CHỦ NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN B
Chúa chạnh lòng trước thảm trạng đàn chiên của Người bị các mục tử xấu bỏ rơi, không quan tâm và chăm sóc. Đó là những “kẻ bé mọn” khao khát công bình và tình yêu cần được thương xót. Thế nên Ngài tự nguyện làm mục tử của họ để dẫn họ đến gần nguồn nước trong mát. Thậm chí Ngài còn tự hiến cuộc sống cho đoàn chiên của Ngài.
Sách Tiên tri Giê rê mi a:
Chính Thiên Chúa hướng dẫn đoàn chiên của Ngài. Khi lên án các mục tử xấu đã bỏ dân tộc của Người lạc đường, Thiên Chúa loan báo chính Người sẽ đến qui tụ các chiên của Người từ khắp các nước. Lời sấm thiên sai nầy sẽ được Chúa Giê su thực hiện mỹ mãn trong GIÁO HỘI của Ngài, Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta những vị Mục tử đích thực.
Thánh vịnh 22:
Thánh vịnh nầy là khúc hát ca tụng Chúa là vị Mục tử tốt lành. Một điều chắc là Chúa Giê su và Mẹ Ma ri a đã cầu nguyện với Thánh vịnh nầy và khi Chúa Giê su loan báo trong Tin Mừng rằng Ngài là Vị Mục Tử tốt lành (Ga 10), chắc chắn Ngài ám chỉ đến thánh vịnh nầy mà tất cả mọi người do thái rất thường cầu nguyện.
Thư Ê phê sô:
Ước muốn của Đức Ki tô là qui tụ tất cả mọi người. Khi được thông phần vào Hi tế của Đức Ki tô, cuối cùng chúng ta có thể vượt qua óc đố kị, tinh thần bè phái, và chia rẻ của chúng ta. Dân ngọai và Do thái, Hồi giáo và Ki tô giáo, mọi người thuộc mọi nòi giống, màu da, ngôn ngữ, Nghèo và Giàu, tất cả hãy làm hòa với nhau trong Đức Ki tô, An bình của chúng ta và hãy hợp thành một dân tộc duy nhất hướng về Cha. Khi giải thoát chúng ta khỏi mọi tinh thần vị luật bằng THẬP GIÁ của mình, Chúa Giê su đã muốn qui tụ chúng ta lại trong TÌNH YÊU của ngài.
Tin mừng: Mc 6,30-34
NGỮ CẢNH
Chúa Giêsu xót thương đám đông dân chúng
Nhóm Mười Hai được Chúa sai đi truyền giáo (6,7-13), và giờ đây họ trở về. Giữa hai trình thuật, Mác cô kể lại truyện Gioan Tẩy Giả tử đạo (6,14-29). Sứ mạng của nhóm Mười Hai đã thành công. Quá sự mong đợi là đàng khác, vì đám đông không ngừng tiếp tục tuôn đến vây quanh Chúa Giê su. Mác cô chỉ gợi lại ánh mắt của Chúa Giê su trên đám đông: “Họ như những đàn chiên không người chăn”. Vì Ngài “chạnh lòng xót thương họ” nên Ngài giảng dạy họ nhiều điều: lời của Ngài qui tụ và hướng dẫn họ.
Từ đây khởi đầu phần mà người ta thường gọi là “phân đoạn về bánh”. Nếu để ý, ta sẽ thấy từ 6,31 đến 8,21, từ “bánh” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần (6,37.38.41.43.44; 52). Cả đoạn nầy được dẫn vào bởi đoạn 6,30-33 trong đó có nói tới việc “ăn” (6,31).
TÌM HIỂU
Các Tông Đồ: đây là đoạn Tin Mừng duy nhất của Mc gọi nhóm Mười Hai là Tông đồ. Từ nầy bởi một động từ hy lạp có nghĩa là sai phái đi, thời đó thường được dùng cho cả người cả sự vật. Dần dần mang ý nghĩa chuyên môn chỉ một vị thần linh có sáng kiến sai phái một người với đầy quyền hạn hành xử thay mặt mình. Ki tô giáo sơ khai đưa từ đó vào kho từ vựng của mình để rồi rất thường xuất hiện trong sách Công vụ và các thư Phao lô. Tông Đồ là những người được Chúa Giê su sai đi để hoạt động nhân danh Ngài và với quyền hạn của Ngài.
Kể lại: Chúa Giê su vẫn đứng ở trung tâm mọi hoạt động của các Tông đồ. Ngài đã sai họ đi, và bây giờ, họ quay trở về báo cáo cho Ngài thành quả thu lượm được như các tôi tớ với chủ mình.
Hãy lánh riêng ra: Chúa Giê su mời gọi các môn đệ tách rời khỏi đám đông đang vây quanh. Lí do được đề cập đến ở câu sau. Điều cần thiết là Chúa Giê su và nhóm Mười Hai phải có thời giờ để nghỉ ngơi, cầu nguyện, giữ khoảng cách với hoạt động và để sinh hoạt chung. Đề nghị nầy cho thấy tính cách rất nhân bản của Chúa Giê su. Sự nghỉ ngơi, thư giản, cả thời giờ suy tư và hồi tâm là những điều cần thiết cho mọi người, đặc biệt cho các người thợ làm việc cho Tin Mừng.
Cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa: Mc đã đề cập đến chi tiết nầy ở 3,20.
Thuyền: đây là phương tiện nhanh nhất giúp tránh xa đám đông và gặp gỡ nhau (4,1). Nhưng cuối cùng cũng không thành công vì đám đông đang tìm kiếm Ngài vì đang đói khát.
SỨ ĐIỆP
“Hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”
Chúa Giê su vừa sai các tông đồ đi truyền giáo để tiếp tục điều Ngài đã làm, là kêu gọi mọi người sám hối, xua đuổi ma quỉ và chữa lành bệnh nhân. Ít lâu sau, họ trở về với Ngài để tường trình những gì họ vừa trải qua. Cũng thế, ngày chủ nhật chúng ta qui tụ chung quanh Chúa, và cũng như các tông đồ, chúng ta được mời gọi tường trình cho Ngài những gì chúng ta đã làm trong một tuần lễ qua. Chúng ta nói chuyện với Ngài, cám ơn Ngài và chờ đợi những lệnh truyền mới.
Chính Chúa Giê su mời gọi chúng ta: “Anh em hãy lui vào nơi thanh vằng và nghỉ ngơi đôi chút!”. Thấy các tông đồ mệt lả sau chuyến đi, Chúa Giê su đề nghị họ nghỉ ngơi một chút. Nhiều người muốn gọi đoạn tin mừng nầy là “qui luật tin mừng về kì nghỉ hè”. Nhưng điều quan trọng nhất lại ở chỗ khác. Các tông đồ được mời gọi tách rời đám đông, không phải là trốn chạy họ mà là dành một thời gian tìm lại sức sống và tinh thần để phục vụ đám đông tốt hơn. Chính Ngài cũng thường lui vào nơi hoang địa để chuyện vãn thân mật với Thiên Chúa Cha. Nhiều khi thức thâu đêm. Đó là thời gian quí báu Ngài kín múc sức mạnh để khỏi sa vào cám dỗ ngồi yên một chỗ.
« Hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút ». Do đó, cử hành Thánh Thể là thời gian nghỉ ngơi với Chúa. Tạm bỏ lại sau lưng những lo lắng và công việc mỗi ngày, để tĩnh dưỡng và tìm lại sức mạnh nơi nguồn suối ban sự sống. Cũng như để tạ ơn Thiên Chúa vì niềm vui gặp gỡ và bồi dưỡng bên Ngài. Sống giữa môi trường ồn ào trong thế giới hiện nay, dành một ít thời gian cho mình không phải là một thứ xa xỉ. Chất lượng đời sống thiêng liêng, đặc biệt là sự quan tâm cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với người khác, nhờ đó mà được đổi mới.
Đó là điều quan trọng vì nhu cầu rất bao la: «Khi lên khỏi thuyền, Chúa Giê su thấy một đám đông bao la. Ngài chạnh lòng thương xót họ, vì họ như nhưng con chiên không có người chăn dắt ». Đám đông từ khắp nơi tuôn đến, đó là cả nhân loại, nhân loại đương thời với Ngài và hôm nay. Cũng như ngày xưa, ngày nay có những đám đông như những đàn chiên không người chăn dắt. Lẽ ra họ phải được bảo vệ bởi những vị chủ chăn đầy ý thức về trách nhiệm thiện ích chung. Nhưng tiếc thay, nhiều lúc họ chỉ tìm thấy những mục tử chỉ quan tâm đến tư lợi của mình mà lơ là ích chung của đoàn chiên. Nạn nhân chính của tình trạng đó lại là những kẻ bé miệng, những người nghèo khổ, những người đáng thương nhất.
Đó là hạng người lôi kéo sự chú ý là lòng thương xót của Chúa Giê su. Tâm hồn của Ngài xúc động trước nỗi khốn cùng của họ. Như người mẹ quặn đau trước nỗi đau khổ của con. Vì thế Ngài dành hết thời giờ để giáo huấn họ vì Ngài yêu thương họ. Ngài biết rõ hơn ai hết sự khinh bỉ mà họ phải chịu đựng. Vì thế Ngài đề cao phẩm giá con người của họ, và không cho phép ai lạm dụng lòng tin tưởng cũng như khinh bỉ, lừa đối và chia rẻ họ. Trong mỗi thánh lễ, Đức ki tô ở giữa chúng ta để tỏ lòng yêu thương của Ngài. Ngài dạy dỗ và nuôi dưỡng chúng ta bằng Bánh Sự sống. Ngài biết rõ Lời Chúa ảnh hưởng trong đời sống chúng ta như thế nào vì đó là Lời quyền năng, có sức mạnh hoán cải và soi sáng chúng ta.
Là linh mục hay giáo dân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về lời rao giảng và làm chứng cho Tin mừng. Nhưng ý thức sự yếu đuối của chính mình, chúng ta nhìn nhận rằng sứ mạng ấy vượt quá khả năng con ngưởi của chúng ta. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta đến bên Ngài để tái tạo sức mạnh và bồi dưỡng cho chúng ta. Để rồi sai chúng ta đến với những người của thời đại hôm nay, đặc biệt những ké bé miệng, những người đang khao khát công lí và hòa bình.
Đó chính là công việc mà Chúa Giê su đã làm, và còn đi trước chúng ta trong tâm hồn của những người mà Ngài đặt trên con đường chúng ta. Trong thế giới mất phương hướng và đầy xáo trộn ngày hôm nay, chúng ta được sai đi để làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài không đòi chúng ta phải làm cho người khác tin, nhưng loan báo tình yêu say mê của Thiên Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ. Vì thế, chúng ta hãy trở nên những sứ giả mang tin vui và niềm hi vọng. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa đặt trong tâm hồn chúng ta tình yêu và lòng thương xót đối với những con chiên không có chủ chăn.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Giêrêmia là ai?
THƯA: Tiên tri Giêrêmia được xếp vào hàng bốn tiên tri lớn gồm Isaia, Giêrêmia, Êdêkiên và Đaniên. Sở dĩ ông được gọi là tiên tri lớn bởi vì sách Giêrêmia là một tác phẩm lớn gồm 53 chương. Ông sống cùng thời với tiên tri Êdêkiên, xuất thân từ gia đình tư tế và được Thiên Chúa gọi từ lúc thiếu niên thời vua Giô-si-a, và hoạt động tại Giê-ru-sa-lem (628 tr. CN). Sứ vụ của ông kéo dài khoảng 40 năm. từ năm 626 trước công nguyên đến ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá 587.
2. HỎI: Nội dung sách tiên tri có gì độc đáo?
THƯA: Nội dung sứ điệp của Giêrêmia có thể tóm tắt như sau: Ông lên án việc sùng bái ngẫu tượng và tôn giáo vụ hình thức; tiên báo về Giao ước mới mà Thiên Chúa sẽ thiết lập. Tuy nhiên điểm độc đáo của sách Giêrêmia là thường sử dụng câu “Đức Chúa phán thế nầy” đến 338 lần để nhấn mạnh rằng lời tiên tri nói đích thực là Lời Thiên Chúa. Giống như các vị tiền nhiệm, Giêrêmia tiên báo vương triều Đavít được phục hồi, không những về chính trị mà còn trên bình diện tôn giáo và luân lí theo những bó buộc của Giao Ước.
3. HỎI: Bối cảnh lịch sử như thế nào?
THƯA: Bấy giờ tình hình chính trị và tôn giáo có nhiều xáo trộn và bất ổn. Giê-rê-mi đã sống trải qua 40 năm bi thảm nhất trong lịch sử, là lúc nền quân chủ tàn lụi và chấm dứt, đất nước suy vong. Dù là con người thích sống nội tâm, cô đơn, nhưng đứng trước thảm trạng Isael đang bị băng hoại từ bên trong và bị quân đội ngoại bang hùng mạnh đe doạ từ bên ngoài, ông cũng lên tiếng báo trước Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và hướng dẫn mọi người đặt niềm tin tưởng và hi vọng vào sự giải cứu trong tương lai.
4. HỎI: Mục tử là hình ảnh chỉ ai?
THƯA: Mục tử là hình ảnh quen thuộc các dân vùng Trung Đông dùng để ám chỉ đến các Vua. Vương trượng chính là cây gậy mục tử. Ở Ít ra ên, hình ảnh mục tử được đặc biệt áp dụng rất xứng hợp cho Vua Đa vít, trước kia là người chăn chiên. Mãi về sau nầy, người ta vẫn thường nhắc đến ông như là mẫu mực cho các Vua đời sau bắt chước: một vị minh quân là người giống như mục tử chăm lo an ninh và thịnh vượng cho đàn chiên, dân tộc mình.
5. HỎI: Trong thực tế lịch sử như thế nào?
THƯA: Bất hạnh thay, lịch sử vương triều Ít ra ên trải qua rất nhiều biến động, nếu có những mục tử tốt như Vua Giôsia, thì cũng có nhiều những mục tử xấu nhiều tai tiếng như Vua Manassê.
6. HỎI: Trong bài đọc 1, Giêrêmia nói gì?
THƯA: Đoạn sách mà chúng ta đọc hôm nay nhắm đến các vị vua cuối cùng của Giêrusalem: ‘Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác . Các ngươi xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng’. Thiên Chúa yêu thương dân Ngài như Mục tử yêu thương đàn chiên của mình. Ngài luôn mong muốn cho đàn chiên an lành, nhưng khốn nỗi, đàn chiên giờ đây thiếu vắng người chăm sóc. Những mục tử Ngài đặt lên đã không quan tâm đến đàn chiên, mà chỉ lo tìm tư lợi cho mình. Chính vì thế mà các tiên tri đã loan báo một vị Minh quân sẽ sinh ra để dẫn dắt đàn chiên của Chúa. Như thế, ngay từ Cựu Ước, hình ảnh người mục tử đã trở thành một trong những cách nói diễn tả sự chờ đợi Đấng Thiên sai.
7. HỎI: Tại sao Thiên Chúa sẽ chăm sóc chúng?
THƯA: Vì chính Ngài là Mục tử đích thực duy nhất của Ít ra ên: ‘CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.’(Tv 23,1). Và quan tâm duy nhất của Ngài là qui tụ mọi người trong đàn chiên duy nhất.
8. HỎI: Còn tiên tri Giê rê mia thì sao?
THƯA: Tiên tri Giê rê mia cũng thuộc trong số các tiên tri đó. Như trong bài đọc một: ‘Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa’ (Gr 23,3-4).
9. HỎI: Tiên tri Giê rê mia diễn tả niềm hi vọng ấy như thế nào?
THƯA: Thánh kinh thường diễn tả niềm hi vọng ấy qua hình ảnh ‘chồi non’. Nhưng các tiên tri như Isaia, Giê rê mia, Da ca ria nói đến một niềm hi vọng chính xác hơn: là cuối cùng nhìn thấy các lời Thiên Chúa hứa với Đa vít được thực hiện, nghĩa là Đấng Messia sẽ đến. Vì thế, ‘chồi non Đa vít’ đồng nghĩa với Đấng Messia. ‘Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực’ (Gr 23,5).
10. HỎI: Tiên tri muốn ám chỉ điều gì khi nhắc tới Giu đa và Ít ra ên?
THƯA: Khi nói: ‘Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn.’, tiên tri muốn loan báo ngày hai vương quốc sẽ được thống nhất.
11. HỎI: “Một chồi non chính trực’ nghĩa là gì?
THƯA: Chồi non báo hiệu một sức sống mới, là một hình ảnh khác nói lên niềm hi vọng vào Đấng Thiên sai sẽ đến. Các tiên tri đã coi đó như là sự hoàn thành các lời Thiên Chúa hứa với Đa vít. Vì thế “Chồi non (Đa vít)” trở thành đồng nghĩa với Đấng Thiên sai. Lời tiên tri về chồi non chính trực nầy mang lại niềm hi vọng phấn khởi cho những người đang đối mặt với một thực tế đau thương của lưu đày: “Bấy giờ, Giu đa sẽ được cứu thoát, Ítraên sẽ được sống yên hàn”.
12. HỎI: Lời sấm ‘chồi non Đa vít’ ấy nhắm đến ai?
THƯA: Lời sấm chồi non Đa vít nhắm đến Đức Ki tô, Ngài là người mục tử đích thực đến để thay thế các mục tử xấu và thực hiện lời hứa về gương cuả Ngài.
13. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mc 6, 30-34) như thế nào?
THƯA: Nhóm Mười Hai được Chúa sai đi truyền giáo (6,7-13), và giờ đây họ trở về. Giữa hai trình thuật, Mác cô kể lại truyện Gioan Tẩy Giả tử đạo (6,14-29). Sứ mạng của nhóm Mười Hai đã thành công. Quá sự mong đợi là đàng khác, vì đám đông không ngừng tiếp tục tuôn đến vây quanh Chúa Giê su. Thấy họ như những đàn chiên không người chăn, Ngài ‘chạnh lòng xót thương họ’ nên Ngài giảng dạy họ nhiều điều: lời của Ngài qui tụ và hướng dẫn họ.
14. HỎI: Trong chuyến truyền giáo đầu tiên, các tông đồ đã làm gì?
THƯA: Trong chuyến truyền giáo đầu tiên, các tông đồ đã lặp lại chính xác những gì họ đã thấy Chúa Giê su làm: chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỉ, giảng dạy dân chúng. Qua đó, thánh Mác cô muốn cho thấy sứ mạng của nhóm Mười Hai nối tiếp sứ mạng của Chúa Giê su.
15. HỎI: Tại sao thánh Mác cô gọi các môn đệ là tông đồ khi mô tả chuyến trở về từ cánh đồng truyền giáo?
THƯA: Đây là nơi duy nhất tin mừng Mác cô gọi nhóm Mười Hai là ‘Tông đồ’. Từ trước tới giờ, thánh Mác cô luôn gọi họ là môn đệ. Nhưng khi họ từ chuyến truyền giáo trở về, thì Mác cô gọi họ là Tông đồ,tức là những người được Thiên Chúa sai đi. Điều đó có nghĩa là từ nay, họ chia sẻ sứ mạng của Chúa Giê su.
16. HỎI: Sau khi trở về, Chúa Giê su đã đề nghị họ điều gì?
THƯA: Chúa Giê su đề nghị họ lánh riêng ra đến một một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút. Chính Chúa Giê su cũng làm như thế: sau một ngày làm việc, ban đêm Ngài lui vào một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi và cầu nguyện (1,21-34). Ngài trốn vinh quang thành công của trần gian và dành thời gian để tìm lại sức sống. Vì thế, giờ đây Chúa Giê su đề nghị các tông đồ trốn đám đông để tái nạp năng lượng cho việc phục vụ tốt hơn.
17. HỎI: Khi viết ‘Đám đông chạy theo Chúa Giê su’ Mác cô muốn nói gì?
THƯA: Tin mừng Mác cô luôn nhấn mạnh đám đông có mặt khắp mọi nơi tìm kiếm Chúa Giê su để lắng nghe Ngài giảng dạy (2,13; 4,1; 6, 56). Điều đó cho thấy nhu cầu truyền giáo thật lớn lao.
18. HỎI: ‘Chạnh lòng thương’ là sao?
THƯA: Để diễn tả cảm xúc của Chúa Giê su chạnh lòng thương đám đông, thánh Mác cô dùng từ diễn tả một tâm tình sâu xa phát xuất từ lòng dạ và diễn đạt ra bên ngoài bằng một hành động dành cho ai đó. Từ đó tương đương với từ rahamim(“rahamim” = lòng mẹ, bởi từ ‘rehem’ = tử cung),trong tiếng Híp pri, diễn tả lòng Thiên Chúa thương xót. Điều đó muốn nói rằng Chúa Giê su cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người, lòng thương xót đã khiến Ngài phải sai Con Ngài xuống thế gian.
19. HỎI: Chạnh lòng thương xót đám đông, Chúa Giê su đã làm gì?
THƯA: Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều, rồi sau đó Ngài hóa bánh ra nhiều cho họ ăn (6,35-44). Dạy dỗ và nuôi ăn là hai cách nuôi sống bổ túc cho nhau. Ở đây chúng ta nghe vang vọng những lời trách cứ của Giêrêmia về các mục tử xấu, và hướng lòng người ta chờ đợi một Đấng Thiên sai đích thật biết quan tâm chăm sóc đàn chiên, và Mác cô cho thấy Đấng ấy đang ở giữa chúng ta.
20. HỎI: Chúa Giê su là hình ảnh mục tử Thiên Chúa Cha như thế nào?
THƯA: Chúa Giê-su là hình ảnh ‘trung thực’ của Mục tử là Thiên Chúa Cha là Đấng không muốn một con chiên nào bị bỏ rơi và phải khổ sở. Trái lại Người muốn tất cả mọi con chiên đều được yêu thương và chăm sóc tận tình. Tình thương mục tử ấy đã được thể hiện nơi sứ vụ Chúa Giê su. Vì chạnh lòng thương đoàn chiên mà Đức Giê-su chữa lành các bệnh nhân, xua đuổi ma quỉ và làm các phép lạ. Vì chạnh lòng thương dân chúng mà Đức Giê-su đứng về phía dân nghèo, bênh vực quyền lợi của họ, làm bạn với hạng tội lỗi và sau cùng là chết trên thập giá để cứu chuộc tất cả nhân loại.
21. HỎI: Lòng thương xót có nghĩa gì?
THƯA: Lòng thương xót có hai nghĩa cơ bản. Nghĩa thứ nhất (được diễn tả bởi tiếng Hy lạp eleos), là thái độ thương hại về sự cực khổ của kẻ khác; một con tim nhạy cảm với những túng thiếu của kẻ khác.
Nghĩa thứ hai(liên kết với tiếng Do thái rahamim, có nguồn gốc trong lòng mẹ) là tình yêu mẫu tử của Thiên Chúa. Lòng thương xót này là gì? Thánh Bernarđô giải thích lòng thương xót khi nói Thiên Chúa yêu chúng ta không phải tại chúng ta tốt và đẹp, nhưng bởi vì tình yêu của Người làm chúng ta nên tốt và đẹp, đó đích thực là tình yêu mẫu tử của Thiên Chúa.
22. HỎI: Sứ điệp hôm nay là gì?
THƯA: Thiên Chúa yêu thương loài người như người mục tử chăm sóc và mốn cho đàn chiên được an lành. Tuy nhiên, sau khi các mục tử Ngài đặt lên đã không làm tròn bổn phận, Ngài đã sai Chúa Giê su đến để tập họp mọi người lại trong đàn chiên duy nhất. Chúng ta được mời gọi sống Lời Chúa để biết “xót thương” những ai cần được xót thương để đàn chiên ngày càng trở nên duy nhất dưới vị Mục tử nhân ái là Chúa Giê su.
23. HỎI: Chúng ta phải thực thi sứ điệp hôm nay như thế nào?
THƯA: Để thực thi sứ điệp Lời Chúa qua ba bài Sách Thánh, mỗi người chúng ta phải:
-Học biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm lo cho mọi người.
-Học cùng Chúa Giê-su mà biết “chạnh lòng thương” khi đứng trước nhu cầu vật chất và tinh thần của những người sống chung quanh.