Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVI Thường Niên B
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34
KHIÊM HẠ VÀ NHIỆT TÌNH PHỤC VỤ NOI GƯƠNG MỤC TỬ GIÊSU
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Mc 6,30-34.
(30) Các Tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (31) Người bảo các ông : “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. (32) Vậy, Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. (33) Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. (34) Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
2. ÝCHÍNH :
Đức Giê-su là một mục tử tốt lành. Người đã bảo các môn đệ đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi sau những ngày truyền giáo vất vả. Nhưng khi thuyền cập bến, thấy đám đông dân chúng từ xa kéo đến muốn được nghe giảng Tin Mừng thì Người lại “chạnh lòng xót thương” nên không nghỉ ngơi nữa để tiếp tục phục vụ họ.
3. CHÚ THÍCH :
-C 30-31 : + Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su và kể lại cho người biết mọi việc : Sau cuộc thực tập truyền giáo, các Tông Đồ đã họp lại quanh Thầy để báo cáo công tác rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối (x. Mc 6,12), hành động trừ quỉ và xức dầu chữa bệnh nhiều người đau ốm (x. Mc 6,13). + Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút : Lời này cho thấy Đức Giê-su cảm thông với nỗi vất vả của các Tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian thư giãn để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. + Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống: Dân chúng kéo tới tấp nập gợi lên hình ảnh dân Ít-ra-en xưa đã đi theo Mô-sê trong hoang địa Xi-nai trên đường về Đất Hứa. Đây cũng là kết quả cụ thể của cuộc hành trình truyền giáo vừa qua của các Tông đồ : Các ông đã làm cho người ta nhận biết Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và khao khát đi tìm Người để được ơn cứu độ.
-C 32-33 : + Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng : Đức Giê-su muốn cho các Tông Đồ vào nơi thanh vắng để họ được sống thân tình với Người và được hồi phục sức khỏe thể xác tâm hồn. + Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài : Thấy thầy trò lên thuyền, nhiều người đoán các ngài sẽ đến miền Bét-sai-da và Giu-li-a cách đó chừng 10 cây số. Họ không ngại đường xa, đi bộ ven bờ hồ và đến nơi trước các ngài. Khi đã yêu mến Chúa thì tình yêu ấy sẽ thôi thúc người ta vượt qua trở ngại để đến với Người, như lời Thánh Phao-lô : “Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14).
-C 34 : + Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương : “Chạnh lòng thương” hay “Động lòng trắc ẩn”, là một tình cảm sâu xa bắt nguồn từ nội tâm và biểu lộ ra bằng hành động. Tin Mừng đã nhiều lần thuật lại các phép lạ Đức Giêsu làm do động lòng thương” như : Chữa hai người mù tại Giê-ri-cô (x. Mt 20,34), phục sinh con trai bà góa thành Na-in (x. Lc 7,13), chữa một đứa bé mắc bệnh động kinh vì bị quỷ ám (x. Mc 9,22). + Vì họ giống như đoàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt : Đây là hình ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Những người đầu mục là các tư tế và các kinh sư, lẽ ra phải dạy dỗ dân thì lại lười biếng và chỉ lo tìm kiếm tư lợi như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên đó sao ? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt : Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; Chiên bệnh tật các ngươi không chữa lành; Chiên bị thương các ngươi không băng bó; Chiên đi lạc các ngươi không đưa về; Chiên bị mất các ngươi không đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta vì thiếu mục tử chăn dắt nên biến thành mồi ngon cho dã thú, chúng chạy toán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,1-6). + Và người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều : Đức Giêsu đặt nặng sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời, nên khi cần, Người sẵn sàng vượt qua chương trình nghỉ ngơi đã định trước. Tin Mừng Lu-ca viết: “Đức Giê-su tiếp đón họ, nói về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa” (Lc 9,11).
4.CÂU HỎI :
1) Các Tông Đồ đi truyền giáo về đã họp lại báo cáo những gì với Đức Giê-su ?
2) Câu nào cho thấy Đức Giê-su luôn nghĩ đến người khác, nghĩ đến nỗi vất vả của các Tông Đồ khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời ?
3) Kết quả cụ thể của cuộc hành trình truyền giáo của các Tông Đồ là gì ?
4) Đức Giê-su muốn cho các Môn đệ vào nơi thánh vắng để làm gì ?
5) Dân chúng biểu lộ lòng yêu mến Đức Giê-su và hâm mộ nghe lời Người giảng qua hành động nào ?
6) Chạnh lòng thương nghĩa là gì ? Tin Mừng ghi nhận Đức Giê-su làm gì khi “chạnh lòng thương” dân chúng ?
7) Tin Mừng dùng hình ảnh nào để diễn tả sự đáng thương của dân chúng lúc đó ? Ngôn sứ Ê-dê-ki-en tuyên sấm Lời Thiên Chúa quở trách các mục tử Ít-ra-en như thế nào ?
8) Đức Giê-su đã làm gì để đáp ứng nhu cầu của dân chúng ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.- “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,31.34) :
2. CÂU CHUYỆN: HAI THÁI ĐỘ PHỤC VỤ PHÁT SINH HAI HIỆU QUẢ KHÁC NHAU:
PRI-MƠ-NĂNG (Premanand) là một Ki-tô hữu thuộc tầng lớp quí tộc Ấn Độ, đã ghi lại kinh nghiệm truyền giáo trong cuốn tự thuật sau : “Từ xưa đến nay, sứ điệp được các tín hữu chúng ta nói với anh em lương dân là : “Thiên Chúa luôn ưu ái quan tâm đến hết mọi người. Tôi có một số kinh nghiệm về vấn đề này như sau : Bản thân tôi hay bất cứ ai trong số các linh mục tu sĩ khi giao tiếp với người Ấn Độ có trình độ cao, theo đạo rồi hay chưa, mà lại có thái độ nóng nảy miễn cưỡng… với lý do không có giờ rảnh, hoặc sắp đến giờ cơm hay giờ nghỉ trưa … thì sau đó chắc chắn tôi sẽ bị mất liên lạc với người ấy, vì họ sẽ bất mãn bỏ đi và không bao giơ quay trở lại nữa !”.
PRI-MƠ-NĂNG tiếp tục đề cập đến câu chuyện về một vị giám mục người ngoại quốc lúc đó đang cai quản giáo phận Băng-gan thuộc Ấn Độ như sau : Một hôm, ông PĂNG-ĐI VI-ĐI-SA-GA (Pandit Vidyasagar); sáng lập viên trường cao đẳng Ấn Độ, là nhà cải cách giáo dục và xã hội có tiếng. Ông được các người theo Ấn giáo ở Can-quít-ta (Calcutta) cử đi thăm viếng giao hảo với cộng đồng Giáo hội Công giáo mà vị giám mục là đại diện. Nhưng sự việc đã xảy ra lại thật đáng tiếc : Vị giám mục đã không trực tiếp gặp gỡ phái đòan, mà chỉ sai linh mục thư ký ra tiếp qua loa, khiến ông PĂNG-ĐI ra về với tâm trạng bất mãn vì nghĩ mình bị coi thường. Sau đó, ông ta đã thành lập một đảng phái tôn giáo lớn, gồm nhiều thành phần xã hội ở Can-quít-ta như quí tộc, trí thức, những người giàu có và có thế lực … Đảng này thề chống lại Giáo hội Công giáo, và tìm mọi cách ngăn chặn sự bành trướng của Ki-tô giáo tại nước Ấn Độ.
3. THẢO LUẬN:
Một thanh niên kia tính tình ngang bướng đã gặp nhiều khó khăn khi tiến hành thủ tục hôn phối. Sau khi lấy được vợ, anh luôn cảm thấy uất ức và căm ghét đạo Công giáo, đặc biệt là các vị mục tử. Anh cho biết lý do bỏ đạo như sau :”Tôi đã gặp bao nhiêu phiền hà về thủ tục hành chành nơi các viên chức ngòai đời. Hy vọng sẽ gặp được thái độ khoan dung nhân ái nơi các vị mục tử trong đạo. Nhưng một lần nữa tôi lại gặp phải bao nhiêu rắc rối phiền hà về thủ tục hành chánh trong đạo !” Từ đó anh không thèm đi nhà thờ dự lễ Chúa Nhật mà đưa vợ con đến các buổi giảng Thánh kinh tại nhà thờ Tin Lành gần đó. Về sau, khi được một bà cô đạo đức khuyên bảo thì anh đã trả lời như sau : “Cháu cám ơn cô đã khuyên bảo. Nhưng từ nay xin cô đừng bao giờ nói về đạo với cháu nữa. Vì từ khi cháu bỏ được cái đạo Công Giáo này, cháu cảm thấy tâm hồn thật thoải mái bình an, giống như trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân. Xin cô thông cảm và cho cháu được tự do theo ý cháu muốn !”.
1) Theo bạn, lý do chàng thanh niên trong câu chuyện trên nêu ra để biện minh cho việc bỏ đạo là đúng hay sai ? Tại sao ?
2) Bạn sẽ phản ứng thế nào nếu gặp phải hòan cảnh như chàng thanh niên trên để chứng tỏ bạn có một đức tin trưởng thành ?
4. SUY NIỆM:
Thật đáng tiếc khi chỉ vì cách ứng xử thiếu khôn ngoan tế nhị của người có trách nhiệm trong Giáo hội mà một cơ hội thuận lợi cho việc truyền giáo đã bị bỏ qua ! Chính do thái độ câu nệ hình thức và quan liêu của một vị mục tử đã biến một con người đang có thiện chí muốn giao hảo trở thành một kẻ thù nguy hiểm cho Hội thánh sau này. Ngày nay vẫn không thiếu những cách xử sự cứng nhắc vụ luật, thiếu cảm thông và thiếu bác ái của một vài vị mục tử, trái với thái độ dấn thân phục vụ và biết “chạnh lòng xót thương” của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay. Người không nặng lời trách mắng và từ chối những người tội lỗi công khai đến với mình, không ngại tiếp xúc và tận tình phục vụ những người nghèo hèn đau khổ và bất hạnh. Người lắng nghe các môn đệ báo cáo công tác đã thực hiện được và sẵn sàng thích nghi thay đổi dự định nghỉ ngơi để tiếp tục công việc rao giảng và chữa bệnh cho nhiều người, vì “họ bơi vơ như bầy chiên không người chăn dắt”.
a) Ân cần phục vụ:
Mỗi người chúng ta hôm nay tuy cần phải tổ chức sắp xếp nhà cửa và sinh hoạt theo thời khóa biểu hợp lý, nhưng luôn phải ưu tiên cho việc loan báo Tin mừng. Những ai có trách nhiệm phục vụ cộng đoàn cần phải tránh lối hành xử quan liêu, cứng nhắc và thiếu bác ái mục tử … vì dễ gây sự bất mãn có hại cho sứ vụ loan Tin mừng. Làm cho nhiều người lương hay những người kém đức tin bị bức súc không còn muốn đến nhà thờ để gặp gỡ các vị chủ chăn.
b) Cảm thông phục vụ:
Đức Giêsu luôn thể hiện sự cảm thông với nỗi đau của con người: Người đã khóc thương thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt (Lc 19,44), Ngừơi cảm thông với tiếng khóc của một bà góa đang khóc thương đưa xác đứa con trai duy nhất đi chôn tại thành Na-im và Người đã phục sinh đứa con ấy trao lại cho bà (Lc 7,11-17); Người khóc thương anh Lazarô đã chết chôn trong mồ được bốn ngày và đã truyền cho anh hãy trỗi dậy ra khỏi mồ (Ga 11,1-14)… Đức Maria cũng thể hiện thái độ bác ái khi cảm thông nâng đỡ đôi tân hôn tại thành Ca-na. Mẹ đã cầu xin Đức Giêsu làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon để giúp đỡ cho đôi tân hôn (x. Ga 2,1-11). Thánh Phaolô cũng dạy các tín hữu chúng ta phải biết cảm thông và phục vụ tha nhân: ”Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).
c) Dấn thân phục vụ:
Đức Giêsu luôn quên mình khi phục vụ tha nhân: Người sẵn sàng đi đến nhà ông trưởng hội đường tên Gia-ia để chữa cho con gái của ông ta sắp chết (Mc 5,21-24.35-43). Người sẵn sàng đến nhà viên đại đội trưởng ngọai giáo để chữa bệnh cho người đầy tớ được ông ưu ái. Người dành tòan bộ thời gian cho việc rao giảng Tin mừng và chữa lành mọi bệnh họan tật nguyền trong dân… Trong thực hành, thái độ hy sinh quên mình phục vụ tha nhân thật không dễ làm chút nào. Chỉ khi có tình thương thực sự, chúng ta mới có thể hết mình dấn thân phục vụ tha nhân. Một bà mẹ đang nuôi con thơ, sẽ không khó chịu khi phải thức dậy nhiều lần trong đêm để dỗ dàn, chấp nhận nằm chỗ ướt trên chiếu và nhường chỗ khô ráo cho con, sẵn sàng thay đổi dự tính dành tiền đầu tư cho việc chữa trị bệnh nặng cho đứa con đau liệt. Còn chúng ta cần phải phục vụ tha nhân như thế nào trong những ngày sắp tới noi gương Đức Giêsu mục tử?
5. LỜI CẦU:
Mẹ Têrêxa Calcutta thích thinh thặng và cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha.
Lạy Thiên Chúa,Đấng ưa thích sự thinh lặng, xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ganh ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM