SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXXI TN. B
LỜI CHÚA: Lc 14, 15 – 24
(15) Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Ðức Giêsu: "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!" (16) Người đáp: "Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. (17) Ðến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: "Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn". (18) Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu". (19) Người khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu". (20) Người khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được".
(21) Ðầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: "Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây".(22) Ðầy tớ nói: "Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ". (23) Ông chủ bảo người đầy tớ: "Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta. (24) Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi".
SUY NIỆM
Dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay nói đến chuyện buồn và chuyện vui của một bữa tiệc. Bữa tiệc bao giờ cũng nói lên sự liên đới, hiệp thông với nhau trong xã hội. Người ta muốn chung chia tâm tình, sự hân hoan, niềm vui mừng của nhau khi dự tiệc. Chuyện buồn của bữa tiệc hôm nay là những khách được mời đã từ chối không đến dự – quả là bức xúc, mất vui cho chủ tiệc! Chuyện vui là tất cả những người ‘nghèo khó, tật nguyền’, những người ở ‘bờ rào, bờ dậu’ đều được mời vào để dự tiệc thỏa thích, no nê. Dụ ngôn cho chúng ta nhiều ý nghĩa để suy nghĩ.
Ngày nay người ta khoản đãi rất nhiều thứ tiệc: sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, giỗ chạp, cưới hỏi, quan thầy, họp mặt…. Mỗi thứ tiệc đều có ý nghĩa của nó và khách được mời cũng tùy theo đối tượng: có thể là họ hàng thân thiết, có thể là bạn bè, bà con láng giềng, và cũng có thể là những đối tác làm ăn…. Và thường khi đã mời, bao giờ chủ tiệc cũng muốn được sự đáp ứng của khách mời. Tuy nhiên, để không bị hố, bị lỗ khi tổ chức tiệc, chủ mời thường muốn biết chính xác khách được mời có tham dự được hay không để dễ dàng đặt tiệc. Tương tự như thế, người Do-Thái có phong tục thông báo việc tổ chức tiệc cũng như mời khách trước ngày tổ chức tiệc khá lâu vì vậy người ta có thời gian để sắp xếp hoặc hồi đáp lại cách thuận tiện. Tuy nhiên, giờ dự tiệc chưa được thông báo, cho tới khi ngày tổ chức tiệc tới và bữa tiệc được chuẩn bị sẵn sàng thì chủ tiệc mới sai các gia nhân đầy tớ đi mời các vị khách đã được mời và nhận lời đến dự tiệc. Vì vậy mà việc khách kiếu không đến dự tiệc vào những giờ phút cuối cùng thì quả là đã không nể mặt chủ nếu không nói là khinh khi, coi thường.
Bữa tiệc trong dụ ngôn mà Tin mừng hôm nay nói đến là một Đại tiệc, nhưng trình thuật Tin mừng song song của thánh sử Mat-thêu thì cho biết đó là tiệc cưới của Hoàng tử do Đức vua thiết đãi (x.Mt 22,2) – như thế cho thấy được tầm quan trọng của bữa tiệc cũng như vinh dự của những khách được mời. Đồng thời cũng tô rõ hành vi phạm thượng của những vị khách ưu ái được mời, nhưng lại từ chối vì những lý do không đâu. Từ đó chúng ta có thể suy ra hệ quả của những hành vi thiếu khôn ngoan của các vị khách. Và cơn thịnh nộ của ông chủ đối với những con người ‘ngu ngốc’ kia thật khó lường – “Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi". – nói ‘thật khó lường’ là vì ý nghĩa của dụ ngôn: không ‘được dự tiệc trong nước Chúa’ thì cũng đồng nghĩa với ‘án phạt đời đời’
Trong Tin mừng ta thấy Đức Giê-su hay ví nước trời giống như một tiệc cưới; và chủ đích của dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su muốn nói đến việc dân Do-thái là dân được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ ban đầu để tham dự bữa tiệc ấy (làm dân riêng của nước Ngài), nhưng họ đã từ chối nên Thiên Chúa đã mời gọi các người nghèo khó, tàn tật, đui mù (là những người mà người Do thái loại trừ - thu thuế, gái điếm) và những người đến từ “nẻo đường, bờ rào, bờ dậu” (những người ngoại) vào dự yến tiệc trong nước của Người.
Tin mừng cũng cảnh báo chúng ta – những Ki-tô hữu ngày nay, chúng ta được mời gọi tham dự yến tiệc của ‘Hoàng tử Giê-su’ mỗi ngày – yến tiệc của vua muôn vua, Chúa các chúa, nhưng chúng ta đã đáp lại thế nào? Có lẽ chúng ta cũng không khác người Do-thái xưa mấy; Chúng ta cũng viện lẽ bận rộn công việc làm ăn cũng như trăm ngàn sự bận rộn khác: bận ngủ, bận công việc, bận giao thiệp, bận xem ti vi, bận đi học, vân vân và vân vân. Thế nào là bàn tiệc Lời Chúa, thế nào là bàn tiệc Thánh Thể chúng ta chẳng thèm quan tâm. Và chúng ta đã hành xử thật khờ dại và ngu ngốc. Chúng ta sống như những người chẳng có đức tin – sống duy vật chất. Chúng ta coi thường mối tình thân với Thiên Chúa. Bám víu vào đời sống tạm bợ chóng qua mà coi thường sự sống vĩnh cửu…. Đó chẳng phải là hành vi phạm thượng lắm sao? Thế mà chúng ta vẫn thấy rất ư bình thường! Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi ta mỗi ngày; Ngài muốn chúng ta dự tiệc Ngài dọn nơi Thánh lễ, để thắt chặt thêm tình thân với Ngài, để lấy năng lực, sức mạnh đi hết con đường trần thế hầu mai sau được dự yến tiệc vui muôn đời Ngài dọn sẵn cho mỗi người chúng ta trên nước thiên đàng.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin ban Thần Khí Chúa cho chúng con,
Thần Khí phá tan mây mù tăm tối làm mờ mắt tâm hồn khiến chúng con mê muội lầm lạc đắm mình trong vật chất.
Xin gia tăng đức tin trong con để con biết chọn Chúa làm cùng đích cuộc đời,
Để con có những quyết định khôn ngoan trong cuộc sống.
Xin cho chúng con lòng mến yêu Chúa, biết siêng năng tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa dọn cho chúng con mỗi ngày, hầu tình Chúa, tình người thêm đậm đà thắm thiết và chúng con sẽ vui mừng cùng dắt tay nhau vào dự tiệc vui bất diệt muôn đời. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh, OP