Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 16

CHỦ NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN

imagesCA9NR9XX.jpgLắng nghe Lời Chúa là chuẩn bị đón nhận chương trình của Người và đem ra thực hành. Bấy giờ ý nghĩa những gì xảy đến cho chúng ta, kể cả các thử thách sẽ được mạc khải rõ ràng. Trong nỗ lực đó, việc phục vụ tha nhân thực sự trở thành việc phục vụ Thiên Chúa. Cô Maria nhờ lắng nghe lời Chúa đã thực sự chọn lựa phần tốt nhất.

Sách Stk 18,1-10a

Đây là một câu chuyện trong cuộc đời ông Abraham đề cao sự niềm nở đón tiếp của Tổ phụ, nhằm diễn đạt một cách khác lời Hứa một dòng dõi đông đúc cho ông. Qua trình thuật nầy, người ta muốn đề cao một ý tưởng chủ đạo trong linh đạo do thái giáo mà sau nầy Đức Ki tô sẽ khai triển rõ ràng hơn: tiếp nhận một người khách lạ, là tiếp nhận chính Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 14

Người nào không thực hành đức Công chính và đức Ái thì không thể gặp được Thiên Chúa trong nhà mình.

Thư Cô lô sê 1,24-28

Là phát ngôn nhân của Thiên Chúa, Tông đồ Phao lô được giao trọng trách giúp cho mọi người nhận biết mầu nhiệm, nghĩa là tỏ cho mọi dân tộc được biết Tình yêu của Người. Tuy nhiên, lúc nào vị Tông đồ cũng bị rình rập bởi nguy cơ bị từ khước như chính Chúa Giê su. Như thế, ông chia sẻ sự Thương khó của Chúa mình mà người khác không nhận ra.

Tin mừng: Lc 10,38-42

NGỮ CẢNH

Câu truyện nầy được đặt sau dụ ngôn về người Sa ma ri tốt bụng (10,25-37) và đi trước giáo huấn của Chúa Giê su về lời cầu nguyện (11,1-13). Mỗi đoạn nhấn mạnh đến một khía cạnh của điều răn yêu thương vĩ đại. Người Sa ma ri tốt bụng chăm sóc người bị thương là hình ảnh của chính tình yêu Thiên Chúa đối với lòai người. Nó nhắc lại công trình của Chúa Giê su, đấng mời gọi mọi người phải “làm như thế”. Còn Maria, ngồi dứoi chân Chúa Giê su, cho thấy chiếu kích căn bản khác của cuộc sống ki tô hữu: tiếp nhận Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.

Nghe Lời: trong khi Mát ta ra sức cống hiến cho Chúa Giê su một cuộc tiếp đãi hết sức nồng hậu, không thiếu gì cả, thì cô em lại khác hẳn, dành toàn thời gian để ngồi bên chân Chúa Giê su mà lắng nghe lời Ngài. Ngồi là tư thế của người đồ đệ lắng nghe lời thầy giảng dạy, cô em thuộc vào số những người tỏ ra ân cần tiếp nhận tất cả những gì mà Chúa Giê su mạc khải. Bằng cách ấy, cô ta thật sự đi vào gia đình của Chúa Giê su, vì kết hợp cùng với Đức Maria, mẹ Chúa Giê su, luôn để tâm lắng nghe lời Chúa (138; 2,19;8,21).

Thầy không để ý tới sao: giữa hai cung cách khác biệt của hai chị em nầy, chúng ta có thể cảm nhận sự đối chọi giữa việc phục vụ Lời và việc phục vụ bàn ăn mà Công vụ có nới tới ở 6,2-4

Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện: ở đây có phải Chúa Giê su không đánh giá cao sự phục vụ năng động không? Dụ ngôn về người Sa ma ri nhân hậu ở đoạn trước cho thấy ngược lại. Đúng hơn ở đây Chúa Giê su nhấn mạnh một khía cạnh căn bản khác của tình yêu.

Phần tốt nhất: từ nầy nhắc đến phần được chia của mỗi người trong việc kế thừa. Chúng ta biết rằng các thầy Lê vi đã không nhận được phần nào trong việc phân chia đất hứa, bởi vì họ được dành riêng để phục vụ đền thờ; chính Chúa được coi như là phần gia sản của họ (Đnl 10, 8-9). Người Híp pri nhận nơi Thiên Chúa phần gia sản của mình (Tv 16,5-6). Thái độ của Maria diễn tả một niềm tin tương tự, nhưng phần gia sản ở nơi Chúa Giê su. Không ai có thể lấy đi phần gia sản ấy của chị, bởi vì trong Chúa Giê su, mặc khải đã được quyết định dứt khoát.

Hai chị em nầy, khá giống tâm tính hai chị nhà La da rô được thánh Gioan mô tả trong đoạn 11,1-12,3, là biểu trưng cho hai thái độ đứng trước sự mạc khải của Chúa Giê su. Câu chuyện có giá trị như một dụ ngôn.

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật nầy kể lại việc Thiên Chúa đến nhà ông Abraham, rồi Chúa Giê su thân hành đến nhà của Mát ta và Maria, và dạy chúng ta cách đón tiếp Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giê su trong chuyến đi lên thành Giê ru sa lem, đã dừng lại nhà của hai chị em Mát ta và Maria. Mỗi người đều làm hết sức mình để đón rước Ngài. Mát ta thì làm cơm đãi Ngài. Còn Maria thì ngồi dưới chân Chúa lắng nghe lời Ngài. Chúng ta cố gắng tìm hiểu sứ điệp của bài Tin mừng.

Mục đích của bài tin mừng không chỉ cho chúng ta thấy cách tiếp đón khách của chủ nhà, mà còn cho chúng ta biết rằng chính Thiên Chúa hiện diện nơi người khách ấy. Người gõ cửa nhà chúng ta và chờ chúng ta ra mở cửa. Đó cũng điều mà chúng ta đọc được trong bài đọc thứ nhất. Ngang qua ba người khách mầu nhiệm được ông Abraham tiếp đón, chính Thiên Chúa muốn chúng ta đón tiếp và cùng ngồi vào bàn ăn với chúng ta.

Như thế, chính Thiên Chúa là người khách quí ở trung tâm bài đọc thứ nhất và bài tin mừng. Chúng ta gặp Người trong toàn bộ Thánh Kinh. Ngài cũng đứng ở cửa và gõ cửa. Chắc chắn Ngài sẽ không ép buộc tự do của chúng ta, nhưng chờ đợi mỗi người chúng ta một câu đáp trả tự do đầy yêu thương, một lời đáp trả đến từ trái tim.

Cả ông Abraham và chị Mát ta đã dành cho Chúa một cuộc tiếp đón nồng hậu. Để đón rước như thế, thỉ điều trước tiên là  không sợ bị quấy rầy trong chương trình sống của mình. Tiếp đến phải luôn tế nhị và sẵn sàng khiến cho người khách thực sự cảm nhận được thỏai mái trong nhà chúng ta. Đó là những điều mà chúng ta thấy trong thái độ của ông Abraham. Ông không chỉ vui mừng dọn một bửa cơm thịnh sọan cho các thực khách, mà còn đứng lắng nghe lời khách nói, bởi vì ông nhận ra rằng chính Thiên Chúa đến viếng thăm ông.

Trái với ông Abraham, Mát ta không tìm thời gian đứng gần Chúa Giê su để lắng nghe Ngài. Đối với một vị khách tầm cỡ như thế, việc tiếp đón bên ngòai không thôi chưa đủ. Điều quan trọng hơn chính là phẩm chất tương giao giữa người đón tiếp và ngừoi được đón tiếp. Chúa Giê su lưu ý Mát ta điều đó: lo lắng và chạy vạy đây đó để lo tiếp khách là điều cần thiết nhưng chưa đủ, bởi vì nó khiến chị đánh mất phần tốt nhất.

Điều ưu tiên đối với Chúa Giê su chính là việc người ta tiếp nhận lời Ngài. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn người gieo giống. Một người đi gieo giống trong ruộng mình. Hạt giống chính là Lời Thiên Chúa đựơc gieo vãi khắp nơi. Một phần rơi trên gai góc và sỏi đá. Khi kể và giải thích cho chúng ta dụ ngôn ấy, Chúa Giê su cảnh giác chúng ta rằng Lời Chúa có thể bị bóp nghẹt bởi thái độ lo lắng sự đời (Lc 8,14). Đó là mối nguy cơ mà Chúa Giê su muốn tránh cho chị Mát ta.

Ai cũng nhận ra rằng những người quá lo lắng phục vụ như Mát ta sẽ không còn cơ hội để nói chuyện với khách của mình. Trái lại, “Maria ngồi dưới chân Chúa và nghe lời Ngài”. Maria đã đánh giá đúng mức thời khắc hạnh phúc ấy, thời khắc đã cho phép chị nghe và tiếp nhận lời Chúa Giê su đang thân mật nói với mình. Chúng ta không biết gì về nội dung câu chuyện, và thật là đáng tiếc. Nhưng dù sao điều quan trọng chính là câu trả lời của Chúa Giê su trước sự chộn rộn của chị Mát ta: “Maria đã chọn phần tốt nhất: và không ai lấy mất được”.

Chúng ta nên hiểu cho đúng, phần tốt nhất không phải là ngồi yên một chỗ và không làm gì cả. Sự phục vụ của Mát ta là tuyệt đối cần thiết. Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta phục vụ, hoạt động cho Người và cho việc truyền giáo trong Giáo Hội và trên thế giới. Việc mỗi người làm hết sức mình để chống lại nghèo đói, bạo lực cũng là một điều thiết yếu. Chúng ta còn nhiều điều phải làm để xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn

Phần tốt nhất chính là ở với Chúa Giê su, lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành bằng tất cả tình yêu của chúng ta. Chính tâm hồn sẽ thay đối chiều sâu cuộc sống của chúng ta. Mát ta không bị lọai trừ. Chị cũng được mời gọi đến nghe Chúa Giê su từ giữa những lo lắng bận rộn của mình. Chính Chúa Giê su là một trong những người khách nghèo nhất mà chị đã đón tiếp vào nhà của mình.

Vấn đề không phải là chọn lựa giữa Mát ta và Maria, giữa sự phục vụ và cầu nguyện. Chính Chúa Giê su chọn chúng ta để chúng ta ở với Ngài. Dù sống như Mát ta, hay như Maria, thì đó cũng luôn luôn là phần tốt nhất thuộc về chúng ta, luôn luôn đó là niềm vui ở gần Chúa Giê su.

Bê tha nia, đó cũng là nhà thờ của chúng ta trong mỗi Chủ nhật. Ước gì đó cũng là nhà chúng ta mỗi ngày! Ước gì nhà chúng ta, gia đình, làng xóm của chúng ta cũng là nơi mà mỗi ngừoi cảm nhận được tiếp đón và yêu thương như một người anh em theo cách của Đức Ki tô. Ngang qua họ, chính Chúa gõ cửa chúng ta. Chúng ta hãy biết đón tiếp Ngài với trọn cả tâm tình cảm tạ và yêu thương.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Mamrê là một cư dân ở Canaan nhiều lần đón tiếp ông Abraham trong rừng sồi của mình. Đối với người Canaan, cây sồi là cây linh thánh. Bài đọc một kể lại một cuộc hiện ra của Thiên Chúa  cho Abraham khi ông mới dựng lều dưới bóng một cây sồi trong rừng của Mamrê. Đây không phải là lần đầu tiên, bởi vì từ chương 12 sách Sáng thế đã nhiều lần Thiên Chúa hiện ra và hứa với ông Abraham, nhưng trước mắt thì chưa có gì xảy ra, Abraham và Sara sẽ chết mà vẫn chưa có con.

2. HỎI: Có điều gì đặc biệt trong lời hứa của Thiên Chúa

THƯA: Để chọn cho mình một dân tộc, Thiên Chúa đã bắt đầu bằng cách chọn một người, thậm chí một người không có con. Và với người không có tương lai đó Thiên Chúa đã ban một lời hứa lạ lùng: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc. Và nơi ngươi mọi gia tộc sẽ được chúc phúc” (Stk 12,2-3).

3. HỎI: Thiên Chúa có giữ lời hứa với ông Abraham không?

THƯA: Có. Thiên Chúa trong hiện thân ba người khách lạ đến báo cho ông Abraham và bà Sarah biết sau một năm nữa hai ông bà sẽ có con nối dõi tông đường sau 25 năm chờ đợi.

4. HỎI: Đâu là điểm nhấn trong bài tin mừng?

THƯA: Đây là  trình thuật của riêng Luca, đi liền sau dụ ngôn người Samari nhân hậu. Căn cứ theo ngữ cảnh và việc lặp lại đến ba lần từ “Chúa”, điểm nhấn của trình thuật  là tương quan giữa môn đệ và Chúa Giêsu. Chính trong tương quan nầy mà chúng ta phải suy nghĩ về thái độ của Maria và Mát ta.

5. HỎI: Thánh Luca không xác định ngôi làng nơi Chúa Giêsu dừng lại?

THƯA: Không, bởi vì điều mà Lu ca chú trọng là làm nổi bật cuộc hành trình duy nhất dẫn Chúa Giêsu lên thành Giê-ru-sa-lem. Từ các văn bản khác chúng ta biết rằng làng này nằm ở Bêthania (Mc 11,1) gần Núi Cây Dầu.

6. HỎI: Tại sao Thánh Luca ghi lại tên của người phụ nữ đã tiếp nhận Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài?

THƯA: Khi các tác giả tin mừng ghi lại tên của một số nhân vật là bởi vì sau này chắc chắn họ là những nhân vật quan trọng, đã có một vai trò và chức năng trong các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Ngoài ra, Mát ta, mà tự nguyên có nghĩa là “phu nhân”, “bà chủ”, được trình bày giống như bà chủ nhà lo lắng tiếp đãi Chúa Giêsu và các môn đệ của Người như những người khách quí của gia đình.

7. HỎI: Mát ta đã có gia đình?

THƯA: Bối cảnh cho thấy rằng Mát ta là chị gái, và chưa lập gia đình. Nếu cô ấy đã có chồng, thì chồng cô sẽ đứng ra đón tiếp Chúa Giê su.

8. HỎI: Mát ta và Ma ri a đã biết Chúa chưa?

THƯA: Qua cách tiếp xúc thân thiện và quen thuộc của Chúa Giê su với Mát ta chúng ta có thể kết luận rằng giữa Ngài và gia đình nầy, gồm cả ông La da rô nữa (x. Ga 11,1) lúc ấy vắng mặt,  chắc chắn phải có một mối quan hệ gần gũi và thân thiện.

9. HỎI: Có thể đồng hóa Maria, chị của Ladarô với người phụ nữ tội lỗi được tha thứ và tỏ lòng biết ơn Chúa không (Luca 8,2)?

THƯA: Không, “Maria” được đề cập trong Lu-ca 8,2 tên là Magđala. Do đó, Thánh Lu ca phân biệt cô với những phụ nữ khác tên là Maria đi theo Chúa Giêsu.

10. HỎI: Thánh Lu ca trình bày Ma ria như thế nào?

THƯA: Maria được trình bày như một người môn đệ gắn bó với Thầy, luôn chú ý và quan tâm lắng nghe tất cả những gì Ngài nói.

11. HỎI: Trong phép lạ Chúa Giê su phục sinh ông Lazarô, Thánh Gioan có cho chúng ta thấy hai chị em?

THƯA: Thánh Gioan cho thấy những đặc điểm tương tự như Thánh Lu ca mô tả trong câu chuyện nầy.

12. HỎI: Cả hai chị em tiếp đón Chúa Giê su như thế nào?

THƯA: Cả hai dành cho Chúa Giê su một sự đón tiếp nồng hậu với tất cả sự quan tâm của mình: Mát ta bận rộn tiếp Ngài, còn Maria chăm chú lắng nghe lời Ngài.

13. HỎI: Tại sao Mát ta bận rộn cho việc phục vụ?

THƯA: Có hai lý do, thứ nhất, vì cô là một phụ nữ và chủ nhà, muốn dành cho vị khách nổi tiếng một sự tiếp đón nồng hậu hết sức có thể, và thứ hai, vì lúc đó chắc chắn đã có các môn đệ đi theo Chúa Giêsu.

14. HỎI: Tại sao Mát ta nói với Chúa Giêsu mà không trực tiếp với Maria, để nhắc nhở cô phục vụ?

THƯA: Theo Mát ta, một cách nào đó, Chúa Giê-su chịu trách nhiệm về tình trạng này, ngoài ra, cô biết rằng Thầy có thẩm quyền nói bắt Maria ngưng nói chuyện để giúp đỡ cô phục vụ Chúa Giê su.

15. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu nói với Mát ta: “Cô lo lắng về nhiều chuyện”?

THƯA: Bởi vì Mát ta để mình quá lo lắng bận rộn nên không còn nhìn thấy đâu là điều chính yếu, do đó, Chúa Giêsu muốn nâng cao sự chú ý của Mát ta đến những thực tại cao hơn và cần thiết hơn.

16. HỎI: “Một sự là cần thiết mà thôi” có nghĩa gì?

THƯA: Câu ấy có nghĩa là điều cốt yếu cho cuộc sống thì chỉ có một và không bao giờ được lơ là. Có lúc chúng ta phải làm việc của Mát ta, có lúc chúng ta phải làm như Maria, nhưng điều quan trọng là đừng để sao lãng điều cốt yếu nhất trong cuộc sống.

17. HỎI: Lời Chúa phán với Mát ta phải hiểu như thế nào?

THƯA: “Mát ta, Mát ta, con lo lắng và lăng xăng lo cho Thầy mà quên rằng điều tốt nhất là tiếp đón thầy, rồi chính Thầy sẽ làm mọi sự cho con”. Đừng quên rằng chính Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều điều chứ không ngược lại.

18. HỎI: Điều ưu tiên đó là gì?

THƯA: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên, còn mọi sự sẽ được ban cho sau” (Mt 6,33).

19. HỎI: Nhóm Mười Hai đã sống lời dạy đó như thế nào?

THƯA: Các Tông đồ đã sống lời dạy đó một các nghiêm túc khi họ phải chọn một trong hai sứ vụ: rao giảng Lời và phục vụ bàn ăn. Họ đã chọn dấn thân cho sứ vụ thứ nhất và giao việc phục vụ bàn ăn cho những người khác: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải” (Cv 6,2-4). Vì không bao giờ được quên rằng “con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi những lời do miệng Chúa phán” (Tl 8,3).

20. HỎI: Dựa theo bối cảnh, thì làm thế nào để thực hiện việc chờ đợi Vương quốc?

THƯA: Người tín hữu chờ đợi Vương quốc được thiết lập bằng cách luôn biết đặt điều phụ lệ thuộc vào việc cốt yếu. Và việc cốt yếu luôn là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe không những có tính chiêm niệm mà còn bao gồm toàn bộ cách hành xử, đòi hỏi một sự hoán cải tận căn.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên _Lm Giuse Mai Văn Điệp
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên - Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     Suyniệm Chúa Nhật XVI Thường Niên C: THĂM VIẾNG – ĐÓN TIẾP. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: ĐỂ PHÉP LẠ ĐƯỢC TIẾP TỤC. Lm. Paul Nguyễn Nguyên
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B. Giuse Nguyễn Văn Trí Dũng
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH: Thứ Sáu sau Chúa Nhật XVI Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH: Thứ Tư sau Chúa Nhật XVI Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH PHƯƠNG PHÁP LECTIO DIVINA: Thứ Ba sau Chúa Nhật XVI Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH PHƯƠNG PHÁP LECTIO DIVINA: Thứ Hai sau Chúa Nhật XVI Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B. Minh Tứ