Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XII Thường Niên
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
NỀN TẢNG HỘI THÁNH
LỜI
CHÚA: Mt 16, 13-19
13 Khi ấy, Đức
Giêsu đến miền Xêdarê Philipphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con
Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Kẻ
thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông
Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. 15
Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16 Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống”. 17 Đức Giêsu
nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không
phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên
trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh
biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của
Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19
Thầy sẽ treo cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên
trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ
tháo cởi như vậy”.
SUY
NIỆM
Đứng trước một công
trình kiến trúc đồ sộ tráng lệ như đại vương cung thánh đường Latêranô, ai mà không khỏi trầm
trồ bởi vẻ tinh xảo trong từng đường nét. Điều quan trọng không phải do đó là
công trình rộng lớn với kiến trúc cực kỳ đẹp nhưng nó có được xem là mái nhà
chung của giáo hội, một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những
cuộc bách đạo lúc
ban đầu,
là mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới. Điều quan trọng
hơn nữa là “cái chúng ta nhìn không phải là vẻ đẹp của tòa nhà, mà là nền móng
là thứ phải chịu thử thách của thời gian” (David Allan Coe).
Khi thiết lập Giáo hội, Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ như những trụ cột
vững chắc, trong đó thánh Phêrô là người đứng đầu dẫn dắt đoàn chiên Chúa. Một
trụ cột vững chắc không thể thiếu đó là thánh Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại.
Thánh Phêrô và thánh Phaolô đều là những tông đồ nhiệt thành, hết lòng sống
chết cho sự tồn vong của Giáo hội. Mặc dù có những giới hạn nhất định của phận
con người, nhưng cả hai vị thánh đều đã sống đến tận cùng của đức mến và đã
dùng cả mạng sống mình minh chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu.
Trình
thuật Tin mừng hôm nay kể lại sau một thời gian dài đi theo và nghe Đức Giêsu giảng
dạy, các môn đệ vẫn còn mù mờ về con người và căn tính của Thầy mình. Thấy vậy
Đức Giêsu liền ra một câu hỏi để thăm dò “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông lần lượt trả lời theo
dư luận xung quanh “Kẻ thì nói là
ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay
một trong các vị ngôn sứ”. Đức Giêsu nhận thấy các đáp án đều chưa
đi vào câu hỏi chính. Người chờ đợi một đáp án cuối cùng liền hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Tông
đồ Phêrô đại diện cả nhóm trả lời “Thầy
là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Nghe vậy Đức Giêsu liền khen
môn đệ Phêrô là người có phúc và đặt ông làm đá tảng xây Đức Giêsu dựng Hội
Thánh. Để lãnh nhận nhiệm vụ hết sức quan trọng này, Đức Giêsu khơi mở cho biết
Đấng Kitô sẽ phải chịu người ta chống đối, bị nhục mạ, bị đóng đinh chết và sẽ
sống lại sau ba ngày. Đức Giêsu còn cho các ông hiểu rõ về Con Người mà các ông
đi theo. Con Người ấy chẳng phải là một “ngôi sao bóng đá”, một “minh tinh màn
bạc” như người ta ái mộ. Con Người ấy chính là mẫu gương của một tôi tớ phục
vụ, một người khiêm nhường dám chịu mọi mất mát thua thiệt.
Hôm nay phụng vụ mừng kính
hai thánh tông đồ Phêrô - Phaolô mang một ý nghĩa đặc biệt. Hai vị xuất thân
trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng có cùng nhiệt huyết tông đồ. Sau khi Chúa
Giêsu về trời, thánh Phêrô lên đường đi khắp các nơi để truyền giáo (Cv 9,32)
và cuối đời đã xin được đóng đinh ngược để minh chứng cho tình yêu dành cho
Thiên Chúa. Từ một người bắt bớ các kitô hữu, thánh Phaolô trở thành vị tông đồ
của dân ngoại. Hai vị thánh đã trở nên tấm gương chói ngời về đức tin và lòng
mến để xây nên tòa nhà Giáo hội vững chắc.
“Còn anh em, anh em
bảo Thầy là ai?” Câu hỏi này cũng được gửi đến cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta sẽ trả lời với Chúa ra sao còn tùy thuộc vào cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta sẽ trả lời với Chúa qua cung cách phục vụ và yêu thương của chúng ta.
