Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
XVI Thường Niên C:
PHỤC VỤ VÀ LẮNG
NGHE CHÚA
Việt
Nam từ trước tới nay vẫn được biết đến như một dân tộc có lòng hiếu khách. Ngày
xưa ở vùng quê, các ngôi nhà hàng xóm thường không cần hàng rào, mọi người có
thể đi tắt qua sân, ghé vào thăm nhau bất cứ lúc nào. Có dịp thăm các gia đình
vùng quê, chúng ta sẽ thấy còn lại những nét đẹp của lòng hiếu khách. Mỗi khi
có khách, dù lạ hay quen, người miền quê đều đón tiếp hết sức niềm nở ân cần.
Tuy nhiên, cuộc sống kinh tế khá hơn, dường như đã làm phai mờ lòng hiếu khách
nơi nhiều người. Các ngôi nhà liền sân được thay thế bằng tường cao rào kín, những
cuộc viếng thăm của xóm giềng cũng ít đi. Người được thăm dường như cũng tỏ ra
dè chừng, nghi ngờ khi có khách lạ đến nhà. Trong họ hàng ruột thịt, các cuộc
thăm viếng dần được thay thế bởi những cú điện thoại, hoặc con cái có về thăm
cha mẹ cũng hết sức vội vàng. Con người thời hiện đại có thể có rất nhiều giờ
ăn nhậu với bạn, nhiều giờ cho đối tác, nhưng lại có ít giờ cho gia đình vợ con
và nhất là cho cha mẹ.
Không
chỉ trong tương quan xã hội và gia đình đang dần mất đi sự gặp gỡ, mà trong đời
sống đức tin, con người cũng đánh mất hoặc xem thường việc gặp gỡ, tiếp xúc với
Thiên Chúa.
Các
bài đọc ngày Chúa nhật XVI hôm nay chỉ cho chúng ta những thái độ cần thiết phải
có khi đón tiếp Chúa. Câu chuyện ông Apbraham trong bài đọc một cho chúng ta một
khung cảnh gần gũi như một làng quê Việt Nam. Một buổi trưa hè nóng nực,
Apbraham ra hóng mát tại gốc cây sồi ngay cửa lều thì thấy có ba vị khách lạ đi
ngang qua. Vừa trông thấy, ông vội chạy ra đón khách và sụp xuống đất lạy. Ông
đã thể hiện tấm lòng trọng kính đối với ba vị khách này. Ông còn nài nỉ : Nếu đẹp
lòng quý Ngài, xin quý Ngài ghé thăm nhà tôi, rửa mặt, dùng bữa. Ông đã chuẩn bị
bữa trưa cho ba vị khách, chính ông đứng hầu bàn trong khi các vị khách dùng bữa.
Trước khi ra đi, ba vị khách đã để lại cho Apbraham một niềm vui và hy vọng khi
hứa với ông : Bằng rầy sang năm, tôi trở lại, Sara vợ ông sẽ sinh cho ông một
con trai.
Ba
vị khách chính là Thiên Chúa đã đến thăm Apbraham như thăm người bạn. Apbraham
đã thể hiện thái độ trọng kính và hiếu khách đối với Thiên Chúa. Ông hết sức nhiệt
tình quảng đại với Thiên Chúa và nài ép Chúa ở lại với gia đình ông. Đáp lại
lòng hiếu khách của Apbraham, Thiên Chúa đã chạm đến nỗi khát khao sâu thẳm của
Apbraham và Ngài đã lấp đầy khát khao ấy bằng lời hứa cho ông có được con trai
nối dõi. Câu chuyện cũng cho thấy, Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng
đại của con người, Ngài sẽ trả lại cho con người gấp trăm gấp ngàn lần những gì
con người dám quảng đại dành cho Chúa.
Tin
Mừng Luca cũng thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu viếng thăm gia đình Matta, Maria
và Lazarô. Các thành viên trong gia đình này đã đón tiếp Chúa như một vị ngôn sứ
và như một người bạn, tức là vừa kính trọng vừa thân thiết. Đối với Chúa Giêsu,
Ngài vẫn coi Lazarô như bạn thân, và gia đình Matta-Maria là điểm dừng chân của
Chúa mỗi khi lên Giêrusalem. Với sự niềm nở, hiếu khách, khi nghe tin Chúa
Giêsu còn ở đầu làng, Matta là chị, đã mau chóng chạy ra đón Chúa Giêsu vào
nhà. Việc chạy ra tận đầu làng để đón Chúa thể hiện lòng yêu mến và sự khao
khát được gặp Chúa.
Nhưng
có chuyện đã xảy ra trong gia đình. Hai chị em Matta và Maria có hai hai cách
thức và hai thái độ đón tiếp Chúa khác nhau. Cô Matta tất bật phục vụ, lo chuyện
cơm nước, còn cô Maria lại ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người dạy. Có lúc,
cô Matta đã sốt ruột, dường như trách Chúa : Sao Thầy không bảo em con giúp con
một tay ? Chúa đã trả lời : Matta, con lo lắng nhiều việc quá, chỉ có một việc
cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.
Hình
ảnh Matta bận rộn và Maria chăm chú ngồi bên chân Chúa để nghe lời Người là
hình ảnh hai nếp sống đạo trong Giáo hội, nếp sống hoạt động tông đồ phục vụ và
nếp sống chiêm niệm suy gẫm lời Chúa. Chúa không chê, không loại trừ những hoạt
động bên ngoài của cô Matta, cũng không từ chối việc cô tất bật phục vụ Chúa,
nhưng Chúa muốn nhắc cho Matta một điều cần thiết nhất và quan trọng nhất, đó
là việc cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa như Maria. Trong đời sống của mỗi tín
hữu cũng như người tông đồ, các hoạt động bên ngoài, dù là những hoạt động công
ích hoặc hoạt động vì Chúa, vì anh em, cũng dễ làm cho con người vơi cạn nguồn
năng lượng. Đàng khác, các hoạt động tông đồ bác ái có nguy cơ trở thành việc
làm không phải vì Chúa mà vì bản thân, trở nên trống rỗng, nếu không thường
xuyên ngồi bên chân Chúa để được nghe, được tiếp thêm năng lượng và để điều chỉnh
lại mục tiêu.
Một
nguy cơ khác dễ xảy ra nơi những con người hoạt động tông đồ, làm việc cho Chúa
đó là một thứ tự hào tự mãn về thành quả mình đạt được và trách cứ, phê bình
người khác như cô Matta. Cô Matta không chỉ trách cô Maria đã không giúp gì được
cho mình trong việc phục vụ, mà cô Matta còn thầm trách Chúa Giêsu đã không
quan tâm tới cô, không công bằng với cô, vì cô vất vả phục vụ nhiều hơn cô em
Maria. Cô muốn được Chúa chú ý đến mình nhiều hơn.
Chúa
Giêsu đã điều chỉnh thái độ và suy nghĩ của Matta và chỉ cho Matta biết đâu là
thứ tự ưu tiên mà người môn đệ của Chúa cần có : Chị lo lắng nhiều chuyện quá,
chỉ có một chuyện cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy
đi. Việc phục vụ của Matta là tốt và là cần thiết nhưng chỉ như thế thôi chưa đủ.
Chúa muốn người hoạt động tông đồ luôn phải giữ được thế cân bằng giữa việc phục
vụ và cầu nguyện, hoạt động tay chân và việc lắng nghe, suy niệm Lời Chúa. Việc
nghe và suy gẫm Lời Chúa sẽ trở thành nguồn năng lượng và là động lực cho hoạt
động tông đồ. Chúa Giêsu còn khẳng định việc nghe và suy gẫm Lời Chúa là điều tốt
nhất và là ưu tiên nhất trong đời sống của người tín hữu. Chọn lựa ngồi bên
chân Chúa như cô Maria để lắng nghe Lời Chúa là chọn lựa khôn ngoan và là chọn
lựa tốt nhất. Vì bất cứ ai ở gần bên Chúa, ngồi dưới chân Chúa trong tư thế và
thái độ của một học trò ngoan ngoãn, sẽ đón nhận được sự dạy bảo của Chúa và
không ai có thể lấy đi mối tương quan thân tình với Chúa.
Như
đã chia sẻ ở trên, trong đời sống đức tin, nhiều người đã tỏ ra không quan tâm
hoặc đánh mất việc đón tiếp Chúa và nghe Lời Chúa. Chúa vẫn đứng ở cửa nhà,
Chúa đang gõ cửa tâm hồn, nhưng nhiều người đã cố tình bỏ qua tiếng mời gọi của
Chúa, họ khóa chặt cửa lòng không muốn để Chúa bước vào tâm hồn mình. Trong cuộc
sống, người ta không muốn cho khách vào nhà vì sợ phiền phức, sợ mất thời giờ,
mất tài sản và cũng có thể vì căn nhà luộm thuộm, dơ bẩn nên không muốn khách
bước vào. Cũng vậy, nhiều người không muốn đón Chúa vào tâm hồn vì sợ phiền phức,
sợ phải gặp Chúa, sợ mất giờ, sợ Chúa chạm đến các chỗ lỉnh kỉnh trong tâm hồn.
Nhiều
người ngày nay không khác gì cô Matta, để mình bận rộn vào quá nhiều việc : lo
cho gia đình, cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp, khiến họ không còn giờ cho
Chúa và không còn giờ để ngồi lại lắng nhe Lời Chúa dạy bảo. Cũng có những Kitô
hữu đang nhiệt thành với công việc tông đồ, nhưng đã đánh mất động lực và nguồn
năng lượng, đánh mất thói quen thường xuyên ngồi bên chân Chúa để nghe và suy gẫm.
Vì thế, công việc tông đồ của họ trở nên trống rỗng, việc bác ái từ thiện không
còn là việc được thúc đẩy bởi lòng mến, nhưng bởi cái tôi và sự háo danh của
mình.
Lời
Chúa hôm nay nhắc chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, biết chọn đâu là phần tốt
nhất cho cuộc đời mình, chọn những gì là bền vững, không bị ai lấy đi như cô
Maria đã chọn. Cuộc sống vội ngày nay khiến cho nhiều người trẻ chạy đua theo
nhịp sống xã hội, khiến họ không còn giờ để dừng lại, cũng không còn giờ để ngồi
lại bên chân Chúa để nghe Lời Ngài. Vì thế, nhiều người đã bị hổng chân, trở
nên trống rỗng trong đời sống đức tin.
Xin
Chúa cho mỗi người biết mở lòng ra để đón Chúa Thánh Thể vào tâm hồn mình mỗi
ngày, Chúa sẽ trả lại cho chúng ta gấp trăm ngàn lần sự quảng đại của chúng ta
như Chúa đã trả lại cho Apbraham. Chúa cũng sẽ chỉ cho chúng biết chọn lựa cách
sống tốt nhất cho đời sống linh hồn và cả thể xác chúng ta. Amen.
Lm.
Giuse Độ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc