Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên B
BÀI HỌC KHIÊM NHƯỜNG
Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11
(1) Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm
Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
(7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên
nói với họ dụ ngôn này: (8) "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì
đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được
mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói
với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này". Bấy giờ anh sẽ phải
xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) Trái lại, khi anh được mời, thì
hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông
bạn lên trên cho". Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng
bàn". (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ
mình xuống sẽ được tôn lên".
Suy niệm: Trong xã hội nói chung, cách riêng là xã hội Do
thái, người ta rất chú trọng đến tôn ti trật tự. Khi đi dự tiệc, ngoài việc chủ
tiệc sắp xếp chỗ ngồi cho khách, mỗi vị khách cũng tìm một chỗ ngồi tương xứng
với địa vị của mình.
Tin Mừng hôm nay, thánh
sử Luca thuật lại việc Chúa Giêsu nhân dịp dự bữa tiệc tại nhà một người biệt
phái và quan sát thấy người ta tranh dành nhau chỗ nhất- đã dùng dụ ngôn để dạy
bài học về sự khiêm nhường.
Khi kể dụ ngôn như thế,
Chúa Giêsu không có ý đưa ra bài học về phép lịch sự, nhưng Ngài chỉ muốn nhân
cơ hội này lập lại bài học khiêm nhường mà Ngài thường xuyên giảng dạy: “những
kẻ bé mọn sẽ trở nên cao trọng”, “nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em
sẽ không được vào Nước Trời”...
Chắc hẳn khi viết đoạn
Tin Mừng này, Luca đã liên tưởng đến những cộng đoàn phụng vụ, trong đó khi
người ta tụ họp lại, những vấn đề về giai cấp, giàu nghèo đã nảy sinh. Chính
thánh Giacôbê cũng đã gặp vấn đề đó trong cộng đoàn của mình (X. Gc 2, 2-3).
Đó là một thực tế không
chỉ xảy ra trong xã hội Do Thái, thời Chúa Giêsu, trong cộng đoàn tín hữu sơ
khai, mà còn xảy ra trong xã hội và trong cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.
Chúng ta không phủ nhận
giá trị của những cách tổ chức, sắp đặt sao cho đúng người, đúng chỗ; nhưng
điều quan trọng là mỗi người hãy biết cư xử đúng danh phận, nhất là biết khiêm
nhường. Hơn nữa, danh phận, phẩm giá của một người không thể do thái độ chủ
quan định đoạt mà là do thái độ trân trọng của cộng đoàn, đặc biệt là sự thẩm
định của người chủ tiệc.
Chính thái độ trịnh
thượng, vượt trên danh phận, ngồi sai vị trí, mới làm cho người ta phải bẽ mặt
khi có người danh phận cao hơn xuất hiện.
Khiêm nhường, tự hạ
không chỉ là cách sống, là lời giảng dạy thường xuyên của Chúa Giêsu và còn là
giáo huấn được các Tông đồ, môn đệ Chúa, thường xuyên nhắn nhủ. Thánh Phaolô
trong thư gửi tín hữu Philipphê, tóm tắt cuộc đời khiêm nhường, tự hạ của Chúa
Giêsu như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất
quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây
thập tự ” (Pl 2, 6-8).
Với đời sống khiêm
nhường như thế, Chính Ngài được Chúa Cha tôn vinh: “Chính vì thế Thiên Chúa đã
siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,
9).
- Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giêsu, trong cuộc sống hằng ngày, chúng con thường đề cao cái tôi, thích được
trọng vọng. Chính vì vậy mà nảy sinh các vấn đề so bì, ghen tỵ, tự cao, coi
khinh người khác.
Qua ánh sáng của Lời
Chúa soi dẫn hôm nay, chúng con xin tạ ơn Chúa, đồng thời nhận ra lỗi lầm của
mình và thành tâm xin lỗi Chúa.
Xin cho chúng con biết
nhìn lên gương Chúa, sống khiêm nhường, tự hạ để mỗi người đều được tôn trọng
đúng phẩm giá và được Chúa Cha là Chủ tiệc cất nhắc lên như chính Ngài đã được
Chúa Cha tôn vinh. Amen.
Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến