Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 30

CHỦ NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C

thứ 6 tuần XXIII.jpg

Sau khi đã nói về bổn phận tạ ơn và trung thành, tin mừng dạy chúng ta biết đâu là tư thế của tâm hồn cầu nguyện thực sự. Đề cầu nguyện, chúng ta phải có một tâm hồn nghèo khó, ý thức sự yếu hèn của mình và chờ đợi mọi sự từ ân sủng của Thiên Chúa.

Si 35, 12-14.16-18

Theo truyền thống rao giảng của các tiên tri, một nhà Khôn ngoan thế kỉ thứ hai trước Công Nguyên cảnh giác chống lại ảo tưởng của người tưởng rằng mình đạo đức vì đã dâng các hi tế. Hi lễ đích thực chính là sự trở về của tâm hồn. Nó đòi phải mở rộng tiếp nhận người khác và khiêm tốn chờ đợi ơn ban của Thiên Chúa.

Thánh vịnh 33

Thiên Chúa gần gũi những tâm hồn tan nát. Người giải thoát người công chính bị thử thách nhưng đặt trọn niềm trông cậy vào Người. Bằng mọi cách, Kinh Thánh không ngừng xác quyết rằng Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của những ai trong cơn khốn khó.

Thư 2 Tm 4, 6-8.16-18

Vào cuối đời, thánh Phao lô làm một tổng kết. Nhớ đến những khó khăn đã qua, ngài chúc vinh Chúa và khẳng định rằng tất cả là ÂN SỦNG. Giờ đây, điều ngài trông chờ là chính phần thưởng, quà tặng của Thiên Chúa Tối cao, với xác tín rằng cuối cùng ngài sẽ được thương xót và cứu độ.

Tin mừng Lc 18, 9-14

NGỮ CẢNH

Phân đọan mới liên kết một dụ ngôn dành cho những người tưởng rằng mình là người công chính (18,9-14; của riêng của Lc) và một giáo huấn dành cho các môn đệ (18,15-17). Cả hai được nối kết bằng một chủ đề giống nhau: khiêm nhu trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Bản văn gắn liền với phần đi trước (18,1-8) bằng chủ đề cầu nguyện (18,1.10), và cùng với đức tin làm nền tảng như là điều kiện để được Thiên Chúa công chính hóa (18, 8.14: “Ta bảo các ngươi”)

TÌM HIỂU

Dụ ngôn: giống kiểu nhập đề ở câu 18,1. Như các dụ ngôn khác (12,16-21;16,1-8), dụ ngôn nầy đề ra một thí dụ nói đến những thái độ phải bắt chước hay phải tránh.

Một số người: Ai đây? Lu ca không nói rõ, nhưng những người nầy giống với những người Pha ri sêu đã gặp ở đoạn 7, 36-50; 15,2;16,15.

Công chính: x. 16, 15. Chủ đề về sự tự cho mình là công chính của con người đối lập với sự công chính đích thực phát xuất từ Thiên Chúa đã xuất hiện trong các thư Phao lô (Rm 10, 3; Gl 2,16). Hai khía cạnh: tự cho mình đầy đủ trước mặt Thiên Chúa và khinh dể kẻ khác không tách rời nhau và phát sinh từ một trạng thái nội tâm.

Pha ri sêu – thu thuế: hai hạng người nầy không khác biệt xét theo giai cấp xã hội hoặc tài sản. Lu ca đã nói rằng người Pha ri sêu thích tiền bạc (16,14) và chúng ta biết rằng người thu thuế thường làm giàu bằng nghề của mình (x. Lê vi 5,39; và ông Gia kêu: 19,2). Tự thân, người Pha ri sêu gần với Thiên Chúa hơn vì tuân giữ lề luật, còn người thu thuế làm việc dưới sự chỉ huy của giới cai trị; đó là tội theo lề luật. Trong thực tế, theo ý kiến chung, thì người Pha ri sêu được xếp vào lọai công chính và thu thuế vào lọai tội nhân.

