Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 6

CHỦ NHẬT 6 TN

Bậc thang giá trị theo Chúa Giê su

 

C9d5d2cb6-01f8-48c2-baac-20e7ef2e7291.Jpeghúa Giê su mời gọi chúng ta hãy làm một sự lựa chọn nền tảng. Lề luật Thiên Chúa trong Mười điều răn không bị phá hủy khi Chúa Giê su đến. Ngược lại, nó được mở rộng vì được nội tâm hóa. Giới răn đích thực của người Ki tô hữu chính là Các Mối Phúc thật, ràng buộc nhiều hơn các Điều răn của Luật cũ, nên chỉ có thể thực hiện với ơn của Chúa.

Sách Huấn ca 15,15-20

Tác giả nhắc chúng ta nhớ rằng người ta có thể lựa chọn vì có Tự do. Thiên Chúa tôn trọng những quyết định tự do như thế. Mỗi người có trách nhiệm về sự định hướng cuộc đời mình. Thiên Chúa đoái nhìn những ai kính sợ Ngài và hằng tìm kiếm Thánh ý Ngài.

Thánh Vịnh 118

Thánh Vịnh nầy tán dương Lề luật Thiên Chúa, và ca ngợi người tự do lựa chọn đi theo Lề luật ấy. Đó là trường hợp của tất cả những người tìm kiếm Thiên Chúa, của tất cả những ai cố gắng tìm gặp Ngài trong tâm hồn mình.

Thư 1 Cr 2,6-10

Để thay đổi tâm hồn chúng ta một cách triệt để như Chúa Giê su đòi hỏi, cần phải có một sự Khôn ngoan mới, tức là hiểu biết Mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan con người tìm cách chế ngự và đưa đến bạo lực. Còn sự khôn ngoan Thiên Chúa do Chúa Thánh Thần ban xuống mạc khải cho chúng ta Mầu nhiệm Thiên Chúa đồng thời giúp cho chúng ta có khả năng lãnh nhận.

TIN MỪNG: Mt 5,17-37

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nằm trong khuôn khổ bài giảng trên núi. (cc 5-7). Sau tám mối phúc, Chúa Giê su nói về phẩm cách của người môn đệ (5,13-16), tiếp đến là phần dài nhất của diễn từ được đóng khung trong hai cụm từ “Lề luật và các Tiên tri” (5,17 và 7,12). Chủ đề  của phần nầy là Chúa Giê su đến để hoàn thiện Lề luật cũ (5,17-20).

Có thể đọc đoạn tin mừng nầy theo bố cục sau đây:

1. Chủ đề: Chúa Giê su hoàn thiện lề luật cũ (5,17-20)

2. Hoàn thiện nội dung (5,21-37): các thí dụ.

TÌM HIỂU

Bãi bỏ: Chúa Giê su không đi ngược lại truyền thống phát sinh ra Lề luật, vì như thế có nghĩa là chống lại Thiên Chúa. “Lề luật là thánh” như lời thánh Phao lô nói (Rm 7,12). Ngài chỉ mang lại cho nó ý nghĩa xác thực.

Lề luật và các Tiên tri: kiểu nói chỉ hai bài đọc tương ứng với cách dùng trong phụng vụ các lễ nghi hội đường. Người ta dùng kiểu nói nầy để chỉ toàn bộ Kinh Thánh.

Lỗi phạm: việc tỉ mỉ thi hành lề luật có thể có một ý nghĩa “tất cả được hoàn thành” (5,18). Nhưng các tông đồ và các kì mục họp nhau tại Giêrusalem  (Cv 15) đã phán đoán đúng khi cho rằng không nên đặt lề luật trên các người ki tô hữu từ dân ngoại trở lại. Các câu 18 và 19 dường như được thêm vào, phản ánh ý tưởng của cộng đoàn Ki tô Do thái-Palestina mà Mát thêu đang ngỏ lời.

Công chính: chủ đề quan trọng trong tám mối phúc. Người ta sống công chính theo tinh thần mới không qua việc tuân giữ, nhưng bằng việc vượt qua lề luật. Đó là một điều kiện tuyệt đối, tuyệt đối hơn cả việc tuân giữ một điều nhỏ (5,19) để có thể có một chỗ trong Nước Trời.

Các kinh sư và người Pha ri sêu: các kí lục là những người được nhắm đến trong đoạn 5,21-38 trong khi người Pha ri sêu trong các câu 6,1-18.

Luật dạy rằng: kiểu nói ở thể bị động thường thấy trong Kinh Thánh để chỉ hành động của Thiên Chúa. Điều mà Chúa Giê su sẽ mang lại chỉ là nối dài lời của Thiên Chúa.

Giết người: Chúa Giê su trích dẫn Mười Giới răn (Mười Lời) (Xh 20, 13). Việc nhờ đến toà án không được qui định trong sách Xuất hành, nhưng đã thịnh hành trong thời Chúa Giê su.

Giận, đồ ngốc, đồ khùng: có sự tăng dần trong những cách biểu hiện sự nóng giận (= giận, đồ ngốc, đồ khùng), cũng như trong việc xử phạt mà Chúa Giê su đã ra (= xét xử toà án địa phương, rồi đến hội đồng do thái, và cuối cùng là lửa đời đời ở hoả ngục). Chúa Giê su diễn tả bằng những từ không thể áp dụng được trong phạm vi xét xử: không có một bộ luật nào xét xử những tư tưởng xấu. Vì thế, Ngài muốn nêu bật tính cách truyền lệnh của việc vượt qua lề luật mà Chúa Giê su đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài. Đàng khác, cách xử phạt thứ ba: lửa hoả ngục không nằm trong mức độ hình phạt loài người (5,29-30; 10,28; 18,9); trong Matthêu, nó nói lên tính cách đáng sợ trong án xử của Thiên Chúa.

Lễ vật: đây không phải là việc vượt qua lề luật, mà là tương quan giữa sự kính trọng người khác và hành vi thờ phượng

Bàn thờ: bàn thờ ở Giê ru sa lem. Điều luật nầy có từ lúc vẫn còn đền thờ và các môn đệ chưa cắt đứt liên hệ với do thái giáo chính thống. Tuy nhiên nó vẫn còn một giá trị lớn hơn trong tương quan với việc cử hành Thánh Thể.

Đối phương: Lời khuyên nầy giả thiết một tình thế rất khác so với trước: người ta đang ở trong tình trạng tố cáo. Người kia không phải là anh em, nhưng là người tố cáo. Đối chiếu với Lc 12,57-59, người ta có thể thấy một dụ ngôn: quan án là Thiên Chúa. Cần phải làm hoà trước khi ra trước mặt Người.

Ngoại tình: thêm lời trích dẫn nữa từ Thập giới (Xh 20,14). Lề luật xem xét một tội ác hình sự, một sự kiện hoặc một toan tính lấy người đàn bà của người khác (20,17). Chúa Giê su nội tâm hoá điều luật buộc. Ngay cả ước muốn làm như thế cũng phải từ bỏ, nghĩa là một cái nhìn với ý hướng xấu; điều đó có nghĩa là cần phải kính trọng bản thân và người đàn bà ngay từ trong những ý nghĩ thầm kín.

Mắt: câu nầy thêm vào làm cho điều luật trên trở nên bao quát hơn. Tác giả dùng cách diễn tả mạnh mẽ để nói rằng tinh thần, xét theo tổng thể, thì quan trọng hơn thân xác. Mọi người phụ nữ cần phải được người đàn ông kính trọng. Mọi cái nhìn đều có ảnh hưởng đến sự ngay thẳng nội tâm của chúng ta.

Rẫy vợ: tác giả tin mừng đưa vào đây một đối đề phụ khai triển thêm chủ đề ngoại tình (“Luật còn dạy rằng”). Rồi sau đó còn được lặp lại ở câu 33: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng”. Khung cảnh nầy phù hợp hơn với bối cảnh ở câu 19,9 để trả lời cho một câu hỏi của người pha ri sêu.

Bội thề: vào thời Chúa Giê su, dường như thói quen thề thốt đã mất giá trị quan trọng của nó. Người ta bày ra việc thề thốt cho những chuyện không đâu hoặc làm sai lệch giá trị bằng những tiểu xảo (23,16-22). Chúa Giê su mời gọi mọi người hãy giữ sự thẳng thắng và đơn giản.

Chớ bội thề..: Ám chỉ đến Thập giới (Xh 20,7).

Đừng thề chi cả: trong thư Gc 5,12 chúng ta thấy cùng một giáo huấn như thế: “Thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hể có thì phải nói có, không thì phải nói không, như thế anh em sẽ không bị xét xử”.

Chúa Giê su nhắc lại ý nghĩa của sự thánh thiện. Kính sợ Thiên Chúa và danh Người, kính trọng tất cả các tạo vật là đồ thánh, kính trọng bản thân mình trong sự trong sáng của lời nói.

SỨ ĐIỆP

“Các con không được ngừng lại ở mức độ Lề luật cũ.. Thầy bảo các con..”

Con người luôn bị cám dỗ giữ luật vì luật, vì cho rằng như thế là  sống những gì Thiên Chúa mong muốn. Nhưng Chúa Giê su mời gọi chúng ta hãy vượt qua những so đo tính toán ấy, để đạt tới tinh thần của lề luật là sống yêu thương: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng ngươi, hết sức ngươi, hết linh hồn ngươi”.

Đã hẳn, Lề luật là điều kì diệu, những nó phải được sống như Đức ki tô đã sống. Vì đối với Ngài, mọi sự từ nay được thực hiện trong mức độ tâm hồn con người, phải trở nên giống hình ảnh tâm hồn Thiên Chúa.

Không được giận dữ người anh em mình bởi vì cơn giận là mầm móng sinh ra tội giết người thực sự.  Không được thèm muốn, bởi vì nó đưa đến tội ăn cắp của cải người khác ngay từ thâm tâm. Cấm thề thốt, bởi vì chúng phá hủy sức mạnh của chân lí.

Trước kia, người ta tin rằng Tin mừng chỉ là sự hiền hòa, đạo đức, an ủi, khoan nhượng, thì nay chúng ta đối diện trước những đòi hỏi chưa từng thấy. Bấy giờ chúng ta phản ứng như các tông đồ: “Nếu vậy, thì ai có thể được cứu độ?” (Mc 10,26).

Chúa Giê su đã trả lời như thế nào, thì chúng ta cũng đã rõ, nhưng chúng ta lại sợ dấn thân, bởi vì dấn thân đòi hỏi chúng ta từ bỏ mọi sự. “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5).

Người Ki tô hữu không thể sống tốt nếu không sống một đời sống thiêng liêng vững mạnh: tức là kết hợp mật thiết với Đức Ki tô, tự ghép mình vào bản thân Ngài, là nguồn mọi ý chí và hành động.

Ánh mắt êm ái của Ngài nhìn chúng ta giúp chúng ta khám phá ra rằng không có Ngài, chúng ta không thể làm gì được, nhưng với Ngài và trong Ngài, tất cả trở nên có thể.

Và ánh mắt của chúng ta nơi người khác, nếu đúng là của chính Thiên Chúa tình yêu, nó sẽ đem lại cho chúng ta câu trả lời. Vì bấy giờ, nó giúp chúng ta tự hỏi, đức Ki tô đã hành động như thế nào trong trường hợp tương tự, và từ nay mỗi người trong chúng ta phải hành động như thế nào để hoàn thành lề luật.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Thương Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Thường Niên_Thầy Phêrô Maria. Mảnh vỡ. FVP
     ĐTC mời gọi tín hữu Buenos Aires cầu xin Đức Mẹ mở lòng để gặp gỡ người khác - Nt. Hồng Thủy - Vatican News
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VI Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật VI Thường Niên_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Mùa Thường Niên

Các bài viết cũ hơn
     MÙNG MỘT TẾT ÂM LỊCH - LỜI CHÚC ĐẦU NĂM - Lm. HK
     MÙNG MỘT TẾT ÂM LỊCH - PHÚC THAY NGƯỜI TIN CẬY CHÚA - Lm. HK
     MÙNG HAI TẾT ÂM LỊCH - TÌNH YÊU CỦA CHA MẸ - Jos. Tạ Duy Tuyền
     MÙNG MỘT TẾT ÂM LỊCH - SỰ TÍCH CON HỔ - Jos. Tạ Duy Tuyền