Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục
Sinh
Giáo Hội Hiện Tại Và Tương Lai.

Lời Chúa:
Ga 21, 15-19
(15) Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông
Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em
này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy".
Ðức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". (16)
Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?"
Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người nói:
"Hãy chăn dắt chiên của Thầy". (17) Người hỏi lần thứ ba:
"Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô
buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp:
"Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức
Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
(18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết:
lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy,
và đi đâu tùy ý.
Nhưng khi đã về già,
anh sẽ phải giang tay ra
cho người khác thắt lưng
và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn".
(19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết
cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo
Thầy".
Suy Niệm
Phụng
vụ Giáo Hội ngần đi hết chặng đàng mùa Phục Sinh, nên hai bài đọc hôm nay cho
chúng ta nhìn thấy Giáo Hội do chính Chúa Giêsu thiết lập cũng trải qua một chặng
đường đầy những khó khăn và thử thách, nhưng sở dĩ Giáo Hội đó vẫn đứng vững
cho đên hôm nay, là bởi vì Giáo Hội của Chúa được xây dựng trên nền tảng Yêu mến
của Phêrô và Nhiệt huyết của Phaolô, đó chính là yếu tố để Giáo Hội tồn tại và
phát triển. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm.
1/ Xây
dựng bằng Tinh Yêu.
Đức
Giêsu Phục Sinh, sau khi hiện ra nhiều lần với các Tông đồ, hôm nay Đấng Phục
Sinh muốn trao quyền lại cho người kế vị Ngài ở trần gian. Nếu ngày xưa Ngài
tuyển chọn các ông với điều kiện là phải từ bỏ hết mọi sự để theo Ngài, thì hôm
nay để chọn vị đứng đầu, điều kiện Ngài đưa ra là: “Simon, con ông Gio-an, con
có yêu mến Thầy không?”. Ngài không chỉ hỏi một lần, nhưng đến ba lần. Cả ba lần
đáp lại của Phêrô, Ngài không trao cho chức tước, bổng lộc, hay quyền hành, nhưng
là yêu mến đoàn chiên của Ngài. Vâng phải, Giáo Hội Đức Giêsu thiết lập bằng tình
yêu, Yêu đoàn chiên của Ngài như yêu chính Ngài. Chính tình yêu của vị mục tử,
sẽ chăm sóc, giữ gìn, và liều chết cho đoàn chiên, đó chính là yếu tố cần thiết
cho việc xây dựng Hội Thánh. Chúa chọn con người ba lần chối bỏ để tuyên xưng
ba lần yêu mến làm đầu Hội Thánh. Trách nhiệm đứng đầu Hội Thánh là để yêu thương.
Lời nhắn gởi cuối cùng danh cho Phêrô đó là thời gian phục vụ. “Lúc còn trẻ,
anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải
giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh tới nơi anh chẳng muốn”. Đó chính
là tình yêu vét cạn cuộc đời, từ lúc thanh xuân đến khi tuổi giả sức yếu, tất cả
dành cho thầy và cho đoàn chiên của Thầy, cho dù là cái chết.
2/ Xây dựng bằng Nhiệt Huyết.
Hành
trình xây dựng Giáo Hội của Thánh Phaolô cũng ngần kết thúc. Những nhân vật lịch
sử được nhắc đến trong bài đọc một, để thấy được Phaolô đã đưa lịch sử của Rôma
đi vào lịch sử Giáo Hội, sự nhiệt huyết của Phaolô không chỉ tính theo bước chân,
những cộng đoàn đức tin nơi Phaolô thành lập, mà cả tiếng vang đến các bậc vị vọng,
chính vị Phét-tô phải lên tiếng: “Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề
liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã
chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống”. Vâng Phaolô đã làm cho Tin mừng từ nơi
hẻo lánh xa xôi, nay đã đến phương tây Rôma, từ những người bình dân nay đã đến
tai người quyền thế, đó là nhờ nhiệt huyết của Phaolô. Tin mừng Đức Giêsu vẫn sống,
là trọng tâm Tin mừng của Phaolô, và Tin mừng Đức Giêsu Hằng sống là trọng tâm của chúng ta hôm nay,
không có gì là khác biệt. Sự nhiệt huyết của Phaolô đã đánh đổi cả mạng sống mình
vì Đức Giêsu vẫn sống.
Giáo
Hội sơ khai đã được hình thành từ tình yêu và nhiệt huyết của hai cột trụ Phêrô
và Phaolô, và Giáo Hội hôm nay vẫn đứng vững nhờ duy trì hai cột trụ ấy, sự phồn
thịnh của Giáo Hội ngày mai vẫn cần có những trái tim yêu thương và nhiệt huyết,
đó là sứ mạng của chúng ta.
Tam Thái.