Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 6

CHÚA NHẬT VI TN B :

ĐƯA TAY CHẠM VÀO NGƯỜI BỊ PHONG

nhan_vat_nam_2013_time2.jpg

Vào buổi chiều ngày 6/11 năm ngoái, sau buổi gặp gỡ chung với khách hành hương, bỗng nhiên có một người đàn ông với vô số mụn trên mặt và khắp cơ thể đã tiến về phía Đức Thánh Cha Phanxicô xin Ngài ban phước lành. Không hề do dự, Ngài ôm người đàn ông bất hạnh vào lòng và hôn lên gương mặt sần sùi, biến dạng của ông. Sau đó, Ngài đặt tay lên đầu ông và nhắm mắt cầu nguyện. Hình ảnh vị Giáo Hoàng ôm hôn người đàn ông dị dạng đã lan truyền rất nhanh trên mạng Internet. Người ta ca ngợi lòng cảm thương, trắc ẩn của vị Giáo Hoàng đối với người nghèo khổ, bệnh tật. Người ta còn ví hành động của Ngài giống như việc Thánh Phanxicô Assisi đã hôn một người bị bệnh phong hủi mà Ngài gặp trên đường.

Người đàn ông có gương mặt quỷ kia là do căn bệnh u sợi thần kinh. Đây là căn bệnh hiếm và di truyền, gây rối loạn thần kinh. Các khối u sẽ mọc theo dây thần kinh trên cơ thể. Cộng đồng thường sợ hãi và xa lánh những người bị bệnh này vì gương mặt biến dạng khủng khiếp của họ. Sau đó, ông này chia sẻ : Tôi cảm thấy như ở trên thiên đàng khi Đức Giáo Hoàng ban phúc lành cho tôi và bàn tay Ngài chạm vào tôi. Điều làm tôi thật bất ngờ và hạnh phúc là Ngài không do dự ôm lấy tôi, hôn lên mặt của tôi. Tôi cảm nhận được rằng, chỉ tình yêu thương mới khiến Ngài có thể làm được như vậy. Cảm giác được Giáo Hoàng ôm làm cho tôi rụng rời, tim tôi đập mạnh như muốn rớt ra ngoài.

Có rất nhiều người sẵn sàng bỏ nhiều tiền để làm việc từ thiện, nhưng họ lại không dám ôm ấp, đụng chạm đến các bệnh nhân, nhất là những người bị bệnh nan y. Những người làm từ thiện dám chia sẻ, cho đi như thế đã là điều tốt, nhưng theo Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với giới trẻ tại Philippines thì : Đau khổ là dịp để Thiên Chúa mời gọi mỗi người biết sống cảm thông và học cho biết sống quan tâm đến người khác. Đau khổ, bệnh tật của nhân loại còn là để mỗi người có cơ hội phục vụ lẫn nhau. Phục vụ không chỉ bằng một vài lần thăm viếng, tặng quà, nhưng bằng việc đón nhận nhau trong yêu thương và xoa dịu nỗi đau của anh chị em bằng cảm thông, đó là điều họ cần hơn những thứ khác.

Việc làm và lời dạy của Đức Giáo Hoàng như minh họa một cách cụ thể tình yêu thương của Chúa Giêsu. Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể cứu độ con người bằng nhiều cách, nhưng Ngài lại chọn mang lấy thân phận con người để ở với con người. Một Thiên Chúa đã muốn yêu thương con người bằng trái tim của con người. Ngài không đứng từ xa để tuyên bố tha tội hay để chữa bệnh, nhưng hôm nay, Ngài đã bước đến, chạm vào con người để an ủi, chữa lành và để tha thứ.

Tin Mừng kể lại : Khi ấy, có một người bệnh phong đến gặp Chúa Giêsu, anh quỳ xuống van xin : Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Chúa Giêsu chạnh lòng thương, đưa tay chạm vào anh ta và bảo : Tôi muốn, anh hãy được sạch. Lập tức, anh được sạch. Với quyền năng của mình, Chúa Giêsu không cần phải đến gần anh, nhưng tấm lòng chạnh thương của Chúa không để Ngài tránh xa anh ; trái lại, Ngài đã bước đến với anh và chạm vào thân mình lở loét của anh.

Người bệnh phong kia chẳng bao giờ dám nghĩ và dám mong ai đến gần, huống hồ là chạm đến thân xác anh. Bởi vì luật Lêvi đã quy định hết sức ngặt nghèo : Người nào bị phong hủi, người ấy bị ô uế. Người bệnh phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên “Ô uế !” mỗi khi có người đến gần. Người đó bị cách ly khỏi cộng đồng, sống ngoài trại. Không chỉ bị loại trừ, mà trong mắt của người Do Thái, những người bệnh phong là những người tội lỗi, bị Thiên Chúa ghét bỏ, không ai được tiếp xúc hoặc đến gần. Ai đến gần họ thì bị ô uế theo luật và không được tham dự các nghi lễ tại đền thờ.

Với quy định nghiệt ngã như thế, những người bệnh phong sống một cuộc đời không khác gì những bóng ma vật vờ gây sợ hãi. Họ sống mà bị coi như đã chết. Vậy mà Chúa Giêsu đã bước đến với người bệnh phong, Ngài bỏ qua tất cả những rào cản của luật lệ, tập tục, để chạm đến anh. Sự đụng chạm này không chỉ là đụng chạm của đôi tay, mà còn là sự đụng chạm của trái tim, chạm đến vết thương trong tâm hồn của người bệnh để chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn. Bằng một mệnh lệnh : Tôi muốn, anh được sạch, thì người bệnh liền được sạch.

Coi chừng, đừng nói với ai, nhưng hãy đi trình diện các tư tế và dâng những gì như ông Môse đã truyền để làm chứng cho người ta biết. Cấm không cho anh nói với ai, vì sợ nhiều người sẽ hiểu sai về sứ mạng Mesia của Chúa. Phép lạ Chúa làm là thể hiện lòng thương xót của Chúa, chứ Ngài không muốn dùng phép lạ để thu hút dân chúng. Điều Chúa quan tâm đến anh lúc này là giúp anh trở lại với cộng đoàn qua việc trình diện tư tế, để các vị này xác nhận và cho anh được trở lại với các sinh hoạt của cộng đoàn cũng như tham dự các nghi lễ của đền thờ. Đồng thời, Chúa cũng nhắc anh đừng quên dâng của lễ như ông Môse đã dạy. Đây là của lễ thanh tẩy và cũng là của lễ tạ ơn vì anh đã vừa nhận được ơn chữa lành của Thiên Chúa. Lời căn dặn này cho thấy Chúa Giêsu đã quan tâm đến toàn diện con người của anh, không chỉ thương cảm đến số phận bệnh tật, mà còn giúp anh trở thành một con người bình thường trong cộng đồng và là một tín hữu thảo hiếu với Thiên Chúa.

Tuy  nhiên, khi vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin đó khắp nơi, đến nỗi Chúa Giêsu không thể công khai vào thành được mà phải ở lại nơi hoang vắng ngoài thành. Phản ứng của người phong này cũng giống như nhiều người đã được Chúa chữa lành, họ không thể im lặng trước một ơn quá lớn lao,  buộc họ phải nói về Chúa Giêsu cho mọi người, dù nhiều khi điều đó trở thành bất tiện cho Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng vẫn đang ở bên chúng ta, hãy chạy đến van xin Người thương đến hoàn cảnh của chúng ta. Có thể nhiều người trong chúng ta cũng đang mắc những căn bệnh nan y thể xác, nhưng cũng còn nhiều người đang bị những căn bệnh phong cùi trong tâm hồn. Đó là tình trạng lười biếng, ù lì, cố tình để mình trong tội hoặc là những thói quen xấu, đang từng ngày làm sói mòn đời sống đạo của chúng ta. Có những người khác đang để mình bị những tư tưởng, những học thuyết sai lạc của xã hội hôm nay gặm nhấm đời sống đức tin, khiến đức tin bị lung lạc đến độ hồ nghi sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Người. Đó là những hình thức của chứng phong cùi trong tâm hồn. Hãy noi gương của người bệnh phong trong Tin Mừng hôm nay, chạy đến sấp mình xuống và van xin Chúa chữa lành, cứu giúp chúng ta. Chúa sẽ làm cho tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên thanh sạch.

Học nơi Chúa Giêsu, mỗi người, mỗi bậc cha mẹ hãy mang trong mình một trái tim cảm thương, trắc ẩn, để có thể nhìn thấy nỗi khổ đau trong tâm hồn và thể xác của anh chị em chung quanh và của người thân trong gia đình. Đừng chỉ quan tâm đến nhau bằng lời nói trên môi trên miệng, nhưng hãy can đảm đưa tay ra cho anh em nắm lấy, hãy chạm đến anh em với tất cả sự trân trọng, yêu thương và hãy dùng trái tim cảm thông để thông cảm với anh chị em. Những người đau khổ, thương tật trong thể xác và tâm hồn cần ở chúng ta không chỉ là bánh quà, cũng không chỉ là một vài lần thăm viếng, điều họ cần hơn cả là sự lắng nghe, sự cảm thông từ trái tim. Nhiều khi chỉ cần những việc làm của trái tim đã đủ để chữa lành bệnh tật trong tâm hồn của anh em chúng ta.

Một trong những căn bệnh của xã hội hôm nay là sự dửng dưng, vô cảm. Lối sống dửng dưng, vô cảm ấy cũng đang ảnh hưởng trên nhiều người Công giáo, đặc biệt nơi nhiều người trẻ. Nhiều người chỉ lo làm phát triển cái đầu nhưng lại quên làm phát triển trái tim, khiến cho những kiến thức, hiểu biết ngày càng gia tăng, nhưng trái tim thì càng ngày càng khô héo. Lối sống này khiến cho người ta chỉ biết đứng xa nhìn anh em mình đau khổ mà không hề ra tay cứu giúp, hoặc có cứu giúp anh em thì không phải vì tình thương mà chỉ theo phong trào hoặc vì một mục đích nào đó (Ví dụ vụ quan xã tại Phủ Lý, Hà Nam ăn chặn cả gói mì tôm của người tàn tật, những người đó không có trái tim hoặc trái tim đã bị khô héo).

Là Kitô hữu, chúng ta không thể để mình rơi vào tình trạng dửng dưng, vô cảm, cũng không để những hàng rào vô hình ngăn cản chúng ta đến với anh em, đặc biệt là những người đau khổ thể xác và tâm hồn. Thực hành việc bác ái, chia sẻ là điều cần thiết, nhưng cần thiết hơn đó là hãy mạnh dạn bước đến, hãy chủ động đưa tay ra về phía anh em để có thể cảm nhận, cảm thông, yêu thương và xoa dịu nỗi đau của anh em. Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ ngại ngần hoặc từ chối những cơ hội để yêu thương anh em. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 

 

 





Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Thương Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Thường Niên_Thầy Phêrô Maria. Mảnh vỡ. FVP
     ĐTC mời gọi tín hữu Buenos Aires cầu xin Đức Mẹ mở lòng để gặp gỡ người khác - Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VI Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Mùa Thường Niên

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần VI Thường Niên A: THIÊN CHÚA XÂY TOÀ CHO PHÊRÔ. Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP
     Suy Niệm Thứ Sáu tuần VI Thường Niên A.Lm. Duy Khang
     Suy NiệmThứ Năm Tuần VI Thường Niên Năm A. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Thứ Tư Tuần VI Thường Niên A: XIN ĐƯỢC CHỮA LÀNH. Maria Nguyễn Tố Quyên
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ ba tuần VI Thường Niên A: “Anh em chưa hiểu ư?”. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ
     Suy Niệm Thứ Hai Tuần VI Thường Niên A: DẤU LẠ. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A: Bậc thang giá trị theo Chúa Giêsu. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN NĂM B. M. Tố Quyên
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN NĂM B: TRẮC NGHIỆM. Anh Thư, OP