Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XII Thường
Niên Năm B
Lễ
Thánh Gioan Tẩy Giả
ĐƯỢC GỌI ĐỂ NÊN NHÂN CHỨNG CHO TÌNH YÊU
Các câu
chuyện dân gian kể lại thường cho thấy các vị minh vương, ngay từ nhỏ đã có những
dấu hiệu trổi vượt hoặc khác thường được biểu lộ ra bên ngoài. Hôm nay Kinh
Thánh cũng kể lại cho chúng ta những việc lạ lùng đã xảy ra trong dịp sinh nhật
thánh Gioan Tẩy Giả. Nhưng khác với các câu chuyện dân gian, sự kiện Gioan Tẩy
Giả ra đời được các tác giả Kinh Thánh nhận ra, ông chính là con người đã được
nhiều vị tiên tri trong Cựu Ước nhắc tới. Hơn nữa, sau khi chiêm nghiệm cuộc đời
của Gioan Tẩy Giả, các tác giả Kinh Thánh nhận ra ông chính là con người đã được
Thiên Chúa tuyển chọn và trao cho một sứ mạng hết sức cao cả, là trở thành người
dọn đường và là người làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Bằng cả cuộc đời thực thi sứ
mạng, Gioan đã trở thành cầu nối giữa thời Cựu Ước và thời đại của Chúa Giêsu.
Hơn hẳn các ngôn sứ khác, Gioan là người tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu và
giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế cho mọi người: “Đây chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”.
Thánh
Gioan có một vị trí quan trọng trong lịch sử cứu độ, sự xuất hiện của ông đã là
một dấu hiệu cho thấy, thời cứu độ đã đến. Các tổ phụ, các tiên tri xưa, không
chỉ tiên báo về việc Đấng Cứu Thế sẽ đến mà còn tiên báo về ngày ra đời của người
dọn đường cho Ngài. Tiên tri Isaia đã nói về sứ mạng của mình và cũng là của vị
Tiền hô như sau: “Hỡi các đảo hãy nghe
tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm hãy chú ý, Chúa đã gọi tôi từ trong lòng mẹ,
Ngài đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như lưỡi gươm sắc bén,…Người đã biến tôi
thành mũi tên nhọn… để tôi thành người tôi trung đem nhà Giacop về cho Người,
và quy tụ Israel chung quanh Người”. Như vậy, sứ mạng của Vị Tiền Hô là đem
nhà Giacop trở về và quy tụ Israel tản mác cho Thiên Chúa.
Sự kiện
thiên thần báo tin cho Dacaria về việc ông có một đứa con đặt tên là Gioan, đã
là một điềm lạ đối với mọi người. Dân chúng thấy Dacaria ra khỏi cung thánh không
còn nói được nữa, ngày Gioan chào đời cả hai ông bà Dacaria và Elizabeth đều cương
quyết phải đặt tên cho đứa bé là Gioan, khi đó ông lại nói được. Lưỡi của Dacaria
lại được mở ra và ông đã dâng lên lời kinh ca tụng: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân
Người”. Dacaria đã nhận ra sứ mạng to lớn nơi người con của ông khi ông nói
rằng: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là Ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân
Chúa biết Người sẽ cứu độ, và tha cho họ hết mọi tôi khiên”. Thấy những việc
lạ lùng, dân chúng vô cùng kinh ngạc và tự nhủ: “Để xem rồi em bé này sẽ như thế nào, vì quả thật bàn tay Thiên Chúa
đang ở với em”.
Đức Giêsu
rất tôn trọng vị Tiền Hô của mình, khi khởi đầu sứ mạng công khai, Đức Giêsu đã
bước đến, cúi xuống xin Gioan làm phép thanh tẩy cho mình, trước sự phản đối của
Gioan. Gioan đã nhiều lần giới thiệu cho môn đệ của mình và chỉ cho mọi người về
Đức Giêsu. Hơn hẳn các ngôn sứ trước đây, họ nói về Đấng Cứu Thế, Gioan là người
chỉ cho mọi người biết Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Sau khi
hoàn thành sứ mạng, Gioan đã rút lui, nhường bước cho Đấng Cứu thế: “Tôi phải nhỏ đi để cho Ngài được lớn lên”. Gioan
cũng không giữ riêng các môn đệ cho mình, ông sẵn sàng giới thiệu môn đệ của
mình đến với Chúa Giêsu. Cuối cùng ông đón nhận, chấp nhận sự tù đày và cả cái
chết vì trung thành với sứ mạng uốn nắn lại lòng người, mở đường cho Thiên
Chúa.
Nhìn vào
cuộc đời của Thánh Gioan, chúng ta cảm phục về cuộc sống của Ngài, một con người
khiêm tốn, và can đảm trung thành với sứ mạng. Dù được dân chúng kính trọng, dù
được biết bao sự ủng hộ của nhiều người và dù được dân coi như là một đấng
Mesia, Gioan vẫn không vì thế mà ông quên sứ mạng và vị trí của mình chỉ là người
dọn đường. Ông không lợi dụng sự ủng hộ của dân chúng để cầu danh cầu lợi cho
mình, cũng không ảo tưởng về sự thành công của mình, ông một mực khiêm tốn nhìn
nhận: “Đấng đến sau tôi, thì cao trọng
hơn tôi và tôi không đáng cúi xuống để xách dép cho Người”.
Chúng ta
nhận ra tính cách đặc biệt và con người của Gioan. Ông là một con người ngay thẳng
can đảm, lời lẽ sắc bén, ông đã dám nói lên sự thật và bênh vực cho sự thật. Khi
rao giảng về sự sám hối, ông đều nói thẳng vào vấn đề của từng người. Từ các luật
sĩ là những người vị vọng, đến những người thu thuế bị coi là hèn kém, những
người biệt phái giả hình, ông đã dám gọi họ là: “nòi rắn độc kia, các người đừng hòng trốn thoát cơn thịnh nộ của Thiên
Chúa”. Đối với những người thu thuế, ông dạy họ đừng gian tham, đừng trục lợi
cho riêng mình, đừng thu lợi bất chính. Với những quân nhân của triều đình, ông
kêu gọi gọi họ đừng lợi dụng chức quyền để o ép dân chúng, đừng gian tham bất
công, hãy làm việc cho xứng với đồng lương của mình. Trong một bối cảnh xã hội
Do Thái thời ấy, thì những lời này của Gioan là những lời thật mạnh mẽ mà không
phải ai cũng dám lên tiếng, nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì Gioan là người đã
dám đụng đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội lúc bấy giờ.
Không dừng
lại đó, Gioan còn là người duy nhất dám đương đầu với chính quyền để phanh phui
sự xấu xa, lên tiếng bênh vực cho sự thật và cho công lý, mặc dù ông biết rằng
điều đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng của ông. Ông không chấp nhận một vị vua,
người đứng đầu một quốc gia, mà lại có những hành động vô luân như vua Herode. Ông
vua này đã phớt lờ dư luận quần chúng, ngang nhiên cướp vợ của anh mình, chung
sống với chị dâu một cách ngang trái. Gioan đã chỉ thẳng mặt Herode và cảnh cáo
nhà vua: “Nhà vua không được cướp vợ của
anh mình”. Hành động quả cảm này đã khiến Herode bực tức, đã bỏ tù và sau
cùng đã giết chết Gioan.
Thưa quý
OBACE, trong cuộc sống ngày nay, chúng ta được mời gọi sống theo tấm gương của
Gioan: khiêm tốn và can đảm chu toàn trách nhiệm của mình. Khiêm tốn không có
nghĩa là nhu nhược hay nhắm mắt làm ngơ trước sự dữ và sự xấu, mà là nhận rõ
trách nhiệm của mình, con người và nhiệm vụ của mình, trong gia đình, trong xã
hội và kiên trì chu toàn. Ngày hôm nay ngay trong gia đình, trong tương quan xã
hội, rất nhiều việc sai trái đang xảy ra, nhưng vì sức ép của đồng tiền, vì quyền
lợi, chúng ta không dám lên tiếng ngăn cản sự sai trái ấy. Trong tương quan bạn
bè và xã hội, nhiều người vì sợ mích lòng, vì sợ ảnh hưởng đến công việc và con
đường danh vọng, nên không dám chống lại cái xấu, nhắm mắt làm ngơ trước sự sai
trái, và còn đồng lõa với những sai trái của bạn bè và xã hội.
Hơn lúc
nào hết, người tín hữu chúng ta phải là những sứ giả như Gioan, là người dọn
tâm hồn để cho gia đình, cho anh em, và cho cả xã hội này đón nhận được chân lý
và sự thật của Đức Kitô. Là người Công Giáo, chúng ta phải can đảm lên tiếng
bênh vực cho chân lý và sự thật; chỉ mặt gọi tên sự xấu bằng đúng cái tên của
nó, không né tránh sự thật, không ngụy biện, và không dùng lời lẽ hoa mĩ dối
trá để biện minh cho những hành động xấu xa, vì tất cả sự gian dối đều do ma quỷ
mà ra.
Nhưng trước
hết, mỗi người cần điều chỉnh bản thân mình, theo lời mời gọi của Gioan: lấp đầy,
san phẳng những chỗ gập ghềng trong đời sống, sám hối, sửa chữa những sai lầm
và quay trở về với Thiên Chúa. Cần phải khai mở một con đường ngay thẳng cho
Chúa đến với tâm hồn mình trước. Con đường trong tâm hồn của mỗi người, chỉ có chính
bản thân tự quyết định để mở rộng và giải tỏa cho riêng mình mà thôi.
Xin Chúa
cho chúng ta biết học theo cách sống, theo con người của Gioan và thực hiện lời
mời gọi của Gioan, để chúng ta có thể đón tiếp Chúa vào tâm hồn mỗi ngày qua Lời
Chúa và Bí Tích Thánh Thể. Amen
Linh mục
Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc