Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG ĐỜI CON

Icon_OpenBible_01.jpgChúa Giê-su đã nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, đối với một người mù như tôi, đó là con đường dễ đi nhất bởi vì tôi không sợ bị vấp ngã. Trên con đường đó, tôi có một người bạn song hành, người bạn đó sẽ chẳng bỏ rơi tôi cho dù tôi xấu xa, bướng bỉnh và đầy ích kỷ. Nhưng con đường đó lại là sự thật, mà sự thật thì không phải lúc nào cũng dễ chịu. Một sự thật chua chát khi con đường ấy là con đường đau khổ, con đường ấy là con đường vác thập giá. Nhưng chính Chúa cũng lại là sự sống, là nguồn ơn cứu rỗi cho linh hồn tôi. Phải chăng đó chỉ là một sự bám víu cùng quẫn hay là một sự đọc thần chú cho qua cơn sợ hãi?

Không, đó là cả một quá trình sống và trăn trở của một tâm hồn luôn muốn vươn tới sự thật. Mỗi khi mở cuốn Kinh Thánh ra, tôi luôn luôn rờ thấy dòng chữ nổi “LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG ĐỜI CON ở ngay trang đầu tiên”, tôi đã từng chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên và cho rằng đó là sự đúc kết của biết bao nhiêu người nghiên cứu về Kinh thánh. Thế nhưng Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu khiến ngày hôm nay chính tôi là người khẳng định: “LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG ĐỜI CON” chứ không phải ai khác!

Người đã làm gì cho tôi, một đứa con gái cứng lòng? Phải, từ khi mới 9 tuổi tôi đã là một đứa con gái rất bướng bỉnh và cứng lòng tin. Tôi lớn lên và sống đạo theo kiểu truyền thống gia đình chứ không dễ tin vào bất cứ điều gì. Tôi thường lý luận theo kiểu dựa trên cơ sở khoa học chứ chẳng dễ tin vào ma quỷ thánh thần cho dù tôi rất sợ ma. Tôi thường tỏ vẻ mạnh mẽ cho mọi người thấy chứ quyết không chịu nhận là mình yếu đuối. Nhưng kỳ thật tôi thường lo lắng cho một tương lai đen tối đã được đoán trước của đời mình khi vừa mới 17 tuổi. Lúc đó, theo thói quen chứ không phải vì lòng tin, tôi đã cầu xin với Chúa rằng: “Xin cho con đủ sức chịu đựng”. Rồi như một câu thần chú, tôi đã vượt qua được nhiều thứ trong bệnh tật, học tập và lao động bằng cách lập lại lời cầu nguyện ấy. Tuy nhiên, mọi thứ dường như lại đâu vào đấy, tôi vẫn cứ lao vào tìm kiếm vật chất, tiền tài. Tôi thường bị bố tôi trách móc vì lười biếng đọc Kinh Thánh, nhưng cũng không thể ép lòng vì Kinh thánh không hấp dẫn tôi bằng những cuốn sách khoa học, triết học, đặc biệt là truyện trinh thám và những vụ án mạng. . . Cho đến khi tôi mù hẳn vào cuối năm 1993, khi sức khỏe càng ngày càng xuống cấp, khi chẳng có chút tiền tài danh vọng trong tay, tôi đã bám víu vào Chúa như một người đang bơi giữa dòng sông bão tố vớ được chiếc phao. Trong suốt 8 năm đầu tập thích nghi với cuộc sống trong bóng tối và vật lộn với bệnh tật, tôi đã hiểu ra siêu giá trị của thập tự. Những ngày ấy, tôi bị những chứng đau nhức thần kinh, mất ngủ kéo dài, tay chân đi đứng khó khăn, những cử động rất nhỏ nhặt cũng khiến tôi đau ói mửa liên tục mà không thuốc gì ngăn nổi. Đôi khi tôi phải uống nhiều nước vào để có cái mà ói ra. Kỳ thực tôi cũng chẳng trông mong gì vào thế lực trần gian nữa, vì người nhà mang tôi đến bệnh viện rồi mang về với những đống thuốc mà tôi càng uống vào thì lại càng ói ra. Tôi cứ nằm chịu trận, chờ cơn đau đến rồi cơn đau lại đi sau khi tôi phó dâng và suy nghĩ về những dấu đinh của Chúa. . . Tôi cũng chẳng muốn rên rỉ tâm sự với ai ngoài Chúa Giê-su chịu đóng đinh vì ai mà thích nghe những điều ấy mãi? Mỗi sáng tôi thầm mong Chúa gởi đến cho tôi điều gì đó mới mẻ, và mỗi ngày lại có những sự việc tuy nhỏ nhặt nhưng lại đem đến nhiều vui trong suốt ngày hôm ấy. Thế rồi, cứ khỏe lên một tí, tôi lại chẳng tâm sự với Chúa nữa, lại thích quan tâm đến những chuyện thời sự, phim ảnh, thể thao. . . những chuyện tào lao đâu đâu.

Giáng sinh năm 2001, tôi quyết định đi dự lễ tại nhà thờ Đức Bà, lễ này được tổ chức đặc biệt cho người khuyết tật. Mặc dù tôi đã nghe nói về chữ Braille nhưng vẫn hết sức ngạc nhiên khi em gái tôi cho biết người đang đọc thánh thư là một người mù, vì giọng cô bé đọc rất dễ thương và trôi chảy. Sau đó tôi tìm đến Mái Ấm Thiên Ân học chữ nổi và sử dụng computer với thầy Phong. Chưa hết, tôi lại gặp một trở ngại mà tôi và thầy Phong đã không ngờ đến, những đầu ngón tay phải của tôi cảm giác rất kém không nhận được ký hiệu. Cuối buổi học thứ hai, khi tôi tưởng chừng sắp phát khóc vì phải bỏ cuộc, tự nhiên tôi đưa ngón trỏ trái lên rờ vào hàng ký hiệu thì nhận ra cảm giác khá hơn. Cuối cùng tôi cũng đọc được chữ nổi tuy có chậm hơn bạn bè song tôi vẫn nhận ra rằng Chúa đã mở ra cho mình một cánh cửa rộng lớn từ đây. Tôi bắt đầu học tập và hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường. Tôi tự tin trở lại, giao tiếp, sinh hoạt với cộng đồng người khuyết tật và tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Thời gian đầu, vì không có nhiều sách chữ nổi để đọc, tôi miễn cưỡng đọc những cuốn Kinh Thánh. Tôi ngạc nhiên nhận ra rất nhiều điều thiết thực Chúa dạy mà trước đây tôi đã nghe như “nước đổ đầu vịt”. Tôi còn đem những điều mình nhận thấy có thể áp dụng đơn giản vào cuộc sống hàng ngày nói cho những thành viên trong gia đình biết, đây là việc trước đó tôi chưa bao giờ làm. Mặc dù cho đến hôm nay tôi vẫn chưa tập được thói quen đọc Kinh Thánh mỗi ngày, song có thể nói Lời Chúa chính là con đường cho tôi bước đi trong bóng tối của sự mù lòa. Con đường của Chúa thường dẫn tôi vào nơi sâu thẳm của tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa. Con đường ấy dẫn tôi vào thinh lặng để xem xét lại cách cư xử của mình đối với anh em. Con đường ấy dẫn tôi ra khỏi nơi phù hoa đô hội để tôi thoát khỏi sự níu kéo của vật chất phù phiếm. con đường ấy đã dẫn tôi lên đồi Gôn-gô-ta để hiểu ra ý nghĩa của sự đau khổ và giúp tôi vác thập giá đời tôi một cách nhẹ nhàng hơn: “HÃY ĐẾN VỚI TA, HỠI NHỮNG AI GÁNH NẶNG. . . HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TA VÌ ÁCH CỦA TA THÌ ÊM ÁI. . .”. Chẳng phải Chúa đã chữa cho tôi khỏi sự mù lòa của tâm hồn đó sao? CA2XADK5.jpg

Lời Chúa chỉ cho tôi cạm bẫy, hố sâu, vực thẳm để tôi khỏi sa chân lỡ bước. Lời Chúa chỉ cho tôi lối sống công bình, bác ái, và phục vụ anh em. Lời Chúa dạy cho tôi biết sống khoan dung với người anh em hèn mọn, yếu đuối nhưng không khoan nhượng những điều sai trái, gian manh. Lời Chúa giúp tôi hiểu ra rằng nếu tôi tha thứ cho anh em mình thì tôi sẽ được bình an và tự giải thoát mình khỏi hận thù ganh ghét. Lời Chúa giúp tôi sống có mục đích, có ý nghĩa và sống dồi dào bất kể thân xác tôi đã tàn tạ vì bệnh tật và thời gian.

Cũng những đoạn tin Mừng ấy, nhưng trong mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm trạng, mỗi tuổi tác, tôi lại cảm nghiệm ra những điều mới mẻ và cách ứng dụng khác nhau. Có lúc tôi giật mình nhận ra tôi giống như một trong những người Pha-ri-sêu đắc ý hỏi Chúa Giê-su sẽ xử trí ra sao với người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Biết đâu tôi đã chẳng tệ hơn họ? Vì ít nhất họ cũng đã cụp đuôi bỏ đi, còn tôi, tôi đã bao lần quyết dùng lý lẽ để xét đoán anh em? Khi đọc đoạn Tin Mừng NGƯỜI CHA NHÂN HẬU, tôi hiểu rằng tôi đã nhận ra mình chính là đứa con hoang đàng chứ không biết mình đôi khi xử sự giống như người anh cả, tưởng mình là đứa con hiếu thảo mà không thấu hiểu nỗi lòng của người Cha. . .

Quả thật, LỜI CHÚA LÀ ÁNH SÁNG ĐỜI CON, đến bây giờ tôi nhận ra điều ấy không phải vì câu này được viết ra bởi những người nghiên cứu Tin Mừng nhưng bởi vì tôi đã được Lời Chúa soi tỏ. Các bạn biết rõ Mặt trời to lớn và tỏa năng lượng đến mức nào, nhưng một người mù như tôi chỉ cảm thấy nó khi có nắng ấm. Vào những ngày mưa gió lạnh lẽo, tôi không biết có sự hiện diện của nó cũng như ánh sáng chan hòa tỏa ra từ nó. Trái lại, những dòng chữ nổi như những hạt cát li ti trong cuốn Kinh Thánh ghi lại Lời Chúa có sức mạnh kỳ lạ. Những khi một mình trong bóng tối rờ rẫm những dòng chữ đó, tôi lẩm bẩm đọc và tự hỏi Chúa đang dạy tôi điều gì? “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. . . “Câu nói này của Chúa giúp tôi nhận ra bản tính kiêu căng của mình để mà sửa đổi. . .

Tương lai trước mặt có lẽ sẽ còn nhiều gian truân đối với tôi, rồi đường đời chông chênh sẽ xô đẩy, xui khiến tôi ra khỏi kế hoạch của Chúa. Nhưng tôi tin chắc rằng nếu tôi cứ bám theo con đường của Chúa, Lời Chúa sẽ mãi là ánh sáng của đời tôi. Chính Lời Chúa đã gieo vào lòng tôi niềm tin tưởng đó khi trong Tin Mừng đã chỉ ra cho thấy Chúa chạnh lòng thương xót những người mù hèn mọn và tội lỗi như thế nào. Lời Chúa đã gieo vào lòng tôi niềm hy vọng vào sự khoan dung độ lượng của Chúa qua rất nhiều dụ ngôn về vườn nho và Nước Trời. Ánh sáng cứ thế ùa vào tâm trí tôi, tràn ngập không gian khiến tôi hầu như không còn trở ngại gì về đôi mắt mù lòa. Thậm chí ngay cả ban đêm căn phòng của tôi chẳng tốn tiền thắp điện. Nhưng chính Lời Chúa đã thắp lên trong tôi một niềm tin và hy vọng vào sự Phục sinh của Con Người. Cả điều này cũng đã được Chúa Giê-su báo trước, và chính Chúa đã không bỏ mặc hai môn đệ đang thất thểu trên đường về E-mau, Người đã theo họ cả ngày trời để khôi phục lại niềm tin cho họ. Năm xưa Chúa đã dùng các dấu đinh của Chúa để khôi phục niềm tin cho Tô-ma, thì ngày nay Chúa cũng đã và đang củng cố niềm tin qua các việc Người làm cho tôi. Không những thế, tôi còn được chính Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh ở cùng, và là niềm tin chắc chắn cho tôi rằng: thân xác này rồi sẽ thối rữa nhưng linh hồn tôi sẽ trỗi dậy cùng với Người. Cho dù bây giờ tôi không có một bảo đảm về tiền tài, sức khỏe nhưng tôi luôn tìm được niềm hy vọng, cậy trông và đặc biệt là sự bình an từ Chúa Ki-tô Phục sinh, vì vậy mà tôi sống rất ung dung tự tại. Như Madalena xưa thấy những sự việc xảy ra trong ngôi mộ trống của Chúa Giê-su đã chạy về báo cho các môn đệ, tôi cũng muốn nói cho các bạn biết về những gì Chúa đã làm cho tôi, từ một người vô dụng tưởng đã bỏ đi giờ trỗi dậy sáng tác thơ diễn tả sự kỳ diệu của Lời Chúa.

Viết trong ngày lễ Phục Sinh năm 2010

Vũ Thủy 

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG CUỘC SỐNG: Tình Yêu và Đức Tin sống động của người vợ giúp chồng nhận biết và gặp Chúa- Đoàn Thị Phượng, USA
     TRUYỀN GIÁO- BM
     CHÚA THÁNH THẦN TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
     HÃY ĐI VÀ LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ - MBM
     SỰ SỐNG SAU CÁI CHẾT - Têrêsa Ngọc Lễ
     Chứng nhân trong sự hiệp nhất yêu thương - Jos. Tạ Duy Tuyền
     Những ngày đầu xuân: Chuyện kể về tình yêu và sự sống_ MMsj
     ĐI TÌM DẤU CHÂN ĐỊA ĐÀNG