Chúa có là đối tượng để chúng ta tìm kiếm và bước theo, hay Chúa cũng chỉ là một
diễn viên đang ăn khách trên màn ảnh sân khấu, một nhân vật của thời đại được
nhiều người ngưỡng mộ. Thầy là ai trong cuộc đời của bạn, là ai trong những chọn
lựa to nhỏ, là ai trong những thần tượng mà bạn yêu thích. Chúa Giêsu là ai
trong suy nghĩ thâm sâu cõi lòng bạn và tôi. Chúa vẫn đợi chờ câu trả lời cuối
cùng của mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa còn muốn chúng ta nói cho thế giới biết
Chúa Giêsu là ai?
Trong cuộc sống, chúng ta có dám xác tín trả lời “Thầy là Đức Kitô không?” hay chúng ta
còn tránh né. Chúng ta có dám chấp nhận sứ mạng của Thầy Giêsu không, hay chúng
ta cũng như Phêrô ngăn cản làm trì trệ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Biết bao
lần chúng ta đưa ra những sáng kiến, đường lối chính sách nghe có vẻ mới mẻ
nhưng đó không phải là ý định của Chúa. Biết bao lần chúng ta khéo léo sắp đặt
Chúa phải theo kế hoạch và những suy nghĩ nông nổi ích kỷ hẹp hòi của chúng ta.
Biết bao lần chúng ta tổ chức lễ hội, trống kèn cờ hoa lộng lẫy, đi lễ đọc
kinh, làm từ thiện bác ái nhưng Thiên Chúa không được tôn vinh mà chỉ để chúng
ta được khen ngợi. Mỗi ngày chúng ta hãy thẩm định lại câu trả lời của mình bằng
thái độ sống kính mến Chúa và yêu thương tha nhân.
Trên bước đường theo Chúa không phải lúc nào chúng ta
cũng đi trên con đường bằng phẳng với cây cao bóng mát, cỏ hoa rộn ràng nhưng cũng
có đoạn đường gồ ghề sỏi đá. Không phải lúc nào chúng ta cũng trải qua những
ngày nắng đẹp nhưng cũng có những lúc u sầu ảm đạm, thậm chí có cả giông tố bão
bùng. Không phải lúc nào việc ta làm cũng được mọi người chấp nhận nhưng
cũng có những chống đối, vùi dập khiến ta bị tổn thương và thất vọng ê chề. Hãy
nhìn lên Thầy Giêsu – Đấng đã chiến thắng bằng đức khiêm tốn vâng phục, bằng sự
từ bỏ ý riêng mình để ý Cha nên trọn.
Chấp nhận đi theo Chúa là chúng ta phải chấp nhận
thiệt thòi đi vào đường hẹp, chấp nhận lội ngược dòng. Vì đường
Cứu Độ không phải là con đường của dễ dãi, của hưởng thụ nhưng là
con đường từ bỏ. Vì có hạnh phúc nào mà không dệt từ những đau
khổ, có vinh quang nào mà không phải đi qua thập giá. Nhưng người theo
Chúa phải luôn xác tín dù đường đời có đau khổ cũng là đau khổ có
Chúa. Dù tình yêu có trắc trở gian nan cũng là những ân ban huyền
nhiệm để ta được lớn lên, được hiệp thông trong Tình Yêu của Chúa Ba
Ngôi. Là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Hội Thánh, mỗi người chúng ta
cũng phải ý thức sứ mạng của mình là cộng tác với ơn Chúa, nỗ lực vun trồng sự
hiệp nhất yêu thương hầu góp phần xây nên Hội Thánh vững bền và thánh thiện
theo ý muốn của Thiên Chúa.
Mừng lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, ước gì mỗi tín
hữu cảm thức được «sự thuộc về» của mình trong Giáo hội, đồng cảm với
Giáo hội trong mọi khó khăn thử thách. Một khi mọi thành phần trong Giáo hội đều
thiết tha vươn tới sự thánh thiện như gương Thầy Chí Thánh, thì quả thực không
một thế lực nào, dù ma vương quỷ thần cũng không thể làm chúng ta nao núng.
Lạy Chúa Giêsu, biết bao lần vì yếu đuối
chúng con để đôi mắt tâm hồn che khuất bởi nhiều chuyện thế gian nên không nhận
ra sự hiện diện của Chúa. Xin cho chúng con đi vào mối tương quan thân mật với
Chúa, hầu kín múc được ân sủng và sự khôn ngoan, để trả lời cho bất cứ ai chất
vấn về tình thương Thiên Chúa. Biết bao lần chúng con không dám trao ban tình
yêu, hành động như thể không có Chúa, xin cho chúng con một lần nữa xác tín vào
tình thương Thiên Chúa tỏ bày nơi Đức Giêsu và can đảm bước theo với trọn niềm
tín thác. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP