TÌNH YÊU CỨU CHỮA ĐIỀU ĐÃ HƯ MẤT
Quý Cao làm quan sĩ sư nước Vệ, có làm án chặt chân một người. Sau nước Vệ loạn, Quý Cao chạy trốn, ra đến cửa thành gặp người giữ cửa thành, lại chính là người mình đã lên án chặt chân ngày trước.
Người ấy bảo: “Kia có chỗ tường đổ”.
Quý Cao nói: “Người quân tử không trèo tường”.
Người ấy lại bảo: “Kia có lỗ hổng”.
Quý Cao đáp: “Người quân tử không chui lỗ hổng”.
Người kia lại nói: “Ở đây có cái nhà”.
Quý Cao chạy vào nhà ẩn, quân đuổi theo không bắt được.
Lúc sắp đi, Quý Cao bảo người giữ thành rằng: “Trước ta theo phép nước mà chặt chân ngươi. Nay ta gặp nạn, chính là cái dịp để ngươi báo thù, mà ngươi ba lần chỉ lối cho ta trốn. Thương ta như thế, là cớ làm sao?”
Người giữ thành nói: “Tội tôi đáng chặt chân, thì tránh sao cho khỏi. Lúc ông luận tội, xoay xở pháp luật, ý muốn nới tay, tôi cũng biết. Lúc án đã định, đưa ra hành hình, nét mặt của ông buồn sầu, tôi lại biết lắm. Ông làm như thế, há có vị riêng gì tôi đó. Đó là tâm địa bậc quân tử tự nhiên như thế. Nên tôi muốn cứu ông”.
Cái tâm của Quý Cao tuy không cứu người giữ thành khỏi bản án chặt chân nhưng lại cứu được tâm hồn anh khỏi cái chết bởi thù oán, căm hờn. Tình yêu tác sinh chứ không tác hoạ, ý muốn nới tay, nét mặt buồn sầu của Quý Cao đã gìn giữ và nuôi dưỡng lòng mến chuộng điều thiện trong lòng anh.
Tình yêu đó được nâng lên đến tột đỉnh trong cách hành xử của Thiên Chúa đối với nhiều lần phản nghịch của chúng ta.
Tội phạm phải chịu hình phạt tương xứng. Thế nhưng, như bông lan toả hương thơm cho bàn tay đã vò nát nó, sự công bằng mà Chúa tìm kiếm là sự công bằng của tình yêu: “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối” (Kn 11,23).
Chúng ta phạm tội, nhưng “Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên” (Tv 145,14). Bởi tình yêu thương mà đối với Chúa, sự sống loài người có một giá trị tuyệt đối.
“Trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như quả cân trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông” (Kn 11,22). Thế mà Chúa đã không ngần ngại bước vào nhà Giakêu, một người tội lỗi, rửa chân Giuđa, một kẻ phản bội, và cuối cùng, sẵn lòng lãnh nhận án phạt đóng đinh vào thập giá vì tội lỗi của chúng ta, những kẻ đã xúc phạm đến chính Ngài.
“Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào!” (Kn 12,1)
Sức mạnh của đức mến là hết sức mãnh liệt, vì “đức mến hy vọng tất cả” (1Cr 13,7). Và đúng thực như vậy, điều tưởng là không thể lại được thực hiện bởi lòng mến: Ông Giakêu hôm qua còn là một người thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có, thì hôm nay ông thưa cùng Chúa rằng: “Tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đến gấp bốn”.
Tình yêu của Chúa đã hoán cải và mang lại cho ông một thước đo mới, trong đó mọi sự được đánh giá theo lăng kính tình yêu. Chính lúc đó, Chúa Giêsu nói: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”.
Bằng tình yêu mà Chúa cứu chữa điều đã hư mất. “Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,6-7).
Bằng tình yêu mà Chúa cứu chữa điều đã hư mất. Có phải tình yêu là khí cụ tông đồ của tôi?
Lm. HK