đại của Chúa Giê su là giúp con người đi vào một mối hiệp thông sâu xa giữa họ và Thiên Chúa.
Chính trong môi trường ngoại giáo ấy đã diễn ra câu chuyện tin mừng chủ nhật hôm nay: “Người ta mang đế cho Chúa Giê su một người câm điếc, và họ xin Ngài đặt tay chữa lành cho anh ta”. Như thường thấy trong tin mừng thánh Mác cô, người ta không đến với Chúa Giê su một mình, mà thường được người khác dẫn đến. Người bệnh nhân trong tin mưng hôm nay bị điếc. Anh ta không nghe được một âm thanh nào cả, cũng chẵng phân biệt ý nghĩa của từ ngữ. Anh ta khó khăn trong khi liên lạc với người khác. Và đóng kín trong nỗi cô đơn của mình. Đó là một người bị loại trừ.
Người bệnh tật nầy là hình ảnh của nhân lọai lìa xa Thiên Chúa. Những tương quan tình yêu mà đấng Tạo hóa mong muốn thiết lập đã bị bẻ gãy. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa đã ngoảnh mặt đi, không còn lắng nghe Người, cũng không còn muốn nói với Người nữa. Rất thường, chúng ta tổ chức cuộc sống và hoạt động của chúng ta ở ngoài Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn quan phòng hiện diện trên đường đi của con người để đưa họ trở về với Người, Ngài đứng đó để đón tiếp và chữa lành chúng ta. Thánh Phao lô nói theo cách của ngài: “Nơi nào tội lỗi đầy tràn, ân sủng càng chan chứa”.
Người ta dẫn anh đến với Chúa Giê su và xin Ngài đặt tay trên anh. Chúa Giê su dẫn anh ra xa, khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai và lấy nước miếng xức vào lưỡi anh. Lề luật Mô sê nghiêm cấm mọi đụng chạm với người ngoại. Nhưng Chúa Giê su đã vượt qua tất cả vì muốn cho chúng ta hiểu một điều rất quan trọng: Ngài không chỉ vượt qua biên giới thể lí, Ngài còn bãi bỏ rào cản giữa người với nhau. Chúa Giê su có cái nhìn khác với chúng ta. Ngài chỉ nhìn mọi người, cả những người thấp bé nhất, trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa Cha. Ngài bãi bỏ mọi khoảng cách để chỉ thấy nơi người tàn tật một con người cần được nâng dậy.
Sứ điệp chính yếu của bài tin mừng hôm nay có thể tóm gọn trong hai chữ: “Hãy mở ra!”. Không có sự điếc lác nào nặng hơn sự điếc lác của tâm hồn. Không có người điếc nào khó chữa hơn người không muốn để cho lời mời gọi của Thiên Chúa và anh em chạm đến mình. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến tất cả những ai đau khổ thể xác hoặc tâm hồn, những người tự giam mình trong các khó khăn và nỗi đau khổ của họ. Nói những lời tốt đẹp để cố gắng động viên giúp họ lúc nầy có thể không mang lại kết quả nào, vì họ không còn khả năng để nghe. Vậy chúng ta hãy dẫn họ đến với Đức Ki tô.
Ngài nói với chúng ta cũng như nói với người câm điếc trong tin mừng: “Hãy mở ra!”. Hãy mở lòng cho Chúa, cả khi Ngài đến để đặt lại những sự lựa chọn mà chúng ta đã làm cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy xin Ngài mở rộng tai để đón nhận tin mừng. vì có những cách điếc ngăn cản chúng ta hiểu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào.
Rồi chúng ta cũng hãy mở ra cho tha nhân. Trong gia đình, trong khu xóm, trong làng, nơi làm việc, hãy mở ra với người khác. Hãy mở ra cho những đứa bé đang lớn và cần được nghe. Chúng cần có những người lớn yêu thương và giúp chúng lớn lên. Rồi chúng ta còn phải mở ra đón nhận mọi vấn đề hiện tại, vấn đề con người, xã hội, giáo dục mọi thứ. Hãy mở ra cho những người thành tâm thiện chí muốn làm một cái gì đó cho thế giới ích kỉ nầy, để thiết lập một thế giới công bằng và huynh đệ hơn.
Vai trò của nhưng người ki tô hữu chúng ta là cùng với những người chung quanh xây dựng những cộng đoàn cởi mở và tiếp đón người khác, như Chúa Giê su mở rộng đôi tay tiếp đón tất cả những ai Ngài gặp gỡ. Đặc biệt chúng ta hãy để ý đến những người bị thương vì cuộc sống, những người không bao giờ có được tiếng nói vì không ai nghe họ, Chỉ còn Thiên Chúa nghe tiếng kêu của họ.
Cùng nhau chúng ta hãy hướng tâm hồn về Chúa, cầu xin Ngài mở miệng lưỡi chúng ta, không phải để nói những chuyện tầm phào vô ích, nhưng để tìm lại hứng khởi cầu nguyện và chúc tụng. Ước gì chúng ta dâng lên những lời kinh chúc tụng làm tâm hồn Cha vui lên. Ước gì Chúa biến chúng ta thành những chứng nhân của tin mừng nơi tất cả những người chung quanh chúng ta.
Trong Tiệc Tạ ơn, Chúa gặp gỡ các cộng đoàn qui tụ nhân danh Ngài. Chúng ta hãy mở ra cho Ngài, cho tình yêu của Ngài, cho Lời của Ngài, cho những lời kêu gọi của thế gian. Ngài muốn là ánh sáng soi chiếu cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy nhắc lại với Ngài đức tin và lòng tin tưởng của chúng ta.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Isaia là ai?
THƯA: Isai là tiên tri lớn, nổi tiếng và quan trọng trong thời Cựu Ước. Tên gọi ông có nghĩa là: Thiên Chúa cứu độ. Sinh ra vào khoảng năm 760 trước công nguyên và sống tại Giê ru sa lem, được giáo dục trong môi trường tư tế, và thuộc gia đình quý tộc trong vương quốc Giu đa. Năm 742 ông nhận được lời Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri. Sứ mạng của ông là rao giảng và báo trước sự sụp đổ của Israên và Giu đa như hình phạt cho sự bất trung của họ đối với Giao Ước. Sách của ông có thể chia làm 3 phần: Phần 1 chép các phán quyết của Thiên Chúa (cc.1-39). Phần 2 là sách An ủi Israên (cc. 40-55) và phần 3 là các lời sấm tương lai Ít ra ên (56-66). Bài đọc hôm nay trích từ chương 35 nói về niềm vui được tái tạo sau khi xử tội Êđom (c, 34).
2. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói về điều gì?
THƯA: Bài đọc 1 (Is 35,4-7a) trích lại những lời sấm ngôn của Isaia về sự thay đổi diệu kỳ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện trong thời cánh chung: mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhẩy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Sự cứu độ ấy còn vươn ra đến thiên nhiên: nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu, miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra. Trong bài đọc này chúng ta khám phá Thiên Chúa là Đấng thực hiện những thay đổi kỳ diệu cho con người vì Người là Thiên Chúa quyền năng, yêu thương và bênh vực những người bị thiệt thòi, bị áp bức.
3. HỎI: Tại sao Isaia nói đến ngày Thiên Chúa báo oán?
THƯA: Chúng ta phải hiểu lời ấy theo nghĩa tích cực. Trong Kinh Thánh, rõ ràng là Thiên Chúa không báo thù chúng ta, nhưng luôn hành động chống lại sự ác đe dọa và sát hại chúng ta. Sự báo oán của Ngài chính là trả lại cho nhân phẩm cho chúng ta, vì đó chính là vinh quang của Thiên Chúa.
4. HỎI: Bài đọc thứ nhất có liên quan đến bài Tin mừng không?
THƯA: Có. Isaia nói về việc người lưu đày Ba by lon được giải thoát và trở về Giê ru sa lem, nhưng nhân loại còn phải chờ sự giải thoát quyết định cuối cùng mà Đấng Mê sia sẽ mang đến. Đó là điều mà Chúa Giê su sẽ thực hiện trong sứ mạng của Ngài, như phép lạ chữa lành chữa người câm điếc trong bài tin mừng cho thấy.
5. HỎI: Phép lạ nầy xảy ra ở đâu?
THƯA: Phép lạ nầy xảy ra ở vùng Thập tỉnh, phía Đông sông Gio đa nô, phần đất của dân ngoại. Điều nầy cho thấy, ơn cứu độ mà Chúa Giê su mang đến dành cho tất cả mọi người, không trừ ai.
6. HỎI: So với cách chữa bệnh thời bấy giờ, cách chữa trị của Chúa Giê su có gì khác biệt không?
THƯA: Có. Thánh Mác cô kể lại: “Chúa Giê su kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhỗ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Rõ ràng, Ngài không thay đổi cách chữa trị mà người ta vẫn sử dụng, nhưng gán cho nó một ý nghĩa mới. Vì từ đây Ngài có những cử chỉ khác biệt như thánh Mác cô mô tả: “Ngài ngước mắt lên trời, thở dài và nói: ‘Ép pha ta’”.
7. HỎI: Tại sao Chúa Giê su kéo anh ta ra khỏi đám đông?
THƯA: Chúa Giê su kéo anh ta ra khỏi đám đông vì muốn phép lạ diễn ra ở chỗ riêng tư, giống như Êlia hay Êlisêô làm cho đứa bé sống lại (1V 17,19; 2V4,33). Ngài làm như thế vì muốn giữ bí mật về căn tính của mình (x,c 36). Đó là điều mà chúng ta thường thấy trong tin mừng Mác cô: Chúa Giê su muốn bảo toàn Bí mật thiên sai. Ngài là thật sự là đấng Thiên sai, nhưng không muốn cho người ta hiểu sai lạc ý nghĩa và sứ mạng ấy.
8. HỎI: Việc Chúa Giê su ngước mắt lên trời có ý nghĩa gì?
THƯA: Bằng cử chỉ ngước mắt lên trời, Chúa Giê su cho thấy Ngài chỉ thực hiện phép lạ chữa trị cho người câm điếc bằng chính quyền năng mà Thiên Chúa Cha ban cho Ngài.
9. HỎI: Tại sao Ngài thở dài?
THƯA: Theo ý nghĩa của từ, thì phải hiểu đây là tiếng than vãn. Đó là tiếng than vãn của nhân loại chờ đợi ngày cứu độ giống như dân Do thái khi bị lưu đày trên đất dân ngoại chờ ngày trở về, hay tiếng than vãn của tạo thành chờ đợi ngày cứu chuộc vào lúc cuối thời gian (Rm 8,22). Đó cũng là tiếng than vãn của Thần khí Thiên Chúa cầu nguyện trong tâm hồn người tín hữu (Rm 8,26), bởi vì Thiên Chúa không làm ngơ trước những đau khổ con người phải gánh chịu.
10. HỎI: “Hãy mở ra”: chúng ta nghe âm thanh quen thuộc nầy ở đâu?
THƯA: Trong nghi thức bí tích rửa tội. Sau khi đổ nước, linh mục chạm vào tai và môi của người chịu phép và truyền “Hãy mở ra”, và khuyên nhủ: “Con hãy mở miệng ra để rao truyền đức tin mà con đã lãnh nhận để chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa”. Chúng ta còn nghe vang vọng lời cầu nguyện của thánh vịnh: “Lạy Chúa xin mở miệng con, để con vang tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 50/51).
11. HỎI: Những người chứng kiến đã phản ứng như thế nào?
THƯA: Những người chứng kiến hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả; ông làm cho kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được”. Dù là người ngoại, họ cũng chứng kiến điều mà Thiên Chúa hứa qua lời sấm Isaia đã thành sự thực: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được..lưỡi người sẽ reo hò” (Is 35,5-6). Chính người ngoại đã nhận ra thời cánh chung đã đến.