TÌNH THƯƠNG MẠNH HƠN SỰ CHẾT
Cố Odorico giảng đạo ở Búng thấy người ta trồng cây vú sữa thì kể sự tích cây vú sữa theo một truyện cổ tích Ấn Độ như sau: Ngày kia, vua Lydaba cùng dạo chơi với hoàng hậu và công chúa Malypha. Khi xa giá ra khỏi thành, qua xóm nghèo rồi đến một triền đồi thơ mộng. Trên xe công chúa thấy xa xa một cô gái nhỏ ăn mặc rách rưới nằm co ro dưới gốc cây liền kêu lên: Vương phụ ơi, xem phong cảnh đẹp con không thích, con rất ngậm ngùi thấy cô gái nằm hoi hóp dưới tàn cây. Vương phụ cho con đến đó cho lòng con vơi chút niềm cảm thương nặng nề. Nhà vua quát: Nó là loài hèn hạ, con là cành vàng lá ngọc đến gần thì hỏng. Hãy nhìn lên bao nhiêu cảnh đẹp nên thơ trên đồi.
Hoàng hậu cũng cản ngăn nhưng công chúa không nghe cứ đòi xuống xe. Vua cha giận dữ quát và xô công chúa xuống: Ta kể như mi là vật bỏ đi, mi giỏi yêu thương dân nghèo thì cứ yêu. Sau đó xa giá về triều, hoàng hậu thương nhớ.
Công chúa Malypha đến gốc cây thăm cô bé. Cô bé rên rỉ: Em là người bần tiện, cha mẹ chết hết đi ăn xin không mấy ai cho, hôm nay em đau không đi được nên đói quá. Công chúa liền đi bán chiếc vòng ngọc mua thức ăn áo quần cho cô bé. Thế rồi từ đó hai người ngày đi ăn xin tối về bóng cây ngủ, thương mến nhau như hai chị em, kết thân vì tình đồng loại không phân biệt sang hèn vì chúng ta khác nhau bên ngoài nhưng thật ra đều là con một cha là Thiên Chúa. Nguồn gốc đau khổ trên trần đời này chỉ vì người ta phân chia giai cấp. Chị ơi, lần thứ nhất em nếm tình nhân loại. Đói khát không phải là đau khổ, chỉ vì người chia rẽ tạo nên đau khổ. Công chúa năm ấy 17 làm chị, cô bé 15 làm em.
Trong khi đó tại triều các quan nói đến đời sống công chúa thì vua xấu hổ nên bảo hoàng hậu đến dụ dỗ công chúa về nhưng công chúa không chịu nhất định sống nghèo để mong cho thiên hạ đừng chia rẽ. Công chúa nói: Thà con bất hiếu hơn là bất nhân, thà chết vì tình nhân loại hơn là sống giữa cung điện. Con cầu mong cha mẹ sống nghèo để đời khỏi chém giết đè nén. Nước mắt chia rẽ đã đổ ra quá nhiều hơn nước đại dương, ước gì nó tràn ngập triều đình, các đền đài, nó tàn phá mọi bức tường chia rẽ. Vua cha nghe qua nổi giận liền sai một toán quân đến đưa mạnh lệnh cho công chúa: về triều hay là chết. Cô gái quê sợ quá khuyên công chúa về triều. Công chúa liền trách: bạn ơi, hai ta sống chết có nhau sao bạn quên lời thề ? Thế rồi hai người nhất định không ra khỏi bóng cây và toán lính theo mật lệnh nổi lửa đốt cây. Hai người chết cháy. Vài hôm sau, Vua và hoàng hậu thương con đến lượm xác tro tàn chôn tại chính chỗ đó. Một tháng sau vua đến thăm thì thấy mọc lên một cây tươi tốt lá có hai màu trên xanh dưới vàng. Ít lâu sau có trái tròn khi chín có nước ngọt đục như sữa ăn ngon thơm. Vua rất hối hận nói: “Loài người biết thương nhau thì nhân loại mới được quả thơm ngon như thế này. Tôi dùng quyền hành cách bất nhân đành cắt đứt tình nhân loại”. Từ đó vua bán hết cung điện tới ở gốc cây và trồng thêm nhiều. Câu truyện tình yêu mạnh hơn sự chết mời gọi chúng ta suy niệm về ý nghĩa của ngày lễ hôm nay.
Thánh lễ hôm nay rất phong phú, chứa nhiều mầu nhiệm, nhắc nhở hôm nay là ngày mừng lễ Vượt qua của người Do thái; thuật lại việc Đức Kitô đã lập phép Thánh Thể trong bữa ăn vượt qua này và bài Tin Mừng thúc giục ta bắt chước gương Chúa thi hành việc rửa chân cho anh em.