Người Pha ri sêu: lời cầu nguyện của người Pha ri sêu dưới dạng tạ ơn, không khác gì một lời nói tự cao tự đắc về chính mình. Ông ta hài lòng về chính mình và kể ra những công nghiệp mình đã đạt được. Ông đứng riêng ra để cầu nguyện; đó là điều phù hợp với lí tưởng của ông ta (pha ri sêu có nghĩa là tách biệt ra). Lời cầu nguyện của ông ta phân cách, tách biệt khỏi cộng đòan; trái lại lời cầu nguyện mà Chúa Giê su dạy tìm cách hòa giải, liên kết (11,2-4).

Người thu thuế: ông ta đến đền thờ không mang theo công nghiệp nào cả ngòai tội lỗi của mình. Ông đặt mình trước mặt Thiên Chúa với tâm hồn sám hối (x.5,8;7,36-38; 15,19; 19,8; 23,41-42). Ông khẩn cầu ơn tha thứ, tin vào một Thiên Chúa cứu độ, sẽ đổ tràn ơn phúc của Người xuống nơi có nhiều tội lỗi (Rm 5,20).

Được nên công chính: động từ nầy ở thể bị động và ở quá khứ có nghĩa là Thiên Chúa đã công chính hóa người thu thuế và đã cho thầy lòng thương xót của Người. Đó là chìa khóa của dụ ngôn.

Ai tôn mình lên: x. 14,11 (Êd 21,31). Sự đảo ngược tình thế nầy không phải là một sự thay đổi thất thường, hay là một cách trả thù của Thiên Chúa. Nhưng nó vạch rõ chân lí: người tự tôn thì luôn ảo tưởng về chính mình; trái lại, ai hạ mình xuống thì cảm nhận được sự nghèo hèn của mình và dám tin rằng Thiên Chúa có thể và muốn nâng mình lên (x. thánh ca của Đức Maria: 1,36-38.51-53).

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật hôm nay muốn gửi đến chúng ta một sứ điệp về lời cầu nguyện. Và để hiểu rõ hơn, cần phải nối kết từ “cầu nguyện” với từ “bất ổn”. Người ta chỉ thực sự cầu nguyện khi ý thức được sự bất ổn và yếu đuối của mình.

Toàn bộ Kinh Thánh làm chứng điều đó: chính khi ở giữa những thử thách và yếu đuối mà dân Israel đã khám phá ra tình yêu say mê mà Thiên Chúa dành cho họ. Việc Thiên Chúa gần gủi những người đau khổ là một trong khám phá quan trọng của Cựu Ước. Đó tin mừng mà chúng ta được mời gọi tiếp nhận mỗi ngày.

Có nhiều lọai bất ổn trong các bài đọc hôm nay. Chúng ta thấy có sự bất ổn của bà góa và đứa trẻ mồ côi, cả hai hoàn toàn không có sự trợ giúp nào. Tin mừng nói với chúng ta về đời sống bất ổn luân lí của người thu thuế. Thánh Phao lô cũng cho chúng ta thấy sự bất ổn của vị tông đồ phải thường xuyên đối đầu với bách hại hoặc ít nhất cũng là sự không hiểu biết. Tất cả những người đó mang tâm hồn nặng trĩu. Bấy giờ họ mới thực sự mở rộng tâm hồn mình với Thiên Chúa. Đó chính là sự cầu nguyện đích thực.

Trong bài tin mừng, chúng ta nghe lời cầu nguyện của người thu thuế. Đó là một người thuộc tầng lớp bị người đời căm ghét. Họ là “bọn người tiếp tay cho đế quốc La mã”. Họ phục vụ đế quốc thống trị trong một môi trường rất nhạy cảm là thu thuế. Quyền bính ấn định số tiền mà họ phải nộp. Họ phải ứng trước và sau đó quay sang bốc lột của dân nghèo. Vì thế khi người thu thuế cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi”, ông nói đúng chân lí của đời mình. Và chính vì cái chân lí đó mà Thiên Chúa đã nâng ông lên. “Khi trở về nhà, ông là người được công chính hóa”. Đó chính là điều mà tin mừng mời gọi chúng ta hôm nay. Thành tâm nhận ra sự yếu kém của mình trước mặt Chúa đó là lời cầu nguyện đích thực được Thiên Chúa yêu thích.

