Lời Chúa thứ tư tuần XVI thường niên năm C
Đấng Quảng Đại
LỜI CHÚA:Mt 13,1-9
1 Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì đứng trên bờ.3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thì nghe
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu cho một loạt bài giảng bằng dụ ngôn. Thánh sử Mat thêu gom lại thành 7 dụ ngôn và thường được gọi là những dụ ngôn ven Biển Hồ về Nước Trời. Dụ ngôn là những câu chuyện được tạo ra từ phong tục và nếp sống trong xã hội, với mục đích trình bày một giáo lý siêu nhiên nào đó. Lúc ấy, người đọc phải tìm ra điểm giống nhau giữa hình ảnh tự nhiên và giáo lý siêu nhiên, thì mới nắm được ý nghĩa của dụ ngôn mà tác giả muốn nói tới.
Trong Chương 13, thánh sử mở đầu bằng dụ ngôn “Người gieo giống”- Một hình ảnh quá gần gũi với dân Do Thái thời bấy giờ trong một đất nước nông nghiệp.
Theo Kinh Thánh thường được hiểu là Giáo Hội “Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ven Biển Hồ” (c1) Chúng ta chú ý đến động từ “đi ra”. Hành động này khiến chúng ta nhớ đến câu chúc sau Thánh lễ của vị Chủ tế “Chúc anh chị em ra đi bình an”. Một hành động truyền giáo, ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu và của chính Giáo Hội. Ở đây, Đức Giêsu ra ngồi ở Biển Hồ- một nơi chốn thuận tiện cho việc rao giảng của Ngài. Thật thế, “Có một đám đông tụ họp”... đông đến nỗi “Ngài phải xuống thuyền” (c.2). Ngài xuống thuyền tạo khoảng trống giữa Ngài với dân chúng để âm thanh được lan rộng và tỏ rõ hơn. Hình ảnh con thuyền cũng làm chúng ta nghĩ tới Giáo Hội – Như thế, việc rao giảng Tin Mừng cần được Giáo Hội hướng dẫn – Đặc tính “Tông truyền” của Giáo Hội- theo một giáo thuyết, một đường lối duy nhất là Chúa Ki tô.
Qua câu 3, Thánh sử nói trực tiếp về cách giảng dạy của Chúa Giêsu “Người dùng dụ ngôn để nói với họ nhiều điều”. Đây là một cách giảng dạy dùng những hình ảnh của hạt giống, để nói về một chân lý siêu nhiên: Lời Chúa.
“Người gieo giống ra đi gieo giống”. Chúa Giêsu nói trực tiếp đến vai nhân vật chính đang làm một công việc thường ngày. Người đó đã gieo giống ở đâu? Trong ruộng, trên những luống đất đã cầy, đã xới?. Thưa, người đó gieo khắp mọi nơi chốn: trên vệ đường, nơi sỏi đá, giữa bụi gai và chỗ đất tơi xốp. Nghĩa là: bất cứ nơi nào cũng được hạt giống của người đó rắc xuống. Ông ta chẳng quan tâm đó là vùng nào; tay ông cứ giơ cao, giang rộng vung mạnh và ném xa... đến nỗi hạt giống của ông không còn chỗ nào mà không đến được. Nhưng kết quả về thân phận của hạt giống như thế nào? Chắc chắn sẽ khác nhau vì những nơi chốn vì chúng lệ thuộc vào nơi được gieo vãi. “Hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (c,4). Như thế, hạt giống là mồi ngon, là thức ăn nuôi chim trời. “Hạt rơi trên đá sỏi... thiếu đất... nắng lên... bị cháy và chết khô” (c.6). Thân phận hạt giống lúc này đã biến thành tro bụi, bị gió cuốn đi chẳng còn tác dụng gì. “Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt”(c.7). Hạt giống này may mắn rơi vào chỗ có đất. Nhưng bất hạnh thay đó là vương quốc của gai góc, cỏ dại. Chúng mạnh mẽ hơn nên tuy cùng mọc lên với chúng hạt giống đã bị chết ngạt khi mới đâm chồi, nảy lộc.
“Có hạt rơi nhằm đất tốt... “May mắn cho người gieo giống, vẫn còn có những hạt rơi vào mảnh đất tơi xốp, có đủ điều kiện để hạt giống phát triển và đạt kết quả khả quan: “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (c.8). Chúng ta thấy số lượng hạt sinh sôi nảy nở được Thánh sử trình bày từ cao đến thấp: từ 100->60->30. Nghĩa là: mặc dù hạt giống chỉ đạt kết quả là 30, nhưng dưới con mắt của người gieo giống thì nó vẫn có giá trị, miễn là mỗi hạt giống tùy theo khả năng mà làm sinh hoa lợi.
Kết thúc bài giảng cho dân chúng , Chúa Giêsu kết luận: Ai có tai thì nghe” (c.9), ý nói : chúng ta cần phải hiểu xa, hiểu sâu hơn về ý nghĩa của dụ ngôn, chứ không dừng ở bề mặt. Hạt giống Lời Chúa được gieo vào tâm hồn mỗi người. Nhưng kết quả sẽ khác nhau do mảnh đất tâm hồn của chúng ta thuộc vào loại nào. Thiên Chúa giàu lòng quảng đại.phung phí Lời Chúa gieo vãi khắp nơi, không loại trừ bất cứ ai dù họ thuộc hạng người nào. Hạt giống Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả hoặc bị mai một đi, tùy theo tự do của mỗi tâm hồn: đón nhận hoặc chối từ. Như thế, dụ ngôn “Người Gieo Giống” là một lời kêu gọi tin tưởng vào sức mạnh của Ơn Chúa, của việc Chúa làm miễn là chúng ta để Chúa hành động trong chúng ta.
Xin cho “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước Là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105) Amen.
Nữ tỳ Thánh Thể.