Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu
Tuần IX Thường Niên
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
GIỌT CUỐI
LỜI CHÚA: Ga 19, 31-37
31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn
để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn.
Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy
xác xuống.32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai
cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết,
họ không đánh giập ống chân Người.34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh
sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.35 Người xem thấy việc này đã làm chứng,
và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả
anh em nữa cũng tin.36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.37 Lại có lời Kinh Thánh
khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
SUY NIỆM
Tình yêu được biểu lộ qua sự tự hiến, tự hiến chính thân
mình cho người mình yêu thương là tình yêu hoàn hảo, yêu cho đến tân cùng.
Chúng ta mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu để cùng chiêm ngưỡng và làm sống động
tình yêu tự hiến của Ngài, Ngài yêu con người đến tận cùng, đến hy sinh chính
mạng sống của mình cho nhân loại.
Tin mừng hôm nay tường thuật lại những giây phút cuối cùng
của Chúa Giêsu trên Thập Giá. Dưới chân Thánh Giá lúc này chỉ có Mẹ và người
môn đệ được Ngài thương mến. Chính vì được chứng kiến giây phút cuối cùng này
một cách trực tiếp nên người môn đệ này cảm nghiệm một cách sâu xa tình yêu của
Thầy mình và đã tường thuật cách nghiêm túc trong tin mừng của ngài để mọi
người cũng tin như ngài. Vì là chiều thứ Sáu, cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ
Vượt Qua, một ngày trọng đại theo phong tục của người Do thái, người ta muốn hạ
xác Đức Giêsu xuống. Khi đến gần Người, tên lính thấy Đức Giêsu đã chết nên:
“Lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”. Ở vào vị
trí và góc nhìn của người môn đệ được Chúa thương mến lúc ấy, ông đã trực tiếp
chứng kiến cảnh tượng ấy và chắc hẳn ông đã nhận ra ý nghĩa sâu xa của nó. Bên
cạnh đó, ông cũng được củng cố thêm niềm tin cho bản thân và động lực để ông
can đảm ra đi làm chứng cho sự thật. Sự thật về một con người mà ông đã từng
được sống, được tiếp xúc, được yêu thương và gần gũi suốt ba năm trời. Con
người ấy không hề là một tội nhân đáng bị người ta kết án, cang không phải là
một tên phản loạn, lộng ngôn, nhưng Ngài là một Vị Thiên Chúa xuống thế làm
người, là Đấng Công Chính. Ngài dung chính cuộc đời và sự sống của Ngài để minh
chứng cho tình yêu cứu độ Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại. Cảm nhận rõ điều
đó, người môn đệ này đã viết lại biến cố này, biến cố này chỉ có duy nhất trong
Tin mừng theo Thánh Gioan.
Lần giở lại những trang Tin mừng, ta có thể nhìn thấy tình
yêu thương của Đức Giêsu luôn được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc và với mọi thành
phần khác nhau. Đó là khi Ngài yêu thương và trìu mến đối với các tội nhân và
bệnh nhân; lúc Ngài chạnh lòng thương trước đám đông đang đói khát… Ngày nay chúng ta có thể nhìn thấy tình yêu
thương của Thiên Chúa từ nhiều góc cạnh khác nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta có thể nhân rộng và làm triển nở tình yêu đó bằng chính cuộc sống của
chúng ta khi chúng ta biết chia sẻ và hoà mình vào với những đau khổ của anh em
đồng loại ngay trong chính môi trường sống của mình. Chúng ta cũng đến với Chúa
Giêsu và khiêm tốn học bài học yêu thương từ trái tim của Người với tất cả nỗ
lực và cố gắng của chúng ta, một trái tim không ngừng yêu thương nhân loại, với
tất cả mọi người. Chúng ta cũng được mời gọi yêu thương anh chị em mình, không
phân biệt một ai. Nhờ ơn Chúa, chúng ta luôn xác tín và cố gắng thực hiện trong
cuộc đời mình.
Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chiêm
ngưỡng trái tim đầy nhân từ và lòng xót thương của Thiên Chúa. Trái tim ấy đã
đổ đến giọt máu cuối cùng ra để cứu độ con người mọi thời và mọi nơi; trái tim
ấy đã đổ ra đến giọt cuối cùng trên thập giá để cứu con người khỏi vũng lầy tội
lỗi. Hôm nay chúng ta cũng được nhắc nhớ và mời gọi khiêm tốn học hỏi bài học
từ chính trái tim, nguồn mạch yêu thương của Chúa Giêsu.
Maria Phương Trâm