LỄ BA NGÔI
Tình yêu DIỆU KÌ
Thiên Chúa đã tỏ hiện cho loài người qua Đức Ki tô,
Con của Ngài. Nhờ thế, con người được đến gần Thiên Chúa Cha là Tình yêu và
được tham dự vào sự sống thần linh. Thần khí được ban xuống để thiết lập và gìn
giữ mối dây hiệp thông giữa chúng ta và Ba Ngôi.
Sách Xuất Hành 34, 4b-6.8-9
Ông Mô sê hướng dẫn dân tiến đến núi Si nai. Chính
đó là nơi mà Thiên Chúa muốn tái lập Giao Ước của Người với Dân Người, Giao Ước
mà trước tiên Người đã ký kết với ông Abraham. Thiên Chúa không muốn giữ hạnh
phúc cho riêng mình nên Người đã kêu gọi con người đến sống thân mật với Người.
Người mạc khải cho ông Môi sê như là một vì Thiên Chúa nhân ái và hay thương
xót, chậm bất bình và trung thành mãi.
Thánh Ca Đn 3, 2
Đoạn nầy thường được gọi là Thánh ca của ba thanh
niên trong lò lửa cháy bừng. Con người được trao cho vai trò chúc tụng Thiên
Chúa ngang qua Tạo Thành như là những ngón tay tài tình đánh thức bản hòa tấu
trên một cây đàn im lặng. Chúng ta hãy cùng đánh thức bài Ca ngợi của tạo vật.
Thư gửi 2 Côrintô 13, 11-13
Chúng ta hãy vui
mừng đọc những câu cuối cùng của bức thư trong chính Niềm Vui của Thiên Chúa;
hãy chia sẻ với người khác Niềm vui mà chúng ta đã nhận được và hãy giúp đỡ
nhau. Thiên Chúa bảo đảm sẽ ban sự Bình an Ngài cho chúng ta. Chúng ta hãy chia
sẻ sự Bình an mà chúng ta được lãnh nhận trong mỗi Thánh lễ. “Xin cho ân sủng của Chúa Giê su Giê su Ki
tô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta
luôn mãi”.
Tin mừng Gioan
3,14-21
NGỮ CẢNH
Chương 2 tin mừng
Gio an đề cập đến những thay đổi mà Chúa Giê su mang đến khi bắt đầu công cuộc
rao giảng: rượu mới (2,1-11), đền thờ mới (2,13-22), phụng tự mới (4)... Có một
số người do thái đã tin vào Ngài (2,23-25). Nhưng trước hết phải canh tân toàn
diện con người, điều kiện căn bản để được chấp nhận vào trật tự mới (c.3). Đây
là chủ đề cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê su và ông Nicôđêmô. (3,1-21), và cũng
là ngữ cảnh gần của đoạn văn của chúng ta.
Có thể đọc đoạn
văn theo bố cục như sau:
1. Phần đầu
(3,1-12) nói về sự cần thiết phải tái sinh bởi Thần khí để thấy được Nước Thiên
Chúa.
2. Phần hai
(3,13-21) xác quyết rằng chỉ có Con Người từ trời xuống mới có thể mạc khải
chương trình của Cha, tức là tái sinh con người bằng cái chết và sự sống lại
của Đức Ki tô (cc 13-17), nhờ niềm tin vào danh con Một, tuyệt đối cần thiết để
hưởng ơn Thần khí (cc16-21).
TÌM HIỂU
Yêu: lí do chính yếu của việc
Chúa Con đến trần gian và nguồn mạch nguyên thủy của ơn cứu độ chúng ta là tình
yêu của Thiên Chúa. Đây là lần đầu tiên xuất hiện động từ agapan, yêu,
rất quan trọng đối với Ga. Như trong thư 1 Ga 3,1; 4,9-11 và ở Rm 5,8; 8,32, ở
đây thánh Gioan khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương con người và đối tượng
tình yêu ấy là toàn thể nhân loại.
Ban:
đây
là chứng cớ cho thấy rằng Thiên Chúa yêu thương thế gian và muốn cứu độ nó:
Ngài đã ban Con của Người. Ban hoặc cho ở đây có một ý nghĩa khá
gần với giao phó. Chúa Giê su dùng từ nầy không những ám chỉ đến sự Nhập
thể nhưng còn đặc biệt đến cuộc Khổ nạn. Cao điểm tình yêu Thiên Chúa đối với
nhân lọai được thể hiện qua việc trao phó Con trên thập giá. Thư thứ nhất của
thánh Gio an còn nói rõ ràng hơn: “Tình yêu cốt ở điều nầy: không phải chúng
ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con
của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).
Được sống: sứ mạng của Con
thiết yếu hướng đến sự sống của chúng ta. Hành động của Ngài được nhấn mạnh một
cách đặc biệt; trước tiên bằng cách phủ định (“không chết”), rồi sau đó khẳng
định (“có sự sống đời đời”). Cả hai cách diễn tả soi sáng lẫn nhau; mục đích
không nhằm đưa chúng ta xa rời cuộc sống thể lí, nhưng giúp chúng ta đi vào một
cuộc sống nơi đó không còn bị sự chết đe dọa nữa.
Được cứu độ: điểm thứ hai
trong sứ mạng của Con là để cứu độ trần gian. Ở đây cũng có cách diễn tả kép.
Hoặc là án xử hoặc là ơn cứu độ. Nhưng mục tiêu mà Thiên Chúa
nhắm đến khi trao phó Con của Người hoàn toàn có tính cách tích cực: không phải
để lên án, nhưng để cứu độ.
Lên án và cứu độ,
cả hai từ soi sáng cho nhau: án xử theo đó người ta bị trừng phạt, không
được cứu thoát,. Ơn cứu độ hệ tại ở việc giải thoát khỏi tội lỗi và khỏi
các hậu quả của nó, cũng như tất cả những gì tách rời con người khỏi Thiên
Chúa. Thiên Chúa đã sai Con của Người đến để chúng ta có thể quay trở về với
tình yêu của Người và được sự sống trong Người.
Ai tin vào: Thiên Chúa muốn
ban ơn cứu độ và ban phát không giới hạn trong Con độc nhất của Người
(3,14.18). Người không bắt buộc ai, nhưng để hưởng nhờ ơn cứu độ người ta phải
tin. Tin, theo nghĩa tuyệt đối (x. Mc 16,16) là tin “trong danh của Con
Một của Thiên Chúa”. Sự gắn bó với “danh” Chúa Giê su, nghĩa là vào bản
thân Ngài, chính là đức tin chân thật hoàn toàn ngược lại với đức tin không
hoàn hảo của nhiều thính giả (2,24) và đặc biệt của ông Ni cô đê mô (3,2). Ai
từ khước tin, là từ chối ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho họ.
SỨ ĐIỆP
Trong thánh lễ
hôm nay, chúng ta mừng trọng thể Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Thiên
Chúa là tình yêu, một tình yêu thật khác xa và hoàn toàn ngược lại với những
hình ảnh mà chúng ta vẫn có từ bao đời nay. Chúng ta được nghe nói về một Thiên
Chúa nghiêm minh, công thẳng, xử phạt, nhưng Thiên Chúa không bao giờ để mình
bị bó hẹp trong hình ảnh mà chúng ta có về Người, vì Người hoàn toàn khác hẳn.
Ngày xưa, chúng
ta được dạy về Ba Ngôi rất thánh qua những câu giáo lí thuộc lòng mà cho đến
bây giờ chúng ta vẫn còn nhớ. Dĩ nhiên, những điều đó không phải vô ích, và
chúng ta không coi thường, nhưng cần chú ý đến điều nầy: mừng lễ Ba Ngôi là một
điều khác hẳn với việc đọc lên một định nghĩa học được ở lớp giáo lí. Để thực
sự biết Thiên Chúa, thì biết những điều cần biết về Người không thôi chưa đủ,
cần phải gặp gỡ Người, lắng nghe Người, đến gần Người. Hay đúng hơn, chính
Thiên Chúa đến gặp chúng ta và gõ cửa tâm hồn chúng ta.
Đó là điều mà bài
tin mừng hôm nay nói với chúng ta: “Thiên
Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người”. Khẳng định
trên là cốt lõi đức tin. Thiên Chúa đã trao ban tất cả để cứu độ con người. Con
Một Người đã đến với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực sự dữ, tội
lỗi và sự chết. Ngài là “Con Chiên Thiên
Chúa gánh tội trần gian”.
Như thế, chúng ta
hoàn toàn xa lạ với một vì Thiên Chúa trừng phạt, một vì Thiên Chúa muốn xét xử
và lên án. Điều duy nhất mà Ngài quan tâm, ấy là cứu độ trần gian, là giải
thoát họ khỏi ách ma quỉ. Đức Ki tô đã đối diện với các quyền năng sự dữ và đã
chiến thắng. Qua đó, Ngài đã khai mạc một thế giới mới trên trần gian nầy.
Trong toàn bộ Kinh Thánh và nhất là trong các
sách Tin mừng chúng ta luôn tìm gặp Mạc khải một Thiên Chúa tình yêu. Câu
chuyện về bụi gai bốc cháy nhưng không thiêu rụi cho chúng ta thấy một vì Thiên
Chúa đã đóai thương nhìn thấy cảnh lầm than khốn khổ của dân Người và đã kêu
gọi ông Mô sê làm lãnh tụ giải thoát.
Tình yêu mãnh
liệt của Thiên Chúa giống như một ngọn lửa không hề tắt. Trong các sách Tin
mừng, chúng ta cũng gặp một mạc khải tương tự: Chúa Giê su loan báo cho chúng
ta tin mừng Thiên Chúa là Cha, một người Cha yêu thương từng người con của
mình. Khi đứa con út hoang đàng trở về, Ngài mở tiệc ăn mừng. Ngài còn mạc khải
cho chúng ta tình yêu không điều kiện ấy của Thiên Chúa qua thái độ đón nhận
những kẻ bị xã hội loại trừ, những bệnh nhân, tha thứ những người tội lỗi bằng
cách trao ban sự sống trên thánh giá.
Hôm nay, chính
Đức Ki tô tiếp tục ở gần chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta đi theo Ngài và lắng
nghe lời Ngài, bởi vì phải qua Ngài chúng ta mới đến được Thiên Chúa Cha. Ngài
ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài chờ đợi từ chúng ta một lời đáp
trả thực sự ngang tầm với tình yêu mãnh liệt của Ngài. Một ngày kia, một anh
thanh niên trẻ không cha mẹ, không anh chị em nói rắng Thiên Chúa chính là gia
đình của anh ta. Anh rất nhạy cảm với tình Cha của Thiên Chúa và tình huynh đệ
của Đức Ki tô. Tuy nhiên, anh thú nhận rằng, anh biết Chúa Thánh Thần ít hơn.
Dù sao, anh đã hiểu một điều cốt yếu: được tạo dựng giống hình ảnh Người, chúng
ta được mang đi trong tình yêu của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay,
Chúa Giê su sai chúng ta đi làm chứng cho tất cả điều ấy. Sứ mạng của người ki
tô hữu được rửa tội và thêm sức là tiếp nối công trình cứu thế mà Đức Ki tô đã
thực hiện; và chính vì điều ấy mà Ngài ban Thánh Thần cho chúng ta, để hướng
dẫn chúng ta tới Chân lí vẹn toàn. Qua cách sống với người khác, qua cách đón
nhận thắm tình huynh đệ, chúng ta được mời gọi chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương
họ như thế nào. Tình yêu của Người dành cho tất cả mọi người, kể cả những kẻ bị
loại trừ, những kẻ tù đầy, những người không ra gì trước mắt thế gian. Ngài
dành cho họ vị trí ưu tiên trong trái tim yêu thương của Ngài. Yêu thương như
Đức Ki tô còn là tìm cách kiến tạo hoà bình, hiệp nhất, và hoà giải. Chính qua
dấu chỉ đó mà chúng ta được nhận biết là môn đệ của Ngài.
Sứ điệp quan
trọng của ngày lễ hôm nay, là chúng ta vừa là công dân của trần gian vừa là
công dân của nước trời. Chúng ta được mời gọi vừa nói có vừa nói không với trần
gian: nói không với tất cả những gì đi ngược lại chương trình yêu thương của
Thiên Chúa: và nói có trong cố gắng yêu thương trần gian nầy như Đức Ki tô và
cùng với Ngài. Chúng ta hãy cố gắng làm sao để cuộc sống của chúng ta không
phải là một phản chứng. Làm sao nói về một Thiên Chúa yêu thương khi người ta
không chấp nhận chia sẻ, khi người ta trừ khử nhau, khi người ta từ chối phục
vụ nhau? Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về hình ảnh mà chúng ta vẽ ra về
Thiên Chúa chúng ta.
Khi chúng ta nói
về Ba Ngôi như là một mầu nhiệm, chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa
ẩn mình. Thật ra, đó là một điều rất kì diệu: Ba Ngôi là chính Thiên Chúa tự
trao ban; Người muốn rằng chúng ta thông hiệp với Người. Khi chúng ta làm dấu
Thánh giá, chúng ta đọc: “Nhân danh Cha
và Con và Thánh Thần”. Lúc đó, chúng ta tuyên xưng đức tin: Chúng ta xác
nhận Thiên Chúa là đấng nào và chúng ta là ai. Chúng ta tuyên xưng phẩm tước
làm con Thiên Chúa, em Đức Ki tô, những người được thánh hóa bởi Thánh Thần.
Dấu Thánh giá ấy rất thường chúng ta làm một cách máy móc. Thật ra đó là cách
diễn tả niềm hãnh diện Ki tô giáo và sự thuộc về Gia Đình Ba ngôi. Cử chỉ đó
cũng như một chữ kí xác nhận dấn thân sống theo hình ảnh Thiên Chúa, hướng về
tha nhân, hảnh động liên đới trong tình huynh đệ với Đức Ki tô.
Ước gì Thánh Thần
của Chúa luôn ở với chúng ta để giúp đỡ chúng ta tiếp nhận tình yêu của Ngài để
sống và làm chứng trong suốt cuộc đời chúng ta.
ĐÀO SÂU
THIÊN CHÚA LÀ MỘT VÌ LÀ TÌNH YÊU
Xh 34,4-6.8-9 Thiên Chúa nhân ái và xót thương
mạc khải cho dân Người
Đn 3,52 Chúc tụng và tôn vinh Chúa đến
muôn đời !
2Cr 13,11-13 Trong tình yêu Ba Ngôi
Ga 3,16-18 Thiên Chúa đã yêu thương thế
gian đến nỗi đã ban Con Một Người.
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: THIÊN CHÚA LÀ MỘT VÌ LÀ TÌNH YÊU. Tình yêu
Thiên Chúa được mạc khải sau khi dân Người phạm tội thờ lạy bụt thần (Bđ1). Đức
Giê-su mạc khải tình yêu Thiên Chúa qua việc Người trao ban cho nhân loại Con
Một (BTM). Tình yêu Ngôi Cha thể hiện qua ân sủng Ngôi Con và sự thông hiệp của
Ngôi Thánh thần (Bđ2).
2. HỎI: Bối cảnh lịch sử của bài đọc một (Xh 34,4-6.8-9)?
THƯA: Lúc bấy giờ, ông Mô-sê dẫn đoàn người Híp-ri
đến núi Si-nai trên đường tiến về Đất hứa. Thiên Chúa đã hiện ra trên núi
Si-nai, tái lập Giao Ước với dân Ít-ra-ên và đã mạc khải danh thánh của Người
cho Mô-sê. Đối với các dân tộc thời cổ, được biết Danh của Thần Linh là một
điều vĩ đại, vì họ luôn quan niệm thần thánh như là những đấng mầu nhiệm và đầy
bí ẩn. Do vậy đối với Mô-sê đây là thời khắc thánh thiêng và cực kì quan trọng.
3. HỎI: Thiên Chúa đã tự mạc khải như thế nào?
THƯA: Thiên Chúa công bố Danh của Người cho nhân
loại, Người là “Chúa, Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót, chậm bất bình, đầy
yêu thương và thành tín”. Thái độ phủ phục sát đất thờ lạy Thiên Chúa của ông
Mô-sê đã cho thấy Danh Người thật cao cả.
4. HỎI: Danh xưng “Chúa” gợi lên điều gì nơi dân Ít-ra-ên?
THƯA: Trước tiên, Danh xưng “Chúa” gợi lên một đấng thần linh đầy lòng thương xót trước nỗi bất
hạnh của dân Người ở Ai cập. Danh ấy không chỉ là lời nói suông, mà còn là hành
động. Thiên Chúa đã thực sự can thiệp trong lịch sử Ít-ra-ên, đã ta tay quyền
năng giải thoát họ và đưa họ về Đất Hứa.
5. HỎI: Danh xưng ấy còn có nghĩa gì nữa không?
THƯA: Bài đọc hôm nay còn cho ta một mạc khải cao
trọng hơn nữa. Thiên Chúa không những tỏ lòng xót thương dân Người, mà còn yêu
thương họ nữa. Người ‘nhân ái từ bi, chậm bất bình, đầy lòng yêu thương và nhân
ái’. Thương xót trước nỗi bất hạnh
là một chuyện, còn thật sự yêu thương lại là một chuyện khác.
6. HỎI: Thiên Chúa “đi qua” trước mặt ông Mô-sê có nghĩa gì (Xh 34,6)?
THƯA: Thiên Chúa đi qua trước mặt ông Mô-sê để mạc
khải danh của Người cũng như Người đã từng “đi
qua” trước dân Người tại Biển đỏ đêm Vượt qua. Như thế. Thiên Chúa “đi qua” là để giải phóng. Lần trước
Người giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, lần nầy quan trọng hơn, khỏi những tư
tưởng hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa.
7. HỎI: Thiên Chúa “chậm giận” có nghĩa gì?
THƯA: Trong suốt cuộc lữ hành đi về Đất hứa, dân đã
không ngừng nổi loạn chống lại Đức Chúa (Đnl 9,7). Nhưng dù họ là dân cứng đầu
cứng cổ, luôn càm ràm kêu trách, coi giao ước là ách đè nặng trên vai, Thiên
Chúa vẫn tỏ lòng nhân ái, kiên trì và tha thứ tội lỗi cho họ.
8. HỎI: Bài đọc 2 (2Cr 13,11-13) có
nội dung như thế nào?
THƯA: Trong phần cuối thư 2 Cô-rin-tô, Thánh
Phao-lô chào chúc các tín hữu bằng cách nêu lên tình yêu của Ba Ngôi Thiên
Chúa: tình yêu của Cha được thể hiện ân sủng của Con và ơn hiệp thông của Thánh
Thần.
9. HỎI: Bài Tin Mừng có nhắc đến Chúa Thánh Thần
không?
THƯA: Bài đọc Tin mừng không minh nhiên nhắc đến
Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, dù không nói rõ, đoạn Tin mừng nằm trong ngữ cảnh
nói đến Chúa Thánh Thần.
10. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Ga 3,16-18) như thế nào?
THƯA: Đoạn Tin mừng nằm trong phần đầu chương 3, kể
lại cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người
Do thái ban đêm đến gặp Đức Giê-su. Đức
Giê-su cho ông biết cần thiết phải tái sinh bởi Chúa Thánh Thần mới được vào
Nước Thiên Chúa (3,1-8). Việc ấy
được thực hiện nhờ tình yêu của Cha qua việc sai Con mình đến để cứu độ trần
gian (3,9-21).
11. HỎI: So với CƯ, Tân Ước đã tạo một bước tiến dài
trong sự hiểu biết về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, bước tiến ấy
là gì?
THƯA: Cựu Ước đã cho biết Thiên Chúa yêu thương
con người, nhưng điều mới mẻ mà Tân Ước mang lại là việc Ngài ban Con Một của
Ngài để cứu độ trần gian.
12. HỎI: Và để được cứu độ con người phải làm gì?
THƯA: Chỉ cần tin vào Đức Giê-su thì được cứu độ:
“Bất cứ ai tin vào Người sẽ không hư mất
nhưng sẽ được sự sống đời đời” (Ga 1,12; x. 3,36; 6,47).
13. HỎI: Theo thánh Gio-an, sự sống đời đời là gì?
THƯA: Sự sống đời đời là sự sống của Chúa Thánh
Thần trong chúng ta, được ban cho chúng ta trong ngày chịu phép Rửa tội (Ga
5,24;11,26). Sự sống đời đời còn là ơn cứu độ, đó là nhận biết Thiên Chúa và
Đức Giê su Ki tô đấng Người sai đến (Ga 17,3).
14. HỎI: Thế nào là được cứu độ?
THƯA: Được cứu độ theo Kinh thánh là sống trong
bình an với bản thân và tha nhân, là sống với mọi người như anh em, và sống như
là con Thiên Chúa. Và để được như thế, chỉ cần tin vào Đức Giê-su là Đấng Cứu
độ mà Thiên Chúa ban cho trần gian.
15. HỎI: Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được cứu
độ, thế thì tại sao còn có người bị hư mất?
THƯA: Sở dĩ có người bị hư mất là vì họ không tin
và chối từ tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho trần gian qua Con Một của Người
(cc.16-18).
16. HỎI: Câu “nhưng
kẻ không tin thì bị lên án rồi” (c.18) có nghĩa gì?
THƯA: Kẻ không tin tự lên án chính mình vì chối từ
tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa đã ban qua Con Một của Người. Án xử không bởi
Thiên Chúa, nhưng bởi thế gian vì họ không chịu đón nhận và tin và Con Một của
Người. Chính họ đã chọn lựa cho mình sự chết.
17. HỎI: Bản văn thánh Gio-an ám chỉ đến lời tiên
tri nào trong Cựu Ước?
THƯA: Lời tiên tri Da-ca-ri-a qua đó Thiên Chúa hứa
ban ơn cứu độ và hoán cải cho Giê-ru-sa-lem: “Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng
biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta”
(Dcr 12,10).
18. HỎI: Tại sao gọi là Con Một?
THƯA: Vì Ngài là sự viên mãn của ơn sủng và chân
lí. Nên nói theo tiên tri Da-ca-ri-a, Ngài là nguồn độc nhất ban sự sống đời,
nên chỉ cần nhìn lên Ngài bằng cặp mắt tin tưởng là được cứu độ. Và cuối cùng
Ngài là Đấng độc nhất bởi vì chính Ngài là đầu nhân loại mới (x. Ga 1,14).
19. HỎI: Thánh Phao lô có nói điều gì tương tự như
thế không?
THƯA: Có. Trong thư Rô ma, Thánh Phao lô nói; “Nếu miệng anh em tuyên xưng rằng Giê su là
Chúa, và nếu trong lòng anh em tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài từ cõi
chết, anh em sẽ được cứu độ” (10,9).
20. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Ơn gọi ki tô hữu chính là tiếp nhận tình
yêu Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Tình yêu đến từ Thiên
Chúa Cha, thông ban cho chúng ta nhờ Đức Giê-su trong cuộc hi tế của Ngài, được
hiện tại hóa trong Thánh lễ và đưa chúng ta vào mối hiệp thông với Chúa Thánh
Thần. Vì thế: 2. Chúng ta phải tạ ơn và cảm nghiệm được tình yêu mà Thiên Chúa
đã dành cho chúng ta qua việc Con Một Người là Đức Giê-su Ki-tô được sai đến
thế gian này. 3. Có cảm nghiệm và nhận thức được tình yêu bao la ấy của Thiên
Chúa, chúng ta mới biết đáp lại một cách thích đáng, bằng một lòng tin sắt son.
GLCG 218 295. Trong dòng lịch sử của mình,
Ít-ra-en đã khám phá ra Thiên Chúa chỉ có một lý do duy nhất khi tự mặc khải
cho họ và đã chọn họ giữa tất cả các dân khác để thuộc về Người : đó là tình
thương nhưng không của Người (x. Dnl4,37; 7,8; 10,15). Và nhờ các ngôn sứ,
Ít-ra-en cũng hiểu rằng, chính vì yêu thương mà Thiên Chúa đã không ngừng giải
cứu (x. Is 43,1-7) và tha thứ những bất trung và tội lỗi của họ ( x. Hs 2).
458 219. Ngôi Lời đã làm người để giúp chúng ta
nhận ra tình thương của Thiên Chúa: " Đây là cách Thiên Chúa biểu lộ tình
yêu đối với chúng ta : Người đã sai Con Một giáng trần để nhờ Con Một của Người
mà chúng ta được sống" (l Ga 4,9). "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi
ban Con Một, để ai tin vào Con Một của Người thì khỏi phải chết, nhưng được
sống muôn đời" (Ga 3,l6).