Ở phía bên kia, Chúa Giê su cho chúng ta thấy chân dung của người pha ri sêu. Đó là một người xứng đáng với tiếng tăm của mình. Ông trung thành với lề luật; ông ăn chay mỗi tuần hai lần. Ông làm việc bố thí. Tất cả những gì ông ta khoe trong lời cầu nguyện, ông đã thực sự thi hành và ông hãnh diện về điều đó. Nhưng có một vấn đề nơi ông, cách ông cầu nguyện không thực sự là một lời cầu nguyện vì chứa đầy sự kiêu căng. Ông chỉ nhìn ngắm chính bản thân thay vì nhìn ngắm Thiên Chúa. Ông ta không cần gì cả. Điều duy nhất mà ông quan tâm ấy là kể lể các công nghiệp của mình.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đứng về phía nào? Có lúc chúng ta là người pha ri sêu mỗi khi chúng ta làm điều mà chúng ta chê trách người khác. Chỉ trích mà không bao giờ đề ra những giải quyết xây dựng thực tiển thì luôn dễ. Người Pha ri sêu là người cho rằng mình được Thánh Thần soi sáng hơn người khác. Điều trầm trọng hơn là sử dụng các câu Kinh thánh để tố cáo sự giả hình của kẻ khác. Thái độ ấy là một sự sỉ nhục Thiên Chúa và tình yêu của Người. Tất cả chúng ta đều phải cầu xin Ngài tha thứ sự kiêu căng chúng ta, sự cao ngạo của chúng ta, cách chúng ta muốn dạy người khác bằng cách làm nhục họ.

Lời kinh của người thu thuế là lời kinh của người tự nhận mình là người tội lỗi. Anh ta ý thức mình không yêu thương đủ hoặc yêu thương không đúng. Anh ta nhớ một vài trang sách cuộc đời mình không được sáng sủa. Anh ta nhìn thấy cái đà trong mắt mình đến nỗi không thể thấy cái rác trong mắt anh em. Người ấy biết rằng sự tha thứ chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Lời kinh ấy cho phép người tội lỗi tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa. Bài Tin mừng nói với chúng ta rằng người thu thuế đã trở nên công chính. Trong Kinh Thánh, từ ấy không có nghĩa là “hoàn hảo”. Người công chính là người có thể khép mình theo Thiên Chúa trong một tương quan tin tưởng tuyệt đối, tiếp nhận thánh ý Chúa và dùng mọi phương tiện để sống thánh ý đó. Người công chính còn là người để cho Chúa công chính hóa thay vì tự công chính hóa bản thân mình.

Lý tưởng là hai người đối lập nhau ấy cùng hòa hợp với nhau để dâng lời kinh chung của họ lên Thiên Chúa: “Xin thương xót chúng con là những người tội lỗi. Xin thương xót chúng con vì chúng con đã làm điều sai trái cho người khác. Xin thương xót chúng con vì tưởng rằng mình hơn người khác. Xin thương xót chúng con khi chúng con giận nhau..” Và Chúa sẽ trả lời: “Khi hai hay ba người hợp nhau vì danh Ta, có Ta ở giữa họ”. Chính lời kinh chung đó cho phép chúng ta thực sự đến gần Thiên Chúa và cũng đến gần người khác. Vì Chúa hiện diện để nói với chúng ta rằng Người được nhận biết nơi mỗi người trong họ. Và Người muốn dạy chúng ta nhìn họ và yêu mến họ như anh chị em chúng ta.

Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta họp nhau trong nhà thờ để cầu nguyện. Chúng ta được mời gọi kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của tất cả những người khác và của tất cả mọi người ki tô hữu trên thế giới cử hành ngày của Chúa. Ước mong sao chúng ta trở về nhà được công chính hóa.

ĐÀO SÂU

CHÚA NHẬM LỜI KẺ NGHÈO CẦU XIN

 

Hc 35,15-17, 20-22 Thiên Chúa nhậm lời cầu nguyện của người nghèo

Tv 34,1-2, 16-17, 18+22 Kìa người nghèo khổ cầu cứu, Chúa đã nghe và cứu giúp    

2 Tm 4,6-8, 16-18 Tâm tình hân hoan cảm tạ của thánh Phao lô vào lúc xế chiều của cuộc đời                                 

Lc 18,9-14 Dụ ngôn về người Pha ri sêu và người thu thuế

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: CHÚA NHẬM LỜI KẺ NGHÈO CẦU XIN. Thiên Chúa là đấng chí công, Ngài không ưa kẻ kiêu căng, vì họ không trông chờ ơn Người cứu độ. Ngược lại kẻ nghèo hèn khiêm tốn cầu nguyện sẽ được Chúa nhậm lời (Bđ1) và ban cho ơn công chính hóa (BTM). Thánh Phaolô bộc lộ những tâm tình khiêm cung và thành khẩn trông cậy ơn Chúa (Bđ2).

2. HỎI: Sách Huấn ca là sách gì?

THƯA: Sách nầy nằm trong qui điển thứ hai, thường được dùng làm sách giáo huấn các dự tòng trong giáo hội La tinh. Bản Hi lạp được gọi là ‘Sách Khôn ngoan của ông Giê su con ông Xi ra’. Nguyên bản viết bằng tiếng Híp pri được cháu mang sang Ai cập và dịch sang tiếng Hi lạp cho người Do thái đang định cư ở đó.

3. HỎI: Tác giả sách Huấn ca là ai?

THƯA: Tác giả sách Huấn ca là một người Do thái cũng có tên gọi là Giêsu con ông Xira. Ông mở một ngôi trường ở Giê-ru-sa-lem vào khoảng năm 180 trước CN để dạy về sự khôn ngoan, vì thế người ta thường gọi ông là Hiền nhân Ben Xira.

4. HỎI: Sách Huấn ca có nội dung như thế nào?

THƯA: Tác giả đã thuật lại một cách cảm động tình yêu của mình dành cho Lề Luật phụng vụ đền thờ, đồng thời cũng cho thấy một tâm lòng sùng kính đối với những nhân vật lớn trong quá khứ Ít-ra-ên. Ông đã để lại cho chúng ta một bộ sưu tập cô động các suy tư, phần lớn về sự khôn ngoan của thế gian, cách hành xử tốt, tế nhị và đầy ý thức. Nhưng ông khẳng định rằng Khôn Ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa, qua trung gian của Lề luật. Ông luôn luôn đặt cái chết, thời điểm phán xét, trước mắt của mình, mặc dù ông không đưa ra giáo huấn rõ ràng về cuộc sống sau khi chết hoặc phần thưởng dành cho những việc tốt sẽ như thế nào.

5. HỎI: Mục tiêu của ông là gì?

THƯA: Thế giới của tác giả là thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Hi lạp, chủ trương sống phóng khoáng tự do có nguy cơ xói mòn niềm tin Do thái giáo. Vì thế mục tiêu của tác giả là muốn bảo tồn và truyền lại đức tin cha ông trong tình trạng tinh ròng nhất.

6. HỎI: Đâu là chủ đề bài đọc một?

THƯA: Bài đọc một là trích đoạn trong sách Khôn Ngoan nêu bật chủ đề: Thiên Chúa không đoán xét theo diện mạo bên ngoài. Và để vọng lại những gì tiên tri Sa-mu-ên nói với Giê-sê: ‘Con người nhìn diện mạo bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn thấy bên trong tâm hồn’ (1Sm 16,7), tác giả viết: ‘Người nghèo sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lí’ (35,18).

7. HỎI: Kẻ nghèo, bị áp bức, mồ côi, góa bụa là ai?

THƯA: Đó là bốn mẫu người nghèo trong xã hội Cựu Ước, vả được Lề Luật bảo vệ. Dù vậy, họ là những người xã hội ít quan tâm đến.

8. HỎI: Tại sao lời nguyện của người nghèo ‘vượt ngàn mây thẳm’?

THƯA: Khi lâm vào cảnh nghèo khổ cùng cực, không còn biết nương tựa vào đâu ngoài lời cầu nguyện, người ta sẽ cầu nguyện hết tâm hồn. Họ thực sự hướng về Thiên Chúa, và tâm hồn họ mở ra để đón nhận Người. Do đó, người ta chỉ thực sự cầu nguyện khi ý thức sự nghèo khó, cùng khổ của mình.

9. HỎI: Bài đọc 2 (2 Tm 4, 6-8.16-18) có nội dung như thế nào?

THƯA: Ở những ngày tháng cuối cuộc đời, Phaolô bộc lộ tâm tình khiêm cung của kẻ biết mình yếu đuối và chỉ biết thành khẩn trông cậy ơn Chúa.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 18, 9-14) như thế nào?

THƯA: Sau dụ ngôn Quan tòa bất chính (18,1-8), Chúa Giê su tiếp tục nói dụ ngôn ‘người Pha ri sêu và người thu thuế’ để dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (18, 9-14). Có 2 ý chính: 1. Dụ ngôn quan tòa bất chính (18,9-14a). 2. Kết luận khuyến thiện (18,14b).

11. HỎI: Chúa Giê su gọi đây là một dụ ngôn, điều đó có nghĩa như thế nào?

THƯA: Chúa Giê su gọi đây là một dụ ngôn có nghĩa là đừng tưởng tượng tất cả những người Pha-ri-sêu và thu thuế thời Chúa Giê su đều giống như những nhân vật mà Ngài mô tả trong câu truyện. Điều Ngài muốn là nói đến hai cách cầu nguyện khác biệt đem đến hai hậu quả hoàn toàn trái ngược.

12. HỎI: Có liên kết nào giữa dụ ngôn bà góa tuần trước và dụ ngôn người thu thuế tuần nầy không?

THƯA: Có. Trong Tin mừng Lu ca, dụ ngôn người thu thuế đi sau dụ ngôn vị thẩm phán bạo ngược. Cả hai đều đề cập đến sự cầu nguyện, và hai nhân vật chính tượng trưng cho những người nghèo khó trong Tin mừng. Bà góa nghèo khổ kiên trì cầu xin, và người thu thuế mang tai tiếng trong xã hội thành thật nhìn nhận con người tội lỗi của mình, cả hai đều được Thiên Chúa yêu thương.

13. HỎI: Chúa Giê su nói dụ ngôn nầy với ai?

THƯA: Chúa Giê su nói dụ ngôn nầy với ‘một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác’ (18,9). Qua dụ ngôn Ngài muốn dạy họ rằng lòng kiêu căng tự phụ sẽ không giúp họ được công chính hóa. Trái lại, những người bị họ khinh miệt, nhờ ăn năn hối cải mà được ơn tha thứ và được công chính hóa.

14. HỎI: Chúa Giê su đưa người Pha-ri-sêu và người thu thuế ra làm ví dụ. Hình ảnh hai hạng người đối lập như thế nào?

THƯA: Trong ánh mắt người đương thời, người thu thuế là hạng người tội lỗi, không ra gì và không thể cầu nguyện với Thiên Chúa vì là người ô uế. Trái lại, người Pha-ri-sêu thuộc hạng người đạo đức được mọi người kính trọng.

15. HỎI: Cung cách cầu nguyện của hai người như thế nào?

THƯA: Họ đối lập nhau trong cung cách cầu nguyện. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng người, cám ơn Thiên Chúa vì không như những người khác, trộm cắp, tham lam, ngoại tình. Lời cầu nguyện của anh ta không gì khác hơn lời khoe khoang những gì mà anh làm được. Còn người thu thuế đứng đằng xa, không dám ngước lên, cúi mình và đấm ngực nhận biết mình tội lỗi và nài xin Thiên Chúa tha thứ.

16. HỎI: Theo ý kiến những người đương thời, thì ai sẽ được công chính hóa?

THƯA: Nếu được hỏi ý kiến, tất cả những người nghe Chúa Giê su nói sẽ cho rằng người Pha-ri-sêu sẽ được công chính hóa, còn người thu thuế thì không.