Bài sách Xuất hành. Chúa dạy dân Do thái hằng năm phải long trọng cử hành lễ Vượt qua như là một nhắc nhớ, như là một kỷ niệm. Là vì Người Do thái trước kia là dân du mục, sống nay đây mai đó với chiên cừu, lạc đà và dê. Vào dịp đầu xuân, dân du mục có thói quen làm lễ lên đường, đưa đàn vật lên miền núi cho chiên cừu gặm cỏ. Thế mà năm ấy hoàng đế Aicập lại cấm người Do thái làm lễ ấy. Ông sợ công trình xây cất đình trệ. Và nhất là ông sợ Môsê dùng cơ hội này để đưa dân đi hẳn. Nhưng cưỡng lại làm sao được chương trình của Chúa ! Người đã quyết định giải phóng dân khỏi cảnh nô lệ lầm than. Môsê truyền cho Dân cứ làm lễ Vượt qua, cứ trang bị lên đường. Và chính lúc Dân ăn lễ ấy, thần tiêu diệt của Chúa đã sát hại mọi con đầu lòng người Aicập. Pharaô vội vã giục dân ra đi. Thế là lễ Vượt qua năm ấy trở thành muôn đời đáng ghi nhớ.
Từ lễ vượt qua của người Do thái. Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay hướng mọi người đến một lễ vượt qua mới, đó là: hôm ấy Đức Kitô đã cầm lấy bánh rượu để ban Thịt Máu Người cho môn đệ. Đức Kitô lập Bí tích Thánh Thể để thay thế hẳn lễ nghi đạo cũ; Như vậy, Thánh Thể cũng là một nghi lễ Vượt qua, một hành vi giải phóng, một cuộc Vượt qua giải phóng toàn diện và quyết liệt. Trong lễ Vượt qua của Đức Kitô, tính cách hòa đồng, hiệp nhất còn sâu xa hơn nữa khi chính Người trở nên Thịt Máu cho mọi người dùng. Đúng là Tình yêu mạnh hơn sự chết. Nhờ vậy công cuộc vượt qua và giải phóng cũng trở nên công việc của mọi người; vì khi thánh Thể được trao ban cho mọi người trong ý nghĩa vượt qua và giải phóng, thì ai lãnh nhận cũng loan báo sự chết của Đức Kitô cho đến khi Người trở lại, tức cũng tham gia cuộc vượt qua và giải phóng của Người.
Từ trách nhiệm lớn lao đó, Chúa Giêsu trong bài Tin mừng lại mời gọi chúng ta phải thực hành trong cuộc sống. Chúa đứng lên làm gì ? Kìa ! Người cởi áo, thắt lưng, đổ nước vào chậu và bắt đầu đi rửa chân cho môn đệ. Thật là lạ lùng? Xưa nay có bao giờ Người làm như vậy ? Chẳng ai có thể tưởng tượng được một việc như thế. Chủ có đưa nước cho khách rửa chân thì cũng làm vào lúc khách mới đến nhà... nhưng bây giờ thì khách đang ngồi ăn rồi. Không ai hiểu được, Người đã cởi áo ra, tức là lột xác và bỏ mình đi. Người hư vô hóa mình nên người tôi tớ, cúi lưng làm công việc của tên nô lệ. Người đã hóa thành người Tôi Tớ đau khổ của Đức Yavê, không còn sắc thái gì nữa và đã bị liệt vào số dân ngoại, bị đóng đinh ở ngoài thành. Hành vi rửa chân, như vậy là biểu tượng việc Người sắp hư vô hóa mình cho đến chết và chết trên Thập giá. Thế nên lúc này không ai hiểu được. Phải đợi khi Người đã chết và đã phục sinh, môn đệ mới khám phá ra được ý nghĩa. Thế nên không để cho Người rửa chân, không chấp nhận việc Người chịu chết, không để cuộc tử nạn của Người lan sang mình, Phêrô cũng như bất cứ ai, sẽ không có phần với Người và đồng dự vào gia sản các Lời hứa của Người.
Thế thì lễ nghi rửa chân mà chúng ta củ hành bây giờ không tầm thường. Đây không phải là một nghi thức làm cho qua. Cũng không phải chỉ là hành vi mỗi năm ta làm cho người khác. Có ý nghĩa thâm sâu., hành vi chủ tế rửa chân cho 12 người tiêu biểu đây như là cử chỉ biểu lộ hành vi lột xác, bỏ mình của Đức Kitô để chúng ta cùng chấp nhận, đi vào mầu nhiệm tử nạn của Người, hư vô được con người cũ và người anh em đối diện với chúng ta bây giờ mới thật sự trở thành người anh em của ta không còn gì ngăn cách nữa. Có như vậy chúng ta mới thật sự cử hành nghi lễ rửa chân như Đức Kitô đã làm. Có như vậy, chúng ta mới có tâm tình để tái hiện mầu nhiệm Tiệc ly như Đức Kitô đã thiết lập chiều thứ năm Tuần Thánh. Có như vậy, buổi chiều hôm nay, chúng ta mới thật sự cùng làm với Người cuộc vượt qua giải phóng, tức là từ bỏ con người và nếp sống cũ để đi vào tinh thần và sự sống mới tự do của con cái Thiên Chúa.