Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 6

THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

DẤU LẠ

LỜI CHÚA: Mc 8, 11-13

BacAi2.jpg(11) Khi ấy, những người Pharisêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. (12) Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả”. (13) Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

SUY NIỆM:

Có những lời nói chân tình tạo được mối giao cảm đối với người nghe. Có những hành động yêu thương nhân ái làm lay động lòng người. Có những món quà được trao gửi khiến người nhận nhớ hoài năm tháng. Đọc đoạn Tin mừng hôm nay, thánh Maccô cho thấy Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng ăn no nê. Người đã tạo ấn tượng đẹp khiến họ ngưỡng mộ quyền năng và tình thương của Chúa vì họ chưa từng chứng kiến một hành động phi thường như thế bao giờ. Trái lại những người Pharisêu lại tỏ vẻ khiêu khích, họ kéo đến để tranh luận và yêu cầu Chúa Giêsu cho một dấu lạ từ trời. Thái độ kém tin của những người Pharisêu khiến Chúa Giêsu thất vọng, nên Người đã không cho họ thấy dấu lạ và bỏ họ ở đó rồi xuống thuyền qua bờ bên kia.

Do Thái là một dân tộc ưa thích những điều khác lạ, ngay cả trong niềm tôn giáo họ vẫn mong muốn có một vị Thiên Chúa làm những việc siêu phàm đáp ứng tính hiếu kỳ nơi họ. Do sống trong vùng Lưỡng Hà, cái nôi của nhiều tôn giáo với nhiều giai thoại cũng như chuyện hoang đường, vì thế người Do Thái tỏ ra hiểu biết họ khó chấp nhận ai tự xưng là sứ giả của Chúa nếu không có những hành động phi thường. Thái độ và lời yêu cầu của người Pharisêu cho thấy họ bị mù quáng như thế hệ cha ông thuở xưa đã nhiều lần thách thức Thiên Chúa nên Đức Chúa đã khẳng định với họ rằng: “Không một ai trong những người đã thấy vinh quang của Ta và những dấu lạ Ta đã làm bên Ai Cập và trong sa mạc nhưng đã thách thức Ta cả mười lần và đã không chịu nghe theo tiếng Ta” (Ds 14, 22).

Chúa Giêsu đã có nhiều dấu lạ cụ thể là hai lần hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người ăn no nê, Người đã trừ ma quỷ, chữa nhiều chứng bệnh khác trong dân. Chúa Giêsu chính là dấu lạ của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa hạ mình xuống gần gũi với loài người, xóa bỏ mọi khoảng cách giữa thần linh với phàm trần, giữa thánh thiện với tội lỗi, giữa cao cả với nhỏ bé mong manh. Là phàm nhân tội tỗi, chúng ta không có quyền đòi hỏi Thiên Chúa nhưng vì yêu thương Thiên Chúa đã cho ta tự do để chọn lựa tốt xấu, tự do tin nhận hay chối từ. Những người Pharisêu đã không chấp nhận vị Thiên Chúa khiêm tốn nhỏ bé đang hiện diện bên để thông chia mọi niềm vui nỗi buồn và cả những giới hạn vụn vỡ của thân phận con người. Khi rao giảng về tình thương cứu độ của Thiên  Chúa, Chúa Giêsu luôn hiện thực hóa tình thương ấy bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cho đi không tính toán, bằng sự hiến dâng trọn cả mạng sống mình trên thập giá.

Đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người Pharisêu, chúng ta thách thức và đòi hỏi Thiên Chúa thực hiện những phép lạ theo sự tính toán nhỏ hẹp của con người. Chúng ta không dám buông trọn đời mình cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta nài ép Chúa đi theo con đường ta vạch sẵn, làm theo những gì ta đã lập trình. Để nhận ra “dấu lạ” của Thiên Chúa, chúng ta phải bỏ đi lối nhìn “pharisêu biệt phái” mà mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm tốn. Chúa Giêsu là dấu lạ của tình yêu thương, vì thế chúng ta phải bỏ đi thành kiến đố kỵ thách thức và mở rộng con tim để lãnh nhận tình yêu trao dâng.

Cuộc sống chúng ta chan hòa những dấu lạ của Chúa. Được tạo tác trong yêu thương, chúng ta sống nhờ Thần Khí của Chúa. Không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà một hạt bụi nhỏ bé vô duyên lại được trở thành con người. Đó là tất cả hồng ân từ cuộc Nhập Thể của Chúa Giêsu. Người là Con Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống làm thân phận con người nhỏ bé như chúng ta. Với địa vị làm Con Thiên Chúa, Người đáng được tôn vinh, chúc tụng, được hưởng uy quyền của một vị Đại Vương, thế nhưng Người đã không ngần ngại trở thành một hài nhi bé nhỏ sinh xuống trong cung lòng Mẹ Maria. Người trở thành nguyên lý của Hòa Bình và Ơn Cứu Độ. Người tạo nên cuộc giao duyên giữa trời với đất, giữa sự thánh thiện và phàm tục, giữa những đổ vỡ và chữa lành.

Mỗi người sinh ra trong cuộc đời không phải là để tồn tại và biến đi nhưng là để biểu hiện vinh quang của Thiên Chúa. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này là một ân ban được dệt nên trong ý định yêu thương từ ngàn đời của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương và luôn mong muốn con người có được hạnh phúc trọn vẹn. Từ một hạt bụi nhỏ bé mong manh, chúng ta được nâng lên làm con cái Thiên Chúa. Ngài còn cho Chúa Giêsu là Con yêu dấu sinh xuống trần gian để cứu chuộc chúng ta. Từ vùng bóng tối của sự chết, Thiên Chúa đưa chúng ta vào miền ánh sáng hân hoan của sự sống.

Thiên Chúa là người Cha rộng lượng hằng ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận của mình, đồng thời Người cũng ban ân sủng để thánh hóa chúng ta nên con cái Cha trên trời. Khi suy nghĩ về hồng ân trọng đại được làm con cái Thiên Chúa, thánh Augustinô thật sự xúc động thốt lên rằng “Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta như thể người đó là tạo vật duy nhất trên đời”. Thiên Chúa đã nhìn ngắm tạo vật bé nhỏ ấy một cách say mê đến nỗi đánh đổi cả mạng sống để yêu thương và cứu chuộc con người. Vì thế con người là kết quả của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa và con người sinh ra là để sống cho tình yêu.

Chúa Giêsu đã đến cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Mỗi công việc Người làm đều nhằm mang hạnh phúc đến cho con người. Phép lạ biến nước lã thành rượu ngon là để chúng ta hưởng nếm sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa. Phép lạ hóa bánh ra nhiều để chúng ta tin nhận Thiên Chúa là Đấng ban sự sống. Suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa lành bao nhiêu thứ bệnh hoạn tật nguyền. Người xua trừ ma quỷ để con người thấy được quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Đi tới đâu Chúa Giêsu cũng thi ân giáng phúc cho con người, an ủi kẻ sầu khổ, nâng đỡ người yếu đuối, trả lại địa vị và phẩm giá cho người bị áp bức... 

Lạy Chúa, mỗi ngày chúng con lãnh nhận biết bao hồng ân từ lòng thương xót của Chúa. Hồng ân lớn nhất đó là hồng ân được sống làm người, được làm con cái Chúa. Xin cho chúng con nhận ra những “dấu lạ” yêu thương ấy để từng ngày sống chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, biết quảng đại phục vụ xây dựng cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Amen.  

Nt. Maria Anh Thư, OP

 

 

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Thương Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Thường Niên_Thầy Phêrô Maria. Mảnh vỡ. FVP
     ĐTC mời gọi tín hữu Buenos Aires cầu xin Đức Mẹ mở lòng để gặp gỡ người khác - Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VI Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Mùa Thường Niên

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên A: Bậc thang giá trị theo Chúa Giêsu. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN NĂM B. M. Tố Quyên
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN NĂM B: TRẮC NGHIỆM. Anh Thư, OP
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN VI THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo O.P
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BA TUẦN VI THƯỜNG NĂM B.Minh Tứ
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN VI THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B: “Hãy sống đẹp cho nhau”. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B: PHONG CÙI ĐANG GẶM NHẤM ĐỜI TÔI?. Lm Giuse Đỗ Đức Trí