17. HỎI: Chúa Giê su đã kết luận như thế nào?

THƯA: Ngài khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên khi kết luận: người thu thuế được Thiên Chúa tha tội, còn người Pha-ri-sêu thì không. Chắc chắn câu kết luận của Ngài không làm cho người chung quanh hài lòng

18. HỎI: Tại sao như thế?

THƯA: Ngài không đánh giá con người theo bề ngoài, nhưng theo tâm hồn bên trong. Thiên Chúa nhậm lời những người tội lỗi thất vọng và từ chối lời những người chỉ để ý đến sự công chính của riêng mình. Người luôn tỏ lòng từ bi thương xót vô biên đối với những tâm hồn tan nát khiêm cung (Tv 50/51). Do đó, ai kiêu căng tự phụ, Người sẽ chối từ, còn ai tự hạ khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa ban ơn phúc.

19. HỎI: Hạ mình là gì?

THƯA: Hạ mình là tự nhìn nhận mình hết sức bé nhỏ, và nhìn người khác hơn mình, vì chắc chắn có một điểm gì đó hơn chúng ta. Và nếu biết nhìn nhận như thế và cầu xin với đôi bàn tay trắng, Thiên Chúa sẽ ban đầy ơn cho chúng ta. Dụ ngôn trong bài Tin mừng là minh họa tuyệt vời cho mối phúc thứ nhất: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ (Mt 5,3).

20. HỎI: Dụ ngôn này dạy chúng ta điều gì về sự cầu nguyện?

THƯA: Dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán bất công dạy chúng ta phải kiên trì không được nản chí. Còn dụ ngôn nầy dạy rằng cầu nguyện đích thực là trở về với chính mình, nhìn nhận mình là kẻ có tội và khiêm tốn xin Chúa ban ơn tha tội để được nên công chính.

21. HỎI: Các Tin mừng cho chúng ta biết gì về việc Chúa Giê su cầu nguyện?

THƯA: Các Tin mừng cho chúng ta biết Chúa Giê su luôn sống trong tình hiệp nhất với Thiên Chúa Cha. Lương thực của Ngài là làm trọn thánh ý Cha (Ga 5,19). Do vậy lời cầu nguyện của Ngài luôn phát xuất từ một tâm hồn khiêm nhu tự hạ, giúp Ngài đầy can đảm trước những lựa chọn đầy khó khăn (Lc 41-42).

22. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, tự hạ một cách chân thật, tự đáy lòng chẳng những trước mặt Thiên Chúa mà còn trước mặt người đời nữa.

2. Để sống được vậy, cần nhận thức rằng tất cả những gì chúng ta hiện có đều là ân huệ mà Thiên Chúa ‘cho không’ để chúng ta lo cho phần rỗi của mình và giúp đỡ những người chung quanh.

GLCG 2631 (2838) Kinh nguyện khẩn cầu đầu tiên của con người là lời xin ơn tha tội, như lời người thu thuế trong Tin mừng Lu-ca: ‘Xin thương xót con là kẻ có tội’ (Lc 8,13). Muốn cầu nguyện thực sự và đúng đắn, trước hết phải xin ơn tha tội. Tâm tình khiêm nhu tín thác cho chúng ta hiệp thông với Chúa Cha, với con của Người là Ðức Giê-su Ki-tô và với anh em; nhờ đó ‘bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta được Người ban cho’ (1Ga 3, 22). Trước khi cử hành Phụng vụ Thánh Thể cũng như cầu nguyện riêng, chúng ta phải xin ơn tha tội. (x. Tâm tình khiêm nhu tín thác khi cầu nguyện 2631).

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm thứ Tư Tuần XXX Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên - Lm GB Nguyễn Trường Sơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI- Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên LỄ CÁC THÁNH- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên B: "BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG"_Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên B: BIẾT MÌNH_ Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên B: "Linh Hồn của Lề Luật"_
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên B: "Ngôn Sứ Giêsu"_Lm. Giuse Trần Quốc Huy
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên B: "Bình Thản Trước Cái Chết"_Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên B_LỄ THÁNH SIMON VÀ GIUĐA TÔNG ĐỒ: "CHỌN VÀ SAI ĐI"_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên B: Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên B: Người phụ nữ còng lưng. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXX Thường Niên B: THẤY VÀ KHÔNG THẤY ĐƯỢC_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí