CÔNG CHÍNH HƠN LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI
Đức Ông Albert Battandier thuật lại một câu chuyện của chính ngài: “Một hôm, tôi bị một người bạn vả mặt một cách vô lý. Không đánh trả, cũng chẳng hé môi, bất chợt nhớ lại lời Chúa Giêsu, tôi liền giơ thêm má kia cho ông ấy. Ông ấy giáng thêm một cái thật mạnh!
Lúc đó trên bàn có sẵn một con dao, tôi đứng dậy … và phải phấn đấu tự chủ lắm mới không quơ lấy con dao để trả thù.
Tôi nhắm mắt chạy thẳng một mạch ra nhà thờ. Tôi quỳ cầu nguyện, và an bình đã trở lại trong tôi … Bấy giờ tôi mới thấm thía sự khôn ngoan đích thực của thập giá”.
Thập giá tuy được coi là bản án nghiệt ngã nhất, nhưng lại được các Kitô hữu coi là con đường khôn ngoan nhất cho con người chọn lựa, đơn giản vì đó là con đường tình yêu.
Vâng, con người được Chúa ban một sự tự do rất lớn lao để cộng tác với Chúa mà định hình cho cuộc đời của mình: “Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì thì giơ tay ra trên cái đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào thì được thứ ấy”. (Hc 15,16-17)
Thế nhưng đâu là điều khôn ngoan nhất để chọn lựa mới là mối quan tâm của tất cả mọi người. Có người tìm sự khôn ngoan từ thế trần, cho rằng hạnh phúc là được thoả mãn mọi ham muốn trần tục, nhưng sự khôn ngoan đích thực không đến từ trần gian, mà từ Thiên Chúa: “Anh em thân mến, chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan với những người toàn thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan thế gian, cũng không phải của những bậc vua chúa thế trần, hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong. Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa vẫn được giấu kín”. (1Cr 2,6-7)
Không phải là một bộ luật được tuân giữ kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất, mà là một tình yêu hoàn hảo, yêu hết mình và yêu tự đáy lòng mới là tiêu chuẩn được Chúa Giêsu đưa ra như điều kiện cho sự sống tâm hồn: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu”. (Mt 5,20)
Mahatma Gandhi kể lại một câu chuyện trong đời ông:
"Thuở thiếu niên, tôi ăn xài phung phí. Mới mười mấy tuổi đầu mà tôi đã vướng phải nợ nần. Năm ấy tôi 15 tuổi, tôi có một quyết định vô cùng táo bạo, nhưng không thể làm gì khác hơn: đó là ăn cắp chiếc vòng bằng vàng của cha tôi để giải quyết số nợ và phần còn lại thì tiêu xài. Mọi việc lại không yên ổn như tôi nghĩ. Chẳng phải vì tôi bị phát hiện, bởi cha không hề nghi ngờ tôi là kẻ ăn cắp. Song chính lương tâm tôi bị dằn vặt mỗi ngày một mãnh liệt hơn.
“Không thể nào chịu được sự ray rứt trong tâm hồn mà cũng không đủ can đảm trực tiếp nói ra sự thật với cha, tôi quyết định viết những lời thú tội trên một tờ giấy. Toàn thân tôi run rẩy khi cầm đưa cho cha, rồi lùi ra xa một chút đứng ở góc nhà.
“Tôi đứng đó, im lặng và chờ đợi. Không khí trở nên ngột ngạt biết bao khi ánh mắt cha tôi đọc từng dòng chữ trên trang giấy nhỏ. Tôi chờ đợi một cơn thịnh nộ sẽ bùng lên, chờ đợi ánh mắt giận dữ của một người cha khi biết đứa con của mình là kẻ trộm cắp, lại là trộm của chính cha nó!
“Thế rồi, tôi thấy cha tôi nhắm mắt lại một lúc. Ôi! Cái khoảnh khắc ấy sao mà dài đăng đẳng! Tôi vẫn chờ đợi.... Khi cha mở mắt ra, cha tôi xé nát miếng giấy. Người đứng lên và bước đến dang tay ra ôm lấy tôi, cho đầu tôi áp vào ngực cha, rồi khẽ nói: “Tốt lắm con! Tốt lắm...” Những giọt nước mắt tôi tuôn tràn làm mờ đôi mắt, nhưng vẫn còn đủ rõ để khi ngước lên, tôi nhìn thấy được: cha tôi cũng khóc!"
Tình yêu của người cha đã hoàn toàn chinh phục người con và cống hiến cho nhân loại một Mahatma Gandhi chinh phục được đối phương bằng con đường hoà bình của tình yêu chân thành.
Các luật sĩ và biệt phái đóng đinh Chúa Giêsu: luật cứ luật giết chết tình yêu. Thế nhưng, trước khi trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá, Chúa Giêsu thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất”: tình yêu hoàn tất lề luật, và là luật tối thượng trên các luật.
Yêu đến quên mình, con đường Chúa đã đi, có phải là con đường của tôi?
Lm. HK