Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 16

Suy Niệm Lời Chúa Cháu Nhật XVI Thường Niên B

CHẠNH LÒNG TRƯỚC NỖI ĐAU ĐỒNG LOẠI

su-diep-mua-chay-2015.jpg

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo về lối sống vô cảm đang diễn ra trên thế giới và nơi nhiều tín hữu. Lối sống này biến con người trở nên khô cằn, ích kỷ, dửng dưng trước những đau khổ của anh chị em. Cách đây ít tháng, có những sự kiện khiến nhiều người bức xúc: Một bà mẹ chứng kiến đứa con trai của mình bị tai nạn xe, bà ôm đứa còn đầy thương tích và kêu gào mọi người giúp đỡ. Có nhiều người đi qua, nhưng không ai dừng lại để giúp người phụ nữ này; một học sinh nữ bị các bạn xúm vào đánh hội đồng, mặc cho nạn nhận kêu khóc lạy van, những đứa bạn chung quanh không hề có phản ứng gì, trái lại, chúng thản nhiên lấy điện thoại ra quay film bạn mình đang bị hành hung như thế. Sự vô cảm đi đến độc ác như vụ án ở Bình Phước, một gia đình gồm sáu người bị thảm sát bằng dao. Hung thủ cắt cổ nạn nhân như cắt cổ con vịt mà không gớm tay.

Vô cảm là tình trạng khi con người chỉ còn nghĩ đến mình và không quan tâm đến người khác. Lối sống đua đòi bon chen, mạnh được yếu thua đã dẫn đến tình trạng con người phải chà đạp lên nhau để sống. Từ đó, con người đã trở nên vô tâm vô tình với nhau, và dần dần trở thành vô cảm lạnh lùng trước những đau khổ của người chung quanh. Sự vô cảm không chỉ xảy ra nơi xã hội, nhưng nó đang xảy ra nơi gia đình và lối xóm. Nhiều người sống mà không hề quan tâm và không hề biết gia đình bên cạnh mình là ai. Trong gia đình, cha mẹ con cái sống với nhau hết sức dửng dưng, mỗi người mỗi việc, mỗi sở thích, không quan tâm, không trò chuyện và không hiểu nhau.

Không chỉ dửng dưng đối với nhau, nhiều Kitô hữu ngày nay còn dửng dưng với Thiên Chúa. Tình trạng này thể hiện qua việc họ coi đời sống đạo chỉ là việc tùy phụ, việc thực hành đạo bị cho là thứ yếu không quan trọng. Nhiều người đã để cho trái tim mình mất cảm xúc, mất cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Vì thế, họ coi thường hoặc từ chối việc lãnh nhận các bí tích, họ đến nhà thờ như một cái xác vô hồn, không ý thức. Từ lối sống vô cảm với Thiên Chúa, dửng dưng với anh em, vô cảm trước nỗi đau của anh em, sẽ dẫn đến nhẫn tâm với anh em, sẽ làm cho lương tâm bị chai lì trước những lời nhắc bảo của Thiên Chúa.

Thiên Chúa chúng ta không phải là một Thiên Chúa vô cảm, mà là một Thiên Chúa đồng cảm, chạnh lòng thương với những hoàn cảnh khác nhau của con người. Thiên Chúa không đứng xa để nhìn thấy con người đau khổ, nhưng Thiên Chúa đã bước đến với con người, nâng con người chỗi dậy, và Ngài còn “hôn vào vết thương” của con người. Thiên Chúa không nhắm mắt làm ngơ khi thấy con người phải đau khổ, nhưng Ngài đã chấp nhận trở nên kẻ “liên lụy” với thân phận con người. Khác với Đức Phật đi tìm con đường tu hành giũ bỏ thế trần, tiêu diệt cảm xúc, Chúa Giêsu chọn con đường bước vào trần thế, tìm đến với con người đau khổ, cùng đau nỗi đau của con người, và chấp nhận cả cái chết vô cùng đau đớn để giải thoát con người.

Tin Mừng Marcô hôm nay muốn diễn tả một Thiên Chúa chạnh lòng thương, tìm đến với con người, chứ không trốn tránh những vấn đề thực tế của con người. Sau khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng sám hối, các ông trở về kể lại cho Chúa về những việc các ông đã làm. Chúa Giêsu thấy rõ niềm vui xen lẫn mệt mỏi trên trên gương mặt các tông đồ, Ngài thấy điều các ông cần lúc này là được nghỉ ngơi. Vì thế Ngài đã nói với các ông: Các con hãy tìm một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút. Điều này cho thấy Chúa Giêsu hết sức quan tâm đến các cộng tác viên của mình, vì Ngài thấy các ông bận rộn đến độ không có giờ ăn uống ngơi nghỉ.

Chúa Giêsu muốn các ông tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, là Ngài muốn các ông dành sự nghỉ ngơi để gặp gỡ Thiên Chúa, nạp lại năng lượng cho đời sống thiêng liêng của mình. Giống như chiếc điện thoại cần phải được sạc pin thường xuyên mới có thể họat động, càng hoạt động nhiều, càng phải sạc thường xuyên ; cũng vậy, Chúa cũng muốn các cộng tác viên của Chúa phải được sạc pin thường xuyên nơi nguồn điện là Thiên Chúa, qua đường dây là sự cầu nguyện.

Khi bước ra khỏi thuyền, thấy đám đông dân chúng đang đi tìm Ngài, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Nhìn thấy đám đông bị bỏ rơi, như rắn không đầu, như chiên không chủ, Chúa Giêsu không đành lòng để những con người này lầm lũi mất phương hướng, Ngài đã tiếp tục dạy dỗ họ. Quả thật tình trạng của đám đông này là như thế, họ sống trong một thế giới có rất nhiều tư tưởng triết học của Hylạp, nhiều tôn giáo, có nhiều lời giải thích của các luật sĩ, lời giảng của các thượng tế và kinh sư. Tuy nhiên những tư tưởng tôn giáo, triết học và luật lệ này không chỉ ra cho con người một con đường đi đến hạnh phúc, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chỉ cho con người con đường đạt đến hạnh phúc mà thôi.

Những tư tế luật sĩ như những mục tử để hướng dẫn dân Chúa. Tuy nhiên, thay vì trở nên những người quy tụ và dẫn dắt dân Chúa, họ đã không chu toàn nhiệm vụ, đã để cho đoàn chiên bị tan tác thất lạc. Lời của ngôn sứ Giêrêmia cho biết : Thiên Chúa sẽ lấy lại đoàn chiên khỏi tay các mục tử, và chính Ngài sẽ là Đấng chăn dắt chiên Ngài, Ngài sẽ quy tụ chúng sau những ngày chúng bị tản mác. Ngài sẽ đem lại cho chiên của Ngài sự bình an và sẽ dẫn dắt chăm sóc chúng, đưa chúng vào đồng cỏ Nước Trời.

Thư Ephêsô cho thấy, nguyên nhân khiến cho con người trở nên vô cảm vô tâm với nhau là do tội. Tội đưa đến xa cách giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Chúa Giêsu đã chết để tẩy rửa tội lỗi nhân loại, đưa con người trở về với Thiên Chúa và đưa con người về lại với nhau. Như thế để xóa bỏ tình trạng dửng dưng vô cảm của con người hôm nay, trước tiên cần loại trừ tội và sự dữ trong tâm hồn. Chỉ khi tâm hồn có Chúa người ta mới biết nghĩ đến anh em, khi có Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng sẽ có được trái tim biết chạnh thương, biết rung động trước những nỗi khổ của anh chị em. Ngược lại khi tội và ma quỷ ở trong tâm hồn, người ta chỉ biết nghĩ đến bản thân và dửng dưng với anh em mình.

Mặt khác, với sức ép của cơm áo gạo tiền, lối sống đua đòi phô trương đang khiến nhiều người chỉ biết tìm kiếm tiền bạc lợi nhuận bằng mọi giá, không quan tâm đến nhau, trở nên vô cảm lạnh lùng với nhau. Lối sống này đang diễn ra trong nhiều gia đình, các thành viên quá bận rộn với công việc khiến họ không còn thời giờ cho nhau và không còn quan tâm đến nhau. Nhiều bậc cha mẹ không còn giờ cho con cái, họ để con cái bị lạc lõng, bị bỏ rơi ngay trong gia đình, thiếu quan tâm, thiếu giáo dục, thiếu tình yêu thương. Lời Chúa hôm nay mời gọi các bậc cha mẹ cần biết dừng lại để quan tâm lo lắng cho gia đình đúng cách hơn, đừng chỉ lo cơm áo, làm giàu nhưng quan tâm chăm sóc cho từng thành viên trong gia đình để không ai cảm thấy bơ vơ lạc lõng trong căn nhà của mình.

Lối sống dửng dưng vô cảm đang ảnh hưởng trầm trọng trên nhiều bạn trẻ, nhiều người đã vùi mình trong thế giới ảo của Internet và các trang mạng xã hội, quên thế giới thật mình đang sống. Họ làm thui chột các tương quan xã hội bạn hữu, để mình rơi vào tình trạng tự kỷ. Lối sống tiêu dùng đua đòi khiến nhiều bạn có thể có nhiều bạn chơi, nhưng lại không có người nào là bạn thật sự. Vì thế, nhiều người cảm thấy trống rỗng lạc lõng, dẫn đến chìm đắm mình trong các thứ nghiện ngập. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy trở về với cuộc sống thật, hãy tìm kiếm những giá trị thật, là những giá trị giúp phát triển con người toàn diện hài hòa. Đặc biệt là hãy tìm kiếm những giá trị tôn giáo, hay nói đúng hơn là tìm kiếm chính Chúa Giêsu và Tin Mừng, gặp gỡ Chúa nơi Bí Tích Giải tội và Thánh Thể, Chúa sẽ cho chúng ta có một trái tim thật mềm để có thể rung nhịp, chạnh thương, một tâm hồn thật nhạy bén trước những nhu cầu của anh em.

Xin Chúa giúp chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên _Lm Giuse Mai Văn Điệp
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên - Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVI Thường Niên B: "KHIÊM HẠ VÀ NHIỆT TÌNH PHỤC VỤ NOI GƯƠNG MỤC TỬ GIÊSU"_LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ sáu Thường Niên A- Lễ Kính thánh Giacôbê tông đồ: XIN ĐƯỢC LÀM TÔI TỚ. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên: THÊM HAY BỚT. Nt. Maria Phương Trâm, ĐMPC
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên: HẠT GIỐNG ÂM THẦM. Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên A- Lễ Nhớ Thánh Nữ Maria Ma-đa-lê-na: " Tôi đã thấy Chúa". Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên A: DẤU LẠ. Nt. Maria Anh Thư,OP
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên A - Nhiều Tác Giả
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên A - Thiên Chúa Kiên Trì và Đầy Khoan Dung - Lm Phaolo Nguyễn Văn Đông
     Thánh Vịnh - Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A
     Suy Niệm Thứ Bảy XVI thường niên C: LÚA VÀ CỎ LÙNG. Lm. Đaminh Thanh Tiến