Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Năm Tuần XVI Thường Niên
THÊM
HAY BỚT
Lời Chúa:
Mt 13, 10-17
(10) Các môn đệ đến gần hỏi
Ðức Giêsu rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" (11)
Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời,
còn họ thì không. (12) Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa;
còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. (13) Bởi
thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà
không nghe không hiều. (14) Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm
của ngôn sứ Isaia, rằng:
Các ngươi có lắng tai
nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. (15) Vì lòng
dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt
chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa
chúng cho lành.
(16) "Còn anh em, mắt
anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. (17)
Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong
mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe,
mà không được nghe.
Suy
Niệm
Dùng ví dụ để giải thích vấn đề là một
trong những phương pháp hữu hiệu của khoa sư phạm. Những ví dụ, những câu chuyện
sinh động làm cho người nghe dễ dàng hiểu vấn đề cách thấu đáo. Đức Giê-su, một
nhà mô phạm tuyệt vời, khi Ngài dùng dụ ngôn để giảng giải cho dân chúng về mầu
nhiệm Nước Trời. Từ những điều đơn giản, những hình ảnh cụ thể, gần gũi trong
cuộc sống, Đức Giê-su đã dẫn đưa người ta đến những chân lý cao sâu của mầu nhiệm
nước trời.
Sau một loạt các dụ ngôn nói về Nước Trời
như: dụ ngôn người đi gieo giống, dụ ngôn men trong bột, dụ ngôn cỏ lùng… các
môn đệ thắc mắc với Đức Giê-su: “Sao Thầy
dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?”. Đối với các môn đệ, mầu nhiệm Nước trời
là một thực tại mà các ông đã được ơn hiểu biết trong những ngày tháng theo Đức
Giê-su, còn với những người khác, thì đó là một điều huyền bí, một cái gì khó,
không thể hiểu được. Do đám đông dân chúng chưa được nghe nói, chưa được mạc khải
những về mầu nhiệm ấy nên Đức Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng giải cho họ,
và Ngài cũng ân cần giải thích cho các môn đệ: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”.
Ngày nay, khi đứng trước những người ngoại giáo, những người dự tòng đôi lúc ta
cũng có thái độ như những môn đệ trong trình thuật Tin mừng hôm nay, ta thấy những
điều họ không hiểu, những điều họ thắc mắc thật dễ hiểu đối với ta. Chúng ta có
biết đâu rằng: bao nhiêu năm chúng ta được nuôi dưỡng trong đời sống đức tin,
bao nhiêu bài học giáo lý đi qua cuộc sống của chúng ta. Niềm tin của chúng ta
được lớn lên và đong đầy bằng những biến cố cuộc đời. Vì thế, chúng ta chỉ có
thể hiểu được, cảm nghiệm được chính Chúa khi chúng ta bước đi theo Ngài, dấn
thân vào trong hành trình yêu thương của Ngài. Chúng ta chỉ có thể hiểu được những
mầu nhiệm Ki-tô giáo khi chúng ta là một Ki-tô hữu. Tuy nhiên, cũng có những điều
chúng ta chỉ có thể hiểu được khi chính bản thân chúng ta đối diện với Đức
Giê-su, sống và tin vào Đức Giê-su.
Người Ki-tô hữu khi đã sống niềm tin của
chính mình, thực hành những điều mình tin thì đời sống đức tin và những hiểu biết
về Đức Giê-su sẽ ngày càng phong phú hơn: “Ai
đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang
có, cũng sẽ bị lấy đi”. Thật vậy, nhiều người có sẵn những khả năng thiên
phú, thì năng lực của họ sẽ ngày càng phong phú hơn khi mỗi ngày họ luôn trau dồi
những khả năng họ đang sở hữu được.Họ luôn biết nắm bắt cơ hội để phát triển
chính mình, phát triển khả năng sẵn có của mình. Nếu không trau dồi, những khả
năng đó sẽ dần mai một đi và đôi khi biến mất. Trong đời sống thiêng liêng,
chúng ta cũng cần mài giũa chính mình qua những biến cố hằng ngày với con mắt đức
tin. Để được “cho thêm”, chúng ta cần thiết lập tương quan thân mật và lâu bền
với Chúa, cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong chính cuộc
đời mình. Khi đó chúng ta sẽ được Chúa đổ đầy vào cuộc đời chúng ta những ân huệ
thiêng liêng của Chúa. Nếu biết mở lòng ra đón nhận những ân huệ của Thiên
Chúa, chúng ta càng có thêm sức mạnh từ chính Chúa. Ngược lại, không trau dồi
chính mình, không biết mở lòng đón nhận những ân huệ của Chúa thì những ân sủng
có sẵn trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng sẽ chẳng thêm được chút nào
và càng ngày ta càng xa rời Thiên Chúa.
Trước những thách đố của đời sống đức
tin, những khó khăn của việc thực thi lời Chúa, ta cần tìm đến chính Chúa, theo
Chúa trong tin yêu để Ngài đong đầy vào cuộc đời chúng ta những ân sủng tình
yêu của Ngài. Chúng ta cũng biết mở lòng đón nhận chính Chúa và đừng làm lu mờ
những điều Chúa đã dành sẵn cho chúng ta, bởi lẽ: “Con người nghe lời Thiên
Chúa mà bịt mắt bưng tai là tự giết chính mình” (Kinh Sách thứ Năm tuần XV thường
niên).
Nt. Maria Phương Trâm, ĐMPC