THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2016
TIẾNG NÓI CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

Nếu như người ta vẫn nói trái tim có lý lẽ của nó,
thì chúng ta cũng có thể nói: Tình yêu cũng có ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ
của tình yêu không chỉ là những lời lẽ ngọt ngào, mà còn là những ngôn ngữ
không lời, những dấu chỉ không thành tiếng. Ngôn ngữ của tình yêu, không chỉ được
nghe bằng tai, mà còn bằng sự cảm nhận của trái tim, ngắm nhìn bằng con mắt và
tiếp xúc bằng các giác quan.
Có thể nói bầu khí phụng vụ của ngày Thứ sáu Tuần
thánh mang những màu sắc và cung điệu trầm buồn, nhưng trong sự trầm lắng này,
chúng ta như có thể nghe được tiếng nói và đụng chạm được đến tình yêu của
Thiên Chúa qua cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu.
Có những người cho rằng, phải chăng cái ác và sự bất
công luôn thắng thế? Phải chăng Thiên Chúa cũng chịu thua trước sức mạnh của
ma quỷ và sự dữ ? Tại sao một Thiên Chúa vô tội lại phải chịu một bản án bất
công như vậy? Chúng ta sẽ không thể trả lời được bằng những lý lẽ thông thường,
mà chỉ có thể trả lời rằng: Thiên Chúa có cách riêng của Ngài để bày tỏ tình
yêu thương đối với con người.
Tiên tri Isai đã thấy trước và đã nói về Chúa
Giêsu trong hình ảnh của một người tôi tớ chịu đau khổ. Người tôi tớ này một mực
trung thành với Thiên Chúa. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, người ta chỉ có thể thấy một
gương mặt tan nát, một thân xác tả tơi vì bị hành hạ. Ngài hoàn toàn im lặng
đón nhận tất cả sự xỉ nhục, hành hạ của kẻ dữ mà không buông một lời oán trách.
Ngài đón nhận tất cả tội vạ của muôn dân, gánh chịu muôn nhục hình do tội nhân
loại. Bị ngược đãi, Ngài không mở miệng phản kháng, giống như chiên cừu khi bị
xén lông. Tiên tri Isai cho thấy, Người Tôi tớ của Thiên Chúa chịu tất cả những
hành hạ ấy, chỉ vì một lòng hiếu trung với Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa được
vinh danh và để đem lại sự sống và ơn tha thứ cho nhân loại.
Hình ảnh Người Tôi Trung đã ứng nghiệm nơi Chúa
Giêsu và được thánh Gioan thuật lại trong bài thương khó hôm nay. Có người đặt
vấn đề : Chúa Giêsu có thể tránh cuộc khổ nạn và dùng cách khác để cứu chuộc
nhân loại không ? Chắc chắn Chúa có thể dùng cách khác để cứu chuộc nhân loại,
nhưng Chúa đã không tìm cách tránh né. Ngài đối diện và đón nhận thập giá với
lòng yêu mến, vâng phục tuyệt đối dành cho Thiên Chúa Cha và tình yêu vô hạn
dành cho con người, là những kẻ được Chúa yêu thương.
Trong cuộc khổ hình thập giá, Chúa Giêsu không chỉ
đau khổ thể xác bởi sự hành hạ dã man của những tên lính, thánh Gioan còn cho
thấy, Chúa Giêsu vô cùng đau khổ trong tâm hồn bởi những người Ngài thương yêu
đã gây tổn thương cho Ngài. Ngay từ bữa tiệc ly tối hôm qua, Chúa đã thể hiện
tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, qua việc trao ban chính con người và mạng
sống để làm của ăn của uống cho nhân loại. Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các
tông đồ để thể hiện tình yêu thương và dạy các ông bài học phục vụ. Trong lúc
đó, các tông đồ dường như không quan tâm, họ tỏ ra dửng dưng trước hành động của
Chúa Giêsu và quay sang bàn với nhau về chuyện khác.
Tiếp đến, Chúa Giêsu đau đớn với tâm trạng bị phản
bội bởi kẻ Ngài yêu thương là Giuđa. Ngài đã tin tưởng anh, đã yêu thương anh
như những môn đệ khác, vậy mà giờ đây, chính anh lại đưa các thượng tế và quân
lính đến bắt Thầy mình. Anh đã trở thành kẻ chỉ điểm để người ta bắt Thầy, anh
đã lấy cái hôn làm dấu chỉ để phản bội Thầy. Người ta chỉ hôn nhau khi thể hiện
tình yêu thương, nhưng Giuđa lại dùng cái hôn để làm dấu chỉ phản bội. Cái hôn ấy
chẳng khác gì cái tát vào mặt Chúa Giêsu.
Không chỉ sự phản bội của Giuđa gây đau khổ trong
tâm hồn Chúa Giêsu, các tông đồ khác cũng không khá hơn. Các ông trước đây có
người từng thề sống thề chết với Thầy, thì giờ đây, chỉ một chút sợ hãi, các
ông đã bỏ trốn hết. Simon Phêrô là người được Chúa tin tưởng đặt làm đầu trong
anh em, ông chỉ dám đi theo Chúa xa xa vì sợ liên lụy. Khi thử thách đến, Phêrô
đã không ngại ngần từ chối mối liên hệ của mình với Thầy Giêsu, Đấng đã yêu
thương ông.
Một đau khổ khác mà Chúa Giêsu phải chịu, đó là sự
vô ơn và vô cảm của đám đông. Trong những người la hét đòi đóng đinh Chúa,
không thiếu những kẻ mới mấy ngày trước họ hoan hô, vỗ tay reo mừng khi Chúa
vào thành Giêrusalem, tung hô Ngài là con vua Đavít. Thế mà trước dinh Philatô,
họ đã trở mặt và tuyên bố : Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài Cesare.
Trong lúc chịu
đau khổ cùng cực trong tâm hồn và thể xác, chúng ta nhận thấy lòng thương xót của
Chúa Giêsu vẫn tuôn trào qua hành động đón nhận tất cả những cực hình và qua
ánh mắt yêu thương, tha thứ của Chúa. Trong lúc quân dữ đang hùng hổ tìm bắt
Chúa, Chúa Giêsu hết sức ôn tồn, bình tĩnh bước ra gặp chúng và hỏi : Các anh
tìm ai ? Nó đáp : Tìm Giêsu Nazareth. Ngài đáp : Chính tôi đây. Một lời nói với
đầy sức mạnh và uy quyền đã khiến chúng bật ngã ra đàng sau. Lúc chúng ra tay bắt
Chúa, Đức Giêsu đã không nghĩ đến mình, nhưng Ngài nghĩ đến các tông đồ và nói
với chúng : Nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để những người này đi.
Lúc dân chúng tố cáo Chúa Giêsu trước mặt các Thượng
tế về các bài giảng của Ngài, Chúa Giêsu đã không lên tiếng biện hộ cho mình,
nhưng Ngài nghĩ đến các tông đồ và nói với những kẻ tra hỏi Người : Tôi giảng dạy
công khai trong đền thờ, tôi không nói gì lén lút cả, xin các ông cứ hỏi những
người đã nghe tôi, chính họ biết tôi đã nói gì. Thánh Gioan đã tinh tế cho thấy
: Trong khi trong dinh thượng tế, Chúa Giêsu vẫn hết lòng tin tưởng và yêu mến
những kẻ Ngài đã tuyển chọn, thì bên ngoài, Phêrô, kẻ được Ngài tuyển chọn, lại
công khai từ chối Chúa tới ba lần trước mặt một đứa đầy tớ gái. Lúc này, tình
yêu thương của Thiên Chúa đã thể hiện qua cái nhìn của Chúa Giêsu. Ánh mắt yêu
thương của Chúa đã gặp được ánh mắt sợ hãi, phản bội của Phêrô, khiến cho Phêrô
cảm thấy ân hận suốt đời trước một tình yêu quá lớn lao.
Trước dinh Philatô, Chúa Giêsu cảm nhận sâu xa và
đau đớn vô cùng bởi sự bội bạc, vô ơn của đám dân chúng. Họ đã chọn đứng về
phía sự ác và sự dữ khi đòi tha Baraba và giết Giêsu. Họ công khai từ chối thẩm
quyền của Thiên Chúa để quy phục quyền bính của một ông vua đang đô hộ họ. Những
người Do Thái đã rắp tâm loại trừ Chúa Giêsu và họ đã tìm mọi cách gây áp lực để
đạt được ý đồ gian ác của họ. Khi Chúa Giêsu phải vác thập giá trên vai, bước
đi những bước nhọc nhằn, thì quân lính và dân chúng hả hê, thỏa mãn vì đã đạt
được mưu đồ của họ là vùi dập một con người cho đến chết. Cái ác dường như thắng
thế, công lý dường như bất lực, Thiên Chúa dường như cũng im lặng trước khổ đau
của Chúa Giêsu. Nhưng trong khung cảnh tối tăm của sự ác ấy, ánh sáng của tình
yêu vẫn không hề bị dập tắt.
Thánh Gioan, vị tông đồ được Chúa yêu, đã cảm nhận
được sự đau khổ và tình yêu của Chúa qua hành trình thập giá. Mỗi bước đi, mỗi
chặng dừng, từ dinh Thượng tế Anna đến Caipha, từ dinh Philatô đến dinh Herode
và từ dinh Philatô đến cái chết thảm thương trên thập giá đồi Calvariô, là một chặng
đường dài của lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nếu chỉ nghe
hoặc xem lại cuộc thương khó của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy một cuộc hành hình bất
công, đầy hung ác, tàn bạo và máu me. Nhưng nếu chúng ta nghe bài thương khó
này bằng trái tim và bằng sự cảm nhận của tâm hồn, chúng ta sẽ được đụng chạm đến
tình thương của Thiên Chúa. Và, nếu chúng ta lắng nghe cuộc thương khó của Chúa
trong thinh lặng, để cho trái tim mở ra, chúng ta sẽ nhận ra hình ảnh và trách
nhiệm của mình có liên quan trong cuộc hành hình này.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà chúng ta suy niệm
chiều nay là cách thức Thiên Chúa nói với con người về một tình yêu bao la, về
lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người. Với tiếng nói tình yêu
này, chúng ta không chỉ nghe bằng tai, nhưng xin cho trái tim của chúng ta cũng
biết lắng nghe, biết mở ra để cho lòng thương xót của Chúa đổ tràn trong chúng
ta. Xin cho chúng ta đừng bao giờ biến mình trở thành kẻ dửng dưng vô tình trước
tình yêu của Chúa và cũng đừng bao giờ đóng cửa trái tim trước nỗi khổ đau của
anh chị em. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc