CHỦ NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B
Không một bệnh tật nào làm cho người ta kinh sợ bằng bệnh Phung cùi. Người Do thái đã hiểu được bản chất hay lây của nó nên đã mạnh tay vĩnh viễn khai trừ những người mắc bệnh ấy. Họ trở thành những người bên lề xã hội thời ấy. Thế nhưng Chúa Giê su đã đón nhận họ, để họ chạm đến mình. Ngài chạnh lòng thương và chữa lành họ.
Sách Lê vi 13, 1-2.45-46
Để khỏi lây lan sang người khác, luật Mô sê dành nhiều khoản luật có tính tôn giáo để loại trừ những người phung cùi ra khỏi xã hội. Từ đó người ta coi người mắc bệnh như có trách nhiệm về bệnh của mình, chỉ là một bước nhỏ. Người mắc bệnh bị phán quyết như là kẻ ô uế. Ngày nay lịch sử vẫn lặp lại đâu đó…
Thánh Vịnh 101
Anh ta chính là người ô uế kêu lên Chúa để xin Ngài tẩy sạch. Chính anh là người phung cùi kêu khóc với đấng có thể chữa lành. Chính anh là người bị gạt bên lề đang kêu cứu Thiên Chúa, là Cha. Chính tôi là người thấp hèn kêu lên Đấng yêu thương tôi một lời than vãn đầy Hi vọng.
Thư thứ 1 Côrintô 10, 31---11, 1
Bởi vì Chúa Giê su là Tất cả cho Tất cả mọi người, nên thánh Phao lô đã hi sinh cả cuộc đời tông đồ để biến mọi người thành môn đệ Đức Ki tô. Đối với Ngài, không có ai bị gạt ra bên lề cả. Tất cả phải được đón nhận bằng một tình yêu như nhau. Đó là cách thế duy nhất để sống đời Ki tô hữu.
Tin mừng Mc 1,40-45
NGỮ CẢNH
Đoạn tin mừng nầy nằm trong phân đoạn 1,21-2,12, trong đó Mác cô mô tả những bước đầu hoạt động công khai của Chúa Giê su. Chắc chắn Mác cô muốn nêu bật tiến trình đi lên: trừ quỉ và chữa bệnh không thôi chưa đủ; còn phải thực hiện những điều khác nữa: đến tận chính tâm hồn con người, để biến đổi và tha thứ tội lỗi. Vì thế, sau khi chữa cho một người bị quỉ ám trong hội đường Caphácnaum, Chúa Giê su tiếp tục chữa lành cho nhỉều người (1,32-34), trong đó có bà mẹ vợ ông Phê rô (1,29-31). Chiều đến Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện (1,35-39).
Tiếp liền sau đó là việc chữa lành người phung cùi (1,40-45), một trình thuật cho thấy hành vi quyền năng đạt tới đỉnh cao nhất.
Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:
1,40: người phung cùi đến và xin được chữa lành
1,41-42: Chúa Giê su can thiệp, và dùng lời để chữa lành. Lập tức anh phung cùi được chữa lành.
1, 43-44: Chúa Giê su ra lệnh cho người phung cùi
1,45: kết cục trái ngược khiến Chúa Giê su lánh mặt.
TÌM HIỂU
Phong cùi: lề luật buộc những người phong cùi phải sống bên ngoài làng mạc và phải cẩn thận không để tình trạng ô uế của mình lây nhiễm sang những người khác (x. Lv 13 và 14). Bệnh phung cùi được coi là căn bệnh tồi tệ hơn bất cứ căn bệnh nào khác, vì có thể gây ra ô uế, và bị gắn liền với tội lỗi.
Chạnh lòng thương: một vài thủ bản cổ thêm từ “giận dữ” vào chỗ nầy. Chi tiết khác biệt ấy có thể là vết tích của một bản văn nguyên thuỷ. Tuy nhiên c.43 trong Hi ngữ nói đến sự nghiêm khắc và cả sự giận dữ tự nó cũng nói lên một điều gì đó khiến độc giả ngạc nhiên.
Chúng ta để ý đến chi tiết, theo bản hi ngữ trong cc.43 và 45 người phung cùi đi ra ngoài (Ngài đuổi anh ta ra ngoài: c.43; đi ra: c.45). Sự kiện ấy giả thiết rằng trước hết anh ta đi vào một làng hoặc một nhà, và đã làm cho nơi đó ra ô uế, gây ô nhiễm và phạm luật. Rõ ràng Chúa Giê su ngay từ đầu sứ mạng đã tìm cách tuân giữ lề luật và giúp người khác tuân giữ như thế. Do vậy, Ngài tỏ ra giận dữ với người phong cùi, đuổi anh ta ra ngoài và truyền phải đi trình diện với thầy cả.
Tuy nhiên câu truyện lại có vẻ chua chát và căng thẳng: người phong cùi chạy đến, Chúa Giê su giận dữ. Ngài chữa cho anh ta lành rồi nghiêm khắc đuổi anh ta đi nơi khác. Ngài truyền cho anh ta im lặng, nhưng cuối cùng anh ta đã loan truyền tin ấy khắp nơi. Sau đó, Chúa Giê su muốn lánh riêng ra, nhưng đám đông lại bám riết theo Ngài. Các chi tiết ấy có phải nhằm gợi ý rằng Chúa Giê su vì muốn tuân giữ lề luật nên cảm thấy như bị vướng mắc bởi những ràng buộc chăng? Các cuộc tranh luận tiếp sau tỏ cho thấy Chúa Giê su sẽ phải tự giải phóng khỏi lề luật như thế nào để hoàn thành sứ mạng .
Tư tế: sự đối nghịch giữa vai trò của vị tư tế, chỉ có việc xác nhận việc chữa lành và hành động của Chúa Giê su, đã chữa lành, nêu bật sự hiệu nghiệm của lời Chúa Giê su trái hẳn với sự không hiệu quả của Lề luật.
Dâng những gì ông Mô sê đã truyền: ở đây nói về lề luật Mô sê được hiểu theo nghĩa rộng. Thật vậy luật ấy không những bao hàm một bộ luật và các qui định về nghi thức, nhưng còn chuyển tải một giáo huấn mạc khải trong lịch sử và thực hiện các lời hứa. Tuy nhiên đối với các tác giả TƯ, thông thường kiểu nói “lề luật” diễn tả cả một mạng lưới tương quan giữa con người và Thiên Chúa. ‘Luật’ ấy không phải là không biết đến sáng kiến của Thiên Chúa và sự quan trọng của việc phó thác nơi Người, nhưng lại đặt ơn cứu độ dưới điều kiện là hoàn thành những việc mà lề luật ấn định.
Thánh Phao lô tóm kết các dữ kiện của vấn đề: việc trở thành người ki tô hữu không phải là một điều không liên can tới ơn cứu độ. Ngược lại nó vừa là điều kiện để được cứu độ, vừa là hậu quả của ơn cứu độ. Ơn cứu độ được Đức Ki tô ban cho một cách nhưng không, vì tình yêu. Đức tin chính là nhận biết lòng quảng đại ấy của Thiên Chúa.
Vì thế trong Mc người ta gặp thấy một viễn tượng tương tự, cho dù không được xác định rõ ràng theo mức độ như trong các thư của Phao lô. Điều nầy lại càng hiển nhiên hơn nếu người ta nhớ rằng tin mừng Mc rất có thể đã được viết trong chính cộng đoàn mà sau nầy sẽ được thư Rô ma gửi tới.
Ngài không thể: một sự đảo ngược tình thế: sau cuộc gặp gỡ với người phong cùi được lành sạch, Chúa Giê su lại lâm vào tình trạng của anh ta: theo lề luật, Ngài đã trở nên “ô uế”. Do đó Ngài không thể đi vào thị trấn hay nơi ở nào cả. Nhưng dân chúng thì cứ tuôn đến với Ngài. Cả trên thập giá, Ngài cũng sẽ mang lấy tội của mọi người và sẽ lôi kéo mọi người đến với Ngài (Ga 12,32).
SỨ ĐIỆP
« Gương mẫu của tôi chính là Đức Ki tô ». Đó là lời khuyên của Thánh Phao lô dành cho người Ki tô hữu. Suốt cuộc đời, chúng ta phải lấy Ngài làm mẫu mực của người thành công. Tin mừng chủ nhật hôm nay cho chúng ta một hình ảnh đặc biệt của Đức Ki tô. Chúng ta hãy dành thời giờ chiêm ngắm và cầu xin cho biết chúng ta có thể bắt chước Ngài trong những điều gì.
Thánh Mác cô không ngại giới thiệu Chúa Giê su như là người vi phạm lề luật Mô sê. Chúng ta hãy nhớ lại những cuộc tranh luận về ngày Sa bát. Điều tiên quyết đối với Ngài, đó là sự hiệp thông giữa tất cả mọi người. Thiên Chúa muốn rằng chúng ta được hạnh phúc và sống chung như anh em. Ngài không muốn chúng ta loại trừ nhau. Sứ mạng của Đức Ki tô là qui tụ hiệp nhất con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi.
Chính vì sự hiệp thông ấy mà Chúa Giê su không ngần ngại vi phạm lề luật được qui định chặt chẽ nhất. Các lề luật ấy là một chặng đường trên lộ trình của dân Kinh Thánh. Và trong quá khứ chúng đã đóng vai trò tích cực. Hôm nay, Đức Ki tô muốn giúp đỡ chúng ta làm một bước tiến lên nữa. Ngài mời gọi chúng ta vượt qua lề luật dẫn đến việc loại trừ đó, như qui định rằng người bị phung cùi đi đâu cũng phải kêu lớn tiếng : « Ô uế, ô uế ! » và phải tránh xa người khác, không được hiệp thông với họ. Đối diện với điều phải gọi đúng tên là bất công đó, Chúa Giê su tự đặt mình ở ngoài lề luật. Ngài hành động có trách nhiệm. Chúng ta nhiều khi cũng vi phạm lề luật. Thỉnh thoảng vi phạm có lí do: thí dụ một ai đó chay quá tốc độ để cứu sống một người. Nhưng nếu chúng ta vượt qua lề luật thì nói chung là vì ích lợi cho chúng ta. Còn Chúa Giê su lại hoàn toàn khác: Ngài không tìm lợi ích cho riêng mình nhưng vì lợi ích cho nhiều người.
Bản văn cho thấy : Ngài để cho người phung cùi đến gần mà lẽ ra phải đứng đằng xa kêu lớn tiếng: « Ô uế ! ô uế ! ». Rồi người ấy còn lớn tiếng tuyên xưng đức tin của mình: « Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được lành sạch ». Chúa Giê su sắp làm một hành vi không thể tưởng tượng được vào thời đó. Ngài « giơ bàn tay và chạm đến anh ta ». Khi làm như thế Ngài vi phạm lề luật và trở thành người ô uế và bị loại trừ. Có thể nói rằng Chúa Giê su mang lấy nơi mình tất cả phung cùi của con người. Gần giống như khi Ngài chịu phép rửa để thanh tẩy tội lỗi nhân loại: Khi từ dòng sông đi lên , Ngài đã mang lấy tất cả tội lỗi của con người, để giải thoát họ.
Hậu quả là Ngài bắt buộc phải tránh xa tất cả những nơi dân cư. Điều đó không có nghĩa nói rằng Ngài trở nên lây lan cho người khác. Chỉ có điều là Ngài cảm nghiệm sự loại trừ mà Ngài sẽ là nạn nhân đến tận thập giá. Ngài mang lấy nơi mình « sự chết » của người phung cùi khi ban cho anh ta sự sống. Một ngày kia, người ta sẽ dẫn Ngài ra ngoài thành và giết chết Ngài trên một cây thập giá. Ở đó, Ngài sẽ biến dạng, giống như những người phung cùi và tất cả sẽ quay lưng lại với Ngài.
Bài tin mừng nầy hôm nay nói với tất cả chúng ta. Bệnh phung cùi không còn là một lí do để loại trừ. Thậm chí nó đã trở thành một nguyên nhân của lòng quảng đại. Nhưng thế giới hôm nay đã có nhiều cách loại trừ khác không kém phần khốc liệt như phân biệt chủng tộc, bạo lực, loại trừ vì thất nghiệp, nghèo đói gia tăng. Thậm chí trên bình diện quốc tế, nhiều dân tộc bị loại trừ khỏi « câu lạc bộ may mắn ». Không có chỗ cho họ trong những cuộc họp quan trọng đưa đến những quyết định quan trọng cho nền kinh tế thế giới.
Việc loại trừ ấy kéo dài biên giới ngang qua tất cả các xã hội chúng ta. Vấn đề là phải biết cách vượt qua. Lấy Đức Ki tô làm mẫu mực, tức là chọn con đường liên đới với những bệnh nhân, tù nhân, những kẻ ở bên lề và tất cả những người bị thế giới chúng ta loại bỏ. Nếu chúng ta muốn gặp họ, chúng ta phải đi đến với họ.
Trọn bài tin mừng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn tái hòa nhập con người vào trong cộng đoàn nhân loại, con người bệnh tật nhưng cũng là con người tội lỗi. Trong khi theo bản năng tự nhiên, chúng ta phản ứng bằng thái độ xa lánh, thì Thiên Chúa lại phản ứng để tái hòa nhập. Bệnh si đa, một khoảng thời gian dài gây nên phản ứng loại trừ, nhưng Thiên Chúa đến để xây dựng cộng đoàn con người. Việc xây dựng đó chỉ có thể thực hiện với sự sộng tác của tất cả mọi người. Chúng ta được hưởng ơn Cứu độ Đức Ki tô mang lại, chúng ta được sai đi turyền giáo để làm chứng cho niềm hi vọng Ngài mang đến cho thế gian.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Xã hội Israên ngày xưa xem bệnh phung cùi như thế nào?
THƯA: Không giống như các bệnh tật khác, phung cùi là bệnh nan y, không ai có thể chữa được ngoại trừ một mình Thiên Chúa mới có thể trực tiếp ra tay chữa khỏi. Phung cùi làm cho người mắc bệnh bị ô uế về phần thiêng liêng. Một người bệnh phải bị tách riêng ra khỏi dân Thiên Chúa, phải sống ngoài trại, không được phép tham dự vào các hi tế. Một người bị phung cùi coi như là dấu chỉ bị Thiên Chúa loại trừ.
2. HỎI: Do đó, phung cùi coi như là bệnh tật biểu hiện tội lỗi?
THƯA: Đúng. Ngày xưa người ta coi phung cùi chính là hiện thân của tội lỗi. Vì thế, người ta không tìm cách chữa bệnh, mà chỉ buộc người mắc bệnh phải đi trình diện với thầy tư tế. Vị nầy không chữa bệnh nhưng chỉ xem xét và chứng nhận xem Thiên Chúa đã chữa khỏi chưa.
3. HỎI: Cựu Ước cho nhiều thí dụ về quan niệm ấy?
THƯA: Có, trong nhiều cơ hội, Thiên Chúa gửi bệnh phung cùi như là hình phạt kẻ có tội, qua đó cho thấy rằng tội lỗi làm cho con người lìa xa Thiên Chúa. Thí dụ trong sách Dân số 12, khi bà Maria, em ông Mô sê phạm tội chống lại Thiên Chúa vì đã càm ràm chống lại Mô sê, Thiên Chúa đã phạt bà phải bị phung cùi. Trong sách 2 Vua 5, Thiên Chúa chữa lành Naaman qua tiên tri Êlisêô, rồi Gheszi, tôi tớ của Êlisêô cũng bị phạt mắc bệnh phung cùi. Rồi trong sách 2 Sb 26, vua Uzzia sau nhiều năm trung thành theo Chúa, đã dám cả gan đi vào đền thờ, nên đã bị phạt phải bị phung cùi. Do vậy, phung cùi tượng trưng cho sự giận dữ của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giê su đã đến trần gian để giải thoát con người khỏi cơn giận của Thiên Chúa, nên một trong những phép lạ đầu tiên là chữa lành người bị phung cùi.
4. HỎI: Một vài qui chiếu Thánh kinh xác định giáo lí cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành bệnh phung cùi?
THƯA: Đúng là như thế. Trong sách 2 Vua 5, khi vua Syria sai tướng Naaman đến vua Israên để xin chữa bệnh phung cùi, Vua Israên nói: “Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung cùi? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta” (2V5,7).
5. HỎI: Vậy việc Chúa Giê su có quyền năng chữa lành bệnh phung cùi có ý nghĩa gì?
THƯA: Sự kiện Chúa Giê su không những chữa lành cho bệnh nhân nầy mà còn cho nhiều người khác, rồi còn ban cho các tông đồ quyền năng chữa lành bệnh phung cùi, cho thấy rằng Chúa Giê su chính là Thiên Chúa! Đấng Messia đích thực, đấng Cứu thể, Đấng có thể thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Thật vậy, người được chữa lành, sạch tội lỗi từ nay có thể tiến vào Đền thánh để ca tụng Thiên Chúa.
6. HỎI: Như thế, Chúa Giê su đã thực hiện được điều mà Luật cũ không thể thực hiện được?
THƯA: Đúng. Việc các thầy cả Luật cũ không có khả năng chữa bệnh phung cùi chứng minh rằng Lề luật ấy không thể xóa bỏ tội lỗi, mà chỉ làm cho tội lỗi trở nên hiển nhiên mà thôi. Chỉ có Đức Ki tô mới có thể giải thoát con người khỏi tội. Chúng ta đọc được điều đó trong thứ Rm 8,3: “Điều mà Lề luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình”.
7. HỎI: Tại sao đối với người Híp pri, bệnh tật phần xác là hậu quả tất nhiên của tội lỗi?
THƯA: Bởi vì tâm tình tôn giáo của những người đồng hương với Chúa Giê su gắn kết tâm hồn với thân xác chặt chẽ hơn người Hi lạp.
8. HỎI: Tại sao Chúa Giê su đụng chạm đến người phung cùi, khi không cần?
THƯA: Chắc chắn Chúa Giê su không cần phải đụng chạm để chữa lành, nhưng khi dùng tay chạm vào người bệnh, một cách nào đó, Ngài đã bị ô uế. Qua hành vi trên, Chúa Giê su được coi như người “mang hết các nỗi thống khổ của chúng ta”. Ở đây chúng ta thấy thực hiện lời sấm về người Tôi tớ Gia vê, mắc phung cùi như hình phạt vì tội lỗi chúng ta (Is 53, 3-12).
9. HỎI: Đâu là thái độ của Chúa Giê su trước bệnh tật con người?
THƯA: Chúa Giê su không hành động như một người cải cách chỉ biết đưa ra các lí thuyết hay một nhà thần học thiêng liêng, Ngài nói rất ít về bệnh tật, nhưng lại sẵn sàng ra tay chữa lành mọi thứ bệnh tật hành hạ con người. Ngài không nói rằng bệnh tật là điều lành, Ngài gọi bằng chính tên của nó và tỏ ra rất cảm thương người mắc bệnh. Khi chữa lành, Chúa Giê su không tỏ ra quá cảm xúc, nói nhiều lời hay làm nhiều cử chỉ. Ngài không có một sự phân biệt rạch ròi giữa bênh thể lí và tâm hồn. Ngài dùng những kiểu nói khác nhau để gọi cả hai là sự bất hạnh lớn nhất của con người.
10. HỎI: Vốn là một thực tế xấu trong đời sống con người, bệnh tật có thể có những mặt tích cực không?
THƯA: Chắc chắn rồi. Nhiều bệnh nhân nhờ bệnh tật của mình mà khám phá ra đức tin và hiểu được ý nghĩa sâu xa của đời sống con người. Khi còn khỏe mạnh hay làm ăn thành công, người ta không hiểu được giá trị bao la của cuộc sống và gắn bó với nhiều điều phù phiếm. Ngoài ra, bệnh tật khiến con người ngang hàng với nhau. Cả người quyền hành nhất trên trần gian cũng không thể tự chữa hay được chữa lành trong trường hợp bệnh nan y. Một bệnh nhân cần đến những phương thuốc thích hợp, cần sự can thiệp, một sự chữa trị không đến từ bản thân mà chỉ đến từ người khác.
11. HỎI: Ngay cả bệnh tật về phần thiêng liêng cũng đặt chúng ta trong tình thế phải nhờ đến người khác?
THƯA: Đúng, bệnh tật thiêng liêng số một chính là tội lỗi: bệnh tật mà chúng ta gây ra bởi sự tự do của mình. Khi chúng ta mắc những chứng bệnh thiêng liêng đó, chúng ta cần phương dược hiệu nghiệm cứu chữa đến từ bên ngoài mà chỉ có Thầy thuốc Giê su Ki tô mới có thể ban cho chúng ta.