CHỦ NHẬT 16 TN A
THIÊN CHÚA KIÊN TRÌ VÀ ĐẦY KHOAN DUNG
Nước Trời
không đến trong sức mạnh, nhưng được hình thành giữa lòng nhân loại tội lỗi được
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA dần dần chuyển hoá. Do đó vấn đề không phải là loại bỏ phân
rác để cành hoa khoe sắc, mà là tin tưởng làm việc để từ rác rưởi ấy phát sinh
những cánh hoa rực rỡ! Đó là điều mà Thiên Chúa đang thực hiện bằng cách ban THẦN
KHÍ của Người trong chúng ta.
Sách Khôn Ngoan 12, 13.16-19
Chúa nhìn bằng
ánh mắt bao dung bởi vì Người yêu thương chúng ta. Ngài dạy chúng ta rằng “Người
công chính” phải tốt và cảm thông với đồng loại để không xét đóan họ nhưng kiên
trì hoạt động. Chính trong sự kiên trì và khoan dung của Chúa mà niềm hi vọng của
Dân Thiên Chúa nẩy mầm và vươn lên mạnh mẽ.
Thánh Vịnh 85
Thánh Vịnh nầy
là tiếng kêu của một người đôi mắt mờ dần trong hành trình cứu độ. Đó là lời
van xin của một tâm hồn tuyệt vọng cầu cứu Thiên Chúa từ nhân và tốt lành không
ngừng tha thứ, chữa lành và cứu thoát.
Thư Rôma 8, 26-27
Bằng hai câu
đầy cảm xúc, Thánh Phao lô nhắc lại rằng Thần khí mà Chúa Giê su đã đặt trong
tâm hồn chúng ta muốn hướng mọi lời cầu nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa Cha.
Không ai khác hơn là Thần khí biết rõ Thánh ý của Cha. Người muốn can thiệp để
giúp đỡ chúng ta bằng những tiếng rên rỉ mà chúng ta phải bắt chước để dâng lên
cho Cha.
Tin mừng Mt 13, 24-43
NGỮ CẢNH
Đoạn Tin mừng
nầy tiếp tục diễn từ các dụ ngôn tuần trước. Chúa Giê su phải đối đầu với sự
thù hằn càng ngày càng gay gắt của các ký lục và biệt phái và giới lãnh đạo Do
thái giáo thời ấy. Tuy thế, lời giảng dạy của Ngài vẫn giữ được vẻ giản đơn,
giàu hình ảnh và lấy hứng từ khung cảnh đồng nội của xứ Palestina.
Tin mừng nầy
gồm 3 dụ ngôn Chúa Giê su nói với đám đông, và phần giải thích dụ ngôn cỏ lùng
cho các môn đệ.
Chúng ta có
thể đọc đoạn tin mừng nầy theo bố cục sau:
1. Trình bày
dụ ngôn : cc. 24-30
2. Lý do giảng
dạy bằng dụ ngôn: cc 34-35
3. Giải
thích dụ ngôn: cc. 36-43
Ba dụ ngôn gồm
có: dụ ngôn cỏ lùng và giống tốt (13,24-30), dụ ngôn hạt cải (13,31-32), và dụ
ngôn nắm men (13,33). Tất cả nhằm cho thấy Thiên Chúa là Đấng khoan dung, dành
nhiều thời gian cho những người tội lỗi để họ hoán cải. Ngài tỏ ra kiên nhẫn chờ
đợi cho điều tốt lành được lớn lên và phát huy ảnh hưởng trên thế gian.
TÌM HIỂU
Nước Trời ví
như chuyện..: Dụ ngôn người gieo giống cho thấy việc nẩy mầm của Nước Trời sẽ gặp
nhiều thất bại, một phần lớn hạt giống bị mất đi; còn dụ ngôn cỏ lùng thì khẳng
định hãy kiên nhẫn chờ đợi, đừng nóng vội hành động quá sớm trước thời gian ấn
định nhằm diệt trừ sự dữ trước mùa gặt.
Cỏ lùng: Một
loại cỏ độc, là tên gọi chung tất cả các loại cỏ độc hại. Cỏ lùng có thân giống
như lúa, nhưng không cao quá một mét. Cỏ lùng bị đốt cháy là hình ảnh hình phạt
cuối cùng phân rẽ người tốt và kẻ xấu.
Cứ để cả hai
cùng lớn lên cho tới mùa gặt: Chúng ta hãy chú ý đến thái độ rất tự tin của ông
chủ ruộng trước sự việc bất lợi xảy ra cho ông. Ông biết rõ rằng cỏ lùng là do
kẻ thù gieo, nên tin tưởng vào sức mạnh của hạt giống tốt mà cỏ lùng không tài
nào diệt được. Ông không hề nao núng trước những nguy cơ có thật khiến cho hạt
giống chết đi như đã mô tả ở dụ ngôn trước.
Mùa gặt
(c.30): Hình ảnh Kinh thánh truyền thống để chỉ lúc tận cùng thời gian, thưởng
phạt kẻ lành người dữ.
Tuy nó là loại
nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống: Sự nhỏ bé của hạt cải ở Palestina thì ai
cũng biết: nhỏ nhất trong các loại hạt được gieo trồng. Nhưng khi thành ‘cây’,
thì nó lại cao đến 2 hay 3 mét, không loại cải nào có thể sánh bằng.
Nó trở thành
‘cây’: Trong CƯ, ‘cây có chỗ cho chim trời nương náu’ là hình ảnh thường dùng để
chỉ một vương quốc hùng mạnh bảo đảm được an ninh cho thần dân của mình (Ed
17,23; 31,6; Đn 4,9;11,18). Trong văn chương khải huyền cũng như Rabbi, ‘chim’
minh họa hình ảnh từng đoàn người dân ngoại tuôn đến. Ở đây, Mt muốn nhấn mạnh
đến đặc tính cánh chung (và giáo hội) của dụ ngôn khi phóng đại thân thảo to lớn
thành thân cây.
Nắm men bà
kia lấy vùi.. ba thúng bột: Vùi là che dấu. Ba thúng bột là một khối lượng rất
lớn, khoảng 60-70 kí lô, đủ làm bánh nuôi trên 150 người ăn! Rõ ràng đây là bữa
tiệc lớn, bữa tiệc cánh chung. Chủ ý của Mt là muốn nhấn mạnh đến hiệu quả phi
thường của một nắm men nhỏ nhưng có sức làm dậy một thúng bột to. Cũng thế, sức
mạnh của Nước trời thật vô song, lan rộng thống trị khắp nhân loại, dù bước đầu
và dáng vẻ bề ngoài xem ra yếu ớt.
Tất cả các
điều ấy, Chúa Giê su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với
họ mà không dùng dụ ngôn: Trong câu nầy, cần lưu ý hai điều: không phải lúc nào
Chúa Giê su cũng dùng dụ ngôn mà dạy dỗ, nhưng khi dạy về Nước Trời cho dân
chúng, ngài luôn dùng dụ ngôn. Tại sao? Để tránh mọi hiểu lầm về một Nước Trời
có tính cách phàm tục.
Hạt giống tốt,
đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần: Kiểu phân chia nhân loại
ra làm hai khối đối nghịch như thế rất thường thấy trong Do thái giáo đương thời.
Cả hai sống chung lẫn lộn với nhau, và các môn đồ không có quyền tách biệt ra.
Như người ta
nhặt cỏ lùng: Trong chính dụ ngôn, điểm nhắm là quyết định của ông chủ để cỏ
lùng mọc chung với lúa cho tới mùa gặt, còn trong phần giải thích, điểm mà tác
giả nhắm là mùa gặt tương lai, là số phận đời đời của cỏ lùng và lúa tốt. Viết
như vậy, có lẽ Mt muốn cảnh giác các tín hữu rằng: việc gia nhập vào Giáo hội
chưa bảo đảm ơn cứu độ cuối cùng, vì còn có một cuộc phán xét chung thẩm sẽ quyết
định vận mạng tất cả mọi người.
SỨ ĐIỆP
Câu chuyện về
cỏ lùng lan tràn trên đám ruộng mà tin mừng nói đến hôm nay, ai trong chúng ta
cũng đều biết rõ. Giáo huấn hôm nay tiếp nối dụ ngôn về người gieo giống của chủ
nhật tuần rồi.
Hạt giống là
Lời Thiên Chúa hào phóng vươn vãi khắp nơi trên mảnh đất, đó là tình yêu của
Ngài trao ban cho tất cả mọi người không lọai trừ ai. Đất tốt hay xấu, chính là
mỗi người trong chúng ta, là thế giới trong đó chúng ta đang sống. Đó là nơi hạt
giống tốt được gieo. Nhưng rồi nó bị cỏ lùng lấn át. Tìm mọi cách tiêu diệt cỏ
lùng ngay là một việc làm chẳng những vô ích vì mà còn có nguy cơ làm hại những
đám lúa tốt.
Chúa Giê su
kể cho chúng ta nghe dụ ngôn nầy trước hết là để tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa
là ai. Như chúng ta, Ngài thấy cỏ lùng trong ruộng. Ngài thấy bạo lực, thù hằn,
bất công, thiếu văn minh, trục lợi bất chính đủ mọi thứ. Đứng trước thảm trạng
trên đây, nhiều người phản ứng nóng vội, thiếu kiên trì, muốn giải quyết ngay.
Vì thế chúng ta được mời gọi trở về với Lời Chúa Giê su.
Trước tiên,
Tin mừng nhắc chúng ta nhớ rằng sự dữ không đến từ Thiên Chúa. Ngài không có
trách nhiệm về những bạo lực, sự phân biệt chủng tộc, hay sự gia tăng tội phạm
mà người yếu phải gánh chịu. Khi tạo dựng thế gian và tất cả những gì hiện hữu,
“Thiên Chúa thấy rằng tất cả mọi sự đều tốt đẹp” (St 1). Người ta cũng không thể
cáo buộc Người đã làm hư công trình của mình. Chắc hẳn, hơn ai hết, Thiên Chúa
hiểu rằng sự đau khổ có thể bào chữa và cắt nghĩa tiếng kêu phản loạn của chúng
ta. Chúng ta dễ dàng cho rằng: “Nếu Thiên Chúa hiện hữu, Người đã không cho
phép điều đó xảy ra”.
Tin mừng chỉ
rõ rằng người gieo cỏ lùng chính là ma quỉ, tên chia rẻ chuyên nghiệp. Trong dụ
ngôn người gieo giống chính ma quỉ đã cướp lấy Lời Chúa. Nó gieo vào thế gian
những hạt giống bạo lực và sự chết. Nó gieo những tương quan thất thường giữa
con người và Thiên Chúa, và giữa con người với đồng lọai. Chúa Giêsu nhắc chúng
ta phải tỉnh thức vì thù địch hoạt động trong bóng đêm, trong khi chúng ta ngủ,
khi chúng ta có thể bị tổn thương.
Vào một thời
chưa có những thuốc diệt cỏ, thì không thể nhổ cỏ lùng mọc chung với lúa. Lời đề
nghị của các đầy tớ tuy thức thời nhưng không thực tế. Ông chủ cấm họ làm một
việc nguy hiểm, có thể nhổ lầm những cây lúa đang lớn. Thật thế, rễ của chúng
đan xen vào nhau.
Trong phạm
vi đời sống con người cũng thế. Người ta có thể phân lọai rõ ràng những người tốt
và xấu, những người công chính và tội lỗi, sạch và dơ. Tấn công sự dữ, nói thì
dễ nhưng trong thực tế thì không đơn giản chút nào. Một người nào đó có thể đầy
khuyết điểm và tội lỗi dưới mắt chúng ta; nhưng cũng có thể rất quảng đại và đầy
tinh thần phục vụ. Một người khác rất được khen ngợi vì thường cầu nguyện và
hay làm việc lành lại có thể khiến cho những người chung quanh không chịu nỗi.
Thỉnh thoảng anh ta làm những việc hết sức xấu xa. Điều đó thường xảy ra trong
phạm vi gia đình, hay cộng đòan ki tô hữu. Tất cả điều đó đòi chúng ta phải có
những đánh giá tế nhị và khôn ngoan.
Và trong trường
hợp chúng ta tưởng mình thuộc loại hạt giống tốt, chúng ta cũng hãy sáng suốt
và khiêm nhường để nhìn nhận những điều tốt có thể lẫn lộn với những xấu xa và
tầm thường trong cuộc đời chúng ta. Trên trần gian và trong tâm hồn con người,
ân sủng và tội lỗi sống chung với nhau, không hòa hợp với nhau mà nhưng đan xen
lẫn lộn nhau thật khó phân biệt. Đó là điều phải khiến chúng ta phải cẩn thận
khi phán đoán.
Phải tránh
cái nhìn lạc quan đạo đức đơn giản, nhưng cũng phải tránh thái độ bi quan thất
vọng. Lời mời gọi khẩn thiết của tin mừng là mặc lấy thái độ đầy lạc quan hi vọng
của ông chủ. Đối với Thiên Chúa, ai làm
điều xấu chưa hẳn là hư hỏng mãi mãi. Với Người, chúng ta chắc rằng sự xấu sẽ
không phải là tiếng nói cuối cùng. Lời mời gọi của Tin mừng hôm nay là lời mời
gọi thay đổi cái nhìn về thế gian và về con người thời đại chúng ta. Thiên Chúa
tiếp tục không mệt mỏi gieo giống tốt Lời của Người. Người say mê yêu thương đối
với tất cả mọi người và luôn luôn có thể đến tìm họ từ nơi rất xa và rất thấp.
Chúng ta hãy
lợi dụng cơ hội tốt đẹp mà Thiên Chúa mở ra cho chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy
trở nên chứng nhân của lòng kiên trì. Và nhất là tránh kết án vội vàng và phán
đóan thiếu suy nghĩ. Đó không phải là chuyện của chúng ta. Mùa màng thuộc về
Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta kiên trì, nhưng chúng ta đừng lạm dụng sự
kiên nhẫn đó. Trở về là một điều khẩn cấp.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách
Khôn Ngoan là sách gì?
THƯA: Sách
Khôn ngoan được xếp vào loại sách giáo huấn trong bộ Kinh Thánh. Sách được biên
soạn ở thế kỷ thứ I trước Chúa Giáng Sinh, trong môi trường văn hoá Hy lạp ở
Alexandria bên Aicập. Mục tiêu của quyển sách là nhằm chống lại sức cuốn hút của
văn hoá Hylạp đang làm cho đức tin người Dothái bị lung lạc bằng cách đề cao sự
khôn ngoan của Thiên Chúa, bộc lộ trong số phận của mỗi con người và trong lịch
sử Dân Chúa.
2.HỎI: Việc ấy
có dễ dàng không?
THƯA: Không
hề dễ dàng, vì độc giả của ông đã quen với nền văn hóa Hi lạp, vốn chuộng lí
trí và đặc biệt triết học, cố gắng dùng lí trí để khám phá các bí mật của tri
thức. Trong khi đó, đức tin dạy rằng chỉ có Thiên Chúa nắm giữ chìa khóa hiểu
biết mọi sự. và chỉ có những người khiêm
nhu mới được Thiên Chúa mạc khải mà thôi (Mt 11,25).
3. HỎI: Nội
dung bài đọc một như thế nào?
THƯA: Bài đọc
một suy tự về hai chủ đề chính của đức tin do thái: quyền năng và lòng yêu
thương của Thiên Chúa.
4. HỎI: Lòng
tốt của Thiên Chúa biểu hiện như thế nào?
THƯA: Theo
tác giả, lòng tốt của Thiên Chúa biểu hiện qua việc‘chăm sóc mọi loài’, ‘vì làm
bá chủ vạn vật, nên Người nương tay với muôn loài’ (16), ‘Người xét xử khoan hồng
vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản con người’
(19).
5. HỎI:
Thiên Chúa biểu hiện quyền năng như thế nào?
THƯA: Bài đọc
một còn tán dương Thiên Chúa của Ít ra ên là Thiên Chúa đầy quyền năng. Đó là
điều hiển nhiên vì: ‘Ngoài Ngài ra chẳng có thần nào khác’, và chỉ có Người
‘làm bá chủ vạn vật’(13).
6. HỎI:
Nhưng điểm nhấn trong bài đọc một là gì?
THƯA: Nhưng
điều quan trọng hơn cả trong bài đọc là tác giả nối kết lòng từ ái của Thiên
Chúa và quyền năng của Người: Nếu Thiên Chúa khoan dung đối với loài người như
thế chính vì Người quyền năng.
7. HỎI: Nếu
Thiên Chúa quyền năng và đầy yêu thương như thế, thì con người phải làm gì?
THƯA: Nếu
Thiên Chúa quyền năng và đầy yêu thương như thế và đã tạo dựng con người theo
hình ảnh Người thì chúng ta phải dần dần từ bỏ mọi ý nghĩ sử dụng sức mạnh vào
bạo lực và ‘phải sống có lòng nhân ái’ như Người đã dạy (19).
8. HỎI: Dụ
ngôn cỏ lùng dạy ta bài học gì?
THƯA: Dạy ta
hai bài học. Một là Thiên Chúa không dựng nên sự dữ. Sách Sáng thế kí khẳng định
rằng tất cả mọi sự Người dựng nên đều tốt đẹp (1,31). Chúa Giê su cũng xác định
chủ ruộng chỉ gieo toàn giống tốt trong ruộng. Hai là chính Thiên Chúa là đấng
sẽ tiêu diệt sự dữ. Còn chúng ta phải chấp nhận cuộc sống chung giữa cái tốt và
cái xấu.
9. HỎI. Một
cách cụ thể, dụ ngôn Chúa Giê su muốn mời gọi chúng ta điều gì?
THƯA: Là
luôn luôn đã có và sẽ có một ai đó làm điều tốt và bị một “kẻ thù” tìm cách phá
họai. Giải đáp mà Chúa Giê su đưa ra chắc chắn khác với các giải pháp của chúng
ta: đó là chờ đợi, không can thiệp.
10. HỎI. Hai
dụ ngôn kia mời gọi chúng ta điều gì?
THƯA: Nếu dụ
ngôn thứ nhất nhấn mạnh đến sự kiện tốt xấu sống chung với nhau trong tiến
trình phát triển Nước Trời, thì hai dụ ngôn kia lại nhấn mạnh đến sự tích cực
và sức mạnh của chính Nước Trời. Dù phải đối đầu với những điều kiện không thuận
lợi bên ngòai, Nước Trời vẫn lớn mạnh và phát triển, mang lại kết quả lạ lùng
so với lúc ban đầu.
11. HỎI. Dụ
ngôn hạt cải muốn nói với chúng ta điều gì?
THƯA: Dụ
ngôn hạt cải muốn dạy chúng ta rằng dù lúc đầu mang dáng vẻ khiêm tốn, Nước Trời
đang hiện diện trong lời của Chúa Giê su một ngày kia sẽ trở nên vĩ đại và vinh
quang không gì sánh bằng.
12. HỎI. Dụ
ngôn men bột có ý nghĩa như thế nào?
THƯA: Dụ
ngôn nầy nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của men dù ít nhưng có thể làm dậy một
số lượng bột to lớn. Nước Trời cũng thế, từ những bước đầu không ra gì trước mặt
người đời, Thiên Chúa sẽ thiết lập vương quốc hùng mạnh của Người bao gồm mọi
dân nước trong vũ trụ.
13. HỎI. Các
dụ ngôn mà thánh Mát thêu kể lại mời gọi chúng ta điều gì?
THƯA: Cả ba
dụ ngôn mời gọi chúng ta hãy kiên trì. Sự kiên trì đích thực theo tin mừng là
lòng nhân hậu, bình thản, khoan dung, dịu dàng giúp ta nhẫn nại, không nóng vội
và đốt giai đọan.
14. HỎI.
Lòng kiên trì đó đặt trên nền tảng nào ?
THƯA: Lòng
kiên trì đó phát sinh bởi đức tin. Chúa Giê su cảnh giác chúng ta chống lại
nguy hiểm thay thế Thiên Chúa để xét đoán. Đối với thế gian và đồng ruộng trong
đó tốt xấu lẫn lộn, trước khi thực hiện sự công chính, Thiên Chúa tỏ lòng
thương xót kiên trì và chúng ta được mời gọi cũng hãy bắt chước cách hành xử của
Thiên Chúa đối với anh em chúng ta.
15. HỎI.
Thánh Kinh có nói về tiền định không?
THƯA: Thánh
Kinh Tân Ước nói về sự Thiên Chúa lựa chọn. Thiên Chúa vì lòng thương xót đã muốn
tuyển chọn cho mình một dân tộc, không ép buộc ai hay đưa ra điều kiện gì trước
khi thực hiện chương trình cứu độ của Người. Trong Tân Ước, giáo lí về sự tiền
định được khai triển một cách rõ ràng. Nói chung, giáo huấn nói rằng sự tiền định
là chương trình vĩnh cửu và yêu thương của Thiên Chúa nhằm giúp lòai người được
chia sẻ bản tính thần linh của Người trong Con và qui tụ tất cả mọi sự trong Đức
Ki tô nhờ Giáo Hội.
16. HỎI. Nếu
Đấng Tòan năng đã tiền định mọi người phải nên thánh, làm sao cắt nghĩa bao
nhiêu sự dữ đang xảy ra? Hay là cũng có một sự tiền định trở thành “ma quỉ”?
THƯA: Giáo
huấn Giáo Hội luôn luôn lên án các giáo lí cho rằng có hai sự tiền định: tiền định
cứu độ và tiền định hư mất. Ơn cứu độ là một ơn ban của Thiên Chúa đòi sự đáp
trả của con người, trong khi sự hu mất chỉ tùy thuộc vào sự lựa chọn tự do của
con người.
17. HỎI. Ma
quỉ có dính líu tới khả năng hư mất của một người chăng?
THƯA: Ma quỉ
có liên hệ nhưng không hoàn toàn, bởi vì Thiên Chúa không cho phép nó cám dỗ
con người quá sức chịu đựng; thí dụ nếu nhiều người trong chúng ta phải chịu những
cám dỗ và hành hạ mà Cha Piô Năm Dấu đã trải qua thì chắc chắc chúng ta sẽ sa
phạm tội hoặc chết ngay từ lúc ma quỉ tấn công lần đầu tiên.
18. HỎI.
Nhưng Thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của một người có phải là hai sức mạnh tranh
chấp nhau không?
THƯA: Không,
bởi vì Ơn sủng không loại trừ tự do, nhưng khẳng định và phát triển tự do. Người
nào tự nhận là “thụ tạo” và mở rộng tâm hồn với Thiên Chúa, chấp nhận Thánh ý
Người, sẽ không mất tự do của mình.
19. HỎI. Làm
sao để định nghĩa sự dữ?
THƯA: Sự dữ
là xấu xa, bất công và bất lương; vô ích, không đúng lúc, và không mang lại hiệu
quả; ngòai ra nó là thù nghịch, đau khổ thân xác hay tinh thần.
20. HỎI.
Kinh Thánh nói gì về sự dữ trong thế gian?
THƯA: Kinh
thánh tiên thiên loại bỏ ý tưởng cho rằng sự dữ có nguồn gốc từ Thiên Chúa, vì
Người vốn là Tình yêu cao cả. Ngài đã tạo dựng thế gian và con người không có sự
dữ. Ngược lại lí do hiện hữu của sự dữ nằm trong trong tình trạng thụ tạo nhưng
sa ngã của con người đã sử dụng một cách sai lạc sự tự do của mình.
21. HỎI.
Theo kinh Thánh, trách nhiệm đầu tiên về sự dữ thuộc về ai?
THƯA: Thuộc
về Sa tan và các thần dữ. Thật vậy, Thiên Chúa đã phán quyết rằng sự dữ có thể
trở thành lí do mang lại ơn Cứu độ cho con người. Loài người tạo vật, nhờ việc
Đức Ki tô đến trần trần gian, luôn có thể chiến thắng mọi sự dữ. Ngược lại, Sa
tan vì có trách nhiệm hoàn toàn khi đã muốn đặt mình trên Thiên Chúa, đã không
nhận được và sẽ không nhận được một khả thể Cứu độ và tha thứ nảo cả!
22. HỎI. Đâu
là sứ điệp của ba bài đọc hôm nay?
THƯA : Phụng
vụ hôm nay nói với chúng ta về sự kiên trì của Thiên Chúa. Ngài kiên nhẫn chờ đợi
và dạy chúng ta cũng phải kiên trì chờ đợi như Ngài, nhất là trong những điều
mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể xét xử công minh chính trực. Giáo huấn nầy được
rút ra từ bài đọc thứ nhất, khi người Do thái muốn Thiên Chúa can thiệp để phá
hủy tất cả những bụt thần, thì Thiên Chúa tối cao trả lời bằng việc lên án tội
lỗi, và nói rằng ơn Cứu độ Thiên Chúa luôn chờ đọi con người dù họ đầy tội lỗi.
Trong bài đọc hai, thánh Phao lô, trong thư Rô ma, nói vể Thánh Thần đến giúp đỡ
sự yếu hèn của chúng ta và khẩn cầu cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta biết lấy cuộc
sống mà đáp trả cho những dự định của Thiên Chúa.