LỄ CÁC LINH HỒN: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Từ
rất lâu đến nay, nơi những người ngoại giáo vẫn lan truyền một tin đồn vừa thiếu
chính xác, vừa có ác ý cho rằng: “Ai theo
đạo Chúa thì phải bỏ ông bà, không được thờ cúng tổ tiên”. Tin đồn này đã
là một trong những nguyên nhân gây ác cảm trong mắt người bên lương khi nói về
đạo và cũng là cái cớ để cho những kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, gieo rắc sự
chia rẽ lương giáo. Chúng ta không phủ nhận tin đồn này đã phát xuất từ quá khứ
lịch sử, từ khi đạo mới vào Việt Nam. Lúc đó cha ông chúng ta vốn có những niềm
tin dân gian như bao người khác, tuy nhiên khi đón nhận Tin Mừng, khi tin Chúa
là Thiên Chúa duy nhất quyền năng, Đấng tạo thành trời đất vũ trụ và làm chủ mọi
vật mọi loài, cha ông chúng ta đã không còn thờ cúng các thần linh cũng không
thực hành các tập tục ngoại giáo nữa. Chọn lựa này đã khiến những người Công
Giáo trở nên khác với các người khác, dẫn đến sự nghi kỵ. Các vua quan lúc bấy
giờ khi tàn sát người Công Giáo đã lấy lý do này làm lý do đầu tiên để bắt bớ
và bỏ tù các tín hữu. Tuy nhiên, sau năm trăm năm hiện diện trên đất nước Việt
Nam, những tin đồn thất thiệt kia dường như vẫn còn in sâu nơi những người ngoại
đạo. Phải chăng cho đến ngày nay, nhiều người Công Giáo đã sống và thể hiện chữ
hiếu chưa trọn đối với ông bà tổ tiên khiến cho người ngoại vẫn còn tin vào lời
đồn từ cách đây mấy trăm năm, rằng: “Theo
đạo Chúa không được thờ cúng, thảo hiếu với tổ tiên ông bà?”
Bởi
vì khác nhau trong niềm tin về mầu nhiệm sự chết, về thiên đàng, nên việc kính
nhớ tổ tiên của các tôn giáo chắc chắn sẽ khác nhau. Người ngoại giáo và phật
giáo tin rằng con người sau khi chết sẽ phải trải qua kiếp luân hồi để đầu thai
vào kiếp khác. Nếu kiếp này sống tốt thì kiếp sau sẽ thành tiên thành phật, nếu
kiếp này sống gieo điều ác, kiếp sau sẽ đầu thai làm súc sinh, thú vật. Người
chết vẫn cần được ăn uống để chờ hóa kiếp. Vì vậy, người bên lương bày tỏ lòng
tôn kính ông bà bằng việc cúng bái, dâng lên ông bà đồ ăn thức uống. Ông bà tổ
tiên tuy không ăn được trực tiếp, nhưng các ngài thấu hiểu tấm lòng thảo hiếu của
con cháu.
Niềm
tin của Kitô giáo có nhiều điểm khác với niềm tin dân gian của Việt Nam. Người
Công Giáo tin rằng chết là cánh cửa mọi người phải bước qua để trở về cùng
Thiên Chúa, là quê hương, nguồn cội của mình. Sau khi chết, mỗi người đều phải
trải qua cuộc phán xét của Chúa về tất cả hành vi và đời sống của mình. Nếu ai
có cuộc sống lành thánh, thì người đó sẽ được về Thiên đàng là nơi Thiên Chúa
ngự, kẻ ấy được chia sẻ vinh quang hạnh phúc với Thiên Chúa. Nếu ai khi còn sống
từ chối Thiên Chúa, không chu toàn giới răn lề luật của Ngài, chọn quay lưng lại
với Thiên Chúa, thì sau khi phán xét, kẻ ấy sẽ không bao giờ được nhìn thấy
Thiên Chúa của mình nữa. Chúng ta gọi đó là hỏa ngục. Thiên đàng là nơi hạnh
phúc là nơi dành cho Thiên Chúa và các thánh, vì thế những ai còn vướng mắc điều
gì khiến cho mình chưa xứng đáng, thì kẻ ấy phải trải qua giai đoạn thanh luyện
để trở nên trong sạch xứng đáng nhìn ngắm Thiên Chúa, ta gọi đó là luyện ngục.
Và điều quan trọng nhất khiến niềm tin Kitô giáo khác biệt với các tôn giáo
khác đó là chúng ta tuyên xưng: Thân xác loài người ngày sau sống lại, hoặc là
được hạnh phúc đời đời, hoặc phải xa lìa Thiên Chúa đời đời.
Vì
tin như thế, nên người Công Giáo thể hiện lòng thảo hiếu kính trọng, biết ơn bằng
việc đọc kinh cầu nguyện, nhất là dành những của lễ hy sinh, mồ hôi, công sức của
mình để đền bù thay cho các linh hồn. Việc dâng nhang cắm hương trước bàn thờ tổ
tiên là thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn. Việc cầu xin ông bà tổ tiên cầu
bầu cùng Chúa, phù hộ cho con cháu là việc làm tốt. Việc làm này muốn diễn tả
sự kính trọng và nhớ ơn bậc sinh thành, không mang nghĩa thờ phượng như chúng
ta thờ phượng Thiên Chúa. Vì không ai nghĩ ông bà mình là thiên chúa.
Niềm
tin vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh đã có từ rất xa xưa và được công bố
cách rõ ràng qua lời của ông Gióp trong bài đọc một. Ông lớn tiếng nói cho mọi
người rằng: “Có ai ghi lại lời tôi sắp
nói đây trên đồng, trên đá để lưu lại muôn đời, rằng: Tôi biết rằng Đấng Cứu
Chuộc tôi hằng sống và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại và trong xác thịt
tôi, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính mắt tôi sẽ nhìn thấy Ngài và chiêm
ngắm Ngài”.
Niềm
tin vào vào cuộc sống mai sau đã được Đức Giêsu nói một cách rõ ràng hơn trong
bài Tin Mừng: “Tất cả những ai Chúa Cha
ban cho tôi thì sẽ đến với tôi…tôi sẽ không loại kẻ ấy ra ngoài. Tất cả những kẻ
Người ban cho tôi, tôi sẽ không để hư mất, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày
sau hết”. Niềm tin vào sự sống mai sau là một niềm hy vọng lớn lao nhất của
mỗi chúng ta. Niềm tin này chỉ có Chúa Giêsu quả quyết và hứa cho chúng ta,
Ngài không bao giờ lừa dối chúng ta. Niềm tin vào sự sống sau cái chết làm cho
người Kitô hữu trở nên khác các tín hữu của các tôn giáo khác. Niềm tin này là
nền tảng hướng dẫn việc chúng ta sống và bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính tổ tiên
theo một cách khác với các dân ngoại.
Chúng
ta kính nhớ tổ tiên như thế nào? Việc kính nhớ tổ tiên của người Công giáo
không chỉ bắt đầu sau khi các Ngài qua đời, mà phải thể hiện ngay khi các Ngài
còn sống: Hết lòng yêu mến, chăm sóc, chu cấp cho các Ngài khi các Ngài già yếu;
an ủi nâng đỡ các Ngài khi các Ngài ốm đau, để cha mẹ ông bà khỏi cảm thấy lẻ
loi buồn tủi. Điều quan trọng là con cái phải lo liệu cho ông bà cha mẹ được
thường xuyên đến với Chúa, được xưng tội rước lễ. Lúc các Ngài đau liệt, lo liệu
để các Ngài được lãnh các Bí tích xức dầu, được rước Chúa như của ăn đàng. Khi
ông bà cha mẹ qua đời, phận làm con cái phải lo tang lễ, mồ mả cho các Ngài chu
đáo, không rềnh rang phô trương bên ngoài, nhưng chú tâm vào việc đọc kinh cầu
nguyện và xin mọi người đến cầu nguyện cho ông bà cha mẹ.
Việc
thể hiện lòng kính nhớ tổ tiên còn phải được thực hiện trong suốt cuộc đời.
Theo truyền thống Việt Nam, trong mỗi gia đình cần có một chỗ trang trọng dành
cho bàn thờ tổ tiên. Cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con cháu về những truyền thống
đạo đức tốt đẹp của ông bà để lại, đó là gia sản tinh thần chúng ta phải truyền
lại cho con cháu. Các bậc cha mẹ trong gia đình thường xuyên nhớ đến tổ tiên bằng
việc hương khói, giỗ chạp với lòng thành kính, đặc biệt là dâng lễ, đọc kinh cầu
nguyện cho tổ tiên.
Hàng
năm Giáo Hội dành trọn tháng 11 là tháng cuối cùng của năm phụng vụ để nhắc cho
mọi người nhớ và bày tỏ lòng thảo hiếu với ông bà tổ tiên. Nhưng quan trọng
hơn, khi đặt tháng cầu hồn vào cuối năm, Giáo Hội còn nhắc cho mọi người về
cùng đích cuộc đời của mỗi người và giới hạn sau cùng của con người là cái chết.
Nhắc như thế để mỗi người biết nhìn lại đời sống, để sống sao cho tròn đầy, sống
trọn đạo làm con đối với Chúa và trọn đạo làm con với tổ tiên ông bà. Cuộc sống
có bon chen đến mấy, có giàu sang bao nhiêu thì mọi người vẫn có chung một điểm
dừng đó là cái chết. Cuộc sống mai sau bên kia cái chết mới là điều quan trọng,
đó sẽ là cuộc sống vĩnh viễn, không thể thay đổi được nữa. Cuộc sống vĩnh cửu
đó như thế nào, số phận mỗi người sẽ ra sao, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào
thái độ sống của ta hôm nay. Vì thế, mỗi người cần phải sống sao để cho phía
sau cánh cửa sự chết là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng của Chúa đang chờ chúng
ta. Ngược lại, nếu chúng ta không chuẩn bị gì, thì phía sau cái chết là đau khổ
dày vò và sự tuyệt vọng của hỏa ngục.
Cử
hành ngày cầu nguyện cho tổ tiên hôm nay còn là dịp nhắc nhở mọi người chu toàn
bổn phận của mình trong gia đình, chu toàn chữ hiếu với ông bà tổ tiên. Trong
thực tế, nhiều người đã quá chú tâm vào cuộc sống hiện tại đến độ coi thường hoặc
bỏ qua việc chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Họ để cho danh vọng, tiền bạc vật
chất cản trở khiến cho lòng họ xa Chúa. Nhiều người đã đánh mất cơ hội khi còn
sống bên người thân, lơ là bổn phận thảo hiếu với ông bà và bổn phận đối với
anh em.
Xin
Chúa giúp chúng ta biết sống hiếu thảo với Chúa và với ông bà, biết ơn Thiên
Chúa vì mọi ơn lành Chúa ban, biết ơn ông bà tổ tiên vì công sinh thành dưỡng dục.
Xin Cho mỗi gia đình biết giáo dục con cái sống theo lề luật của Chúa phát huy
truyền thống tốt đẹp của tiền nhân để qua cuộc sống tốt lành thảo hiếu của
chúng ta, mọi người sẽ tin đạo Chúa là đạo thật, và tin người Công Giáo là những
người sống có hiếu, có tình. Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí