CHỦ NHẬT 3 PHỤC SINH

Đức Ki tô đã vượt qua cõi
chết để bước vào cõi sống. Tin Mừng là con đường thành công, nhưng cũng như mọi
thành công khác, nó phải đi qua thử thách và kiên trì. Nó là con đường của sự sống,
và cũng như mọi sự sống đúng nghĩa, nó đòi hỏi sự phục vụ và tình yêu trong đó
con người tự hiến. Chúa Giê su đã trải qua đau khổ, thất bại và sự chết để bước
vào Cõi sống.
Sách Công vụ 5, 27b-32.40b-41
Vui mừng vì được chịu đau
khổ, các Tông đồ là những Chứng nhân cho Đức Ki tô. Theo chân Ngài, có vô số
tín hữu trong dòng Lịch sử, sẽ đối đầu với những kẻ không muốn chấp nhận sự thật,
công lí. Chúng ta cũng thế, chúng ta là những Chứng nhân cho Chúa. Nhưng bằng
cách nào?
Thánh Vịnh 29
Thánh Vịnh nầy là một
Thánh ca mừng chiến thắng hát dâng Thiên Chúa vì Người đã phục hồi sự sống sau
thử thách. Có lẽ nó đã được sáng tác ngay sau khi từ Lưu đày trở về. Đặc biệt,
nó thích hợp để diễn tả niềm vui ki tô giáo sau Phục sinh. Một cuộc sống mới bắt
đầu.
Sách Khải Huyền 5,11-14
Thị nhân trong sách Khải
Huyền diễn tả niềm xác tín sâu xa của mình: người ki tô hữu phải nắm bắt tầm
quan trọng của biến cố Phục sinh. Đức Ki tô, Con Chiên đã chiến thắng. trong
Ngài tỏ hiện một cách sung mãn hạt giống vinh quang chờ đợi tất cả mọi người ki
tô hữu còn đang đối đầu với mãnh lực của thế gian và Ma quỉ.
Tin mừng Ga 21, 1-19
NGỮ CẢNH
Các câu 30-31 của chương
20 tạo thành kết luận cho toàn bộ sách Tin Mừng. Tuy nhiên trong chương 21,
trình thuật lại tiếp tục: dấu vết rõ ràng của một giai đoạn khác trong việc soạn
thảo. Chương 21 nầy đã được thêm vào sau khi toàn bộ các chương 1-20 đã được soạn
tác, hay thuộc về một trong những nguồn khác của sách tin mừng, trong đó còn
nhiều đoạn khác nữa ? khó mà trả lời cho chính xác. Dù sao thì Hội Thánh
công nhận tất cả 21 chương sách Tin mừng Gioan là Lời Thiên Chúa.
Chương cuối cùng nầy là một
chứng từ tuyệt vời về Đức Ki tô phục sinh và về tương quan giữa các tín hữu với
Người. Nó được chia ra làm hai đoạn : mẻ cá lạ lùng (21,1-14) và cuộc đối
thoại giữa Chúa Giê su và ông Phê rô (21,15-23); để sau cùng kết thúc với lời kết
luận thứ hai của Tin mừng (21,24-25).
TÌM HIỂU
Biển hồ Tibêria: câu chuyện
xảy ra ở Galilê, sau khi Phê rô và các bạn chài lui về quê trở lại nghề cũ. Việc
nầy chứng tỏ ngay từ đầu nhóm môn đệ phân tán, mỗi người mỗi ngã (x. Mt 26,31;
Mc 14,27). Còn Luca thì ngược lại nói rằng họ vẫn còn nán lại tại Giêrusalem
(Lc 24,53; Cv 1,12-14).
Simon Phêrô: đây là bản
danh sách môn đệ duy nhất được Gioan lưu lại. Cũng như trong các bản danh sách
khác, Phê rô là người được gọi tên trước hết. Con số bẩy mang một ý nghĩa.
Trong khi con số 12 chỉ toàn bộ dân Israel, thì số 7 lại chỉ tính phổ quát, gợi
lên các dân ngoại mà việc rao truyền tin mừng đang nhắm đến (x. Mc 8,5; Cv 6,3).
Nhóm môn đệ nầy, có lẽ đại diện cho nồng cốt của Hội Thánh sắp ra đi rao giảng
tin mừng cho các dân ngoại.
Cùng đi với anh: các môn đệ
qui tụ chung quanh ông Phê rô. Chính Chúa Giê su hiện ra cho nhóm người nầy.
Họ không bắt được gì cả: cùng
một lời khẳng định như thế trong Luca 5,5 về công việc suốt đêm của các môn đệ
và sự thất bại của họ gợi lên những khó khăn mà Hội Thánh đang gặp phải trong
thời của Gioan.
Đức Giê su đứng trên bãi
biển: dịch sát: « Chúa Giê su đang đứng đó » (x. 20,14.19.26).
Không nhận ra đó chính là
Đức Giê su: chúng ta thấy ở đây, cũng như ở 20,14 trường hợp của Maria Mađalêna
hay ở Luca 24, 16 trong trường hợp các môn đệ làng Em mau, chủ đề về « sự
nhận biết ». Nó cho thấy cái nhìn của Đức tin lúc đầu tiên luôn luôn là do
dự, thậm chí mù quáng nữa.
Này các chú: x. Ga
2,14.18... Đây là nơi duy nhất trong tin mừng cho thấy Chúa Giê su hỏi các môn
đệ bằng từ: « các chú ».
Không có gì ăn ư ?: nhiều
lần Chúa Giê su đã khởi sự đối thoại bằng cách hỏi một điều gì đó: nước với chị
phụ nữ Samaria (4,7), bánh với Phi líp (6,5). Liền sau đó, ngài tự mạc khải như
là đấng ban phát.
Cứ thả lưới xuống bên phải
mạn thuyền đi: ở đây biểu lộ quyền uy của Chúa Giê su khiến các môn đệ vâng lời
người lạ mặt mà không nói lời nào. Chúng ta gặp lại hình ảnh lưới cá trong dụ
ngôn của Mt (13,47-50).
Đầy những cá: sự phong phú
thường có trong các phép lạ của Chúa Giê su trong tiệc cưới Cana (2,6) và bánh
hóa nhiều. Đó là dấu chỉ cho thấy sự rộng lượng của Thiên Chúa và sự vô hạn nơi
quà tặng mà Người ban cho ngang qua Chúa Giê su.
Chúa đó !: Đây là lời
tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê su, như đã thấy nơi miệng của bà Mađalêna
(20,18), nhóm Mười Một (20,25) và Tôma (20,28). Như trong 20,4.8 người môn đệ
Chúa Giê su yêu mến là người đầu tiên và sớm nhất đã đến gần mầu nhiệm. Tình
yêu trung thành của cộng đoàn các tín hữu là động lực thúc đẩy đức tin tiến triển.
Ông Simon: ông nhảy xuống
biển bằng tất cả sức mạnh của niềm tin. Nhưng ông đã phải cần đến lời của một
môn đệ khác để nhận ra Chúa. Ông mặc áo vào để tỏ lòng kính trọng Chúa.
Có sẵn than hồng: trong
toàn bộ Tân Ước, từ hi lạp trong nguyên bản chỉ xuất hiện duy nhất một lần ở
đây và ở câu 18,18. Nó nhắc lại khung cảnh mà Phê rô ba lần chối Chúa Giê su,
trước khi Ngài giúp cho ông ba lần nói lên tình yêu của mình: « Lạy Chúa,
Ngài biết con yêu mến Ngài » (21,15-17).
Cá – Bánh: sau khi lưới
cá, người ta dọn bữa. Như trong Luca 24,30, Chúa Giê su phục sinh cho các môn đệ
của Ngài ăn (x.21,13). Theo Gioan, thì chính Chúa chuẩn bị và mời họ ăn. Hội
Thánh biết tìm gặp Chúa Giê su phục sinh nơi bàn tiệc Thánh thể và nơi tiệc sự
sống vĩnh cửu.
Đem lại dây: xem ra đây là
một lời mời thừa thải vì Chúa Giê su đã chuẩn bị tất cả và tất cả đã được Ngài
ban cho. Nhưng mầu nhiệm của Hội Thánh vẫn còn đó: Chúa hoàn thành mọi sự,
nhưng ngài đòi chúng ta phải cộng tác vào công trình cứu độ của Ntgài.
