ĐÊM GIAO THỪA ẤT MÙI 2015:
TẠ ƠN TRỜI ĐẤT
Thưa
quý OBACE,
Ai
đã có những lần xa nhà, xa quê và đón giao thừa dương lịch ở nơi xứ người thì sẽ
thấy khác biệt giữa giao thừa dương lịch và giao thừa âm lịch của chúng ta. Có
thể giao thừa tết tây, dù pháo hoa bắn rợp trời nhưng lòng người xa quê vẫn thấy
xa xôi. Trái lại mỗi năm, người Việt Nam chúng ta ai cũng chờ đợi giây phút
linh thiêng của đêm giao thừa âm lịch. Mỗi người như cảm nhận, như đụng chạm được
đến thời khắc thiêng liêng chuyển giao của năm cũ và năm mới. Tiễn năm cũ qua
đi với bao buồn vui, tiếc nuối lẫn lộn, đón năm mới đến với lo âu và hy vọng,…
Tất cả những tình cảm ấy đang đan xen trong mỗi chúng ta.
Giây
phút này là giây phút thảnh thơi nhất trong năm, vì lúc này đây, mọi người như
tạm gác lại những lo toan của năm cũ để đón chào một năm mới với hy vọng đổi mới
tốt hơn. Lúc này cũng là dịp mỗi người nhìn lại trách nhiệm của mình với gia
đình, với cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Có thể nói rằng, nếu ngày cuối năm
dương lịch là ngày người ta tổng kết công việc, thì ngày cuối năm âm lịch là dịp
mọi người tổng kết lại các mối tương quan trong cuộc sống.
Sang
năm mới, ai cũng muốn gia đình mình giàu sang và hạnh phúc, đó là mơ ước thật
chính đáng. Thế nhưng, làm thế nào để cho gia đình mình giàu sang và hạnh phúc
thì mỗi người lại có những suy nghĩ, cách thực hiện và ưu tiên khác nhau. Cụ thể
có nhiều người đặt hạnh phúc làm ưu tiên số một, còn có nhiều người lại lấy sự
giàu sang làm chính. Vì chỉ quan tâm đến tìm kiếm sự giàu sang, nên nhiều người
đã lơ là việc xây dựng và vun trồng hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là điều tự
nhiên mà có, nó cũng không đương nhiên xuất hiện trong gia đình cùng với sự
giàu sang, mà nó là hạt giống, là cây mầm, đòi mỗi người phải vun tưới mỗi
ngày. Hoa trái hạnh phúc phải là kết quả của sự chung tay đóng góp của mọi
thành viên. Tuy nhiên, vì lo tìm kiếm sự giàu sang, nên nhiều người đã quên yếu
tố hạnh phúc, đã để tình cảm yêu thương giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo,
thiếu quan tâm, thiếu thông cảm và lắng nghe. Nhiều gia đình đã để cho tình yêu
vợ chồng trở nên nhạt nhẽo và bầu khí gia đình trở nên lạnh giá, thiếu vắng nụ
cười, thiếu vắng niềm vui.
Lúc
này chính là lúc mỗi người cần nhìn lại và quyết tâm đặt lại thứ tự ưu tiên cho
gia đình. Có thể gia đình mình chưa giàu sang, nhưng gia đình ấm cúng thì vẫn hạnh
phúc hơn gia đình giàu sang. Nhiều tiền nhiều của mà nghèo nụ cười, thiếu niềm
vui thì bầu khí gia đình lạnh lẽo. Chúng ta cũng cần nhìn lại tương quan của
chúng ta với cha mẹ, nhất là với cha mẹ già, đôi khi vì sự thiếu kiên nhẫn với
các ngài, trong lúc các ngài tuổi cao sức yếu, mà chúng ta đã có những lời lẽ bất
kính, những thái độ coi thường hoặc khinh khi các ngài. Chúng ta cần điều chỉnh
lại để sống cho tròn chữ hiếu, để cho cha mẹ được hạnh phúc trong tuổi già,
không phải khóc vì tủi thân. Là cha mẹ, chúng ta cũng cần xem lại thái độ của
chúng ta với từng đứa con. Chúng ta đã đem đến cho con cái một môi trường gia
đình an toàn và hạnh phúc chưa ?
Kế
đến, chúng ta cũng cần nhìn lại mối tương quan với anh em họ hàng, bạn bè. Dường
như cuộc sống ngày nay quá bận rộn khiến anh em họ hàng chẳng mấy khi có dịp đến
thăm nhau, thậm chí một năm cũng chỉ được ngày tết đến với nhau mà cũng vội
vàng như làm nghĩa vụ. Như thế, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, anh em họ
hàng sẽ như người xa lạ ; con cháu, họ hàng gặp nhau cũng như người dưng, chẳng
còn thân thiết nữa. Dịp tết là dịp để chúng ta làm cho tình nghĩa anh em họ
hàng xóm ngõ thêm đậm đà, gắn bó, hiểu nhau hơn, quý mến nhau hơn. Hãy dành giờ
thăm viếng nhau, hàn huyên tâm sự với nhau trong bầu khí ấm áp của những ngày
xuân này, vì mỗi người sống là sống trong tình liên đới với nhau.
Mối
tương quan quan trọng nhất mà giây phút giao thừa này chúng ta cần nhìn lại, đó
là tương quan của chúng ta với Trời Đất. Nhìn lại để biết sống tâm tình trân trọng
và biết ơn. Trời Đất, trước hết là môi trường sống của tất cả mọi người, là môi
trường thiên nhiên xung quanh mà chúng ta cần trân trọng, bảo vệ và làm cho
trong lành, tốt đẹp hơn. Cụm từ “Tạ ơn Trời Đất”, dù mang nghĩa dân gian, song
với người Kitô hữu, đó còn là kiểu nói để diễn tả lòng biết ơn của chúng ta với
Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng làm chủ và điều khiển cả vũ trụ
này.
Tạ
ơn Chúa vì phúc lành Chúa hằng thương ban, tạ ơn vì mưa thuận gió hòa, vì tai
qua nạn khỏi, vì buôn bán làm ăn thuận lợi, thành công, vì gia đình ấm cúng. Tạ
ơn Chúa vì Chúa thương gìn giữ mỗi người và mỗi gia đình, đó là lời Thánh
Phaolô đã mời gọi trong bài đọc hai : Anh em hãy cầu nguyện không ngừng và hãy
tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, điều gì tốt thì giữ lại và điều gì xấu hãy
tránh cho xa. Tâm tình này cũng là tâm tình Môse nói với Aaron và con cháu ông :
Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel, hãy nói với chúng thế này : Xin
Chúa chúc lành cho con và gìn giữ con, xin Chúa tỏ thánh nhan Chúa cho con và
thương xót con. Xin ghé mặt lại cùng con và ban bằng yên cho con. Thiên Chúa là
Đấng tốt lành, Ngài luôn muốn và làm điều tốt cho con người. Khi Chúa ghé mắt
nhìn đến ai là Ngài yêu thương, quan phòng, che chở và bảo vệ người ấy, giống
như Ngài đã ghé mắt đến Apbraham, Isaac và Giacóp để làm cho các ông trở thành
các tổ phụ vĩ đại. Ngài đã ghé mắt đến vua Đavít từ khi ông còn là một đứa trẻ
theo sau đàn vật để dẫn đưa ông trở thành một vị vua của Israel. Ngài đã ghé mắt
đến Đức Maria để làm cho Mẹ trở thành một tạo vật tuyệt hảo nhất trong mọi tạo
vật.
Để
được Chúa ghé mắt đến, được Chúa chúc lành, mỗi người phải dám sống những đòi hỏi
của các mối phúc mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng. Ngày hôm nay, con người
dường như tìm kiếm và chạy theo tiền bạc, của cải. Trong khi chúng ta muốn phô
trương sự giàu sang phú quý, thì Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta : Phúc cho những
ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Lời chúc phúc này cho thấy của
cải vật chất ở trần gian cần thiết cho cuộc sống, nhưng nó lại hoàn toàn không
thể đem đến hạnh phúc thật cho con người. Chỉ có Thiên Chúa và Nước Trời mới là
hạnh phúc thật, mà chỉ những người có tâm hồn khiêm nhường, nghèo khó, khao
khát thì mới tìm được. Ngày hôm nay, cuộc sống cạnh tranh khốc liệt, kẻ mạnh là
kẻ thắng thế, kẻ giàu có là người có tiếng nói, kẻ nắm giữ quyền lực là người
chi phối người khác. Chúa Giêsu lại chúc phúc cho những người sống hiền lành. Chỉ
những người hiền lành, trong lòng không chất chứa sự gian ác, sống ngay thẳng
thật thà, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, không chạy theo danh vọng quyền lực,
mới là những người xứng đáng được ở trong vương quốc của Chúa. Cũng thế, những
người được hưởng phúc lành của Thiên Chúa, được Chúa ghé mắt nhìn đến là những người
đau buồn, đói khát điều công chính. Những người này không còn cậy dựa vào quyền
lực, sức mạnh thế gian nhưng tìm đến sự an ủi, vỗ về của Thiên Chúa.
Thưa
quý OBACE, hơn lúc nào hết, trong giây phút giao thừa này, Giáo hội cũng xin Chúa
ghé mắt nhìn đến dân Chúa là những người đang thành tâm chạy đến với Chúa. Đến
với Chúa trong giờ phút này là chúng ta đang muốn nói lên tâm tình tin tưởng,
phó thác và biết ơn vì từng hơi thở, từng nhịp sống của ta là do bởi Chúa điều
khiển và quan phòng.
Đến
với Chúa trong giờ phút này, để mỗi người khi đã nhận ra tình yêu của Chúa, thì
cũng biết điều chỉnh lại cuộc đời của mình để sống thân thiết với Chúa hơn
trong năm mới. Quyết tâm đến với Chúa thường xuyên hơn qua việc dâng lễ tạ ơn
Chúa mỗi ngày, qua việc xưng tội rước lễ.
Đến
với Chúa trong giờ phút linh thiêng này để mỗi người nhìn lại gia đình của mình
và dám nhận trách nhiệm về mình. Trong ngày đầu năm này, vợ chồng, cha mẹ, con
cái cùng chung tay làm mới lại bầu khí của gia đình. Hãy thay đổi cách sống,
cách cư xử với nhau, tái lập lại những bữa cơm thân mật xum vầy, tái lập lại những
giờ phút bên nhau cùng tạ ơn Chúa bằng việc đọc kinh, cầu nguyện mỗi tối. Vì, hạnh
phúc và niềm vui chỉ đến với những gia đình nào kiên trì với Chúa mà thôi.
Chúc
mọi người, mọi gia đình ngập tràn niềm vui và nụ cười, bình an và hạnh phúc của
Chúa trong Năm nới này. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc