CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM A
THIÊN
CHÚA XÓT THƯƠNG VÀ LUÔN KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ
Trải
qua dòng lịch sử, chúng ta thấy luôn có sự đối nghịch giữa cách hành xử của con
người và của Thiên Chúa. Con người thường nóng vội, mất kiên nhẫn, còn Thiên
Chúa lại luôn kiên nhẫn đợi chờ. Kinh Thánh Cựu Ước đã diễn tả lòng thương xót
và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa bằng những từ ngữ rất đẹp: Ngài chậm giận và
giàu tình thương. Ngài chỉ giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương
suốt cả đời.
Thiên
Chúa của chúng ta không nóng nảy như Trương Phi, nhưng trái lại, Ngài luôn thể
hiện sự kiên nhẫn của một người cha, cho dù dân Chúa đã nhiều lần phản bội chống
đối lại Ngài. Thiên Chúa luôn tin tưởng và cho con người có cơ hội để khắc phục
sai lầm trong quá khứ, Ngài luôn tin vào tương lai biến đổi của mỗi người. Sách
Khôn Ngoan đã ca tụng sự kiên nhẫn và lòng nhân hậu của Chúa. Ngài không phải
là một cảnh sát rình rập để bắt lỗi con người, Ngài cũng không phải là ông thần
có nhiệm vụ trừng phạt mỗi khi con người sai lỗi. Trước hết và trên hết, Ngài
là Chúa tể, là Đấng tạo dựng nên trời đất vũ trụ và con người, vì thế, tất cả đều
là con cái của Ngài. Thiên Chúa là Đấng công minh, Ngài không phải là một người
mẹ chiều chuộng con cái, cũng không làm ngơ trước sai lỗi của chúng. Ngài sửa dạy
con người bằng tình yêu thương, đôi khi cả bằng roi vọt, nhưng trên hết, Ngài vẫn
để cho tình thương điều khiển mọi hoạt động của mình. Vì thế, Thiên Chúa luôn
chịu thiệt về mình và xét xử con người theo sự khoan hồng và bao dung, vì Ngài
luôn hy vọng nơi tương lai con người.
Lòng
khoan dung và sự nhẫn nại của Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể qua chính
con người của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn cỏ lùng
trong ruộng lúa để cho thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa Thiên Chúa và con người.
Đối
diện với vấn đề sự dữ sự ác đang lan tràn trong xã hội và trong Giáo Hội, nhiều
người dường như mất kiên nhẫn hoặc thất vọng. Họ cảm thấy chán nản và dường như
muốn xa lìa Giáo Hội chỉ vì họ nhìn thấy nhiều gương xấu đang diễn ra trong
Giáo Hội, đặc biệt nơi những người lãnh đạo. Họ đặt vấn đề rằng: Tại sao chúng
ta tuyên xưng Giáo Hội là Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, mà trong Giáo Hội vẫn
nhiều gương mù gương xấu? Tại sao Thiên Chúa là Đấng quyền năng và tốt lành, lại
không dùng quyền năng để hủy diệt cái xấu, trừng trị kẻ ác? Suy nghĩ như thế chứng
tỏ rằng: Con người muốn Thiên Chúa suy nghĩ và hành động theo kiểu của con người.
Qua
dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng, Chúa Giêsu đã trả lời cho những người đặt vấn đề
và trách Chúa: Ông gieo toàn giống tốt trong ruộng thì cỏ lùng bởi đâu mà ra?
Câu chuyện cho thấy, Chúa là ông chủ khôn ngoan, chắc chắn, Ngài luôn gieo giống
tốt trong ruộng mình. Tuy nhiên, kẻ thù là ma quỷ đã len lỏi vào ruộng của ông
và gieo cỏ lùng vào trong các mảnh ruộng đó. Như thế, thủ phạm gieo cỏ lùng, tạo
ra điều xấu chính là ma quỷ. Những người thợ nóng vội, họ muốn ngay lập tức xin
chủ cho đi nhổ cỏ lùng. Nhưng Thiên Chúa là ông chủ đã không muốn như thế, Ngài
trả lời cho những người thợ rằng: Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật
luôn rễ lúa. Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt, lúc đó, tôi sẽ cho thợ gom cỏ
lùng lại mà đốt đi, còn lúa thì xếp vào kho lẫm.
Cách
hành xử của Thiên Chúa luôn là như thế. Người ta nói rằng: Không thể biến con
sói thành con cừu, nhưng ở đây, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn để làm điều đó. Mặc dù
biết rằng không thể biến cỏ lùng thành lúa, dù biết rằng cỏ lùng đang mọc chung
với lúa, nhưng Thiên Chúa vẫn cứ muốn để cho cả hai mọc lên, cho cả hai được hưởng
sự chăm sóc tưới gội như nhau, cho đến ngày chúng trổ bông và kết trái. Có thể
nói rằng, Thiên Chúa vẫn hy vọng với sự chăm sóc, bón phân đầy đủ, biết đâu có
những cây cỏ lùng kia được biến đổi và trổ ra những hạt tốt chăng? Thiên Chúa vẫn
đợi chúng cho đến mùa gặt, đó là thời gian, là cơ hội cuối cùng, nếu con người
không thay đổi thì lúc đó, họ phải chịu sự thiêu đốt trong lò lửa.
Đối
với con người, thì sự kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa như trong câu chuyện dường
như là vô lý, nhưng với Thiên Chúa thì vẫn là có lý, như dụ ngôn tiếp theo: Nước
Trời giống như một hạt cải nhỏ bé, nhưng khi mọc lên nó trở thành một cây xum
xuê; Nước Trời cũng giống như như nắm men được vùi trong thúng bột, nó làm cho
cả thúng bột dậy mùi men. Hạt cải, xét về kích thước, chúng thật nhỏ bé không
đáng kể, nhưng trong mỗi hạt cải lại có sức sống mạnh mẽ. Một khi bén rễ nẩy mầm,
nó có thể phát triên thành một cây to khiến chim trời có thể nương náu. Điều đó
cho thấy, hạt giống Nước Trời mà Thiên Chúa đã gieo vào thế giới và tâm hồn mỗi
người, dù là người tốt hay kẻ xấu, thì với sức mạnh biến đổi của Thiên Chúa
cùng với sự thiện chí của các tâm hồn, hạt giống đó sẽ trổ sinh thành cây lớn.
Cũng vậy, Một nắm men không thấm vào đâu so với cả thúng bột, nhưng trong nắm
men nhỏ bé ấy, có ẩn chứa một khả năng biển đổi mạnh mẽ, khi có những điều kiện
thích hợp, nắm men nhỏ bé nơi tâm hồn mỗi người sẽ có dịp biến cả con người trở
nên dậy mùi men Tin Mừng.
Thế
giới chúng ta đang sống bị đan xen bởi nhiều điều xấu điều tốt, điều xấu dường
như ngày càng thắng thế và lấn át các điều tốt đẹp trong tâm hồn nhiều người.
Khi đối diện với sự dữ sự ác như thế, nhiều người đã vội trách Chúa. Ví dụ: Tại
sao Chúa không tiêu diệt hết bọn ác ôn? Tại sao bọn côn đồ ngang nhiên chiếm đất
nhà dòng, đấp phá ảnh tượng Chúa, hành hung các thầy…, mà Thiên Chúa không phạt
nó cho trắng mắt ra? Tại sao nhiều nơi, đạo Chúa đang bị bách hại mà Chúa không
ra tay bênh vực hay trừng phạt những kẻ ác? Nếu mà Chúa cứ thẳng tay trừng trị
những kẻ gian ác ngay lập tức như thế, có lẽ chúng đã biết sợ rồi.
Nhìn
lại cuộc sống mình, có khi chúng ta cũng không khác gì cỏ lùng trong ruộng lúa
là Giáo Hội, mặc dù vẫn được chăm sóc tưới giội bằng ơn Chúa và các Bí Tích,
nhưng chúng ta vẫn không sinh hoa trái tốt, chúng ta vẫn như những đám có lùng
đang ngày ngày làm ảnh hưởng đến những người khác.
Thiên
Chúa cho tâm hồn chúng ta như mảnh đất tốt, nhưng do lâu ngày không nhổ cỏ bón
phân nên mảnh đất ngày càng bạc màu, chai cứng. Có thể vì mảnh ruộng tâm hồn
chúng ta không được rào chắn bằng giới răn lề luật của Chúa, do lối sống tự do
buông thả, khiến cho dã thú là tội lỗi vào phá phách và kẻ thù là ma quỷ lén
lút gieo vào tâm hồn ta những hạt cỏ đam mê, những thói hư tật xấu, những ham
muốn hưởng thụ, khiến cho mảnh ruộng tâm hồn ta bị bao phủ bởi nhiều cỏ lùng cỏ
dại.
Gia
đình là mảnh ruộng Thiên Chúa trao cho các cha mẹ chăm sóc bảo vệ, song vì mê
ngủ, mê ăn uống, mê công việc, khiến cho ma quỷ lẻn vào gieo sự bất hòa, cãi vã
trong gia đình, khiến cho gia đình trở nên lạnh lùng, bất hạnh.
Thiên
Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ và cho ta có cơ hội để thay đổi đời sống. Xin cho
chúng ta luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa, tận dụng cơ hội và ơn Chúa
ban để làm mới lại bầu khí gia đình và trổ sinh hoa trái tốt lành. Xin cho
chúng ta cũng biết kiên nhẫn và bao dung với những sai lỗi của nhau và cũng
giúp nhau sống tốt mỗi ngày hơn. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.