THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN Lc 17, 20-25
"Nước
Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát,
và
người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia".
Cách
đây không lâu, trang web Dailymail đã cho đăng tải một bài báo, trong đó nêu ra
ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu về người Viking. Cụ thể, các chuyên gia
này, đến từ Trung tâm Viking Norvik đưa ra dự đoán về việc Trái đất sắp sửa bước
vào Ngày Tận thế thông qua việc quan sát các sự kiện gần đây. Ngày Tận thế
ở đây được gọi là Ragnarok theo văn hóa Viking.
Trong
thần thoại của người Bắc Âu, Ragnarok có nghĩa là “Sự tận diệt của các vị thần”,
xảy ra sau khi ba mùa đông lạnh giá xuất hiện liên tục. Khi đó, thần Heimdallr
sẽ thổi tù và Gjallerhorn, báo hiệu Ngày Tận thế sẽ tới sau 100 ngày. Sau khi
Gjallerhorn được thổi, các loài sinh vật hung dữ sẽ xuất hiện trên mặt đất.
Con
chó sói Skoll sẽ nuốt chửng Mặt trời và anh trai của nó là Hati sẽ ăn thịt Mặt
trăng, khiến thế giới chìm trong bóng tối vĩnh cửu. Đó cũng là thời điểm
Thần Odin tối cao lãnh đạo các thần khác và người dân chiến đấu chống lại ma quỷ.
Tuy nhiên, trong trận chiến này, các vị thần đã thất bại. Thần Odin bị con sói
Fenrir ăn thịt và các vị thần sáng tạo khác đều bị sát hại.
Cuối
cùng, tên khổng lồ Surt sẽ nhấn chìm cả thế giới trong biển lửa địa ngục. Sở dĩ
các chuyên gia Viking đưa ra lời dự đoán này là do quan sát và chứng kiến một số
sự kiện gần đây. Tại thành phố York, người dân đã nghe thấy một tiếng tù và cổ
phát ra từ một nóc nhà trong thành phố, đúng vào dịp lễ hội Jorvik của người
Viking. Danielle Daglan giám đốc tổ chức lễ hội cho rằng, đó là tiếng tù và của
Thần Heimdallr, báo hiệu Ngày Tận thế của nhân loại.
Cũng
vậy, vào thời Chúa Giêsu triều đại Nước Thiên Chúa được hiểu hoàn toàn theo
nghĩa thế tục, tức là một thế lực hùng mạnh do chính Thiên Chúa thiết lập để
làm cho dân Israel trở thành một dân tộc thống lãnh toàn thế giới. Qua những
phép lạ Chúa Giêsu đã làm, những người Pharisêu cứ nghĩ rằng Chúa Giêsu có thể
biết thời điểm mà triều đại nước Thiên Chúa đến, nên họ mới hỏi Ngài: “Bao giờ
triều đại nước Thiên Chúa đến”?
Chúa
Giêsu đã giúp họ thấy rõ được những quan niệm sai lầm và chỉ cho họ biết triều
đại Thiên Chúa không phải thuộc lãnh vực thế tục, xã hội nhưng thuộc lãnh vực đức
tin. Và với lãnh vực đức tin thì triều đại Nước Thiên Chúa cũng chính là sự hiện
diện của Chúa Giêsu. Ngài đang ở giữa họ. Thế nhưng họ lại không nhận ra. Và kết
cuộc thật bi đát, vì sự ganh ghét, nên họ đã kết án Chúa Giêsu và giết chết
Ngài trên Thập giá.
Đó
là câu chuyện thời xưa, còn với con người ngày hôm nay, triều đại Nước Thiên
Chúa cũng đang hiện diện nơi Chúa Giêsu. Ngài đã đến, đang đến và sẽ đến. Ngài
đã đến qua mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài đang đến với mỗi người qua tiếng nói lương
tâm, qua Lời Chúa, qua Thánh Lễ, qua mọi biến cố trong cuộc sống. Và Ngài sẽ đến
vào Ngài tận thế để xét xử tất cả mọi người.
Như
vậy, với niềm tin Chúa ban, con người cảm nhận được rằng, hiện tại triều đại
Thiên Chúa vẫn đang đến với họ. Sự cảm nghiệm này đem đến cho con người sự bình
an và niềm hạnh phúc khôn tả. Thật vậy, còn gì hạnh phúc bằng khi cảm nghiệm được
có Chúa đang ở cùng. Hơn thế nữa, tin vào ngày Chúa lại đến trong vinh quang
cũng là một trong những điểm đặc biệt của Kitô giáo.
Hàng
ngày, trong Thánh Lễ, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các tín hữu khi tuyên xưng:
"Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc
Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". "Chúa lại đến", đó là
niềm xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải là năm 2014, hay một
thời điểm nhất định nào không? Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Chúa
Giêsu loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết ngày giờ nào.
Chính
vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh
thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là
ăn không ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài
nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời
điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm.
Một
trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ
con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới
có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng
con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên
thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện
tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Qua
cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu,
đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi
ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế
là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của
Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc
sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích
cực của con người đối với từng giây phút hiện tại mà
thôi. Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Chân Hồng OH.