CHÚA NHẬT XXXI TN A
Ml 1,14b-2,2b.8-10
1Tx 2,7b-9.13
Mt 23,1-12
NÓI VÀ LÀM
Kính thưa quý OBACE,
Người ta thường hay nói, khoảng cách xa nhất là khoảng cách từ lời nói đến việc làm. Đúng như thế, trong thực tế, những lời tuyên bố hoặc những đề nghị góp ý dạy bảo người khác thì vẩn dễ hơn khi chính mình thực hiện những điều đó, chẳng hạn khi tranh cử tổng thống hay những địa vị xã hội, thường các ứng viên cũng hay tuyên bố rất nhiều, nếu đắc cử tôi sẽ cải cách điều này, chấn chỉnh điều kia,.. thế nhưng khi đã đắc cử thường không mấy khi họ nhớ đến những lời hứa trước đây, hoặc những lời khuyên lời góp ý cho người khác thì dễ hơn khi mình thực hành, và chúng ta cũng thấy có những khoảng cách rất khác biệt giữa lời nói và việc làm của người này người khác, kể cả của linh mục và tu sĩ.
Lời Chúa hôm nay Chúa Giêsu đã nặng lời với những người biệt phái, các nhà thông thái là những bậc thày trong dân về thái độ của họ đó là họ nói mà không làm. Có thể nói rằng trong suốt thời gian rao giảng của Chúa Giêsu, thành phần mà Ngài hay khiển trách nhất đó là tầng lớp lãnh đạo, các tư tế, luật sĩ và biệt phái trong dân Israel, vì đối với xã hội Do Thái lúc bấy giờ, những nhóm người này làm nên một tầng lớp thượng lưu, tầng lớp lãnh đạo về mặt tôn giáo và xã hội. Các biệt phái họ tự cho mình là tầng lớp đạo đức trí thức là những người trung thành với từng chi tiết trong lề luật, còn các thày luật sĩ họ là những bậc thày trong dân về sự hiểu biết lề luật, mọi thắc mắc về lề luật đều phải do những người này giải thích, vì thế họ rất có thế giá và có tiếng nói trong cộng đồng. Việc họ giải thích luật và dạy bảo dân chúng thì không có gì là sai trái, tuy nhiên, vì thiếu lòng đạo đức từ bên trong, nên họ chỉ còn quan tâm đến hình thức và những chi tiết luật lệ bên ngoài, mà không biết đến ý nghĩa của lề luật và tại sao họ giữ những luật ấy. Chúa Giêsu khuyến khích dân chúng rằng: Khi họ ngồi trên tòa Môsê mà giảng dạy thì hãy thực hành, nhưng đừng nói theo đời sống của họ vì họ chỉ nói chứ không làm, họ đặt ra luật nhưng họ không tuân giữ. Chúa Giêsu đã không đồng ý với lối sống môi mép gỉa hình ấy, điều Ngài muốn là một đời sống phải đi đôi giữa lời nói và việc làm, họ phải trở thành gương mẫu và là người đi đầu trong việc tuân giữ giời răn lề luật Thiên Chúa.
Thực tế, những người này họ giữ luật không phải vì Chúa mà chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy những cái xấu xa bên trong, họ để ý đến chỗ nhất chỗ nhì ở nơi công cộng, nơi hội đường hơn là việc thờ phượng Thiên Chúa, họ tìm kiếm không phải là ý Chúa, mà là lời khen ngợi từ nơi người khác. Sâu xa hơn nữa, như lời tiên tri Malakhi, họ đã đi trệch đường và lôi kéo nhiều người đi theo họ, họ trở thành gương mù gương xấu cho biết bao nhiêu người trong đời sống đạo. Đáng lẽ những bậc thày trong dân họ sẽ phải là những người trước tiên tôn vinh danh Chúa qua đời sống của họ, trở thành gương sáng cho những người khác trong việc tuân giữ giới răn lệnh truyền của Chúa, nhưng rất tiếc họ đã không chu toàn việc bổn phận ấy nên họ đáng bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Trong khi đó bài đọc hai, Thánh Phaolô đã cho thấy đời sống của các tông đồ đã trở thành tấm gương cho các tín hữu trong việc bổn phận thờ phượng kính mến Chúa và trong việc phục vụ anh chị em, lời lẽ trong thư Thesalonica hôm nay thật ngọt ngào: khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng như mẹ hiền ấp ủ con thơ, đã hiến tặng anh em Tin Mừng của Chúa Kitô và cả mạng sống của chúng tôi nữa, chúng tôi vất vả khó nhọc đêm ngày để khỏi trở nên gánh nặng cho anh em. Thánh Phaolô còn nhận ra rằng được như thế là do Ơn Chúa, và thánh nhân cảm tạ Chúa vì cộng đoàn Thesalonica đã đón nhận lời giảng dạy của các ngài như đón nhận Lời của Chúa.
Sống và thực hành như Phaolô vừa chia sẻ, hết lòng hết sức vì anh em, vì cộng đoàn như Thánh Phaolô tâm sự, là vì các Ngài đã thấm nhuần và kiên trì thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay: Anh em đừng để ai dưới đất gọi mình là Thày vì anh em chỉ có một thày, đừng để ai gọi mình là cha, là người dẫn đường, vì anh em chỉ có một cha, một người chỉ đạo là Đấng Kitô. Trong anh em, ai làm lớn phải là người phục vụ, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Đó chính là những lời dạy thật sâu xa và là những thái độ mà Chúa muốn các môn đệ và mỗi chúng ta phải có và thực hiện trong đời sống của mình chứ không chỉ bằng lời nói suông.
Thưa quý OBACE, lời Chúa hôm nay trước hết là lời nhắc nhở cảnh tỉnh cho chúng tôi là những linh mục tu sĩ, những người có nhiệm vụ giải thích và rao giảng Lời Chúa cho anh em, song rất có thể chúng tôi đã bị rơi vào tình trạng giống như những người biệt phái luật sĩ, tức là giảng thì hay, nói thì mạnh, nhưng chính mình lại không thực hành hoặc đời sống của chúng tôi lại trái ngược lại với lời giảng. Thực tế thời gian gần đây, quý vị đã nghe hoặc thấy một số những gương mù gương xấu xảy ra nơi hàng ngũ các linh mục và tu sĩ ở nơi này nơi khác, nhiều người đã ngã lòng, nhất là khi báo chí và các phương tiện truyền thông muốn thổi phồng các sự kiện, các gương xấu nơi các linh mục với mục đích khoét sâu sự nghi ngờ giữa người tín hữu với hàng linh mục, gieo sự hoang mang và làm lung lạc đức tin người tín hữu, đó là một thực tế đang xảy ra; Trả lời cho vấn đề này, Đức Thánh Cha đã kêu gọi mỗi người cầu nguyện cho các linh mục, đồng thời các linh mục và mỗi người đều cần nhìn lại mình và canh tân không ngừng để có thể đi sát với Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài hơn.
Lời Chúa hôm nay cũng là lời nhắc nhở cho những người có trách nhiệm trong cộng đoàn giáo xứ, cần phải trở thành những người đi đầu và làm gương sáng trong việc sống đức tin và thực hành những lời dạy của Chúa qua đời sống cá nhân và gia đình của họ, vì đời sống của những người này đang ảnh hưởng trên người khác.
Dù không là những bậc thày trong cộng đoàn, song mỗi người trong nhiệm vụ là cha mẹ ông bà trong gia đình, chúng ta đang thực sự là những người cha, người thày của con cái, đang là những người dẫn đường và uốn nắn con cái, thì Lời Chúa hôm nay cũng là một lời chất vấn chúng ta: Trong gia đình, với chòm xóm, lời nói của tôi có đi đôi với việc làm hay không? Trong việc giáo dục con cái người ta thường nói: lời nói mau qua, gương lành lôi kéo, các bậc cha mẹ không chỉ dạy con bằng lời, mà cần bằng gương sáng cụ thể, nhiều khi chính đời sống của cha mẹ hoàn toàn trái ngược lại với lời nói, thì không thể dạy con sống tốt được. Một gia đình mà cha mẹ cãi vã đánh nhau thì làm sao có thể dạy con cái sống hiền lành yêu thương tha thứ? Khi cha mẹ làm ăn gian dối lừa lọc thì không thể dạy con cái công bằng và tôn trọng sư thật. Một cha mẹ lười biếng trong việc đạo đức thì không thể dạy con cái siêng năng, gia đình không đọc kinh cầu nguyện thì con cái cũng sẽ không biết đọc kinh cầu nguyện là gì!
Các trẻ em con cái chúng ta ngày nay học bằng mắt nhiều hơn bằng tai, nó cần được nhìn thấy những người tốt việc tốt, người thật việc thật trong gia đình, ngoài xã hội, đó là bài học hiệu quả hơn bất cứ bài giảng dạy nào, và là bài học dễ ghi nhớ hơn bất cứ bài giảng nào. Như thế, người lớn chúng ta, và nhất là những bậc làm cha mẹ, thày cô càng phải là những người gương mẫu nêu gương sáng trong đời sống đức tin và đời sống bác ái huynh đệ công bằng qua những việc làm cụ thể chứ không chỉ là những bài đạo đức giáo điều, chỉ có lý thuyết mà không thực hành.
Để có thể giới thiệu Chúa cho người xung quanh, thì người Công giáo chúng ta, trước khi giảng dạy, nói về Chúa cho họ thì hãy bắt đầu bằng những việc làm bác ái yêu thương cụ thề, bằng những cử chỉ đẹp đối với nhau, bằng sự quảng đại và thông cảm với nhau, vì nếu ngay những người đồng đạo, cùng một niềm tin mà chúng ta không yêu thương phục vụ nhau được, thì là sao người ngoại có thể tin rằng chúng ta có thể yêu thương và phục vụ người khác một cách thật lòng được, và càng không thể tin vào Đấng mà chúng ta tôn thờ và rao giảng.
Xin Cho mỗi người biết khiêm nhừơng nhìn lại chính mình để sửa đổi cho phù hợp với lời Chúa dạy hôm nay. Amen