Một trăm năm mươi ba con:
dường như con số nhằm nói lên ý nghĩa phổ quát. Thánh Hiêrônimô nói rằng các
nhà nghiên cứu sinh học thời cổ đại tính trong thiên nhiên có đến 153 loài cá.
Lưới không bị rách: chỉ có
hai lần Gioan dùng động từ nầy, ở đây và trong câu 19,4 nói về chiếc áo dài
không có đường chỉ khâu. Lưới không rách dù đang chứa một lượng cá khổng lồ như
thế, là hình ảnh chỉ Giáo Hội. Ngang qua mọi thử thách nối dài cuộc khổ nạn của
Chúa Giê su nơi các tín hữu, Thiên Chúa muốn gìn giữ sự duy nhất. Như thế loài
người mới có thể được hướng dẫn đến với Người (17,21.23).
Ông là ai ?: đây là
câu hỏi được đặt ra trong suốt quyển sách Tin Mừng. Đối với các môn đệ đã nhìn
thấy Ngài sống lại và cả những ai « đã biết rằng đó là Chúa », sự hiện
diện của Chúa vẫn còn bị bao phủ bởi một màng che mầu nhiệm luôn luôn vượt ra
ngoài sự hiểu biết của họ. Vẫn luôn có một khoảng cách giữa Đức Ki tô và những
người tin vào Ngài.
Cầm lấy bánh: kiểu nói gần
như y hệt cách thức mô tả cử chỉ của Chúa Giê su trong khi hóa bánh ra nhiều
(6,11). Cũng kiểu nói đó nhưng chi tiết hơn trong bửa ăn làng Emmaus (Lc 24,30).
Tất cả các trình thuật nầy qui chiếu đến nghi thức Tiệc Tạ ơn.
Lần thứ ba: ghi chú nầy nối
kết trình thuật ở c. 20 kể lại hai lần hiện ra của Chúa Giê su cho các môn đệ.
SỨ` ĐIỆP
Bài tin mừng hôm nay đưa
chúng ta trở lại môi trường đánh cá; ai đã từng sống bằng nghề nầy đều biết
rằng đó là một nghề cực nhọc, đòi hỏi nhiều công sức, nhưng nhiều lúc chẳng
lưới được con cá nào. Chính trong bối cảnh đó mà Chúa Giê su đã tỏ mình cho các
môn đệ của Ngài sau khi sống lại. Ngài còn biến mẻ cá thành biểu tượng cho sứ
mạng “đánh cá người”.
Vậy sau khi Chúa Giê su chết,
ông Phê rô quyết đi trở về nghề cũ. Các Môn đệ khác cũng theo ông. Họ quay trở
lại căn nhà, con thuyền và chiếc lưới mà trước kia các ông đã bỏ lại cách đây
hai năm rưỡi. Đối với họ, đó là một sự thất bại. Họ đánh cá thâu đêm mà không
được gì. Trong tâm hồn vẫn còn nặng trĩu nỗi đau của ngày thứ sáu: họ đã mất tất
cả: Chúa Giê su đã bị bắt và bị lên án; ông Phê rô đã chối Thầy mình ba lần và
chưa được tha thứ.
Bài tin mừng nầy đã được
viết vào cuối thế kỉ thứ nhất cho các ki tô hữu đang bị bách hại ghê gớm. Một
vài người đã sợ cho cuộc sống họ nên đã chối bỏ Đức Ki tô. Làm sao mà sống đức
tin trong một thế giới thù nghịch như thế? Nhiều khi bản thân chúng ta cũng cảm
nghiệm một cách nào đó những nỗi khó khăn tương tự. Như ông Phê rô và các tông
đồ khác, chúng ta mang gánh nặng của một khuyết điểm, một thất bại, một sự hèn
nhát. Ngày nay, người ta chứng kiến các gia đình chia rẽ, xã hội bị chế ngự bởi
quyền lực của đồng tiền, bạo lực tràn lan khắp nơi khiến chúng ta thất vọng.
Chúng ta vẫn tiếp tục chèo chống đi ngược dòng để loan báo Tin mừng Đức Ki tô,
nhưng lưới vẫn trống không. Nhiều lúc các linh mục, Giáo lí viên, các nhà giáo
dục, và cha mẹ thất vọng vì kết quả việc làm của họ.
Giữa hoàn cảnh đen tối ấy,
Thánh Gioan loan báo cho chúng ta tin mừng: Chúa Giê su đứng trên bờ, mà các
môn đệ lại không nhận ra Ngài. Không phải vì khoảng cách hay sương mù buổi
sáng. Khó khăn phát xuất từ trong tâm hồn “chậm tin” của họ. Sương mù giăng kín
trong tâm trí u ám của họ. Thật ra, họ tìm Chúa Giê su không đúng chỗ. Đức Ki
tô phục sinh đã đi vào một thế giới khác hẳn. Để nhận ra Ngài, cần phải có bước
đức tin phục sinh. Đối với chúng ta, khó khăn cũng giống như thế: nếu chúng ta
quá để tâm đến những lo lắng vật chất và tất cả những gì khiến chúng ta xa rời
Ngài, không thể nhận ra Ngài.
Còn Chúa Giê su, Ngài luôn
hiện diện. Ngài đến gặp chúng ta để sưởi ấm niềm hi vọng. Như Phê rô, chúng ta
được mời gọi nhảy xuống nước để gặp Ngài và tin vào lời của Ngài. Ngài không ngừng
kêu gọi chúng ta tiến về phía trước và thả lưới. Có Ngài, kết quả sẽ rất tuyệt
vời. Tin mừng nói đến 153 con cá lớn. Con số ấy mang một biểu tượng đầy ý
nghĩa: nó chỉ tòan bộ các giống cá mà thời đó người ta biết được. Đó là một
cách nói rằng lưới cá phải đầy mọi thứ trên trần gian.
Con số ấy đặt biệt quan trọng
đối với Phê rô là người đã lãnh nhận sứ mạng “đánh cá người”: nó nói cho chúng
ta biết rằng tất cả mọi người trên tòan thế giới thuộc mọi thời đại đều được Đức
Ki tô kêu gọi. Tin mừng dành cho tất cả mọi người, kể cả những ai bị gạt bên lề
xã hội, những kẻ bị lọai trừ, những người đang kéo lê một quá khứ nặng nề, những
kẻ mà người ta coi như là không thể chữa lành. Tất cả đều chiếm vị trí ưu tiên
trong trái tim của Thiên Chúa. Giáo hội lãnh nhận sứ mạng dẫn đưa tất cả vào
phía bờ nơi Đức Ki tô đang chờ đợi. Để được thế, Giáo hội cần đi đến với từng
thành phần của mình.
Trang tin mừng nầy là tin
mừng sống lại của các môn đệ. Chúa Giê su sống lại làm cho họ sống lại; Ngài đã
đem họ ra khỏi mồ đức tin chao đảo và thất vọng của họ. Ngài đã mang Phê rô vào
đời sống mới. Ông đã nhận ra Chúa Giê su phục sinh trong ơn tha thứ mà Ngài ban
cho ông và niềm tin tưởng đã được khơi lại nơi ông. Từ nay, ông nhận lãnh trách
nhiệm chăn dắt các con chiên mẹ và chiên con của Ngài. Đối với Phê rô và đồng bạn
của ông, đó là một khởi hành mới, sẽ được tiếp sức mạnh trong làn gió Hiện xuống.
Ngày đó họ sẽ ra đi rao giảng tin mừng Cứu độ khắp nơi. Dù là hăm dọa hay bạo lực,
không gì có thể ngăn cản bước chân của họ.
Chính Chúa Giê su hiện diện
trên bờ chúng ta. Ngài đến gặp gỡ chúng ta. Nhưng rất thường chúng ta không nhận
ra đó là Ngài. Ngài đến tha thứ cho chúng ta và giúp chúng ta tái sinh trong niềm
tin cậy. Chính niềm tin cậy đó cho phép chúng ta tiếp tục trong đời sống mới.
Không còn là cá nướng hay bánh để bồi bổ sức lực của chúng ta, nhưng là Mình và
Máu Ngài. Trong bí tích Thánh thể, Ngài củng cố chúng ta trong đức tin và trong
tình ỵêu của Ngài. Ngài đến để trấn an chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể tiếp tục
cuộc hành trình và hoàn thành sứ mạng. Bấy giờ, đừng than van trước những khó
khăn của chúng ta và của Giáo Hội. Như ông Phê rô, chúng ta đừng do dự gieo
mình xuống nước để đi gặp Ngài.
ĐÀO SÂU
CHÚA ĐÓ!
Cv 5,27b-32, 40b-41 Phêrô
và các tông đồ làm chứng trước công nghị: ‘Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng
lời người ta’
Tv 30, 1+3, 4-5,
10+11a+12b Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì Chúa đã cứu con
Kh 5,11-14 Trong một thị
kiến Gioan đã nhìn thấy mọi loài trên trời dưới đất chúc tụng Thiên Chúa và Con
Chiên
Ga 21,1-19 Lần thứ ba sau
khi sống lại Chúa Giê su hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria và ban cho
các ông một mẻ cá lớn
1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề
nào?
THƯA: CHÚA ĐÓ. Lần thứ ba sau khi sống lại Chúa
Giê su hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria và ban cho các ông một mẻ cá lớn
(BTM). Ðược sức mạnh của Chúa Phục Sinh thúc đẩy, Hội Thánh đã tỏ ra quả cảm
trong việc rao giảng Tin mừng (Bđ 2). Người ta không thể nào hiểu được những điều
này nếu không tin mầu nhiệm Chúa sống lại khiến Ðức Giêsu Kitô đã trở thành
Chúa và là Thiên Chúa (Bđ1).
2. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?
THƯA: Bài đọc một cho thấy các Tông đồ đã thực
hiện sứ mạng chứng nhân như Chúa Giê su đã truyền (Cv 1,8). Chính vì trung
thành với sứ mạng ấy mà các ngài bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng Do thái. Nhưng
dù bị cấm đoán, các Ngài vẫn tiếp tục mạnh dạn làm chứng về Chúa Giê su trước mặt
mọi người và còn vui mừng chịu khổ nhục vì danh Ngài.
3. HỎI: Có phải là lần đầu tiên các Tông dồ bị điệu
ra trước Thượng Hội Đồng Do thái?
THƯA: Không. Lần thứ nhất các tông đồ đã bị đưa
ra trước Thượng Hội Đồng sau khi đã chữa lành người bất toại ở cửa Đẹp Đền thờ.
Các ngài đã bị bắt, bị giam một đêm, bị xét hỏi và bị cấm giảng dạy, nhưng cuối
cùng người ta cũng phải thả các Ngài ra (4,3-22).
4. HỎI: Và lần thứ hai?
THƯA: Và vừa được thả ra, các ngài lại bắt đầu
giảng dạy và làm phép lạ. Các ngài lại bị bắt lần thứ hai, bị giam ngục nhưng
được một thiên thần giải thoát một cách mầu nhiệm trong đêm (5,17-21). Sự giải
thoát ấy lại làm cho các tông đồ thêm phấn chấn và lại đi rao giảng. Và lần nầy
bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng.
5. HỎI: Thượng Hội Đồng là cơ quan gì?
THƯA: Thượng Hội Đồng còn gọi là Hội đồng cộng tọa
(= ngồi chung với nhau) là tòa án tối cao trong Do thái giáo. Hội đồng có 71
thành viên gồm các thượng tế, kỳ lão, tiến sĩ luật và kí lục. Hội đồng nắm quyền
xét xử trên toàn dân Ít ra ên thời Chúa Giê su.
6. HỎI: Vị Thượng tế cáo buộc các tông đồ điều gì?
THƯA: Vị Thượng tế cáo buộc các tông đồ hai điều:
một là không tuân theo lệnh cấm rao giảng Danh Chúa Giê su (4, 18-19), hai là tội
phỉ báng vì qui trách nhiệm cho họ về cái chết của Chúa Giê su.
7. HỎI: Phê rô đã nói gì trước Hội đồng?
THƯA: Về điều thứ nhất, Phê rô trả lời: ‘Phải
vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta’ (5, 29). Các ngài không vâng phục
quyền của Lãnh đạo Do thái vì phải vâng phục Thiên Chúa đã truyền phải rao giảng
những điều Thiên Chúa đã làm nơi Chúa Giê su cho loài người.
7. HỎI: Còn về điều cáo buộc thứ hai?
THƯA: Phê rô trình bày sự tương phản giữa ‘điều
mà các ông đã làm’ và ‘điều mà Thiên Chúa đã thực hiện’. Lãnh đạo Do thái giáo
đã xúi giục lên án giết Chúa Giê su trên cây gỗ, vì cho Ngài là một tên rối đạo,
người đáng bị nguyền rủa. Còn Thiên Chúa thì trái lại, chẳng những không coi
Ngài đáng bị nguyền rủa mà còn cho Ngài sống lại, đặt Ngài làm Thủ lãnh. Và qua
đó cho thấy họ đã sai lầm khi giết Chúa Giê su. Đấng phục sinh Chúa Giê su lại
là Thiên Chúa của cha ông họ. Nên nếu họ nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa của mình
thì phài chấp nhận lời rao giảng của các tông đồ.
8. HỎI: Phê rô có ý gì khi tuyên bố: ‘(Thiên Chúa)
đặt Ngài làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn
tha tội.’ (5, 31)?
THƯA: Phê rô muốn tuyên bố rằng nếu ơn sám hối
và tha tội được ban cho Ít-ra-ên thì điều đó có nghĩa là các lời hứa đã được thực
hiện. Sự xác tín ấy đã khiến nhiều thành viên trong Thượng Hội Đồng giận điên
lên và muốn khử trừ các tông đồ như đã giết Chúa Giê su (5,33). Lúc bấy giờ ông
Ga-ma-li-ên đã đứng lên can thiệp nên cuối cùng các tông đồ được thả về sau khi
bị đánh đòn (5,40).
9. HỎI: Bài đọc 2 (Kh 5, 11-14) có nội dung như thế
nào?
THƯA: Thánh Gio-an Tông Đồ kể lại một thị kiến về
Con Chiên Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chịu chết và đã được Chúa
Cha tôn vinh.
10. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (21, 1-19) như thế
nào?
THƯA: Sau khi đã hiện ra hai lần cho các môn đệ
(20, 19-21), Chúa Giê su lại đến lần thứ ba, vào lúc tảng sáng, trên bờ Hồ
Tibêria. Có hai ý: 1) Chúa Giê su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ
(21,1-14); 2) Chúa Giê su nói với Phêrô (21,15-19).
11. HỎI: Chúa hiện ra như thế nào và để làm gì?
THƯA: Chúa Giê su hiện ra với các môn đệ. Đúng
hơn phải nói là Chúa Giê su tỏ mình ra cho các môn đệ được thấy. Ngài đến không
phải là để biến đi ngay nhưng ở giữa các môn đệ của Ngài như Ngài đã hứa: ‘Thầy
sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’ (Mt 28,20). Ngài vô hình, chứ không
vắng mặt; khi hiện ra Ngài tỏ mình cho họ thấy để nâng đỡ họ và củng cố niềm
tin cho họ.
12. HỎI: Na-tha-na-ên quê Ca-na Ga-li-lê là ai?
THƯA: Nhân vật này có lẽ là vị tông đồ trong
danh sách nhóm mười hai, được các Tin mừng Nhất lãm gọi là Bartôlômêô (x. Mt
10,03; Mc 3,18; Lc 6,14).
13. HỎI: Sự kiện Chúa Giêsu chờ các tông đồ trên bờ
có ý nghĩa biểu tượng gì không?
THƯA: Có. Bờ biển là một biểu tượng của sự vĩnh
cửu.
14. HỎI: ‘Mẽ lưới cá thất bại’ của các Tông đồ có
nói lên điều gì không?
THƯA: Có. Các tông đồ vẫn còn chưa có khả năng
hiểu được Đức Kitô Phục Sinh, chưa hoàn toàn hiểu được sứ mệnh đang chờ đợi họ,
do đó, họ gặp khó khăn trên biển (nước và biển trong Kinh Thánh biểu tượng cho
thế lực thù địch với con người).
15. HỎI: Tại sao họ không nhận ra Thầy mình ngay lập
tức?
THƯA: Bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh không còn bị
ràng buộc bởi những định luật vật lý: Ngài có thể thay đổi ngoại hình, có thể
vượt qua qua các bức tường hoặc cửa ra vào, có thể ở nhiều nơi cùng một lúc, hoặc
đạt khoảng cách xa trong vài giây. Thân xác của Ngài từ nay là một thân xác
vinh hiển.
16. HỎI: ‘Có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và
bánh nữa’ nói lên điều gì?
THƯA: Một chi tiết gây ngạc nhiên khác: ‘khi lên
bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên và có bánh nữa’. Dù có
rồi, Chúa Giê su vẫn bảo họ đem cá vừa mới bắt được đến cho Ngài. Có phải Ngài
sợ thiếu không? Có lẽ nên hiểu rằng, trong việc rao giảng được biểu tượng bởi
việc bắt cá, Chúa Giê su luôn tiên liệu cho chúng ta (ý nghĩa việc có sẵn than
hồng và cá khi các môn đệ lên bờ), nhưng đồng thời Ngài cần đến sự cộng tác của
chúng ta.
17. HỎI: Chi tiết ‘153 con cá lớn’ có ý nghĩa gì?
THƯA: Nền văn hóa môi trường của Tin mừng gán tầm
quan trọng đặc biệt cho các biểu tượng của các số. Số 153 là tổng số từ 1 đến
17, như sau: 1 +2 +3 +4…. 17 = 153. Mặt khác 17 là tổng của 10 và 7, và riêng từng
số lại có nghĩa là một tổng thể hoàn hảo. Vì vậy số 153 phải được hiểu như là một
biểu tượng của tổng thể nhân loại hoặc toàn thể Giáo Hội.
18. HỎI: Ngoài ra còn có các cách giải thích khác
trong việc xác định rõ ràng con số ‘153’ về phía tác giả Tin mừng không?
THƯA: Có, dựa vào câu sau: ‘Mặc dù nhiều cá đến
thế, nhưng lưới không bị rách’ thì cá tượng trưng cho tất cả các dân tộc vào
Giáo Hội, nhưng lưới không rách tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo Hội và sự
tồn tại của Giáo Hội trước các cuộc bách hại bên ngoài cũng như các những yếu
kém bên trong.
19. HỎI: Luca muốn nói gì khi xác định: ‘Đây là lần
thứ ba’?
THƯA: Một vài nhà chú giải ghi nhận rằng, để có
giá trị, các công thức pháp lí thường cần phải lặp lại ba lần trước các nhân chứng.
Có lẽ vì thế mà tác giả Tin mừng đã xác định đó là lần thứ ba Chúa Giê su tỏ
mình ra cho các môn đệ để chứng thực rằng việc Ngài sống lại là có thật.
20. HỎI: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê su và Phê rô
có ý nghĩa gì?
THƯA: Cuộc đối thoại cho thấy sự tế nhị vô cùng
của Chúa Giê su: cũng như Phê rô đã ba lần chối Chúa, thì ở đây Chúa Giê su muốn
ông khẳng định ba lần về tình yêu đối với Ngài, nhằm giúp ông đền bù lại tội lỗi
của mình. Lần nào cũng thế, Chúa Giê su dựa vào sự dấn thân của ông để giao phó
cho ông sứ vụ chăn dắt cộng đoàn.
21. HỎI: Tại sao Chúa Giê su nói rõ: ‘Các chiên Thầy’?
THƯA: Vì Phê rô được mời gọi chia sẻ gánh nặng của
Đức Ki tô, chứ không phải trở thành người chủ đoàn chiên. Chăm sóc đàn chiên Đức
Ki tô sẽ là điều kiểm chứng tình yêu của ông đối với Đức Ki tô.
22. HỎI: Tại sao vừa giao phó sứ mạng chăn dắt
đoàn chiên, Chúa Giê su lại đề cấp đến lúc Phê rô về già?
THƯA: Có lẽ vỉ Chúa muốn nói rõ rằng sứ mạng
giao cho Phê rô là một sứ mạng phục vụ chứ không phải là sứ mạng thống trị. Vào
thời đó, dây thắt lưng dành cho người đi đường và người tôi tớ, nên người phục
vụ Tin mừng được đặt biệt nói đến hai lần. Chúa tiên báo Phê rô sẽ chết vì
trung thành phục vụ Tin mừng.
23. HỎI: Tại sao Chúa Giê su thêm: ‘hơn các anh em
này không’?
THƯA: Chúa Giê su muốn nói rằng: ‘Không phải vì
anh yêu mến Thầy hơn những người khác mà Thầy giao sứ vụ nầy cho anh, nhưng bởi
vì Thầy giao sứ vụ nầy cho anh, nên anh phải yêu mến Thầy hơn những người
khác!’
24. HỎI: Tại sao có đến ba lần Chúa Giêsu hỏi
Phêrô và chờ đợi ông trả lời?
THƯA: Chúa Giêsu dành cho Phê rô cơ hội nói lên
ba lần lời thú nhận tình yêu để cân bằng việc ông ba lần từ chối Thầy mình vì yếu
đuối. Nguyên bản Hy Lạp cho thấy rằng tình yêu Chúa Giê-su đòi hỏi tăng dần từ
một tình bạn đơn giản (= phileo) hoặc mối quan hệ bà con lên đến một tình yêu
siêu nhiên (= agapao).
25. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu đòi hỏi Phê rô đến thế?
THƯA: Bởi vì Ngài giao phó cho ông một sứ mạng đặc
biệt, trao cho ông quyền bính mục tử tối cao của Ngài.
26. HỎI: Chúa Giêsu chỉ nói với Phêrô: ‘Hãy theo
Thầy’?
THƯA: Trong bối cảnh này, Chúa Giê su chỉ nói với
Phêrô, còn tất cả các môn đệ khác phải đi theo Ngài theo ‘dấu chân’ của Phê rô.
27. HỎI: Tại sao Chúa chọn Phê rô, một con người yếu
đuối, đã từ chối Thầy mình một cách dễ dàng đến thế?
THƯA: Bởi vì Chúa Giê su muốn dùng sự yếu đuối của
con người để cho thấy rằng Thiên Chúa mới chính là Đấng Hành động. Điều mà Người
đòi hỏi nơi người tín hữu là tình yêu, đức tin và sự sẵn sàng cộng tác. Với những
con người như thế, Người có thể hoàn thành những điều tuyệt vời cho Vương Quốc
của Người. Đó là điều đã xảy ra với Phê rô, người đã trở thành thủ lãnh, nguyên
tắc của sự hiệp nhất của Giáo Hội của Chúa Kitô.
27. HỎI: Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa
như thế nào?
THƯA: 1. Sứ mạng Chúa giao thường nằm ngay trong
bậc sống và lối sống hằng ngày của chúng ta. Nhưng xem ra điều quan trọng là
chúng ta hãy nhận ra ‘Chúa đó!’ và nghe rõ tiếng Người gọi ‘Hãy theo Thầy’! 2.
Sống trong lòng Giáo Hội, ta vẫn có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa
Phục Sinh bằng nhiều cách. Giáo Hội là một bí tích, nói lên rất nhiều thực tại.
Điều quan trọng là ta có đọc được những dấu hiệu bí tích ấy hay không. 3. Làm
sao ta ý thức được sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội mà chính ta có bổn phận phải
cộng tác, không chỉ bằng lời giảng như các linh mục, nhưng bằng gương sáng đời
sống Ki-tô?
GLCG 553 Ðức Giê-su ủy
thác cho thánh Phê-rô một thẩm quyền đặc biệt: ‘Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá
Nước Trời. Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới
đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy’ (Mt l6, l9). Quyền nắm
giữ chìa khoá là quyền cai quản Nhà Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. Ðức Giê-su,
‘Người mục tử nhân lành’ (Ga l0, ll) xác nhận trọng trách đó sau khi Phục Sinh:
‘Hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy’ (Ga 2l, l5-l7). Quyền ‘cầm buộc và tháo cởi’
là quyền tha tội, đưa ra những phán quyết về đạo lý và những quyết định về kỷ
luật trong Hội Thánh. Ðức Giê-su ủy thác quyền này cho Hội Thánh qua thừa tác vụ
của các tông đồ (x. Mt l8, l8), đặc biệt là của Phê-rô, người duy nhất được
Chúa minh nhiên giao phó chìa khóa Nước Trời.